Vấn nạn bạo lực trẻ em trong gia đình hiện nay. Bạo lực trẻ em trong gia đình có thể hiểu là tình trạng trẻ em bị người trong gia đình hành hạ, đánh đập, tác động cả vào tinh thần và thể xác.
Quan hệ gia đình giữa chồng với vợ, cha mẹ và con cái, anh chị em với nhau là quan hệ tình cảm thiêng liêng, ấm áp Gia đình là tổ ấm, là nơi thoả mãn những nhu cầu tình cảm và vật chất của các thành viên, bảo vệ họ trước những căng thẳng của cuộc sống. Nhưng hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế thị trường, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, kéo theo đó là là sự gia tăng “bạo lực gia đình”. Hiện nay bạo lực gia đình không những chỉ nhằm vào phụ nữ mà đối tượng của bạo lực gia đình còn có cả trẻ em “những chủ nhân tương lai của đất nước”. Trẻ em mà sống trong cảnh bạo lực gia đình và chịu ảnh hưởng của bạo lực gia đình sẽ không thể phát triển hài hoà về thể chất và nhân cách.
Quyền trẻ em là quyền của mọi người mọi gia đình và toàn xã hội được nhận thức dành cho trẻ em với sự chú ý riêng biệt tới các quyền bảo vệ và chăm sóc đặc biệt dành cho thiếu nhi, gồm cả quyền liên kết với cả cha mẹ ruột.
Ở Việt Nam, các quyền cơ bản của trẻ em được quy định trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (từ Điều 11 Đến điều 20 – Số
“…Điều 11. Quyền được khai sinh và có quốc tịch
1. Trẻ em có quyền đăng ký khai sinh và có quốc tịch.
2. Trẻ em có cha mẹ chưa xác định được, nếu có yêu cầu thì được hỗ trợ bởi các cơ quan có thẩm quyền để xác định cha, mẹ theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Quyền được chăm sóc và nuôi dưỡng
Trẻ em có quyền được chăm sóc và nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức .
…Điều 14. Quyền được tôn trọng và bảo vệ cuộc sống của họ, cơ thể, nhân phẩm và danh dự
Trẻ em có mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự được bảo vệ bởi gia đình tương ứng của họ, Nhà nước và xã hội.
Điều 20. Quyền tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia các hoạt động xã hội…”
Bạo lực trẻ em trong gia đình có thể hiểu là tình trạng trẻ em bị người trong gia đình hành hạ, đánh đập, tác động cả vào tinh thần và thể xác gây tổn thương nghiêm trọng đến đời sống tình cảm và sức khỏe của trẻ.
Mục lục bài viết
1. Tình hình thực tế về vấn đề bạo lực trẻ em trong gia đình:
Trong cuộc họp mở rộng tại Hà Nội vừa qua của Ủy ban Văn hóa, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: “Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là sự nghiệp to lớn, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân mà trực tiếp là gia đình. Đây cũng là sự nghiệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo đảm cho sự phát triển của dân tộc. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng và diễn biến khôn lường tại Việt Nam”.
Trong những năm gần đây tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Đây không còn là một vấn đề của riêng gia đình mà là vấn nạn của xã hội. Trẻ em non nớt cả về thể chất lẫn tinh thần rất cần được chăm sóc, yêu thương và bảo vệ song thực tế không như vậy.
Điều khiến chúng ta sửng sốt, đau buồn hơn cả chính là nhiều vụ bạo hành dã man trẻ em lại do chính những người làm cha làm mẹ, những người thân thích ruột thịt trong gia đình gây ra. Nó chính là hổ dữ ăn thịt con, khi mà nhẹ thì mắng chửi nặng thì dùng lời lẽ để đay nghiến, xúc phạm các em. Nặng nề hơn là dùng vũ lực đòn roi, thậm chí là các biện pháp dã man, tra tấn tựa thời trung cổ với các vật dụng nguy hiểm như: Nước sôi, roi sắt, xích cùm…
Theo con số thống kê của Bộ Lao động – Thương binh xã hội, đến nay, cả nước có hơn 25 triệu trẻ em, chiếm 29% tổng dân số, trong đó có hơn 1,4 triệu em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 1,2 triệu em bị khuyết tật… Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em vẫn diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc cho xã hội Năm 2009 là 3000 vụ đến năm 2011 đã tăng lên 7000 vụ. Đó là con số thống kê các vụ việc bị phát hiện đưa ra ánh sáng, bị xử lí còn con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều.
