Bảo đảm quyền lưu cư của phụ nữ khi ly hôn? Bảo đảm quyền được cấp dưỡng của phụ nữ khi ly hôn theo quy định của Luật hôn nhan và gia đình năm 2014?
Mục lục bài viết
1. Bảo đảm quyền lưu cư của phụ nữ khi ly hôn:
Sau khi kết hôn, vợ chồng phải tạo lập cuộc sống chung cùng với nhau. Thông thường, vợ chồng sẽ cùng nhau chung sống và tạo lập một chỗ ở nhất định. Vợ chồng có thể sống cùng nhà với gia đình hai bên hoặc có thể tạo lập nhà riêng để sinh sống hoặc có thể chung sống tại một nơi nhất định nào đó. Tuy nhiên, khi vợ chồng ly hôn thông thường sẽ dẫn đến việc phân chia tài sản của cả hai bên vợ và bên chồng. Trong việc phân định tài sản đó có thể bao gồm cả việc phân định về chỗ ở của vợ chồng. Do vậy, cũng cần xem xét việc bảo vệ quyền lợi của người vợ thông qua việc bảo vệ quyền lợi của người vợ về chỗ ở sau khi ly hôn.
Trường hợp thứ nhất, phân chia nhà ở khi nhà ở là tài sản chung của vợ chồng. Khi nhà ở là tài sản chung của vợ chồng thì khi phân chia tài sản dựa trên nguyên tắc quy định tại Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2014. Theo nguyên tắc này, khi phân chia tài sản chung là nhà ở thì tuân theo quy định: “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình“.
Như vậy, việc phân chia tài sản chung của vợ chồng là nhà ở thì pháp luật cũng có quy định về việc bảo vệ quyền lợi của người vợ. Tuy nhiên Luật HN&GĐ năm 2014 mới chỉ quy định điều này về mặt nguyên tắc, còn quy định bảo vệ cụ thể về quyền lợi của người vợ như thế nào thì chưa được ghi nhận một cách cụ thể. Luật HN&GĐ năm 2014 cũng chưa ghi nhận cụ thể việc ưu tiên cho việc người vợ được nhận tài sản là ngôi nhà khi phân chia tài sản. Xét dưới góc độ đời sống, ngôi nhà được coi là rất quan trọng trong văn hóa người Việt Nam. Ngôi nhà có thể là nơi gắn bó kỷ niệm của gia đình, có thể là một môi trường sống quen thuộc, gắn bó với những tình cảm gia đình. Trong nhiều trường hợp, khi phân chia tài sản cần ưu tiên phân cho vợ quyền được nhận toàn bộ hay một phần ngôi nhà để đảm bảo quyền có chỗ ở của người vợ.
Thực tế này xuất phát từ việc có thể người vợ cần có nơi để chăm sóc con nhỏ, cần được sống trong môi trường ổn định, thân quen với môi trường sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, đây là vấn đề mang tính thực tiễn cao và phải phụ thuộc khá nhiều vào thực tế vụ việc và nhận định mang tính chủ quan của của Thẩm phán khi xét xử phân chia tài sản vợ chồng. Tuy nhiên, việc ghi nhận có sự ưu tiên trong việc đảm bảo có chỗ ở cho người vợ cũng góp phần bảo vệ chung cho quyền lợi của người vợ. Nếu ghi nhận như quy định trên thì sẽ thiết thực hơn trong việc đảm bảo quyền có chỗ ở của người vợ sau khi ly hôn.
