So sánh về tuổi đời, điện ảnh thuộc lớp những ngành nghệ thuật còn non trẻ ở Việt Nam. Thế nhưng, không vì thế mà điện ảnh ít được đón nhận. Dưới đây là bài viết Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim mà em yêu thích, mời các bạn cùng tham khảo!
Mục lục bài viết
1. Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim mà em yêu thích hay nhất:
So sánh về tuổi đời, điện ảnh thuộc lớp những ngành nghệ thuật còn non trẻ ở Việt Nam. Thế nhưng, không vì thế mà điện ảnh ít được đón nhận. Bộ phim “Mùi cỏ cháy” chính là một minh chứng cho sức hấp dẫn của phim điện ảnh chất lượng tại Việt Nam.
“Mùi cỏ cháy” được công chiếu vào năm 2012. Sức hấp dẫn của bộ phim được thể hiện trên nhiều khía cạnh, đầu tiên là về mặt đề tài. Đề tài chiến tranh không phải là đề tài mới mẻ, xa lạ với các sáng tạo nghệ thuật. Có biết bao những tác phẩm văn chương, âm nhạc, nhiếp ảnh về đề tài này đã trở nên nổi tiếng và đi vào đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Thế nhưng, người dân nước ta khi ấy vẫn còn ít tiếp xúc với điện ảnh. Việc khai thác một đề tài kinh điển bằng chất liệu mới đã thu hút được sự chú ý và khơi gợi sự trân trọng ở công chúng. Không chỉ vậy, chính tên tuổi biên kịch cùng nguyên tác, đơn vị sản xuất cũng là yếu tố góp phần gây tiếng vang cho tác phẩm. Kịch bản của bộ phim được viết bởi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – một nhà thơ và cũng là một người chiến sĩ từng từ giã mái trường để lên đường chống Mỹ. Xúc động hơn, tác phẩm được dựa trên cuốn nhật kí bất hủ “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đơn vị sản xuất là Hãng phim truyện Việt Nam. Chỉ từng ấy yếu tố thôi, “Mùi cỏ cháy” đã hứa hẹn là tác phẩm lấy đi nhiều nước mắt của khán giả khi tái hiện những năm kháng chiến hào hùng của đất nước cùng vẻ đẹp con người Việt Nam giữa lửa đạn chiến tranh.
Nếu những yếu tố trên thu hút công chúng đến với phòng vé thì chính nội dung hấp dẫn, chân thực và cảm động đã khiến “Mùi cỏ cháy” có sức sống lâu bền. Từ Hà Nội cổ kính rêu phong đến Quảng Trị kiên cường máu lửa, tất cả đều hiện lên vô cùng sống động. Nhân vật chính của tác phẩm là những chàng sinh viên đang độ tuổi đôi mươi, quyết tâm gác lại việc học để lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bốn chàng trai Hoàng, Thành, Thăng, Long mang trong mình bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, tâm hồn ngây thơ trong sáng, sự tinh nghịch lạc quan, khát khao hạnh phúc và trên hết và tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, tinh thần quyết tâm xả thân vì độc lập tự do của dân tộc. Những sự kiện, địa danh trong phim như 81 ngày đêm khốc liệt tại Thành cổ, dòng sông Thạch Hãn, những đợt ném bom của Mĩ,… đều là những điều có thật. Hơn hết, “Mùi cỏ cháy” không dừng lại ở mức tái hiện khô cứng hiện thực lịch sử. Tác phẩm không khoác lên chiến tranh bộ chiến bào lấp lánh, oai hùng mà khắc họa tận cùng những mất mát, đau thương của con người. Ta tìm thấy trong tác phẩm nỗi buồn khi rời xa gia đình, sự đau xót khi chứng kiến đồng đội lần lượt hi sinh của những người lính kiên cường hơn sắt thép. Ngày ra đi, bốn chàng trai cùng nhau chụp một tấm ảnh hẹn ngày chiến thắng trở về. Đến khi đất nước đã không còn bóng giặc thì Thành, Thăng, Long cũng đã nằm lại nơi chiến trường, chỉ còn lại mình Hoàng. Mỗi nụ cười, mỗi ánh mắt của các nhân vật trong bộ phim đều để lại trong tâm hồn người xem biết bao day dứt, khắc khoải. Tác phẩm thực sự là khúc bi hùng ca về con người và đất nước Việt Nam.