Có những hình thức bạo hành trẻ em như sau:
– Bạo hành thể xác: Những hành vi bạo lực như đánh, đấm, tát… tác động trực tiếp đến sức khỏe nạn nhân. Kiểu hành vi này hay xảy ra khi hai bên chênh lệch về sức mạnh thể chất như giữa chồng và vợ, bố mẹ và con cái hoặc con cái và bố mẹ già.
– Bạo hành tình dục: Ép quan hệ tình dục khi bạn đời không muốn. Hành vi loạn luân giữa cha và con gái hoặc mẹ và con trai, giữa anh chị em… cũng được xếp vào loại này.
– Bạo hành tinh thần: Chửi bới, mắng nhiếc, im lặng không nói chuyện trong thời gian dài…
2. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng bạo hành với trẻ em:
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình, trước hết phải kể đến nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ, nhiều thói quen, phong tục, tập quán như văn hoá ″Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” ″ bấy lâu nay khiến cho người ta coi chuyện đánh con là “bình thường” đó là quyền của cha mẹ phải dạy cho con nên người.
Do thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng, chưa được các cấp, các ngành quan tâm, đấu tranh loại bỏ, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho các bậc cha mẹ về quyền trẻ em. Từ việc gia đình không có được một chức năng bình thường, cho đến sự thiếu thông đạt, sự khiêu khích của người phối ngẫu, hay sự dồn nén tâm lý của một người, hoặc vì các chất kích thích như rượu, thuốc, hoặc vì thiếu một cuộc sống tâm linh, cho đến những sự khó khăn về kinh tế, vv đều dẫn đến bạo hành trẻ em.
Kết quả của những sự nghiên cứu về bạo hành đã chứng minh rằng những người có hành vi bạo lực thường muốn chế ngự người khác. Một người có hành vi bạo lực chẳng những có thể dùng vị trí thượng phong về thể lý, nhưng còn có thể dùng những khả năng trỗi vượt về tinh thần, tâm lý, về kiến thức, uy quyền, sự thông đạt, và ngay cả về phương diện mầu da, hay tiếng nói …vv.
Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự “rắc rối” liên quan đến họ.
Nhận thức về sự nguy hại nhiều mặt và hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức, đa phần những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột có tâm lý mặc cảm, tự ty hoặc tâm lý thù hận đối với xã hội và sau này khi trưởng thành nhiều em trong số đó cũng ứng xử tương tự đối với người khác.
Trong khi đó, vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, cộng đồng chưa được coi trọng, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa đầy đủ dẫn đến năng lực bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục và dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội.
Tình trạng nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị bạo lực
Nhận thức về bảo vệ trẻ em còn hạn chế thể hiện ở khía cạnh thiếu hiểu biết về luật pháp, về các hành vi vi phạm quyền trẻ em, dẫn đến tình trạng người thân trong gia đình xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em (khoảng 50% tổng số vụ vi phạm) và các thành viên khác trong xã hội phạm tội nghiêm trọng đối với trẻ em đến mức phải xử lý hình sự.
Pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe những người có hành vi bạo lực, như Điều 110 Bộ luật hình sự Việt Nam có quy định: ″…Người nào đối xử tàn ác với đối tượng là trẻ em lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ từ 1 năm đến 3 năm…″. Mức án như vậy là quá nhẹ.
Pháp luật về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống, chưa có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng; chưa có quy định đặc biệt trong trường hợp nhận tố giác từ trẻ em.
Môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực trẻ em như: cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè; cha mẹ mâu thuẫn hoặc ly hôn, lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với con cái.
Bất bình đẳng giới cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự loại bỏ thai nhi khi biết là gái, vứt bỏ trẻ sơ sinh là gái và bạo lực với trẻ em gái.
Trẻ em thường hay quan sát và bắt chước người khác. Trẻ học lối cư xử bằng cách nhìn mọi người xung quanh, xem những nhân vật trên truyền hình, trong phim ảnh. Trên hết, trẻ học cách đối xử với người chung quanh bằng cách bắt chước hành vi của cha mẹ chúng.
Hãy suy nghĩ cách thức chúng ta phản ứng trong một tình huống khó khăn như thế nào. Chúng ta sẽ đối xử với người phối ngẫu làm sao? Chúng ta sẽ xử sự với bạn bè, hàng xóm, và các thành viên trong gia đình theo cách nào? Đó là những lúc chúng ta đang dạy cho con cái của chúng ta. Khi thấy cha mẹ cùng với những người khác giải quyết mọi vấn đề một cách ôn hòa thì trẻ sẽ học cách đối phó với người khác một cách tích cực hơn. Ngược lại khi trẻ nhìn thấy cha mẹ giải quyết bằng bạo lực thì chúng cũng sẽ học cách hành động giống như vậy.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Khi trẻ em nhìn thấy một hành động bạo lực, hành vi này sẽ ảnh hưởng sâu xa trong tiềm thức của các em. Điều này càng đúng hơn nếu bạo lực liên quan đến một thành viên trong gia đình hay là một người nào đó trong khu phố. Đáng buồn thay, rất nhiều trường hợp con cái là nạn nhân của bạo lực.
