Sự ra đời của bảo hiểm tài sản là yêu cầu khách quan trước bối cảnh yêu cầu bảo vệ quyền tài sản trở nên triệt để và con người cũng dần có có những loại tài sản cực kỳ giá trị. Hợp đồng bảo hiểm tài sản là mối quan hệ giữa người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Cùng tìm hiểu về bảo hiểm trên giá trị.
Mục lục bài viết
1. Bảo hiểm trên giá trị là gì?
Bảo hiểm tài sản ngày càng thể hiện vai trò quan trọng và không thể thiếu trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, sản xuất, kinh doanh. Các thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm gắn với các sự kiện rủi ro bất ngờ trong tương lai, được thực hiện ngược với chu trình sản xuất kinh doanh bình thường, ở đó bên mua bảo hiểm khi đã trả trước phí bảo hiểm thì chỉ nhận được cam kết bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, có vẻ như vô hình, và không thể định trước được chất lượng.
Việc mua bán sản phẩm bảo hiểm không mang tính “ngang giá”. Người mua thì phải trả tiền ngay (phí bảo hiểm) nhưng lại không nhận được ngay từ thời điểm đó các cam kết tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Các cam kết này chỉ được thực hiện khi xảy ra những sự kiện nhất định trong hợp đồng (bảo hiểm nhân thọ); hoặc khi xảy ra những rủi ro bất ngờ, gây thiệt hại về người và tài sản, hay làm phát sinh trách nhiệm của bên mua bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm là hình thức pháp lý quan trọng, xác lập và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia quan hệ hợp đồng, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của Bên mua bảo hiểm trong trường hợp không may gặp những sự cố, rủi ro thiệt hại trong cuộc sống.
Cũng tương tự như bảo hiểm dưới giá trị, thuật ngữ bảo hiểm trên giá trị được nhắc đến đầy đủ trong hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị và nếu hiểu theo loại hợp đồng này, thì bảo hiểm trên giá trị là trường hợp số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Bảo hiểm trên giá trị là tình huống mà giá trị bảo hiểm được định giá sai và đây được coi là hành vi vi bị cấm trong lĩnh vực bảo hiểm.
2. Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị:
Trước khi đi vào phân tích về hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị, tác giả sẽ đưa ra một vài vấn đề về hợp đồng bảo hiểm tài sản:
– Theo cách giải thích về hợp đồng bảo hiểm tại Điều 12, Luật Kinh doanh bảo hiểm, có thể hiểu: Hợp đồng bảo hiểm tài sản là một trong các loại hợp đồng bảo hiểm- là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
– Hợp đồng bảo hiểm tài sản là hợp đồng bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là tài sản. Hợp đồng bảo hiểm tài sản được giao kết để đối phó với hậu quả do rủi ro gây ra đối với tài sản của người được bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm tài sản được thiết lập nhằm cung cấp sự đảm bảo về tài chính cho người mua bảo hiểm trong trường hợp bị thiệt hại liên quan tới tài sản như bị hư hỏng hay tổn thất bởi việc xảy ra một sự kiện bảo hiểm. Mặt khác, hợp đồng bảo hiểm tài sản còn có ý nghĩa to lớn trong việc phân chia rủi ro giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Vì đối tượng mà hợp đồng bảo hiểm tài sản trực tiếp bảo vệ không phải là tài sản (với tư cách là đối tượng bảo hiểm) mà là quyền lợi tài chính mà bên mua bảo hiểm có trong đối tượng tài sản đó.
Hợp đồng bảo hiểm trên giá trị được ghi nhận tại Điều 42 Luật Kinh doanh bảo hiểm, nội dung được phản ánh tại điều luật này thể hiện 2 vấn đề, thứ nhất là định nghĩa về hợp đồng bảo hiểm trên giá trị và thứ hai là trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm khi hợp đồng bảo hiểm trên giá trị được giao kết. Phân tích cụ thể hơn về hợp đồng bảo hiểm trên giá trị như sau:
– Khoản 1, Điều 42 nêu rõ rằng: “Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng“. Giải thích về các thuật ngữ liên quan:
+ Số tiền bảo hiểm được hiểu là “số tiền mà bên mua bảo hiểm yêu cầu bảo hiểm cho tài sản đó“. (bên mua là bên có tài sản cần được bảo hiểm).
