Nguyên tắc bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản? Quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng và chế biến khoáng sản? Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản?
Bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản nói riêng đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu, là mối quan tâm của hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước có nền công nghiệp mỏ phát triển. Việt Nam cũng như các nước đang phát triển là những quốc gia có nhu cầu rất lớn về tài nguyên khoáng sản để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản hiện nay đang được xã hội hóa với tốc độ cao, vì vậy cần thiết phải có hành lang pháp lý vững chắc và môi trường đầu tư an toàn trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, cũng như về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Vậy bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản được pháp luật quy định như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Nguyên tắc bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản
1.1. Nguyên tắc coi trọng tính phòng ngừa bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản
Nguyên tắc này hướng tới việc ban hành và áp dụng các quy định của pháp luật về khoáng sản vào sự ngăn chặn chủ thể thực hiện các hành vi có khả năng gây nguy hại tới môi trường. Bởi khoáng sản là tài nguyên quan trọng của quốc gia, tác động trực tiếp đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đát nước, ảnh hưởng đến sự bền vững của kinh tế – xã hội trước mắt và lâu dài, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
1.2. Nguyên tắc đảm bảo sự phát triển bền vững trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản
Hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản cần được điều chỉnh trên nguyên tắc phát triển bền vũng vì: khoáng sản là tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được và tiềm năng khoáng sản ở nước ta có hạn; hoạt động khai thác khoáng và chế biến khoáng sản là một trong những hoạt động có tác hại rất lớn tới môi trường.
Trong hệ thống các quy định pháp lý về hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản thì Luật khoáng sản có vai trò là nền tảng pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp giữa khai thác khoáng sản và các giải pháp bảo vệ môi trường.
2. Quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng và chế biến khoáng sản
2.1. Quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản
Nội dung quản lý nhà nước về khoáng sản được quy định tại Điều 3
– Nhà nước phải có chiến lược, quy hoạch khoáng sản để phát triển bền vững kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh trong từng thời kỳ.
– Nhà nước phải bảo đảm khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.
– Nhà nước đầu tư và tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo chiến lược, quy hoạch khoáng sản theo quy định; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ trong công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản.
– Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hợp tác với các tổ chức chuyên ngành địa chất của Nhà nước để điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
– Nhà nước đầu tư thăm dò, khai thác một số loại khoáng sản quan trọng để phục vụ mục đích phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.
– Nhà nước có các chính sách khuyến khích dự án đầu tư khai thác khoáng sản gắn với chế biến, sử dụng khoáng sản để làm ra sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc các sản phẩm khác có giá trị và hiệu quả kinh tế – xã hội.
– Nhà nước có chính sách xuất khẩu khoáng sản trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế – xã hội dựa trên nguyên tắc ưu tiên bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
Việc tổ chức thực hiện toàn bộ các nội dung quản lý nhà nước về khoáng sản như trên sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp mỏ phát triển ổn định và bền vững, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, hướng các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.
2.2. Quy định về cấp phép khai thác khoáng sản
Luật khoáng sản 2010 quy định về Giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản như sau:
– Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp phép cho tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật khoáng sản. Dự án đầu tư khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp. Đối với khoáng sản độc hại còn phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản, có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
– Giấy phép khai thác khoáng sản có nội dung sau: Tên tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, loại khoáng sản, địa điểm, diện tích khu vực khai thác khoáng sản, trữ lượng, công suất, phương pháp khai thác khoáng sản, thời hạn khai thác khoáng sản, nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Như vậy, quy định và điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhằm nâng cao chất lươngh, tránh tùy tiện trong thẩm định hồ sơ cấp giấy phép thăm dò, khia thác khoáng sản, đồng thời lựa chọn được tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm để cấp phép.
2.3. Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản theo Luật bảo vệ môi trường
Theo quy định tại Điều 67 Luật bảo vệ môi trường quy định tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản như sau:
Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có phương án phòng ngừa, ứng phó đối với sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật, bao gồm:
– Thu gom, xử lý nước thải phát sinh trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật;
– Thu gom, xử lý chất thải rắn phát sinh trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định về quản lý chất thải rắn;
– Có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, xả khí thải phát sinh trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh;
– Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật về khoáng sản;
– Thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
3. Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản
Môi trường là tập hợp tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh con người, ảnh hưởng tới con người và tác động đến các hoạt động sống của con người như: không khí, nước, độ ẩm, sinh vật, xã hội loài người và các thể chế.
Chính vì môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xung quanh con người và hiện tại khi hoạt động khai thác khoáng sản đang tác động đến môi trường thì cuộc sống của con người ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. chính vì vậy, khi khai thác khoáng sản cần phải có biện pháp bảo vệ.
Theo quy định tại Điều 30 Luật khoáng sản 2010 quy định về việc bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản, đó là:
Thứ nhất, tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường; thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật. Khi tổ chức hoạt động khoáng sản thì các doanh nghiệp, tổ chức, các nhân hoạt động khai thác phải sử dụng các thiết bị hiện đại để hạn chế việc ô nhiễm môi trường cũng như là ngăn ngừa những tác động xấu ra môi trường.
Thứ hai, tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thực hiện các giải pháp và chịu mọi chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường. Giải pháp, chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường phải được xác định trong dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ ba, trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của Chính phủ.