Bảo hiểm xã hội là chế định pháp luật lao động, gồm các quy phạm pháp luật quy định về chế độ trợ cấp, ốm đau, chế độ trợ cấp thai sản; chế độ trợ cấp tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp; chế độ hưu trí, chế độ tử tuất,...
Mục lục bài viết
1. Bảo hiểm xã hội là gì:
Bảo hiểm xã hội đã hình thành rất sớm trong lịch sử phát triển của xã hội loài người và đã được nhiều nhà khoa học đề cập, nghiên cứu một cách sâu sắc dưới nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau. Bảo hiểm xã hội đã ra đời và phát triển hàng trăm năm nay với nhiều mô hình, nhiều cách thức thực hiện khác nhau trên thế giới. Để có được các mô hình Bảo hiểm xã hội đa dạng và phong phú như ngày nay, các nhà lý luận, các nhà quản lý đã tốn khá nhiều công sức và thời gian để nghiên cứu và tổng kết thực tiễn. Không thể không kể đến sự đấu tranh của giai cấp công nhân và người lao động trên toàn thế giới để có được các chế độ Bảo hiểm xã hội như ngày hôm nay. Chính sách Bảo hiểm xã hội ra đời xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phát triển Kinh tế – xã hội thời kỳ cách mạng công nghiệp và từ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân là giai cấp làm thuê cho giới chủ và được giới chủ trả công lao động. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, người lao động bị bóc lột tàn bạo và bị đối xử không công bằng. Để vượt qua những khó khăn đó, giai cấp công nhân đã liên kết lại với nhau để tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; lập ra các quỹ cứu trợ người ốm, người bị tai nạn; lập các tổ chức tương tế và vận động mọi người tham gia. Đây chính là hình thái ban đầu của hệ thống Bảo hiểm xã hội và quỹ Bảo hiểm xã hội.
Hệ thống Bảo hiểm xã hội đầu tiên trên thế giới ra đời từ năm 1838 dưới thời Tể tướng Bismark. Ban đầu chính sách BHXH chỉ có chế độ trợ cấp TNLĐ và BNN sau đó bổ sung trợ cấp ốm đau (năm 1865). Tuy nhiên, để có tính pháp lý cao thì phải đến năm 1883, đạo luật về BHXH mới được ban hành. Đây có thể coi là văn bản pháp luật đầu tiên về BHXH trên thế giới [7]. Đến nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống BHXH như một phần quan trong trong chính sách an sinh xã hội quốc gia.
Bảo hiểm xã hội do đó là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau với các cách tiếp cận khác nhau. Theo Đại từ điển Tiếng Việt thì BHXH là “sự bảo đảm những quyền lợi vật chất cho công nhân viên chức khi không làm việc vì ốm đau, sinh đẻ, già yếu, bị tai nạn lao động”.
Theo từ điển Luật học: “Bảo hiểm xã hội là chế định pháp luật lao động, gồm các quy phạm pháp luật quy định về chế độ trợ cấp, ốm đau, chế độ trợ cấp thai sản; chế độ trợ cấp tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp; chế độ hưu trí, chế độ tử tuất nhằm từng bước mở rộng và nâng cao việc bảo đảm vật chất, chăm sóc, phục hồi sức khoẻ, góp phần ổn định đời sống cho người lao động và gia đình họ trong các trường hợp người lao động ốm đau, thai sản, hết tuổi lao động, chết, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gặp rủi ro hoặc các khó khăn khác”. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đề cập đến BHXH là “sự bảo vệ của cộng đồng xã hội đối với các thành viên của mình thông qua sự huy động các nguồn đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội để trợ cấp trong các trường hợp ốm đau, tai nạn, thương tật, già yếu, thất nghiệp”.
Ở Việt Nam, Bảo hiểm xã hội đã có nền móng dưới thời phong kiến Pháp thuộc. Sau Cách mạng tháng 8 thành công, trên cơ sở Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ đã ban hành một loạt các sắc lệnh quy định về các chế độ trợ cấp ốm đau, tai nạn, hưu trí cho công nhân viên chức Nhà nước (Sắc lệnh 29/SL ngày 12/3/1947; Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 và Sắc lệnh 77/SL ngày 22/5/1950). Cơ sở pháp lý tiếp theo của BHXH được thể hiện trong Hiến pháp năm 1959. Hiến pháp năm 1959 của nước ta đã thừa nhận công nhân viên chức có quyền được trợ cấp BHXH. Quyền này được cụ thể hóa trong Điều lệ tạm thời về BHXH đối với công nhân viên chức Nhà nước, ban hành kèm theo Nghị định 218/CP ngày 27/12/1961 và Điều lệ đãi ngộ quân nhân ban hành kèm theo Nghị định 161/CP ngày 30/10/1964 của Chính phủ.
