Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các công trình, xin giấy phép xây dựng là bước đầu tiên cần hoàn thành. Bản vẽ xin phép xây dựng nhà cấp 4 bao gồm nhiều tài liệu khác nhau. Dưới đây là giải đáp của Luật Dương gia về câu hỏi: Bản vẽ xin giấy phép xây dựng nhà cấp 4 như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy trình xin giấy phép xây dựng nhà cấp 4:
1.1. Giấy phép xây dựng được hiểu như thế nào?
Giấy phép xây dựng được coi là một trong những loại giấy tờ cần thiết trước khi bắt tay vào xây dựng. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy phép xây dựng để cấp phép cho các công trình thể hiện việc công trình đó được phép thi công, bắt đầu tiến hành xây dựng là đúng pháp luật. Đây là một trong những thủ tục bắt buộc phải làm trước khi tiến hành thi công. Giấy phép xây dựng của các công trình có thể được thu hồi, điều chỉnh, gia hạn hoặc cấp lại.
Theo quy định của pháp luật nước ta hiện nay, các công trình trước khi xây dựng đều phải tiến hành xin giấy phép xây dựng. Sau khi được cấp giấy phép, các đơn vị thi công mới được phép tiến hành xây dựng, khi đó mới được coi là đúng pháp luật.
Tuy nhiên, trường hợp ngoại lệ, có một số công trình không cần giấy phép xây dựng khi tiến hành thi công, đó là: Những công trình thuộc nhà nước, hoặc công trình có lệnh thi công khẩn cấp, những công trình xây dựng nhà ở tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những vùng chưa được tiến hành quy hoạch. Việc xây dựng tại những khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao cũng có thể thi công khi chưa có giấy phép, hay còn gọi là những trường hợp được miễn giấy phép. Ngoài ra, các công trình sửa chữa, không gây ảnh hưởng đến môi trường và an toàn xây dựng thì cũng không cần xin giấy phép xây dựng từ phía cơ quan nhà nước.
1.2. Quy trình xin cấp giấy phép xây dựng nhà cấp 4:
Theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 06/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng, thì được coi là nhà cấp 4 khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chí sau:
– Chiều cao căn nhà nhỏ hơn hoặc bằng 06 mét;
– Số tầng cao là 01 tầng;
– Tổng diện tích sàn thì phải < 1 nghìn m2;
– Nhịp kết cấu lớn nhất phải <15 mét;
– Đặc biệt là không có độ sâu ngầm và tầng ngầm.
Khi đó, để được xin giấy phép xây dựng, chủ đầu tư cần chuẩn bị các giấy tờ sau, bao gồm:
Đơn đề nghị xin cấp giấy phép xây dựng nhà cấp 4;
Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đất như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, biên lai đóng thuế qua các giai đoạn…;
Bản vẽ xin phép xây dựng nhà cấp 4;
Như vậy, nhìn chung thì việc xin giấy phép xây dựng nhà cấp 4 khá đơn giản. Chủ thể chỉ cần nộp các hồ sơ và giấy tờ cần thiết cho Uỷ ban nhân dân. Sau đó nhận giấy hẹn, đến ngày hẹn trên giấy thì quay trở lại ủy ban nhân dân để nhận giấy phép xây dựng. Trường hợp giấy tờ chưa đầy đủ thì phải tiến hành bổ sung theo yêu cầu. Nếu các chủ công trình chưa nắm rõ các tài liệu cần thiết và quy trình xin giấy phép thì việc xin giấy có thể diễn ra lâu hơn, hoặc có thể mất chi phí cao hơn. Để được cấp giấy phép xây dựng nhanh chóng và thuận lợi nhất có thể, nhiều chủ công trình thường tìm đến các công ty thiết kế nhà. Các công ty này chính là chủ thể nắm rõ các giấy tờ, các thủ tục cần thiết nên quá trình xin cấp phép và thực hiện bản vẽ xin phép xây dựng của họ sẽ diễn ra nhanh chóng hơn rất nhiều.