Không chỉ thành công về mặt nội dung ý nghĩa truyền tải đến người xem, “Mùi cỏ cháy” còn là tác phẩm thành công về nghệ thuật làm phim. Tiến trình của phim đi theo mạch hồi tưởng của nhân vật Hoàng – khi ấy đã là một cựu chiến binh già tạo nên sự chân thực và gây xúc động mạnh cho người xem. Bên cạnh đó, đây còn là tác phẩm kết hợp hài hòa giữa chất thơ và chất hiện thực. Trong phim xuất hiện nhiều hình ảnh ẩn dụ như dòng máu chảy trên tượng cô gái khi Thành, Thăng, Long hy sinh hay tấm ruy đô Long mang từ nhà,…Bối cảnh của phim cũng được chau chuốt kĩ lưỡng để tái hiện đầy đủ vẻ đẹp làng quê Việt Nam với giếng nước, đốc ga. Các cảnh chiến trận được đoàn làm phim chuẩn bị vô cùng kì công với khoảng thời gian lên tới bốn tháng.
Với những nét hấp dẫn trên, “Mùi cỏ cháy” đã xứng đáng “Bông sen Bạc” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 cùng 4 giải “Cánh diều vàng” tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2011. Đến nay, câu chuyện về bốn chàng thanh niên Hoàng, Thành, Thăng, Long vẫn được yêu mến và lấy đi nước mắt của khán giả. Lời nhận xét của đạo diễn Hữu Mười có lẽ đã đủ tổng kết giá trị của bộ phim: “”Vinh danh Mùi cỏ cháy, là vinh danh quá khứ (…) Chúng ta không bao giờ được phép quên quá khứ, nếu quên quá khứ sẽ không có tương lai”.
2. Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim mà em yêu thích ngắn gọn:
Trung Quốc là đất nước phồn thịnh văn hóa, đã hội tụ nhiều tác phẩm điện ảnh ấn tượng. ‘Chuyện tình cây táo gai’ của đạo diễn Trương Nghệ Mưu là một trong những tác phẩm nổi bật, mang đến câu chuyện tình yêu sâu sắc và đầy ắp cảm xúc.
Bối cảnh của bộ phim diễn ra vào những năm Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. Hai nhân vật chính, Tịnh Thu và Kiến Tân, đến từ hai thế giới khác nhau nhưng tình yêu của họ đã vượt qua mọi rào cản xã hội và gia đình. Trương Nghệ Mưu đã tài tình kể lại câu chuyện tình bi thương nhưng đẹp đẽ này thông qua hình ảnh và diễn xuất ấn tượng của các diễn viên.
Châu Đông Vũ và Đậu Kiêu, hai diễn viên chính, đã thể hiện sự tròn trịa của nhân vật một cách xuất sắc. Khuôn mặt nhỏ nhắn của Châu Đông Vũ và lối diễn nhẹ nhàng đã đưa người xem qua từng cung bậc cảm xúc của Tịnh Thu. Cô gái mới lớn, những rung động đầu đời, đến những lúc ghen tuông, trút giận lên chiếc chậu mới mua, mỗi khoảnh khắc đều tuyệt vời. Cảnh Tịnh Thu ngồi ngắm sông thể hiện rõ nét giằng xé nội tâm, băn khoăn. Những cảnh khóc của nhân vật chạm đến trái tim người xem, gây cho ta những cảm xúc bâng khuâng, khó diễn đạt.
Điểm đặc biệt trong bộ phim là sự đối lập giữa khung cảnh, từ bờ sông rộng lớn đến gia đình chật hẹp. Góc máy kết hợp với thiên nhiên sáng trong là biểu tượng của tình yêu đẹp đẽ. Ngược lại, quay cảnh gia đình Tịnh Thu tạo ra không gian u tối, chật chội, đại diện cho những rào cản xã hội. Sự đối lập này làm nổi bật thông điệp và ý nghĩa của tác phẩm.
