Để chào bán chứng khoán, mỗi công ty, doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều cách khác nhau để thực hiện như tự mình chào bán chứng khoán ra công chúng hoặc phương pháp bảo lãnh phát hành chứng khoán. Bảo lãnh phát hành chứng khoán hiện đang được sử dụng rất nhiều vì tính chuyên nghiệp, chính xác.
Mục lục bài viết
1. Bảo lãnh phát hành chứng khoán là gì?
Theo Từ điển Luật học, “bảo lãnh phát hành là cam kết bao tiếng một phần hoặc toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành khi phát hành chứng khoán.” Trong định nghĩa này, hành vi bảo lãnh phát hành được hiểu tương đương với cam kết bao tiêu của chủ thể bảo lãnh đối với một số lượng nhất định chứng khoán được phát hành bởi tổ chức phát hành
Pháp luật Việt Nam quy định: “Bảo lãnh phát hành chứng khoán là việc cam kết với tổ chức phát hành nhận mua một phần hoặc toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết hoặc cố gắng tối đa để phân phối số chứng khoán cần phát hành của tổ chức phát hành” (Khoản 31 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019). Định nghĩa này được xây dựng bằng việc liệt kê các hoạt động mà chủ thể bảo lãnh phát hành sẽ thực hiện đối với tổ chức phát hành
Các công việc bao gồm: thực hiện các chủ tục trước khi chào bán chứng khoán, nhận mua một phần hay toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết, hỗ trợ tổ chức phát hành trong việc phân phối chứng khoán.
Chủ thể bảo lãnh sẽ đứng ra giúp tổ chức phát hành thực hiện tất cả các công đoạn của việc phát hành chứng khoán như : Chuẩn bị hồ sơ , đăng ký với cơ quan quản lý , tiến hành phân phối và xác nhận kết quả chào bán.
Bảo lãnh phát hành chứng khoán tiếng Anh là “Securities issuance guarantee”.
2. Đặc điểm của bảo lãnh phát hành chứng khoán:
Thứ nhất, đối tượng của bảo lãnh phát hành chứng khoán
Đối tượng của bảo lãnh phát hành không phải là bản thân chứng khoán, hay một nghĩa vụ tài chính nào mà tổ chức phát hành phải thực hiện với nhà đầu tư ….. Nội dung thỏa thuận hỗ trợ phát hành chứng khoán có thể là
– Phát hành được toàn bộ hoặc
– Một số lượng nhất định chứng khoán hoặc
– Sẽ thực hiện việc phát hành theo khả năng của chủ thể bảo lãnh.
Đặc điểm này làm nên sự khác biệt của bảo lãnh phát hành chứng khoán với hoạt động bảo lãnh ngân hàng và bảo lãnh dân sự bởi nội dung của bảo lãnh ngân hàng và bảo lãnh dân sự là cam kết thực hiện nghĩa vụ thay cho một chủ thể có nghĩa vụ. Trong hợp đồng ký với bên được bảo lãnh, bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ thay đối với bên bên nhận bảo lãnh trong trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Thứ hai, về chủ thể trong quan hệ bảo lãnh phát hành
Trong quan hệ bảo lãnh phát hành chứng khoán chỉ gồm có hai loại chủ thể tham gia đó là chủ thể bảo lãnh phát hành đóng vai trò “bên bảo lãnh” và tổ chức phát hành đóng vai trò “bên được bảo lãnh”. Bên bảo lãnh với tư cách là chủ thể cung ứng dịch vụ hỗ trợ phát hành chứng khoán một cách chuyên nghiệp để lấy phí, chủ thể bảo lãnh phải có năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm trong hoạt động phát hành. Bên được bảo lãnh là chủ thể có mong muốn và được pháp luật cho phép thực hiện việc huy động các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong xã hội bằng cách phát hành chứng khoán.
Thứ ba, bảo lãnh phát hành là nghiệp vụ kinh doanh có mức độ rủi ro cao
Rủi ro của chủ thể bảo lãnh đến từ việc đánh giá không đúng giá trị của chứng khoán được phát hành khi cam kết bao tiêu chứng khoán hoặc cam kết về việc phân phối một số lượng nhất định chứng khoán, dẫn đến việc thua lỗ do không có người mua hoặc mua thấp hơn giá chủ thể bảo lãnh đã mua từ tổ chức phát hành. Do vậy, để hạn chế rủi ro, các chủ thể bảo lãnh luôn phân tích rất cẩn thận các yếu tố tác động đến giá của chứng khoán trước khi họ quyết định bảo lãnh phát hành đó.
Thứ tư, bảo lãnh phát hành dành hoạt động phát hành chứng khoán ra công chúng ở thị trường sơ cấp.