2. Bản vẽ xin giấy phép xây dựng nhà cấp 4 như thế nào?
Bản vẽ xin phép xây dựng được hiểu là bản vẽ trong đó phản ánh, cung cấp những thông tin cần thiết nhất về công trình cần xây dựng. Bản vẽ này bao gồm diện tích khu đất, chiều cao, mặt cắt của công trình… Đồng thời, bản vẽ cần chỉ rõ vị trí của công trình. Những thông tin này sẽ giúp Uỷ ban nhân dân xã, huyện và các cơ quan khác có thẩm quyền xem xét có nên cấp phép xây dựng cho công trình xin phép hay không.
Nhìn chung thì bản vẽ xin phép xây dựng nhà cấp 4 gồm nhiều tài liệu khác nhau, nhưng cơ Bản vẽ gồm những giấy tờ sau đây:
Thứ nhất, bản vẽ mặt bằng: Bản vẽ mặt bằng thể hiện toàn bộ những thông tin cơ bản nhất về mặt bằng của chính công trình mà chủ thể muốn xây dựng. Bản vẽ mặt bằng gồm có hai phần, đó là mặt bằng tổng thể và mặt bằng sơ bộ. Mặt bằng tổng thể là phần diện tích mà chủ thể muốn xây dựng so với tổng diện tích hiện có của khu đất. Chủ thể có thể tìm các quy định về mật độ xây dựng của các cơ quan để bản vẽ được hợp lệ, đúng yêu cầu. Ngoài diện tích của khu đất xây dựng thì bản vẽ mặt bằng còn thể hiện thiết kế của các tầng trong công trình. Các kiến trúc sư sẽ cung cấp bản vẽ mặt bằng từ tầng trệt tới các lầu. Bản vẽ sẽ thể hiện kết cấu của ngôi nhà, vị trí các phòng cũng như các thiết kế của ngôi nhà.
Thứ hai, bản vẽ mặt cắt: Đây được đánh giá là một trong những tài liệu cần thiết của bản vẽ xin phép xây dựng nhà cấp 4. Qua đó sẽ thể hiện những chi tiết từ phần móng, hầm, tới mái nhà theo các mặt cắt.
Thứ ba, bản vẽ mặt đứng của công trình: Bản vẽ mặt đứng sẽ thể hiện mặt phía trước, hay còn được gọi là mặt tiền của ngôi nhà. Bản vẽ này cung cấp những thông tin cụ thể về hình dáng nhà khi nhìn từ phía trước, chiều rộng cũng như cả chiều cao của công trình. Bản vẽ này cũng sẽ tính cả phần mái nhà.
Thứ tư, bản đồ vị trí công trình: Trước khi cấp giấy phép xây dựng, các cơ quan chức năng cần nắm rõ vị trí cụ thể của công trình cần thi công. Bản đồ vị trí sẽ bao gồm những thông tin này. Không chỉ thể hiện vị trí cụ thể của công trình, bản đồ vị trí còn miêu tả và vẽ những khu đất, những công trình liền kề xung quanh đó. Phần tài liệu này cần được kiểm chứng sao cho giống với các giấy tờ quyền sở hữu và sử dụng đất.
Thứ năm, phần khung tên bản vẽ xin phép nhà cấp 4: Đây được xem là một phần không thể thiếu đối với mỗi bản vẽ nói chung và bản vẽ nhà cấp 4 nói riêng. Phần khung tên bao gồm ba nội dung chính: Tên công ty (mã số thuế, tên và thông tin liện hệ), kiến trúc sư thiết kế và chủ của công trình, chủ nhà (ký và ghi rõ họ tên của người có quyền sử dụng đất).