Trường hợp thứ hai, phân chia nhà ở là tài sản riêng của người chồng. Nếu nhà ở là tài sản riêng của người chồng thì khi ly hôn cũng cần đặt ra việc bảo vệ quyền có nơi ở của người vợ. Pháp luật cũng đã có những quy định để giải quyết trường hợp này. Đối với trường hợp này thì pháp luật cũng quy định người vợ có được “quyền lưu cư“. Bởi khi pháp luật quy định về quyền lưu cư” của người vợ tức là pháp luật cho phép người vợ được thực hiện quyền đó và người chồng trong trường hợp này phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và tôn trọng quyền lưu cư của người vợ. Theo quy định tại Điều 63 Luật HN&GĐ 2014 quy định về quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn:
Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp người vợ hoặc người chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Với việc quy định về quyền lưu cư thì pháp luật cũng góp phần đảm bảo hơn quyền có nơi ở cho người vợ bởi nhiều trường hợp, ngay sau khi ly hôn người vợ hụt hẫng, khó có thể ổn định ngay được cuộc sống của mình. Trước đây, Luật HN&GĐ năm 2000 chưa có quy định về quyền lưu cư. Thực tế, nhiều cặp vợ chồng ngay sau khi ly hôn, người vợ thường bị đuổi ra khỏi nhà dẫn đến gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày. Với quy định về quyền lưu cư thì pháp luật HN&GĐ đã tạo ra quyền cơ bản cho người vợ không phải là chủ sở hữu nhà đối với nhà ở của người chồng. Quy định này cũng phù hợp với thực tiễn đời sống hiện đại và góp phần làm ổn định đời sống của người vợ sau khi ly hôn.
Trường hợp thứ ba, phân chia nhà ở khi nhà ở của vợ chồng là tài sản của người khác. Trong trường hợp nhà ở của vợ chồng là tài sản của người khác thì pháp luật HN&GĐ năm 2014 chưa có văn bản hướng dẫn đề cập trực tiếp đến vấn đề này. Về nguyên tắc, khi ly hôn và phân chia tài sản thì vợ chồng đều có nghĩa vụ tài sản đối với chủ sở hữu ngôi nhà. Khi giải quyết vấn đề liên quan đến tài sản thì vẫn áp dụng nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Tuy nhiên, trong thực tiễn có những trường hợp đặt ra cần phải có quy định cụ thể, thông qua đó quyền lợi của người vợ mới được đảm bảo. Trong trường hợp hai vợ chồng không có nhà ở, phải thuê nhà của người thứ ba để ở thì vấn đề giải quyết chỗ ở của vợ, chồng sau khi ly hôn thường dựa trên thỏa thuận giữa các bên và có tính đến yếu tố đảm bảo quyền lợi cho vợ và con. Tuy nhiên, pháp luật HN&GĐ không quy định cụ thể được vấn đề này vì còn liên quan đến nhiều thỏa thuận của vợ, chồng và thỏa thuận dân sự giữa các bên.
Trường hợp thứ tư, hợp đồng thuê nhà lại chỉ cho một bên vợ hoặc chồng thực hiện. Việc bảo vệ quyền có chỗ ở của người vợ trong trường hợp người vợ là người trực tiếp thuê nhà thì có thể thỏa thuận để đảm bảo quyền có nơi ở cho người vợ. Trong trường hợp người chồng là người trực tiếp thuê nhà để ở, sau khi ly hôn người chồng có thể chấm dứt hợp đồng thuê nhà làm cho người vợ không được đảm bảo quyền có chỗ ở. Trong trường hợp này pháp luật HN&GĐ chưa dự liệu được mà chủ yếu điều chỉnh thông qua pháp luật dân sự. Tuy nhiên, pháp luật HN&GĐ cần thiết phải điều chỉnh những trường hợp này trên thực tế của xã hội hiện đại sẽ có những gia đình thực hiện hợp đồng thuê nhà dài hạn để sinh sống. Để đảm bảo quyền lợi của người vợ về quyền có nơi ở thì pháp luật HN&GĐ cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn.
2. Bảo đảm quyền được cấp dưỡng của phụ nữ khi ly hôn:
Vấn đề cấp dưỡng là một trong những vấn đề chung của đời sống gia đình thể hiện mối quan tâm giữa các thành trong gia đình tới nhau. Theo quy định khi những thành viên trong gia đình rơi vào hoàn cảnh nhất định thì phải được nhận cấp dưỡng từ các thành viên khác. Theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật HNGĐ 2014 hiện hành:
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không chung sống với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự mình nuôi mình hoặc người khó khăn túng thiếu.
