Bảo hiểm thất nghiệp có vai trò quan trọng đối với người lao động trong khoảng thời gian chưa có việc làm., nhằm giảm bớt một phần khó khăn về tài chính cho họ. Vậy bảo hiểm thất nghiệp là gì? Đặc điểm và ý nghĩa của Bảo hiểm thất nghiệp?
Mục lục bài viết
1. Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Thất nghiệp được coi là một vấn đề trọng tâm trong xã hội ngày nay, là vấn nạn chung mà hầu hết các nước trên thế giới phải đối mặt. Đó là hiện tượng người có năng lực lao động không có cơ hội tham gia lao động, bị tách khỏi tư liệu sản xuất. Tác động của thất nghiệp đến sự phát triển, ổn định kinh tế, chính trị và xã hội của mỗi quốc gia là rất lớn, làm cho tình hình chính trị xã hội bất ổn, tội phạm và các tệ nạn xã hội gia tăng.
Thất nghiệp là hiện tượng tất yếu, khách quan trong nền kinh tế thị trường, nhưng nếu tỷ lệ thất nghiệp vượt quá giới hạn cho phép thì nó sẽ trở thành vấn đề xã hội gay cấn, để lại hậu quả trên các mặt kinh tế, xã hội, tâm lý. Chính vì vậy, Bảo hiểm thất nghiệp ra đời như một yếu tố đóng vai trò thăng bằng trong nền kinh tế, đối với Người lao động, Người sử dụng lao động, đối với Nhà nước và xã hội, hạn chế thất nghiệp và bảo đảm đời sống cho Người lao động trong trường hợp bị thất nghiệp được ổn định là mục tiêu chung của các quốc gia và các tổ chức quốc tế và khu vực.
Thực tế hiện nay, do ảnh hưởng của ý thức hệ và nhận thức xã hội nên có rất nhiều khái niệm về thất nghiệp được đưa ra bởi các tổ chức, các nhà khoa học khác nhau. Tuy nhiên, các lý thuyết về thất nghiệp đều cho thấy một điều cơ bản là trong nền kinh tế thị trường vẫn có một bộ phận Người lao động thất nghiệp.
Điều 20 Công ước số 102 (1952) của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đưa ra khái niệm thất nghiệp như sau: “Thất nghiệp là hiện tượng Người lao động bị ngừng thu nhập do không có khả năng tìm được việc làm thích hợp trong trường hợp người đó có khả năng làm việc và sẵn sàng làm việc”. Như vậy, với cách hiểu chung nhất, thất nghiệp là tình trạng Người lao động muốn có việc làm mà không tìm được việc làm.
Tình trạng thất nghiệp là một trong những vấn đề nan giải, chính vì vậy cần phải có những biện pháp và chính sách thích hợp để giúp cải thiện, cân bằng đời sống xã hội. Từ đó, Bảo hiểm thất nghiệp ra đời và đóng vai trò nhằm hỗ trợ Người lao động khi rơi vào tình trạng thất nghiệp, có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp trong đời sống xã hội cũng như việc xác định vị trí, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về Bảo hiểm thất nghiệp.
Ở Việt Nam, tình trạng Người lao động thất nghiệp vẫn còn ở mức cao, điều này | làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Để hạn chế những tác hại từ tình trạng thất nghiệp gây ra, ngày 01/01/2009, chế độ Bảo hiểm thất nghiệp chính thức được thông qua và trở thành chính sách mang tính nhân văn, chia sẻ cộng đồng. Chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về định nghĩa Bảo hiểm thất nghiệp trước khi
Như vậy, từ quy định của pháp luật có thể hiểu, Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những biện pháp hỗ trợ Người lao động khi Người lao động bị mất việc làm thông qua việc tạo lập một quỹ tiền tệ tập trung do Người lao động, Người sử dụng lao động đóng góp và có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Nhìn chung, Bảo hiểm thất nghiệp chính là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích của Người lao động một cách hữu hiệu, là một chính sách của thị trường lao động tích cực nhằm ngăn chặn tình trạng thất nghiệp.
