Hiện trên thế giới có gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Dù muốn hay không, mỗi nước đều phải đối mặt với những thời kỳ các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, sự cố. Khi đó, các tổ chức Bảo hiểm tiền gửi sẽ là đơn vị đứng ra giải quyết sự cố.
Mục lục bài viết
1. Bảo hiểm tiền gửi là gì?
Luật Bảo hiểm tiền gửi ra đời đã tạo hành lang pháp lý vững chắc trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi, khẳng định mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi hoặc phá sản theo Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012.
Có thể thấy, bảo hiểm tiền gửi là một biện pháp đảm bảo hạn chế tối đa rủi ro trong hoạt động có liên quan đến an toàn của hệ thống tín dụng ngân hàng.
Phí bảo hiểm do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi buộc phải nộp.
Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, giám sát và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Người gửi tiền có tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm sẽ được lợi trực tiếp từ chính sách bảo hiểm tiền gửi qua việc họ được tổ chức Bảo hiểm tiền gửi chi trả tiền bảo hiểm, khi tổ chức nhận tiền gửi của họ bị đóng cửa và mất khả năng thanh toán
Bảo hiểm tiền gửi tiếng Anh có nghĩa là: Deposit insurance.
Khái niệm về bảo hiểm tiền gửi được dịch sang tiếng anh như sau:
Deposit insurance is the guarantee of deposit reimbursement to the insured person deposits within the limit of premium payment when the deposit insurance participating organization falls into insolvency or bankruptcy.
2. Mục đích của chính sách bảo hiểm tiền gửi:
Tại mỗi quốc gia, chính sách BHTG được xây dựng nhằm hướng đến một hoặc nhiều mục tiêu khác nhau tùy thuộc vào các điều kiện cụ thể trong mỗi thời kỳ. Tuy vậy, có thể phân chia mục tiêu của chính sách BHTG thành 3 nhóm chính gồm:
Thứ nhất: bảo vệ người gửi tiền, đối tượng có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận thông tin về điều hành và tình hình hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi.
Bảo hiểm tiền gửi trước hết là vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Khi có ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào đó bị phá sản, nếu ngân hàng đó tham gia vào cơ chế bảo hiểm tiền gửi hoặc được chính phủ tuyên bố chi trả bảo hiểm tiền gửi thì những người gửi tiền tại ngân hàng phá sản đó có cơ hội được trả một phần hay toàn bộ số tiền của mình.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là bảo hiểm tiền tiền gửi sẽ làm cho tâm lý của người gửi tiền không bị hoang mang, mất lòng tin và người ta sẽ không nghĩ đến việc phải vội vã rút tiền từ các ngân hàng khác, tránh được sự đổ vỡ mang tính dây chuyền có thể xảy ra với cả hệ thống ngân hàng.
Thứ hai: Mục đích không kém phần quan trọng của bảo hiểm tiền gửi đó chính là góp phần ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng trong một số trường hợp các tổ chức này lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính. Việc bảo hiểm tiễn gửi sẽ giúp cho người dân tin tưởng vào khả năng chi trả của ngân hàng tín dụng nếu rơi vào trường hợp trên, từ đó giảm thiểu được hoạt động đột biến rút tiền gửi, góp phần tạo cơ chế chính thức để xử lý các tổ chức tiền gửi sự cố không may xảy ra.
Do vậy, bảo hiểm tiền gửi không chỉ dừng lại ở mục tiêu bảo vệ quyền lợi trực tiếp của người gửi tiền ở ngân hàng, tổ chức tín dụng mà còn là một trong các công cụ để bảo đảm an toàn tín dụng, hạn chế rủi ro và tránh được sự đổ vỡ có tính dây chuyền, đảm bảo tính ổn định của cả hệ thống tài chính.
Trong đó, mục tiêu thứ nhất và thứ hai là hai mục tiêu cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi. Các mục tiêu bổ sung trong nhóm thứ 3 (nếu có) không được mâu thuẫn hoặc làm suy yếu hai mục tiêu cốt lõi nêu trên.
Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế:
+ Với hệ thống các tổ chức tín dụng, hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.
+ Với nền kinh tế, hoạt động của tổ chức bảo hiểm tienf gửi góp phần duy trì sự ổn định về chính trị, an ninh và trật tự xã hội, tiền đề cho ổn định và phát triển kinh tế.
