Việt Nam đã và đang nghiêm túc thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quyền con người, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Vậy vấn đề đảm bảo quyền con người của bị can ở giai đoạn điều tra được ghi nhận như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Bảo đảm quyền con người của bị can ở giai đoạn điều tra:
Quyền con người được xem là giá trị chung của các dân tộc, là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại. Quyền con người luôn luôn được cộng đồng quốc tế và mỗi quốc gia coi trọng, xem đó là một thành tựu của nền văn minh và thước đo của sự tiến bộ xã hội. Vì vậy, hoạt động nghiên cứu về Quyền con người và đảm bảo quyền con người luôn luôn là một điểm thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, đặc biệt là khoa học luật tố tụng hình sự. Đồng thời, bảo đảm quyền con người của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự luôn là một vấn đề quan trọng, chiếm sự quan tâm đặc biệt trong bất kỳ hệ thống tố tụng nào. Bảo đảm quyền con người của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự mang đặc điểm đặc trưng về chủ thể bảo đảm, chủ thể được bảo đảm, phạm vi bảo đảm, đối tượng bảo đảm, nội dung bảo đảm, mục đích bảo đảm.
Thứ nhất, về chủ thể bảo đảm quyền con người của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Chủ thể bảo đảm quyền con người nói chung được xác định là nhà nước. Trong mối quan hệ của nhà nước và cá nhân, đặc biệt là công dân thì nhà nước là tổ chức công quyền thực hiện hoạt động quản lý cá nhân bằng pháp luật, bảo đảm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân được thực hiện và không bị xâm phạm. Cụ thể, trách nhiệm bảo đảm quyền con người của bị can thuộc về các cơ quan lập pháp, các cơ quan có thẩm quyền điều tra, viện kiểm sát. Các chủ thể này thông qua các hoạt động của mình làm cho quyền con người của bị can được hiện thực hóa.
Thứ hai, chủ thể được bảo đảm quyền con người của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Chủ thể được bảo đảm quyền con người trong giai đoạn điều tra là bị can. Trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, bị can là người bị tình nghi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, đã bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố. Nhìn chung về bản chất, bị can là một trong những người bị buộc tội, có những căn cứ ban đầu xác định người đó thực hiện hành vi phạm tội. Về hình thức, một người trở thành bị can khi có quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền hoặc kết quả điều tra cáo buộc một cách chính thức. Với tư cách là bị can, họ hoàn toàn có thể bị áp dụng một số biện pháp cưỡng chế được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Do đó, hiểu một cách chung nhất, bị can là người có những căn cứ ban đầu cho rằng họ đã thực hiện hành vi phạm tội và đã bị khởi tố về hình sự.
Thứ ba, đối tượng của bảo đảm quyền con người của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Đối tượng được bảo đảm trong trường hợp này là quyền con người của bị can. Quyền con người được hiểu là phẩm giá, nhu cầu, năng lực vốn có và chỉ có ở con người với tư cách là thành viên của cộng đồng nhân loại, được thể hiện hóa trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Nhìn chung, có thể xác định quyền con người của bị can trong tố tụng hình sự là quyền thuộc nhóm dân sự chính trị của cá nhân khi họ tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng hình sự. Có thể kể đến một số quyền con người cụ thể của bị can như sau:
– Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự và nhân phẩm;
– Quyền được bảo vệ để khỏi bị bắt giam, giam giữ tùy tiện;
– Quyền được bảo vệ không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc bị hạ nhục;
– Quyền được tiến hành tố tụng công bằng;
– Quyền bào chữa;
– Quyền được suy đoán vô tội;
– Quyền không bắt buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc, nhận mình là người có tội;
– Quyền được bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra.
Thứ tư, về nội dung bảo đảm quyền con người của bị can ở giai đoạn điều tra. Theo đó, quá trình xây dựng các quy định về bảo đảm quyền con người của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự phải có các nội dung cụ thể sau:
– Phải quy định nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự trong Bộ luật tố tụng hình sự. Các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự là quy luật chi phối hoạt động tố tụng, là định hướng chủ đạo cho hoạt động của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng hình sự. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản là tiền đề để bảo đảm xác định sự thật khách quan trong vụ án hình sự, bảo đảm quyền con người của các chủ thể tham gia hoạt động tố tụng hình sự;
– Phải ghi nhận các quyền tố tụng của bị can, quyền của bị can cần phải được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế về quyền con người;
– Phải quy định rõ ràng nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền con người của bị can. Trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, quyền của công dân làm phát sinh nghĩa vụ tương ứng của nhà nước;
– Phải có quy định chặt chẽ và minh bạch về trình tự và thủ tục tiến hành hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
2. Các nguyên tắc liên quan đến việc bảo đảm quyền con người của bị can trong giai đoạn điều tra hình sự:
Có thể kể đến các nguyên tắc liên quan đến việc bảo đảm quyền con người của bị can trong giai đoạn điều tra hình sự căn cứ theo quy định tại chương II của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:
– Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
– Nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Bộ luật hình sự năm 2015;
– Nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể căn cứ theo quy định tại Điều 10 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
– Nguyên tắc bảo hộ tính mạng, danh dự, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản của cá nhân căn cứ theo quy định tại Điều 11 của Bộ luật hình sự năm 2015;
– Nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư bí mật cá nhân, bí mật gia đình và bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
– Nguyên tắc suy đoán vô tội căn cứ theo quy định tại Điều 13 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
– Nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì cùng một tội phạm căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
– Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án hình sự căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
– Nguyên tắc bảo đảm quyền bao chữa của những người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lễ hợp pháp của bị hại và đương sự căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Ngủ luật tố tụng hình sự năm 2015.
3. Quyền con người của bị can được thể hiện qua các quyền tố tụng nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 60 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, quyền con người của bị can sẽ được thực hiện thông qua một số quyền tự tố tụng như sau:
– Quyền được biết lý do mình bị khởi tố;
– Quyền được thông báo và giải thích đầy đủ về quyền và nghĩa vụ;
– Quyền được nhận các quyết định khởi tố bị can;
– Quyền được trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bắt buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc bắt buộc, nhận mình là người có tội;
– Quyền đưa ra chứng cứ, các loại giấy tờ và tài liệu, đồ vật và yêu cầu hợp pháp;
– Quyền trình bày ý kiến về các loại giấy tờ, chứng cứ, tài liệu và các đồ vật có liên quan, yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành hoạt động kiểm tra và đánh giá;
– Quyền tự bào chữa, hoặc nhờ người bào chữa;
– Quyền đề nghị tiến hành hoạt động giám định hoặc định giá tài sản, quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định hoặc người định giá tài sản, người dịch thuật hoặc người phiên dịch trong trường hợp cần thiết;
– Có quyền đọc, ghi chép các loại giấy tờ và tài liệu được số hóa liên quan đến quá trình buộc tội, gỡ tội;
– Quyền khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tố tụng hoặc người có thẩm quyền tố tụng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật tố tụng hình sự 2015.