Bao nhiêu tuổi được lái xe? Mức phạt đối với hành vi lái xe khi chưa đủ tuổi? Mức xử phạt hành chính đối với người dưới 18 tuổi điều khiển xe vi phạm.
Hiện nay, hiện tượng học sinh đi xe mô tô/xe máy đến trường diễn ra rất phổ biến. Phụ huynh đưa ra nhiều lí do để cho con em mình đi xe mô tô/xe máy đến trường như nhà xa, không có phương tiện khác, bố mẹ không thể đưa đón… Tuy nhiên, không phải loại xe gắn máy nào các em học sinh cũng được phép điều khiển khi tham gia giao thông. Nó còn phụ thuộc vào độ tuổi và phân khối của phương tiện mà các em sử dụng.
Mục lục bài viết
1, Bao nhiêu tuổi được lái xe?
Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về độ tuổi lái xe như sau:
‘1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe.’
Các khái niệm “xe gắn máy”, “xe mô tô” được quy định trong Điều 3, QCVN 41:2016/BGTVT như sau:
‘3.39. Xe mô-tô (hay còn gọi là xe máy) là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự, di chuyển bằng động cơ có dung tích xi lanh từ50 cm3 trở lên, tải trọng bản thân xe không quá 400 kg đối với xe máy 2 bánh hoặc khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 350 kg đến 500 kg đối với xe máy 3 bánh. Khái niệm này không bao gồm xe gắn máy nêu tại Khoản 3.40 quy định tại Điều này.
3.40. Xe gắn máy là chỉ phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50 cm3.’
Và trong Khoản 1, Điều 3, Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
‘c) Các loại xe tương tự xe mô tô là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh, có dung tích làm việc của động cơ từ 50 cm3 trở lên, có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50 km/h, có khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg;
d) Xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h;
đ) Các loại xe tương tự xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h, trừ các xe quy định tại Điểm e Khoản này;
e) Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện).’
Như vậy, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 chỉ được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3. Để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên (sau đây gọi chung là xe máy) hay xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (sau đây gọi chung là xe ô tô) thì người điều khiển phải đủ 18 tuổi trở lên.
Theo đó, các bạn học sinh mới 17 tuổi nên chỉ được phép lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3.
2, Mức phạt đối với hành vi lái xe khi chưa đủ tuổi
Theo quy định tại Điều 21
‘Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
1. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
…. 4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;
… 5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;
6. Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo, các loại xe tương tự xe ô tô.
7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
a) Có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng từ 06 (sáu) tháng trở lên;’
Tóm lại: Khi vi phạm “Không có GPLX” đối với mô tô:
– Dưới 16 tuổi thì sẽ không bị phạt tiền mà chỉ bị phạt cảnh cáo, cảnh cáo bằng văn bản, cũng ra Quyết định xử phạt theo hình thức CẢNH CÁO.
– Từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị phạt 500.000đ.
– Đủ 18 tuổi thì bị phạt 1.000.000đ.
Đối với các lỗi vi phạm giao thông khác dựa theo quy định tại Khoản 3, Điều 134,
– Dưới 16 tuổi không bị phạt tiền;
– Từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: Nộp 50% tiền phạt áp dụng với người thành niên;
– Đủ 18 tuổi: Nộp đủ 100% tiền phạt.
Trường hợp nếu chưa đủ 18 tuổi hoặc không có bằng lái (trừ xe gắn máy, dưới 50cm3) nghĩa là không đủ điều kiện lái xe, người giao xe (chủ xe) cho người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức.
Lưu ý, cả 3 trường hợp trên đều có thể bị tạm giữ phương tiện 07 ngày. Có thể chứng minh độ tuổi bằng các loại giấy tờ như giấy khai sinh, CMND, hộ khẩu….
3, Xử phạt vi phạm hành chính người dưới 18 tuổi
Điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính như sau:
‘Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
d) Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.
Theo Điều 78
“1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
2. Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.
Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt.
3. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính bị phạt tiền phải nộp tiền phạt một lần, trừ trường hợp quy định tại Điều 79 của Luật này.
Mọi trường hợp thu tiền phạt, người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt.”
Như vậy, người bị xử phạt hành chính sẽ nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước hoặc tài khoản Kho bạc Nhà nước mà trên quyết định xử phạt hành chính đã ghi rõ với thời hạn là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Nếu nộp phạt muộn thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Vậy, bạn có 10 ngày để đi nộp tiền phạt xử phạt vi phạm giao thông. Trong trường hợp đi nộp muộn sẽ bị nộp phạt thêm tính dựa trên số ngày bạn nộp phạt muộn. Trường hợp bạn không có đủ tiền nộp phạt, bố mẹ bạn sẽ có trách nhiệm nộp thay bạn.
‘Điều 58. Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông
1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.’
Như vậy, nếu chưa đủ 18 tuổi hoặc không có bằng lái (trừ xe gắn máy, dưới 50cm3) thì nghĩa là không đủ điều kiện lái xe. Nếu lái xe thì ngoài việc bị phạt ra, người giao xe (chủ xe) cho người vi phạm sẽ bị phạt theo quy định tại Điểm đ, Khoản 5, Điều 30,
‘5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng).’
Tóm lại: Nếu chưa đủ tuổi; không có GPLX thì ngoài việc người điều khiển bị phạt ra, người giao xe cũng bị liên đới trách nhiệm và bị phạt hành chính.