Thị trường sơ cấp là nơi chứng khoán được phát hành lần đầu ra công chúng nhằm thực hiện nhu cầu huy động vốn. Hoạt động chào bán cổ phần ra công chúng là hoạt động chào bán cổ phần rộng rãi cho các nhà đầu tư không hạn chế về số lượng, tổ chức phát hành chứng khoán phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe như thông tin, hiệu quả kinh doanh và thực hiện nhiều thủ tục phức tạp . Trong trường hợp này tổ chức phát hành cần đến sự hỗ trợ của chủ thể bảo lãnh trong việc hoàn thành các thủ tục cũng như phân phối chứng khoán tới đông đảo nhà đầu tư.
Thứ năm, bảo lãnh phát hành là một dịch vụ thương mại vừa là một hoạt động đầu tư. Là một dịch vụ có thu phí, bảo lãnh phát hành có tính chất tương tự như các nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tư vấn chứng khoán và hoạt động bảo lãnh ngân hàng của tổ chức tín dụng. Khi công ty chứng khoán thực hiện bảo lãnh phát hành cũng có cơ hội mua bán chứng khoán để hưởng chênh lệch.
3. Phân loại bảo lãnh phát hành chứng khoán:
– Dựa vào loại chứng khoán được bảo lãnh phát hành có thể chia thành bảo lãnh phát hành cổ phiếu và bảo lãnh phát hành trái phiếu.
– Dựa vào mức độ cam kết thì có thể chia thành:
+ Bảo lãnh với cam kết chắc chắn
+ Bảo lãnh với nỗ lực tối đa
+ Bảo lãnh theo phương thức dự phòng.
4. Quy trình bảo lãnh phát hành chứng khoán:
Điều kiện thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng:
Điều 17 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định về điều kiện thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng gồm:
“1.Tổ chức thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng là công ty chứng khoán, tổ chức đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thực hiện hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán theo quy định của Luật này;
b) Đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật;
c) Không phải là người có liên quan với tổ chức phát hành.
2. Tổ chức thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng thực hiện bảo lãnh theo phương thức nhận mua một phần hoặc toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành chỉ được phép bảo lãnh phát hành tổng giá trị chứng khoán không được lớn hơn vốn chủ sở hữu và không quá 15 lần hiệu số giữa giá trị tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn tính theo
Hiện nay, nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán thuộc nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 72 Luật Chứng khoán năm 2019.
Bên cạnh đó, tại Điều 23 của Thông tư số 121/2020/TT-BTC quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, thì
“Công ty chứng khoán không được bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn hoặc là người bảo lãnh chính trong các trường hợp sau đây:
a) Công ty chứng khoán, độc lập hoặc cùng công ty con hoặc cùng với người có liên quan sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành, hoặc có quyền kiểm soát tổ chức phát hành, hoặc có quyền bổ nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức phát hành;
b) Tối thiểu 30% vốn điều lệ của công ty chứng khoán và tối thiểu 30% vốn điều lệ của tổ chức phát hành do cùng một cá nhân hoặc một tổ chức nắm giữ;
c) Tổ chức phát hành, độc lập hoặc cùng các công ty con hoặc cùng với người có liên quan sở hữu từ 20% trở lên vốn điều lệ của công ty chứng khoán, hoặc có quyền kiểm soát công ty chứng khoán, hoặc có quyền bổ nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc) của công ty chứng khoán;
d) Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và người có liên quan của công ty chứng khoán đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức phát hành;
đ) Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và người có liên quan của tổ chức phát hành là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của công ty chứng khoán;
e) Công ty chứng khoán và tổ chức phát hành có chung người đại diện theo pháp luật.”
Để thực hiện hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, thì
Đầu tiên, công ty chứng khoán sẽ tiến hành phân tích và đánh giá khả năng phát hành. Công đoạn bao gồm có hoạt động phân tích tình hình hoạt động của công ty; phân tích tình hình tài chính; phân tích thị trường trong nước và quốc tế; thị trường các sản phẩm chính; các khía cạnh pháp lý của việc phát hành
Sau khi đánh giá tình hình phát hành, công ty chứng khoán sẽ thực hiện hoạt động chuẩn bị hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, hồ sở đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng được quy định tại Điều 18 Luật chứng khoán năm 2019; chuẩn bị hồ sơ xin phép phát hành; lựa chọn thành viên tổ hợp; định giá chứng khoán; nộp hồ sơ xin phép bảo lãnh;…
Tiếp theo là đến thủ tục phân phối chứng khoán. Việc phân phối chứng khoán chỉ được thực hiện sau khi tổ chức phát hành bảo đảm người mua chứng khoán tiếp cận Bản cáo bạch trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng được công bố tại các địa điểm ghi trong Bản
Cuối cùng là khóa sổ; tất toán tài khoản cho các tổ chức phát hành. Vào thời điểm khóa sổ, tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm thanh toán tiền bán chứng khoán cho tổ chức phát hành và tập hợp thông tin cần thiết để in giấy chứng chỉ.
Bình ổn và điều hòa thị trường, khi đó tổ chức bảo lãnh sẽ mua chứng khoán trên thị trường với giá dự kiến nhằm ngăn chặn việc các nhà đầu tư mua giá thấp hơn.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật Chứng khoán 2019;
– Thông tư số 121/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán.