Quan trắc môi trường lao động chính là hoạt động thu thập, phân tích, đánh giá số liệu đo lường những yếu tố trong môi trường lao động ở tại nơi làm việc. Vậy có bắt buộc công bố kết quả quan trắc môi trường lao động?
Mục lục bài viết
1. Bắt buộc công bố kết quả quan trắc môi trường lao động?
Khoản 10 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có giải thích Quan trắc môi trường lao động chính là hoạt động thu thập, phân tích, đánh giá số liệu đo lường những yếu tố trong môi trường lao động ở tại nơi làm việc để có biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp.
Điều 18 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, Điều này quy định kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc như sau:
– Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại ở tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho những người lao động; thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng cho những người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng.
– Đối với yếu tố có hại được Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giới hạn tiếp xúc cho phép để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe của người lao động thì người sử dụng lao động sẽ phải tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại ít nhất là một lần trong một năm. Đơn vị tổ chức quan trắc môi trường lao động phải có đủ các điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị và nhân lực.
– Đối với yếu tố nguy hiểm thì người sử dụng lao động phải thường xuyên kiểm soát, quản lý đúng với yêu cầu kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động ở tại nơi làm việc và ít nhất một lần trong một năm phải tổ chức kiểm tra, đánh giá yếu tố này theo quy định của pháp luật.
– Ngay sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại và kết quả của kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải:
+ Thông báo công khai cho người lao động ở tại nơi quan trắc môi trường lao động và nơi được kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm;
+ Cung cấp các thông tin khi tổ chức công đoàn, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu;
+ Có biện pháp khắc phục, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại ở tại nơi làm việc nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
Theo quy định trên thì trách nhiệm và nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi thực hiện việc kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc đó chính là phải thông báo công khai cho người lao động ở tại nơi quan trắc môi trường lao động và nơi đã được kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm ngay sau khi mà có kết quả quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại và kết quả của kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc. Như vậy, việc thực hiện công bố kết quả quan trắc môi trường lao động sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động cho những người lao động biết là một thủ tục bắt buộc đối với người sử dụng lao động.
2. Người sử dụng lao động không công bố kết quả quan trắc môi trường lao động có bị xử phạt:
Như đã phân tích ở mục trên, việc thực hiện công bố kết quả quan trắc môi trường lao động sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động cho những người lao động biết là một thủ tục bắt buộc đối với người sử dụng lao động, chính vì thế nếu như người sử dụng lao động không công bố kết quả quan trắc môi trường lao động thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Khoản 2 Điều 27 Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam ở nước ngoài theo hợp đồng quy định xử phạt các vi phạm quy định về quan trắc môi trường lao động, Điều này quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi mà không công bố công khai cho người lao động tại nơi quan trắc môi trường lao động và nơi đã được kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm biết ngay sau khi mà có kết quả quan trắc môi trường lao động và kết quả kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc.
Theo đó, hành vi không công bố kết quả quan trắc môi trường lao động cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Thêm nữa, tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định rõ mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV chính là mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 của Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 của Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 của Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 của Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 của Điều 46. Áp dụng về mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, người sử dụng lao động có hành vi không công bố kết quả quan trắc môi trường lao động cho người lao động thì sẽ bị xử phạt như sau:
– Đối với người sử dụng lao động là cá nhân: phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
– Đối với người sử dụng lao động là tổ chức: phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
3. Nguyên tắc thực hiện quan trắc môi trường lao động:
Căn cứ Điều 35 Văn bản hợp nhất 631/VBHN-BLĐTBXH 2019 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật An toàn vệ sinh lao động quy định về nguyên tắc thực hiện quan trắc môi trường lao động, Điều này quy định nguyên tắc thực hiện quan trắc môi trường lao động bao gồm có:
– Thực hiện quan trắc đầy đủ yếu tố có hại đã được liệt kê trong Hồ sơ vệ sinh lao động do cơ sở lao động lập. Đối với những nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm thì khi quan trắc môi trường lao động phải thực hiện đánh giá gánh nặng lao động và một số các chỉ tiêu tâm sinh lý lao động Ec-gô-nô-my
– Quan trắc môi trường lao động thực hiện theo đúng như kế hoạch đã lập giữa cơ sở lao động và tổ chức đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động.
– Quan trắc môi trường lao động phải bảo đảm như sau:
+ Thực hiện trong thời gian cơ sở lao động đang tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh;
+ Lấy mẫu theo phương pháp lấy mẫu cá nhân và vị trí lấy mẫu được đặt ở tại vùng có khả năng ảnh hưởng đến người lao động;
+ Đối với quan trắc môi trường lao động bằng phương pháp phát hiện nhanh khi kết quả có nghi ngờ thì tổ chức quan trắc môi trường lao động lấy mẫu, phân tích bằng phương pháp phù hợp ở tại phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn.
– Yếu tố có hại cần quan trắc, đánh giá được bổ sung cập nhật ở trong Hồ sơ vệ sinh lao động trong trường hợp sau đây:
+ Có thay đổi về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất hoặc là khi thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở lao động mà có các nguy cơ phát sinh yếu tố nguy hại mới đối với sức khỏe người lao động;
+ Tổ chức quan trắc môi trường lao động đề xuất bổ sung khi mà thực hiện quan trắc môi trường lao động;
+ Theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
– Tổ chức thực hiện quan trắc môi trường lao động được thanh toán các chi phí quan trắc môi trường lao động; đánh giá tiếp xúc nghề nghiệp, báo cáo và những phí quản lý do người sử dụng lao động chi trả theo quy định của pháp luật.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015;
– Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Văn bản hợp nhất 631/VBHN-BLĐTBXH 2019 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật An toàn vệ sinh lao động.