Căn cứ để thoả thuận số tiền bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản là giá trị bảo hiểm. Bên được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm không được thoả thuận để bảo hiểm cho tài sản với số tiền bảo hiểm cao hơn giá trị bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản là căn cứ để doanh nghiệp bảo hiểm định phí bảo hiểm và xác định trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
+ Tài sản là đối tượng được bảo hiểm bao gồm “vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản“.
+ Theo Tiêu chuẩn số 01 – Giá trị thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá tài sản, có thể hiểu giá thị trường của tài sản được bảo hiểm là mức giá ước tính sẽ được mua bán trên thị trường vào thời điểm giao kết hợp đồng, giữa một bên là người mua sẵn sàng mua và một bên là người bán sẵn sàng bán, trong một giao dịch mua bán khách quan và độc lập, trong điều kiện thương mại bình thường.
Như vậy, việc xác định hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị phụ thuộc vào yếu tố duy nhất là mối quan hệ giữa số tiền bảo hiểm và giá thị trường của tài sản bảo hiểm, trong đó số tiền bảo hiểm > giá thị trường của tài sản được bảo hiểm. Khác với hợp đồng tài sản dưới giá trị, hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị không được thực hiện, điều này được ghi nhận tại khoản 1, Điều 42: “Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không được giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.“.
Vậy: Tại sao doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không được giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị? Câu trả lời nằm ở nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm, theo đó, người được bảo hiểm không được nhận số tiền bồi thường cao hơn so với tổn thất tài sản thực tế của họ. Hơn nữa, việc thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị thường xuất phát từ việc định giá sai tài sản được bảo hiểm và thường thiệt hại sẽ thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm.
3. Trách nhiệm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm:
– Nói về trách nhiệm khi giao kết hợp đồng, khoản 2, Điều 42 quy định: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị được giao kết do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm, sau khi trừ các chi phí hợp lý có liên quan. Trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm.“
Bởi hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị là hợp đồng không được phép giao kết, nên việc đặt ra trách nhiệm này chỉ mang tính chất dự phòng trong trường hợp giao kết do lỗi vô ý ( trong cung cấp thông tin về nguyên tắc hợp đồng) của bên mua bảo hiểm, lỗi vô ý thể hiện ở việc bên mua bảo hiểm không thấy trước được tính nghiêm trọng hoặc do định giá sai giá thị trường của tài sản được bảo hiểm do khách quan. Quy định trên chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, nhằm bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm cũng như bảo vệ chính quyền lợi của mình. Có thể phân thành hai trường hợp căn cứ vào thời điểm phát hiện sự không chính xác của thông tin như sau: (i) phát hiện khi xảy ra thiệt hại: doanh nghiệp bảo hiểm có thể duy trì bảo hiểm bằng cách tăng phí bảo hiểm, nếu bên mua bảo hiểm không chấp nhận có thể hủy bỏ hợp đồng và mất một khoản phí bảo hiểm; (ii) phát hiện sau khi xảy ra thiệt hại: Khoản bồi thường của doanh nghiệp sẽ giảm đi theo một tỷ lệ tương ứng do việc áp dụng qui tắc tỷ lệ phí (tỷ lệ giữa số phí đã trả và số phí phải trả).
Với các quy định nhằm định giá trị tài sản và số tiền bảo hiểm, ngăn chặn các nguy cơ trục lợi bảo hiểm thông thường như bảo hiểm dưới giá trị, bảo hiểm trên giá trị và bảo hiểm trùng, đồng thời gắn kết trách nhiệm của chủ tài sản không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm, có nghĩa vụ cung cấp thông tin về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm và thay đổi những biện pháp an toàn đối với tài sản được bảo hiểm. Bên cạnh đó doanh nghiệp bảo hiểm có quyền kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn cho đối tượng bảo hiểm hoặc khuyến nghị, yêu cầu người được bảo hiểm áp dụng các biện pháp phòng trừ, hạn chế các tổn thất, có quyền yêu cầu chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022.