3. Mô hình và cơ chế bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam như thế nào?
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính của Nhà nước, có tư cách pháp nhân và được ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ là 1000 tỉ đồng, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được miễn các loại thuế, thực hiện chức năng chính là bảo đảm an toàn cho khoản tiền gửi.
Theo quy định, các tổ chức tín dụng và tổ chức khác không phải tổ chức tín dụng nhưng được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng và có nhận tiền gửi của cá nhân thì bắt buộc phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. Mức phí bảo hiểm phải đóng là 0.15%/năm.
Đối tượng được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân tại tổ chức tín dụng. Khi tổ chức tín dụng bị phá sản thì bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng.
Sau khi trả bảo hiểm số tiền gửi vượt quá mức tối đa được chi trả sẽ được trả cho người gửi tiền với tư cách là các chủ nợ theo quy định của Luật phá sản.
4. Quy định về đối tượng và hạn mức bảo hiểm tiền gửi:
Thứ nhất, đối tượng bảo hiểm tiền gửi
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 của Luật bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định đối tượng tiền gửi chính là tiền được gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi lại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới nhiều hình thức khác nhau như tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác tùy thuộc vào nhu cầu thực tiễn và sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Hiện nay tại nước ta thì loại bảo hiểm tiền gửi được xem là loại bảo hiểm bắt buộc đối với những đối tượng tiền gửi nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Ngoài những đối tượng được xem là đối tượng của bảo hiểm tiền gửi nêu trên thì sẽ có những loại tiền không được bảo hiểm theo quy định tại Điều 19 của Luật bảo hiểm tiền gửi 2012 như sau:
– Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó. Tức là tiền của cá nhân đang là thành viên hoặc cổ đông góp vốn vào tổ chức tín dụng nơi đăng ký gửi tiền mà sở hữu 5% vốn điều lệ thì sẽ không được xem là đối tượng của bảo hiểm tiền gửi.
– Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
Ngoài ra, tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.
Việc quy định này nhằm đảm bảo sự công bằng và trách nhiệm của người sở hữu đối với hoạt động kinh doanh của mình, tránh trường hợp lợi dụng quyền lực để nhận được mức tối đa hoặc ưu tiên giải quyết cho những cá nhân này mà ảnh hưởng đến hoạt động của người tham gia.
Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy những quy định nêu trên về đối tượng được bảo hiểm và không được bảo hiểm sẽ giúp cho các tổ chức tránh được những rủi ro một số cá nhân, tổ chức lợi dụng quyền hạn của mình để ưu tiên thanh toán những khoản bảo hiểm do mình mua và phát hành ra, từ đó tạo nên sự bất công và vô trách nhiệm của họ đối với hoạt động kinh doanh của mình đối với khách hàng và xã hội. Ngoài ra, những quy định này còn giúp cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có thể xác định chính xác hơn đối tượng được bảo hiểm để tính và nộp phí đảm bảo đúng và đủ theo quy định.
Thứ hai, hạn mức bảo hiểm tiền gửi
Tại Điều 24 Luật bảo hiểm tiền gửi năm 2012 quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm như sau:
“1. Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
2. Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.”
Tại Điều 3 Quyết định 21/2017/QĐ-TTg quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm như sau:
“Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75.000.000 đồng (bảy mươi lăm triệu đồng).”
Như vậy, theo quy định hiện nay thì mức bảo tiền gửi của một cá nhân tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75.000.000 đồng.
Cơ chế trả bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam là theo cơ chế trả một phần, không phải là toàn bộ. Cơ chế này có nhiều ưu việt, vì theo cơ chế này, người gửi tiền không bao giờ đem toàn bộ tiền của mình gửi ở một ngân hàng. Nếu có rủi ro xả ra, họ luôn được bảo đảm theo cơ chế trả tiền bảo hiểm.
Cần phải nhấn mạnh rằng, trả bảo hiểm tiền gửi khi tổ chức tín dụng bị phá sản chỉ là giải pháp cuối cùng bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Điều quan trọng hơn là với sự tham gia của bảo hiểm tiền gửi, các tổ chức tín dụng sẽ có lợi thế hơn nhiều trong việc huy động vốn từ tiền gửi và tính an toàn tín dụng được nâng lên.
Thiết nghĩ, những trường hợp nêu trên cần được Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xem xét, nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhất mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.