Hiện nay, đời sống xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân đang ngày càng được cải thiện hơn. Nhu cầu tham gia các gói bảo hiểm tại các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cũng ngày càng phổ biến. Vậy bảo hiểm phi nhân thọ là gì? Phân biệt với bảo hiểm nhân thọ?
Mục lục bài viết
1. Bảo hiểm phi nhân thọ là gì?
Theo quy định tại Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (Sửa đổi bổ sung năm 2010), bảo hiểm phi nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, bảo hiểm phi nhân thọ gồm các loại nghiệp vụ bảo hiểm sau:
– Bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người;
– Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại;
– Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường không;
– Bảo hiểm hàng không;
– Bảo hiểm xe cơ giới;
– Bảo hiểm cháy, nổ;
– Bảo hiểm thân tầu và trách nhiệm dân sự của chủ tầu;
– Bảo hiểm trách nhiệm chung;
– Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính;
– Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh;
– Bảo hiểm nông nghiệp;
2. Quy định của pháp luật về bảo hiểm phi nhân thọ:
Theo quy định của
2.1. Hợp đồng bảo hiểm tài sản:
Hợp đồng bảo hiểm tài sản có đối tượng bảo hiểm là tài sản.
Thứ nhất, về các hợp đồng bảo hiểm tài sản, theo quy định, hợp đồng bảo hiểm tài sản gồm các hình thức sau:
Một là, đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị
– Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không được giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.
– Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị được giao kết do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm, sau khi trừ các chi phí hợp lý có liên quan. Trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm.
Hai là, hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị
– Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.
– Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị được giao kết, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Ba là, hợp đồng bảo hiểm trùng
– Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm.
– Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.
Thứ hai, về vấn đề bồi thường trong hợp đồng bảo hiểm tài sản
Khi phát sinh trách nhiệm bồi thường, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thoả thuận một trong các hình thức bồi thường sau đây:
– Sửa chữa tài sản bị thiệt hại;
– Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác;
– Trả tiền bồi thường.
Lưu ý:
– Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không thoả thuận được về hình thức bồi thường thì việc bồi thường sẽ được thực hiện bằng tiền.
– Trong trường hợp bồi thường theo hình thức thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác hoặc trả tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thu hồi tài sản bị thiệt hại sau khi đã thay thế hoặc bồi thường toàn bộ theo giá thị trường của tài sản.
Theo quy định tại Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, việc bồi thường trong hợp đồng bảo hiểm tài sản được thực hiện trên cơ sở các căn cứ sau:
– Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Chi phí để xác định giá thị trường và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
– Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
– Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Lưu ý:
– Doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm trong trường hợp tài sản được bảo hiểm bị tổn thất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
–Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm.
+ Trong trường hợp người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm, không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tuỳ theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm.
+ Doanh nghiệp bảo hiểm không được yêu cầu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người được bảo hiểm bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người được bảo hiểm, trừ trường hợp những người này cố ý gây ra tổn thất.
2.2. Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự:
Theo quy định tại Điều 52 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường thiệt hại do lỗi của người đó gây ra cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm.
Người thứ ba không có quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo yêu cầu của người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có thể bồi thường trực tiếp cho người được bảo hiểm hoặc cho người thứ ba bị thiệt hại.
Theo quy định tại Điều 55 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm được xác định như sau:
– Trong phạm vi số tiền bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật người được bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người thứ ba.
– Ngoài việc trả tiền bồi thường theo quy nêu trên, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả các chi phí liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về trách nhiệm đối với người thứ ba và lãi phải trả cho người thứ ba do người được bảo hiểm chậm trả tiền bồi thường theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
– Tổng số tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm quy định trên không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
– Trong trường hợp người được bảo hiểm phải đóng tiền bảo lãnh hoặc ký quỹ để bảo đảm cho tài sản không bị lưu giữ hoặc để tránh việc khởi kiện tại toà án thì theo yêu cầu của người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện việc bảo lãnh hoặc ký quỹ trong phạm vi số tiền bảo hiểm.
3. Phân biệt hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ:
Trên cơ sở quy định của pháp luật về bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, có thể phân biệt hai loại hình bảo hiểm này trên cơ sở các điểm đặc thù sau đây:
3.1. Về đối tượng của bảo hiểm:
Thứ nhất, bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm có đối tượng là tuổi thọ, tính mạng, sức khỏa và tai nạn con người. Bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho những người sau đây:
– Bản thân bên mua bảo hiểm;
– Vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm;
– Anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng;
– Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm.
Thứ hai, bảo hiểm phi nhân thọ có hai loại hình là bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự, theo đó:
– Đối tượng được bảo hiểm là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản.
– Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật.
3.2. Về căn cứ trả tiền bảo hiểm:
Thứ nhất, đối với bảo hiểm nhân thọ, căn cứ để trả tiền bảo hiểm tai nạn, sức khỏe con người được xác định như sau:
– Trong bảo hiểm tai nạn con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào thương tật thực tế của người được bảo hiểm và thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
– Trong bảo hiểm sức khoẻ con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ của người được bảo hiểm do bệnh tật hoặc tai nạn gây ra và thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Thứ hai, đối với bảo hiểm nhân thọ, căn cứ để bồi thường được xác định như sau:
– Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản:
+ Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Chi phí để xác định giá thị trường và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
+ Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
+ Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
– Đối với hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự:
+ Trong phạm vi số tiền bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật người được bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người thứ ba.
+ Ngoài việc trả tiền bồi thường theo quy định trên, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả các chi phí liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về trách nhiệm đối với người thứ ba và lãi phải trả cho người thứ ba do người được bảo hiểm chậm trả tiền bồi thường theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Lưu ý:
– Tổng số tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm đã nêu ở trên không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
– Trong trường hợp người được bảo hiểm phải đóng tiền bảo lãnh hoặc ký quỹ để bảo đảm cho tài sản không bị lưu giữ hoặc để tránh việc khởi kiện tại toà án thì theo yêu cầu của người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện việc bảo lãnh hoặc ký quỹ trong phạm vi số tiền bảo hiểm.
3.3. Về hình thức bồi thường:
Thứ nhất, đối với bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện thanh toán bằng tiền
Thứ hai, đối với bảo hiểm phi nhân thọ:
– Đối với hình thức bảo hiểm tài sản, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thoả thuận một trong các hình thức bồi thường sau đây:
+ Sửa chữa tài sản bị thiệt hại;
+ Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác;
+ Trả tiền bồi thường.
– Đối với hình thức bảo hiểm trách nhiệm dân sự, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường bằng tiền.
3.4. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm:
Thứ nhất, đối với bảo hiểm nhân thọ
Doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:
– Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn hai năm, kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực;
– Người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng;
– Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.
Thứ hai, đối với bảo hiểm phi nhân thọ
– Với hợp đồng bảo hiểm tài sản:
Doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm trong trường hợp tài sản được bảo hiểm bị tổn thất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
– Với hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự:
Doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm trong trường hợp thiệt hại xảy ra cho bên thứ ba không phải do lỗi của người được bảo hiểm
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: Luật kinh doanh bảo hiểm nhân thọ năm 2000, sửa đổi năm 2010.