Một đứa trẻ bị lạm dụng sẽ sống trong nỗi sợ hãi và đau đớn liên tục. Những vết thương trên thân xác có thể được chữa lành, nhưng những vết thương tâm hồn sẽ kéo dài suốt cuộc đời các em. Nếu chúng ta biết một đứa trẻ bị lạm dụng, hoặc nếu chúng ta nghi ngờ rằng ai đó đang lợi dụng một đứa trẻ trong việc chăm sóc thì chúng ta phải tìm cách giúp đỡ ngay lập tức. Nếu không, khi lớn lên đứa trẻ sẽ dễ trở thành một người luôn dùng bạo lực, hoặc chúng có thể trở thành những nạn nhân vì việc sử dụng bạo lực.
3. Các giải pháp loại bỏ, giảm bớt bạo hành trẻ em trong gia đình:
Xã hội càng phát triển thì mặt trái của nó càng nhiều, tuy nhiên nhận thức của xã hội cũng sẽ cao hơn, do đó càng cần phải nhận thức rõ hơn nữa tầm quan trọng của trẻ em – mầm non tương lai của đất nước, và phải đề ra và thực hiện các biện pháp để dần dần làm giảm đi tình trạng bạo hành trẻ em
– Nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng:
Trong việc chủ động phòng ngừa có hiệu quả các hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cộng đồng và bản thân trẻ em
– Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật vệ bảo vệ trẻ em:
Sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004, trong đó xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ chăm sóc trẻ em, đáp ứng các nhu cầu chăm sóc và bảo vệ an toàn cho mọi trẻ em; bổ sung một chương riêng về bảo vệ trẻ em nhằm tăng khả năng phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xâm hại, bạo lực trẻ em; bổ sung những quy định, chế tài cụ thể về các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em; quy định rõ các thủ tục và quy trình phòng ngừa, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân phòng ngừa các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.
Nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Internet, trong đó có những quy định cụ thể về việc quản lý các trang web, các trò chơi game online trực tuyến nhằm tiếp thu những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của giới trẻ, đồng thời hạn chế tối đa những tiêu cực mà loại hình giải trí này gây ra.
– Tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình – xã hội. Nhà trường trong việc quản lý giáo dục trẻ em:
Cần phải thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của công tác Đoàn, Đội. Môi trường gia đình có tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách, do đó cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo. Chính quyền địa phương phải quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
– Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho mọi trẻ em:
Nhằm phòng ngừa có hiệu quả các hành vi xâm hại bạo lực đối với trẻ em; ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật, trên cơ sở thực hiện có hiệu quả việc xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 37/2010/QĐ-TT ngày 22/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.
Tiếp tục củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ trung ương đến cơ sở; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong đó xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các tổ chức trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Phát triển đội ngũ cán bộ xã hội, cộng tác viên, tình nguyện viên đến tận thôn, bản, khu, ấp…
Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, bao gồm: (i) Dịch vụ bảo vệ trẻ em trong gia đình (dịch vụ tư vấn, tham vấn gia đình và trẻ em; các trung tâm, điểm công tác xã hội trẻ em …); (ii) Dịch vụ bảo vệ trẻ em ngoài môi trường gia đình (cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em, trường giáo dưỡng..); (iii) Dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp dành cho trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
Trẻ em là những chủ nhân tương lai của cả đất nước, các em cần phải được bảo vệ, che chở, chăm sóc để phát triển toàn diện về nhân cách và đạo đức, có đầy đủ “đức” và “tài” để góp phần xây dựng đất nước trong tương lai. Vì thế vấn đề bạo lực đối với các em có ảnh hưởng vô cùng lớn. Làm sao các em có thể phát triển đầy đủ và toàn diện trong khi gia đình – nơi các em được nuôi dưỡng và lớn lên lại chính là nơi gây ra những mất mát về thể xác và tinh thần cho các em.
Chỉ khi nào công tác phòng, chống bạo lực trẻ em được triển khai có hiệu quả thì lúc đó trẻ em mới được sống hạnh phúc vui vẻ được phát triển hoàn thiện con người các em cả về phẩm chất, nhân cách và đạo đức. Khi đó chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng gia đình vững mạnh, xã hội phát triển bền vững.