3. Bản vẽ xin phép xây dựng và bản vẽ thiết kế nhà khác nhau như thế nào?
Thực tế, bản vẽ xin phép xây dựng và bản vẽ thiết kế nhà là khái niệm hoàn toàn khác nhau. Có thể hiểu đơn giản là, bản vẽ xin phép xây dựng bao gồm những bản vẽ cần thiết với mục đích xin cấp phép xây dựng. Còn bản vẽ thiết kế nhà đã bao gồm những hồ sơ và giấy tờ, tài liệu hoàn chỉnh về ngôi nhà được thiết kế. Đồng nghĩa với việc, bản vẽ thiết kế nhà sẽ cung cấp các thông tin chi tiết, cụ thể nhất về diện tích, kết cấu, kých thước của ngôi nhà nhất định. Các chủ thể như kiến trúc sư và các đơn vị xây dựng… sẽ dựa vào bản vẽ thiết kế nhà đó để tiến hành xây dựng sao cho phù hợp với mong muốn và nhu cầu của người sử dụng dịch vụ.
Một bản vẽ xin phép xây dựng nhà cấp 4 như đã phân tích ở trên, sẽ bao gồm bản vẽ mặt bằng, bản vẽ mặt cắt, bản vẽ mặt đứng, bản đồ vị trí công trình và khung tên. Còn một bản vẽ thiết kế nhà thì hoàn toàn khác, nó sẽ bao gồm các bản thiết kế kiến trúc, bản thiết kế chi tiết, bản thiết kế kết cấu và các bản vẽ hệ thống điện, nước của ngôi nhà. Trong một số trường hợp, bản vẽ thiết kế nhà còn bao gồm cả phần thiết kế nội thất.
Vì thế có thể nhìn nhận đây là 2 bản vẽ hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên, các thông tin giữa bản vẽ xin phép xây dựng và bản vẽ thiết kế nhà cần đảm bảo được sự thống nhất. Cụ thể là bản vẽ thiết kế nhà phải tuân theo bản vẽ xin phép xây dựng, đặc biệt là các thông tin về diện tích và kých thước của ngôi nhà đó. Trong trường hợp xây nhà vượt quá giấy phép, chủ công trình sẽ bị phạt hành chính, thậm chí là phải tháo dỡ, đây được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Đối trường hợp bản vẽ nhà thay đổi một số thiết kế bên trong, giảm chiều cao của nhà, không gây ảnh hưởng tới an toàn xây dựng thì sẽ không bị phạt.
4. Giá bản vẽ xin phép xây dựng nhà cấp 4 hiện nay:
Nhiều người trong quá trình tìm hiểu về bản vẽ xin giấy phép xây dựng nhà cấp 4, thì họ đặt ra thắc mắc về mức giá. Theo như quy định của nước ta hiện hành, giá bản vẽ xin phép xây dựng đối với các công trình nhà ở, trong đó có bao gồm cả nhà cấp 4 là là 50.000 đồng/ 1 bản giấy phép. Còn đối với các công trình xây dựng khác, mức giá bản vẽ xin phép xây dựng sẽ là 100.000 đồng/ 1 bản giấy phép. Nếu các công trình cần gia hạn bản vẽ và giấy phép xây dựng thì mức lệ phí gia hạn sẽ rơi vào khoảng 25.000 đồng/ lần gia hạn thành công.
Trong trường hợp mà các chủ nhà hoặc chủ thầu chưa có bản vẽ xin phép xây dựng thì họ có thể thuê các chủ thể vẽ chuyên nghiệp thực hiện theo yêu cầu. Tại mỗi khu vực khác nhau thì mỗi đơn vị thiết kế cung cấp mức giá bản vẽ xin phép xây dựng cũng khác nhau. Cơ bản, trung bình thì với những bản vẽ xin giấy phép xây dựng nhà phố và bản vẽ xin phép xây dựng nhà cấp 4 có mức giá khoảng 20.000 đồng / 1m2.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020);
– Thông tư 06/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng.