Đào tạo nghề là một trong những hoạt động được nhà nước được nhà nước quan tâm chú trọng phát triển. Đào tạo nghề chính là một quá trình dài học tập, thực hành, và kết thúc quá trình đó thì người học sẽ được cấp bằng đào tạo nghề. Vậy bằng đào tạo nghề là gì?
Mục lục bài viết
1. Bằng đào tạo nghề là gì?
Để phân tích khái niệm bằng đào tạo nghề, chúng tôi sẽ phân tích dưới góc độ phân chia các nhóm từ “bằng”, “nghề”, “đào tạo nghề”.
Ở Việt Nam, hiểu theo một nghĩa chung nhất: Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội. Mặc dù khái niệm nghề được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau song chúng ta có thể thấy một số nét đặc trưng sau: Một là, nghề là hoạt động, là công việc lao động của con người được lặp đi lặp lại. Hai là, nghề là sự phân công lao động xã hội, phù hợp với yêu cầu xã hội. Ba là, nghề là phương tiện để sinh sống. Bốn là, nghề là lao động kỹ năng, kỹ xảo chuyên biệt có giá trị trao đổi trong xã hội, đòi hỏi phải có quá trình đào tạo nhất định. Nghề biến đổi một cách mạnh mẽ và gắn chặt với xu hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Như vậy, nghề là một hình thức phân công lao động, nó đòi hỏi kiến thức lý thuyết tổng hợp và kỹ năng thực hành để hoàn thành những công việc nhất định.
Theo
Đào tạo nghề là hoạt động trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người lao động để họ có thể hành nghề hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học để kiếm thu nhập. Đào tạo nghề là nhằm tạo ra một nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.
Đối tượng học nghề là những người đã trưởng thành, thậm chí đã lớn tuổi, trừ một số trường hợp khác pháp luật quy định. Đây là hoạt động đào tạo nghề nghiệp mang tính thực hành kỹ thuật cao, chiếm khoảng 80% thời gian học tập, có những nghề chiếm tới 90-100%. Hình thức đào tạo nghề rất phong phú và đa dạng, bao gồm: Đào tạo
nghề dài hạn; đào tạo nghề ngắn hạn; đào tạo nghề theo modul; đào tạo nghề kèm cặp; đào tạo nghề lưu động.
“Bằng” ở đây được hiểu là bằng trong “bằng cấp”, tức là một văn bằng do một cơ sở giáo dục cấp cho cá nhân khi đã hoàn thành xong một chương trình đào tạo.
Như vậy, có thể hiểu bằng đào tạo nghề chính là văn bằng do cơ sở đào tạo nghề cấp cho người học sau khi người học hoàn thành khóa học đào tạo nghề do cơ sở đào tạo nghề thực hiện đào tạo và đạt được các tiêu chuẩn đáp ứng điều kiện tốt nghiệp của chương trình đào tạo nghề đó.
2. Các loại bằng đào tạo nghề:
Hiện nay, đào tạo nghề được quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 gồm:
– Đào tạo trình độ sơ cấp
– Đào tạo trình độ trung cấp
– Đào tạo trình độ cao đẳng
Tương ứng với mỗi trình độ đào tạo nghề thì sẽ được cấp văn bằng, chứng chỉ tương ứng khi cá nhân tốt nghiệp. Và theo điều 38 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, thì các văn bằng, chứng chỉ được cấp cho cá nhân khi hoàn thành đào tạo nghề đó chính là:
– Cấp chứng chỉ sơ cấp đối với chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp;
– Cấp bằng tốt nghiệp trung cấp đối với chương trình đào tạo nghề trình độ trung cấp;
– Cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng đối với chương trình đào tạo nghề trình độ cao đẳng.
Như vậy, tổng kết lại thì có thể thấy bằng đào tạo nghề sẽ bao gồm Bằng tốt nghiệp trung cấp và Bằng tốt nghiệp cao đẳng.
3. Yêu cầu đối với bằng đào tạo nghề:
Tại điểm b, điểm c, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định như sau:
“b) Học sinh học hết chương trình đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế có đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu hoặc học sinh học theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ nếu tích lũy đủ số mô-đun, tín chỉ theo quy định thì được hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp trung cấp;
c) Sinh viên học hết chương trình đào tạo trình độ cao đẳng theo niên chế có đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu hoặc sinh viên học theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ nếu tích lũy đủ số mô-đun, tín chỉ theo quy định thì được hiệu trưởng trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng xét công nhận tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng và công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành.”
Như vậy, đối với học sinh, sinh viên để được cấp bằng đào tạo nghề (kể cả đối với bằng tốt nghiệp trung cấp hay bằng tốt nghiệp cao đẳng thì các học sinh, sinh viên đó phải tham gia thi tốt nghiệp và đạt yêu cầu (hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp và đạt yêu cầu). Hoặc trong trường hợp sinh viên, học sinh học tập theo phương thức tích lũy mô – đun hoặc tín chỉ thì học sinh, sinh viên được cấp bằng đào tạo nghề khi tích lũy đủ số mô- đun, tính chỉ theo quy định.
Về điều kiện các học sinh, sinh viên phải tham gia thi tốt nghiệp và đạt yêu cầu (hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp và đạt yêu cầu), thì kỳ thi tốt nghiệp chính là kỳ thi đánh giá tổng quát lại năng lực của các học sinh, sinh viên trong suốt quá trình học tập tại trường học. Để được tham gia kỳ thi tốt nghiệp, thì trước tiên các học sinh đó cũng phải đáp ứng việc hoàn thành các môn học và đạt yêu cầu tham gia thi tốt nghiệp. Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp được đánh giá dựa trên tiêu chí chung của nhà trường, khi kết quả của học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn đó thì sẽ được cấp bằng tốt nghiệp.
Khác với hình thức thi tốt nghiệp, đối với hình thức đào tạo theo mô- đun, tín chỉ, thì các học sinh sau mỗi học phần đều trải qua các kì thi, các bài kiểm tra để hoàn thành các học phần đó, và chỉ khi đạt được tiêu chuẩn về kết quả thi cử, thì học sinh mới được coi là hoàn thành môn học và tham gia vào các môn học khác. Do đó, có thể nhận thấy, đối với hình thức này đã đánh giá quá trình học tập của học sinh, sinh viên qua các môn học, trong mọi giai đoạn học tập mà không phải tiến hành thi cuối kỳ. Các học sinh, sinh viên tích lũy đủ số học phần, tín chỉ theo quy định là đáp ứng được tiêu chí tốt nghiệp. Thông thường, hiện nay các cơ sở giáo dục đào tạo đều tiến hành đào tạo theo hình thức mô- đun, tín chỉ này.
Nhìn chung lại, dù với hình thức học, hay thi cử nào, thì để có bằng đào tạo nghề thì người học phải trải qua quá trình dài để học tập, thi cử và đạt được tiêu chuẩn về đánh giá năng lực, trình độ, kỹ năng do cơ sở giáo dục đào tạo nghề đặt ra thì mới được cấp bằng đào tạo nghề.
Bằng đào tạo nghề sẽ do hiệu trưởng các cơ sở đào tạo nghề cấp theo quy định pháp luật về trình tự, dưới hình thức nhất định. Các cơ sở đào tạo nghề ở đây đó chính là các trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học có đào tạo nghề. Việc cấp phôi, phục lục văn bằng sẽ do các cơ sở đào tạo nghề đảm nhận thực hiện. Đồng thời, cơ sở đào tạo nghề có trách nhiệm công bố các thông tin về bằng đào tạo nghề lên trang thông tin của cơ sở đào tạo nghề.
Sự phát triển của lực lượng sản xuất tạo ra các điều kiện để hình thành các ngành sản xuất mới, thúc đẩy sự phát triển của thành thị. Đồng thời dẫn đến biến động trong nguồn lao động nông thôn theo hướng giảm dần cả về số lượng và tỷ trọng trong tổng nguồn lao động xã hội. Việc đào tạo nghề dù đối với học sinh, sinh viên hay đối với người trưởng thành đều là hoạt động vô cùng quan trọng. Bằng đào tạo nghề chính là loại giấy tờ chứng minh rõ ràng nhất về trình độ nghề nghiệp của các cá nhân trong quá trình làm việc, nên đây là “giấy tờ” dường như không thể thiếu trong hoạt động lao động của người lao động.