“Chuyện tình cây táo gai” từng làm điên đảo khán giả bởi diễn xuất ấn tượng và thước phim thơ mộng. Tác phẩm đoạt hai giải thưởng quốc tế, chứng minh sức hút của nó. Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông cho phim Châu Á hay nhất và Giải thưởng Điện ảnh Châu Á cho Diễn viên mới xuất sắc nhất là minh chứng cho thành công của bộ phim.
“Chuyện tình cây táo gai” không chỉ là tác phẩm nghệ thuật phản ánh hiện thực xã hội mà còn là bức tranh đầy thơ mộng. Hãy dành thời gian để khám phá những giá trị tuyệt vời mà nó mang lại.
3. Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim mà em yêu thích ấn tượng:
“Nhà bà Nữ” là một trong những bộ phim chiếu rạp đem lại doanh thu lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Phim xoay quanh những vấn đề đều đến từ sự ích kỉ, việc không ai chịu thấu hiểu cho ai, cho đến khi dẫn đến cao trào của sự bùng nổ của việc nhẫn nhịn, bởi vậy phim đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều về nội dung và cách dàn dựng phim.
Khác xu hướng làm phim Tết với chủ đề nhẹ nhàng, nhiều tiếng cười, đạo diễn đi vào nội tâm nhân vật. Phim chọn góc nhìn chính từ Ngọc Nhi – một người con vốn phải sống theo định hướng của mẹ từ nhỏ. Mê làm gốm, cô vẫn phải học ngân hàng, phụ mẹ buôn bán. Cô chưa bao giờ đi chơi quá 10 giờ đêm, không thể xếp đồ lót theo ý mình. Từ các cãi vã nhỏ nhặt, mẹ con bà Nữ dần nảy sinh nhiều rạn nứt khó cứu vãn. Mâu thuẫn được đẩy lên là khi cô cãi lời mẹ khi lén lút quen John – Việt kiều mới về nước. Cao trào xảy ra khi Nhi có bầu, bỏ nhà ra đi, sống cùng John song nhanh chóng nhận trái đắng”.
Ngoài chuyện mẹ con bà Nữ, chuyện tình Nhi và John đại diện cho những đôi nhiều hoài bão nhưng thiếu thực tế. Họ mơ mộng với cuộc sống lứa đôi và sớm bị ghì chặt bởi cơm áo gạo tiền. Chuyện vợ chồng Phú Nhuận và Ngọc Như – con gái bà Nữ – là nỗi buồn của người đàn ông ở rể, bị nhà vợ lấn lướt. Yêu chồng nhưng thích kiểm soát, Ngọc Như để tuột mất hạnh phúc theo cách cô khó ngờ nhất.
Ở một phần ba thời lượng đầu, phim gây cười theo lối hài sân khấu. Về sau, phim dồn dập tình tiết, đẩy cao mâu thuẫn nhân vật. Những cảnh tranh cãi giữa mẹ con Nhi được lồng ghép tự nhiên, lời thoại dễ khơi gợi đồng cảm từ người xem. Những đoạn nhân vật Nhi bộc bạch, thoại phim đơn giản nhưng vẫn mang sức nặng về thông điệp: “Trong một mối quan hệ, sợ nhất là không ai đúng cũng không ai sai, vấn đề chỉ khác nhau ở góc nhìn, rồi họ lặng lẽ tổn thương, rời xa nhau”.
Tuy nhiên, bộ phim vẫn còn nhiều điểm chưa “đã” khiến em cảm giác không được như mong đợi. Phim có nhiều góc máy về ẩm thực theo lối duy mỹ nhưng về sau, phim mang dáng dấp của một tác phẩm truyền hình, thiếu lối đặc tả, ghi dấu cá tính của đạo diễn và đặc biệt phim lồng lời thoại “chửi thề” vào quá nhiều. Bởi vậy, khi xem, không có những phân đoạn không để lại nhiều ấn tượng trong em.
Mặc dù có những điểm hạn chế nhưng em không thể phủ nhận rằng nội dung rất “đời”, kết cấu chặt chẽ, diễn xuất tự nhiên phần nào cũng đã tạo nên góc nhìn về cuộc sống đời thường. Qua đó, cũng gửi gắm được những bài học về cuộc sống để giúp chúng ta trưởng thành hơn trong suy nghĩ, để khi nhìn về sẽ không còn đọng lại những “tiếc nuối” như những nhân vật trong phim.