Bảo đảm quyền và lợi ích của các chủ thể khi thi hành quyết định về phá sản. Hậu quả khi doanh nghiệp phá sản.
Bảo đảm quyền và lợi ích của các chủ thể khi thi hành quyết định về phá sản. Hậu quả khi doanh nghiệp phá sản.
Thi hành quyết định về phá sản có thể hiểu theo hai trường hợp là thi hành quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án và thi hành án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã đang lâm vào tình trạng phá sản. Trường hợp thứ nhất thi hành theo thủ tục phá sản quy định trong Luật phá sản 2014. Trường hợp thứ hai thì thi hành nghĩa vụ về tài sản theo thủ tục thi hành án dân sự được quy định trong Luật thi hành án dân sự 2008; Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014.
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật phá sản 2014;
– Luật thi hành án dân sự 2008;
– Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014.
2. Luật sư tư vấn:
Việc thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã đang lâm vào tình trạng phá sản có một số điểm đặc biệt so với những trường hợp thi hành án khác. Việc thi hành án phải gắn liền với thủ tục phá sản mà tòa án đang tiến hành đối với người phải thi hành án. Khi tiến hành thi hành án, cơ quan thi hành án cũng như chấp hành viên cần xác định giai đoạn của thủ tục phá sản của đối tượng phải thi hành án tại thời điểm thi hành án.
* Thi hành án trong trường hợp có quyết định thụ lý đơn yêu cầu phá sản sau khi có quyết định thi hành án
Với mỗi giai đoạn của thủ tục phá sản, căn cứ vào quyết định của tòa án đang tiến hành thủ tục phá sản mà cơ quan thi hành án phải ra những quyết định tương ứng. Khi có đơn yêu cầu tuyên bố phá sản đối với người phải thi hành án, Tòa án xem xét việc thụ lý hay không thụ lý đơn. Nếu tòa án thụ lý đơn thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với các trường hợp thi hành về tài sản. Sau khi thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án xem xét mở hoặc không mở thủ tục phá sản. Nếu Tòa án không mở thủ tục phá sản thì ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tiếp tục thi hành án. Nếu Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản thì cơ quan thi hành án phải ra quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 50 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung 2014.
Sau khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, tòa án tiếp tục xem xét để quyết định phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc đình chỉ thủ tục thi phá sản. Trường hợp Tòa án quyết định đình chỉ thủ tục phá sản thì cơ quan thi hành án phải ra quyết định tiếp tục thi hành án theo điểm c khoản 3 Điều 49 Luật thi hành án dân sự 2008. Trường hợp tòa án quyết định phục hồi hoạt động kinh doanh thì tùy thuộc vào kết quả của hoạt động kinh doanh mà ra quyết định thanh lý (nếu không phục hồi được) hoặc đình chỉ thủ tục phục hồi (nếu đã phục hồi thành công). Trường hợp tòa án ra quyết định thanh lý tài sản, người được thi hành án được coi là chủ nợ theo quy định của Luật phá sản 2014, việc thi hành nghĩa vụ về tài sản được thực hiện theo quy định của Luật phá sản 2014. Trường hợp tòa án ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi, thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tiếp tục thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 49 Luật thi hành án dân sự 2008.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Theo quy định tại Điều 137 Luật thi hành án dân sự năm 2008, cơ quan thi hành án và Tòa án đang giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản phải phối hợp chặt chẽ với nhau để bảo đảm cân bằng giữa quyền lợi của người được thi hành án và quyền lợi của những người có quyền, lợi ích liên quan đến người được thi hành án đang lâm vào tình trạng phá sản. Việc thi hành án đối với người được thi hành án đang lâm vào tình trạng phá sản bị tạm đình chỉ nếu đang ở giai đoạn Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và bị đình chỉ nếu ở giai đoạn Tòa án quyết định mở thủ tục phá sản. Trong những trường hợp này, người phải thi hành án đang trong giai đoạn xác định khả năng thanh toán nghĩa vụ về tài sản đối với đồng thời tất cả các chủ nợ nên việc thi hành án dân sự cần tạm dừng để xem xét. Nếu xét thấy người phải thi hành án có khả năng thanh toán các nghĩa vụ về tài sản thì Tòa án sẽ không mở thủ tục phá sản hoặc đình chỉ thủ tục phá sản, cơ quan thi hành án tiếp tục thi hành án.
Nếu xét thấy doanh nghiệp không có đủ khả năng để thanh toán các nghĩa vụ về tài sản, tòa án sẽ tiến hành thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh. Mục đích của việc tiến hành thủ tục phục hồi kinh doanh là nhằm nâng cao khả năng thanh toán cho người phải thi hành án, nhằm đảm bảo tối đa lợi ích cho người được thi hành án cũng như những chủ nợ khác. Nếu phục hồi thành công thì cơ quan thi hành án tiếp tục thi hành án. Nếu phục hồi không thành công thì Tòa án ra quyết định thanh lý tài sản, quyền tài sản của người được thi hành án được xác định là quyền của chủ nợ trong Luật phá sản.
* Thi hành án trong trường hợp quyết định mở thủ tục phá sản có trước khi có quyết định thi hành án
Theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Luật thi hành án dân sự năm 2008 thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định thi hành án khi người phải thi hành án đang trong quá trình mở thủ tục phá sản. Việc thi hành án chỉ được tiến hành sau khi thủ tục phá sản đã được chấm dứt. Việc chấm dứt thủ tục phá sản ở đây được hiểu là việc Tòa án ra quyết định không mở thủ tục phá sản, quyết định đình chỉ thủ tục phá sản, đình chỉ thủ tục phục hồi hoặc quyết định tuyên bố phá sản. Đối với trường hợp này, quyền được thi hành án của người được thi hành án cũng bị tạm dừng để cân bằng với quyền về tài sản của các chủ nợ của người phải thi hành án.
Như vậy, với những quy định đã phân tích trên, Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã tạo hành lang pháp lý vững chắc trong việc bảo đảm quyền và lợi ích của các chủ thể khi thi hành quyết định về phá sản.