Như vậy, quan hệ cấp dưỡng được đặt ra trên nền tảng quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng phù hợp. Trên cơ sở đó, quan hệ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh, chị em với nhau; giữa ông, bà nội, ông bà ngoại với cháu; giữa cô, dì, chú, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng. Theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014, vợ chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau sau khi ly hôn. Theo đó, điều kiện cấp dưỡng được đặt ra là khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình. Với quy định của pháp luật như trên, quyền lợi của người vợ vẫn được đảm bảo nếu khi người vợ quá khó khăn, túng thiếu vẫn có quyền yêu cầu cấp dưỡng từ phía người chồng.
Trong thực tiễn đời sống, phần đông phụ nữ khi ly hôn gặp khó khăn về kinh tế. Trong những trường hơn nhất định, người phụ nữ này có thể bị đau yếu, không có khả năng lao động, hoàn cảnh kinh tế khó khăn... Do vậy, họ cần nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ nhất định từ phía người chồng. Hoặc trong những trường hợp khác, người vợ hy sinh công việc ngoài xã hội chỉ chăm lo công việc gia đình, sống phụ thuộc vào người chồng và nếu khi xảy ra ly hôn thì người vợ sẽ ít có điều kiện về kinh tế, có thể gặp túng thiếu nhất định. Pháp luật đặt ra nghĩa vụ cấp dưỡng của vợ chồng cũng nhằm mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ trong những trường hợp nêu trên. Pháp luật cũng thực hiện việc bảo vệ quyền được cấp dưỡng của người vợ khi vợ chồng thực hiện việc ly hôn.
Phương thức cấp dưỡng theo quy định việc cấp dưỡng có thể được thực hiện hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Như vậy, việc cấp dưỡng được thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau để các bên có thể lựa chọn cho phù hợp. Mỗi phương thức cấp dưỡng đều phải dựa trên căn cứ thực tế để lựa chọn phương thức nào để áp dụng. Thông thường khi ly hôn xảy ra, tình cảm của các bên không còn, người vợ khó khăn yêu cầu cấp dưỡng thì các bên thường lựa chọn phương thức cấp dưỡng một lần. Phương thức này nhanh chóng để giải quyết mối quan hệ giữa các bên. Các bên thực hiện một lần và không còn sự liên quan nào nữa về vấn đề tiền bạc hay cấp dưỡng.
Trong trường hợp người vợ túng thiếu, khó khăn, phải đi chữa bệnh lâu dài thì phương thức cấp dưỡng một lần sẽ khó đảm bảo quyền lợi cho người vợ. Vì vậy, Tòa án có thể áp dụng trường hợp cấp dưỡng theo định kỳ để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người phụ nữ. Người vợ sẽ được hưởng khoản cấp dưỡng định kỳ để đảm bảo tốt hơn cuộc sống của mình. Trong trường hợp có lý do chính đáng, pháp luật cũng cho phép thay đổi mức cấp dưỡng để đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người phụ nữ. Trong trường hợp người vợ lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế thì có thể yêu cầu việc thay đổi phương thức cấp dưỡng để đảm bảo cho cuộc sống đời thường của mình.
Ngoài ra, để đảm bảo cho việc thực hiện cấp dưỡng khi người chống trốn tránh nghĩa vụ thì người vợ có quyền yêu cầu Tòa án buộc người chồng phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Để đảm bảo quyền yêu cầu thực hiện cấp dưỡng, pháp luật còn quy định những người có quyền yêu cầu thực hiện việc cấp dưỡng: người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, Hội liên hiệp phụ nữ. Có thể thấy, trong những trường hợp nhất định, người vợ không thực hiện được quyền yêu cầu được cấp dưỡng của mình thì đã có cơ quan, tổ chức khác có thể thực hiện quyền yêu cầu này. Với quy định này thì quyền được yêu cầu cấp dưỡng của người vợ cũng đã có cơ chế tốt hơn để bảo vệ.