Ngày nay, BHXH đã trở thành một chính sách lớn được Hiến pháp thừa nhận và luật pháp quy định. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật BHXH 2014, BHXH được ghi nhận là “sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH”. Như vậy, có thể hiểu BHXH là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ, khi họ gặp phải biến cố, rủi ro về sức khỏe, mất khả năng lao động, mất việc làm, chết; gắn liền với quá trình tạo lập một quỹ tiền tệ tập trung được hình thành bởi các bên tham gia BHXH đóng góp và việc sử dụng quỹ đó cung cấp tài chính nhằm đảm bảo mức sống cơ bản cho bản thân NLĐ và những người ruột thịt của NLĐ trực tiếp phải nuôi dưỡng, góp phần đảm bảo an toàn xã hội. BHXH về thực chất là một phương thức phân phối lại thu nhập bằng các kĩ thuật nghiệp vụ, nhằm góp phần cân bằng thu nhập bị mất hoặc giảm từ hoạt động nghề nghiệp bằng khoản trợ cấp từ BHXH.
2. Các loại bảo hiểm xã hội:
Hiện nay, tại Việt Nam, BHXH được quy định bao gồm 2 hình thức là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. BHXH tự nguyện là loại hình BHXH mà đối tượng tham gia hoàn toàn tự nguyện đóng góp mức phí và thụ hưởng theo quy định. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật BHXH 2014, “Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia”. Cả hai chủ thể trong quan hệ lao động là NLĐ và NSDLĐ đều có nghĩa vụ tham gia hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của NLĐ khi gặp các trường hợp rủi ro dẫn đến suy giảm hoặc mất sức lao động trong quá trình làm việc. Việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thể hiện trách nhiệm của NSDLĐ này đối với NLĐ khi gặp rủi ro trong công việc, mặt khác, đảm bảo vững chắc quyền lợi của NLĐ trong những trường hợp rủi ro trên.
Như vậy, có thể hiểu bảo hiểm xã hội bắt buộc là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập đối với NLĐ khi họ gặp rủi ro dẫn đến giảm hoặc mất khả năng lao động trong các trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở nghĩa vụ bắt buộc tham gia của NLĐ và NSDLĐ. Đối tượng tham gia vào hình thức BHXHBB bao gồm cả NLĐ và NSDLĐ. Cả hai chủ thể này không có quyền lựa chọn việc tham gia, thay vào đó, họ đều có nghĩa vụ phải tham gia và thực hiện theo các quy định của pháp luật liên quan. Cơ chế bắt buộc là một đặc tính quan trọng của hình thức BHXHBB, tạo nên sự khác biệt rõ ràng với hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Từ những đặc trưng trên, bảo hiểm xã hội bắt buộc trở thành một cơ chế bảo vệ NLĐ trong những trường hợp rủi ro liên quan đến quá trình làm việc. Khi NLĐ mất hoặc giảm thu nhập do gặp phải các trường hợp thuộc chế độ BHXH, họ sẽ nhận được khoản tiền nhằm bù đắp thu nhập bị mất, giúp NLĐ có điều kiện duy trì cuộc sống, phục hồi sức khoẻ và quay trở lại thị trường lao động. Đối với NSDLĐ, chế độ BHXHBB thể hiện trách nhiệm của họ đối với NLĐ gặp rủi ro, đồng thời chia sẻ gánh nặng kinh tế khi NSDLĐ phải trực tiếp bồi thường cho NLĐ. Ở cấp độ vĩ mô, nguồn tích luỹ từ bảo hiểm xã hội bắt buộc giúp trang trải các chi phí phát sinh trong quá trình điều trị và hỗ trợ NLĐ gặp rủi ro, thể hiện tinh thần hỗ trợ tương ái của cộng đồng.