2. Đặc điểm bảo hiểm thất nghiệp:
Bảo hiểm thất nghiệp là tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có các chính sách điều chỉnh vừa nhằm đảm bảo quyền lợi của Người lao động khi bị thất nghiệp, vừa duy trì và phát triển nền kinh tế. Bảo hiểm thất nghiệp có những điểm đặc trưng riêng biệt, khác so với BHXH hay các loại bảo hiểm thương mại, cụ thể như sau:
Về đối tượng: Đối tượng được hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp là những người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động nhưng bị mất việc làm, tạm thời không có thu nhập, có nhu cầu tìm việc làm và sẵn sàng quay trở lại làm việc. Như vậy, khác với đối tượng của các chế độ BHXH khác là những Người lao động vẫn đang tồn tại quan hệ lao động như chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản; hoặc chấm dứt quan hệ lao động do không còn khả năng tiếp tục làm việc như hưu trí, tử tuất.
Về mục đích: Bảo hiểm thất nghiệp cũng hướng tới việc bù đắp một phần nào đó về lợi ích cho đối tượng hưởng bảo hiểm cũng giống như các chế độ bảo hiểm khác. Bảo hiểm thất nghiệp xuất phát từ quan hệ lao động, tuy nhiên khi thực hiện chủ yếu thuộc về lĩnh vực việc làm. Bảo hiểm thất nghiệp khác các chế độ bảo hiểm khác ở chỗ, ngoài việc giúp hỗ trợ về kinh tế đối với Người lao động bị mất việc còn giúp họ xúc tiến những hoạt động tìm kiếm, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề để họ có thể quay trở lại và tham gia vào thị trường lao động. Ngoài ra, Bảo hiểm thất nghiệp không nhằm mục đích lợi nhuận, sinh lời mà chỉ mang mục đích bù đắp một phần về lợi ích đối với đối tượng người được thụ hưởng. Bên cạnh đó, Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bảo hiểm ngắn hạn, chỉ xuất hiện khi Người lao động thất nghiệp, không chi trả dài hạn như chế độ hưu trí.
Về cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện của Bảo hiểm thất nghiệp: Việc thực hiện chế độ Bảo hiểm thất nghiệp trên thực tế rất phức tạp và khó quản lý, khác hẳn việc quản lý đối với các loại bảo hiểm khác. Người lao động bị mất việc từ nhiều nguyên nhân nên không thể dự tính trước được quy mô và tỷ lệ thất nghiệp một cách chính xác, do đó, gây ra khó khăn lớn trong việc hạch toán và cân đối thu – chi của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Việc xác định điều kiện hưởng TCTN cũng bất cập hơn so với các chế độ
BHXH khác. Thực tế, việc thực hiện đăng kí, thống kê và phân loại người thất nghiệp để đưa ra các biện pháp hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng là khá khó khăn, một phần nguyên nhân là do khó xác định và kiểm tra ranh giới phân định giữa có việc làm và không có việc làm, giữa có thu nhập và không có thu nhập. Hoạt động của Bảo hiểm thất nghiệp có mối quan hệ mật thiết với hệ thống đào tạo nghề, các trung tâm giới thiệu việc làm, đòi hỏi cần có sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt giữa cơ quan quản lý Bảo hiểm thất nghiệp với các cơ quan khác trong lĩnh vực lao động việc làm [15]. Cơ quan Bảo hiểm thất nghiệp vừa có trách nhiệm hoàn thành tốt chuyên môn trước khi trả TCTN, vừa phải nắm bắt kịp thời các thông tin về thị trường lao động để giới thiệu việc làm, đào tạo nghề phù hợp đối với Người lao động bị thất nghiệp.
3. Vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm thất nghiệp:
Bảo hiểm thất nghiệp đóng vai trò rất lớn trong việc đảm bảo mục tiêu ASXH và phát triển kinh tế, chính trị của mỗi quốc gia. Không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo đời sống cho cá nhân người thất nghiệp, tạo cơ hội cho họ quay trở lại với thị trường lao động mà Bảo hiểm thất nghiệp còn góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
3.1. Đối với người lao động:
Bảo hiểm thất nghiệp là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất cho Người lao động trang trải cuộc sống, đáp ứng những nhu cầu tối thiểu trong thời gian họ bị mất việc làm, mất đi nguồn thu nhập. Trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, tình trạng Người lao động bị mất việc làm là điều không thể tránh khỏi, từ đó, việc thực hiện Bảo hiểm thất nghiệp góp phần đảm bảo mục tiêu ASXH. Không chỉ vậy, Bảo hiểm thất nghiệp còn giúp Người lao động có cơ hội được học nghề, tìm kiếm những công việc mới phù hợp hơn để có thể tiếp tục tham gia vào thị trường lao động, tiếp tục phấn đấu vươn lên.
Có thể nói, Bảo hiểm thất nghiệp chính là “bà đỡ” về kinh tế, giúp Người lao động không may vì một lý do nào đó mà bị mất việc làm, giúp họ giữ được trạng thái cân bằng về tâm lý, hạn chế được những cú sốc về tinh thần. Khi Người lao động mất thu nhập, lúc này cuộc sống của họ không chỉ dừng lại ở những khó khăn về tài chính mà còn có thể là những sự bất hạnh, trầm uất về mặt tinh thần [35]. Cuộc sống của Người lao động bị mất việc làm sẽ trở nên hết sức nặng nề về tất cả mọi mặt nếu như không có TCTN. Nhờ vào chính sách Bảo hiểm thất nghiệp mà trong khoảng thời gian nhất định, Người lao động sẽ được hỗ trợ một khoản chi phí, tuy không lớn nhưng cũng tạo điều kiện góp phần giúp cho Người lao động có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp.
| Bảo hiểm thất nghiệp là một chế độ quan trọng và cần thiết đối với Người lao động, thể hiện tính nhân văn sâu sắc bởi nó không chỉ giúp người thất nghiệp đảm bảo mức sống tối thiểu mà còn là sự chia sẻ rủi ro đối với Người lao động bị mất việc làm. Thực hiện tốt chính sách này sẽ góp phần cải thiện ASXH, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
3.2. Đối với người sử dụng lao động:
Khi tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, Người sử dụng lao động sẽ không phải chi trả một khoản chi phí lớn để giải quyết chế độ cho Người lao động. Nhờ vậy, gánh nặng tài chính của doanh nghiệp sẽ được san sẻ.
Ngoài ra, Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những biện pháp giúp đỡ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, mở rộng hoạt động và thu hút nguồn nhân lực. Khi Người sử dụng lao động đảm bảo được các chế độ ASXH và Người lao động nắm rõ mình được tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, nắm rõ quyền được hưởng trợ cấp thất nghiệp, họ sẽ yên tâm làm việc, tạo ra năng suất và chất lượng cao, cống hiến được nhiều hơn cho doanh nghiệp. Từ đó, Người sử dụng lao động sẽ luôn giữ được cho doanh nghiệp mình những Người lao động vừa có tay nghề cao, vừa có kinh nghiệm và gắn bó lâu dài, góp phần tăng lợi nhuận và hiệu quả sử dụng sức lao động.
Mặt khác, các chính sách Bảo hiểm thất nghiệp còn cung cấp thông tin, tư vấn giúp kết nối cho những người cần việc làm và người cần lao động tìm thấy nhau, từ đó hiệu quả lao động được tạo ra cao hơn.
3.3. Đối với Nhà nước và xã hội:
Bảo hiểm thất nghiệp đóng vai trò làm thăng bằng nền kinh tế, là liều thuốc “hạ nhiệt” sự căng thẳng xã hội do tình trạng thất nghiệp gây ra. Nền kinh tế của mỗi quốc gia đều có sự góp sức của mỗi cá nhân lao động. Nếu cá nhân nào cũng có việc làm, thu nhập ổn định tức xã hội đó sẽ ổn định, kinh tế sẽ ngày càng vững vàng hơn. Ngược lại, nếu quốc gia nào có nhiều người không có việc làm, không tạo ra thu nhập thì trước tiên, bản thân họ sẽ rơi vào cảnh nghèo đói, cực khổ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quốc gia đó sẽ không thể phát triển lớn mạnh. Vì vậy, Bảo hiểm thất nghiệp đã đóng vai trò làm cân bằng nền kinh tế, hạn chế những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc,… là do thiếu việc làm và thất nghiệp gây nên bởi khi Người lao động mất việc làm, điều này sẽ tác động rất lớn đến tâm lý, tinh thần của họ. Từ đó, Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ có chức năng hỗ trợ về thu nhập mà còn tạo điều kiện để người thất nghiệp có thể tìm công việc mới phù hợp hơn, từ đó tạo ra thu nhập đảm bảo cuộc sống cho bản thân, gia đình và giữ gìn sự ổn định xã hội.
Không chỉ vậy, Bảo hiểm thất nghiệp có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị. Thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp giúp Người lao động thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, từ đó giúp họ yên tâm lao động sản xuất, góp phần ổn định chính trị đất nước. Từ đó, quan hệ giữa Người lao động với Doanh nghiệp, Nhà nước cũng hạn chế căng thẳng hơn, các cuộc bãi công, biểu tình cũng được giảm thiểu.