Huyện Thanh Trì nằm ở phía nam ngoại thành Hà Nội, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10 km. Huyện Thanh Trì có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Huyện Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, địa thế thấp dần về phía Đông Nam theo hướng dòng chảy của sông Hồng. Mời bạn đọc tìm hiểu qua bài viết: Bản đồ và danh sách đường phố huyện Thanh Trì (Hà Nội).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ huyện Thanh Trì (Hà Nội):
2. Danh sách đường phố huyện Thanh Trì (Hà Nội):
STT | Danh sách đường phố huyện Thanh Trì |
1 | Đường Cầu Bươu |
2 | Đường Chiến Thắng |
3 | Đường Cổ Điển |
4 | Đường Đại Hưng |
5 | Đường Đại Thanh |
6 | Đường Đông Mỹ |
7 | Đường Hữu Hòa |
8 | Đường Kim Giang |
9 | Đường Lưu Phái |
10 | Đường Nghiêm Xuân Yêm |
11 | Đường Ngọc Hồi |
12 | Đường Ngũ Hiệp |
13 | Đường Nguyễn Bặc |
14 | Đường Nguyễn Bồ |
15 | Đường Nguyễn Khoái |
16 | Đường Nguyễn Quốc Trinh |
17 | Đường Nguyễn Xiển |
18 | Đường Phạm Tu |
19 | Đường Phan Trọng Tuệ |
20 | Đường Quang Lai |
21 | Đường Quỳnh Đô |
22 | Đường Siêu Quần |
23 | Đường Tả Thanh Oai |
24 | Đường Tân Triều |
25 | Đường Tân Triều Mới |
26 | Đường Thanh Liệt |
27 | Đường Triều Khúc |
28 | Đường Trường Thọ |
29 | Đường Tứ Hiệp |
30 | Đường Tựu Liệt |
31 | Đường Vĩnh Khang |
32 | Đường Vĩnh Quỳnh |
33 | Đường Vũ Lăng |
34 | Đường Yên Xá |
3. Vị trí – huyện Thanh Trì ở đâu?
- Phía Đông giáp huyện Gia Lâm và huyện Văn Giang (Hưng Yên) với ranh giới tự nhiên là sông Hồng.
- Phía Tây giáp quận Thanh Xuân và quận Hà Đông.
- Phía Nam giáp huyện Thường Tín và huyện Thanh Oai.
- Phía Bắc giáp quận Hoàng Mai với ranh giới tự nhiên là sông Tô Lịch.
Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, địa thế thấp dần về phía Đông Nam theo hướng dòng chảy của sông Hồng. Trên địa bàn huyện Thanh Trì có đoạn cuối sông Tô Lịch chạy qua nối với sông Nhuệ ở phía Nam. Địa hình của huyện thấp với nhiều điểm trũng so với các quận, huyện khác của Hà Nội.
Huyện Thanh Trì có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn Văn Điển (huyện lỵ) và các xã huyện Thanh Trì là: Yên Mỹ, Vĩnh Quỳnh, Vạn Phúc, Tứ Hiệp, Thanh Liệt, Tân Triều, Tam Hiệp, Tả Thanh Oai, Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi, Liên Ninh, Hữu Hòa, Duyên Hà, Đông Mỹ, Đại Áng.
Thanh Trì có diện tích tự nhiên là 63,17km2, dân số năm 2019 là 274.347 người, mật độ dân số đạt 4.343 người/km2.
4. Kinh tế và hạ tầng giao thông:
Thanh Trì sở hữu nhiều sản vật giá trị như vải tiến làng Quang (xã Thanh Liệt), sơn vẽ Đông Phù, bánh chưng Tranh Khúc, mây tre Vạn Phúc, rượu hoa cúc Yên Ngưu, làm chìa khóa Tương Chúc, làm bánh kẹo Nội Am, nghề dệt quai thao Triều Khúc. Trước đây, kinh tế của Thanh Trì phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Hoạt động thương mại, dịch vụ mới phát triển trong vài năm trở lại đây nhưng các nhà đầu tư còn khá dè chừng do vấn đề ô nhiễm.
Về công nghiệp, trên địa bàn huyện có nhà máy pin Văn Điển, nhà máy phân lân Văn Điển, công ty may Thanh Trì, nhà máy đệm Hanvico, nhà máy lắp ráp ô tô GM và nhiều nhà máy công nghiệp in ấn bao bì, cửa nhựa, thức ăn chăn nuôi,… Năm 2020, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện tăng 8,2%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.746 tỷ đồng, vượt 19,5% dự toán thành phố giao, thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/năm.
Thanh Trì có trục đường 1A, 1B, 21C, đường sắt Thống Nhất cắt qua. Trong đó, tuyến 1A chạy xuyên suốt qua các xã Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi, Liên Ninh. Tuyến 1B trở thành lằn ranh chia cắt giữa các khu hành chính, nông thôn của huyện, làm rời rạc sự kết nối. Quốc lộ 21C chạy qua xã Thanh Liệt, Tân Triều với tên gọi đường Xa La – Nguyễn Xiển, hay đại lộ Chu Văn An. Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ chạy xuyên qua các xã Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Liên Ninh thuộc huyện. Trục đường Phan Trọng Tuệ nối Thanh Trì với quận Hà Đông, huyện Thanh Oai là trục đường quan trọng của huyện nhưng vẫn còn nhiều đoạn ùn tắc.
Với quyết tâm hoàn thành các tiêu chí lên quận vào năm 2023, Thanh Trì đang dồn lực gấp rút hoàn thiện các tiêu chí giao thông, xây dựng hạ tầng khung kết nối các tuyến đường. Đường giao thông liên xã Yên Mỹ – Duyên Hà – Vạn Phúc với tổng mức đầu tư hơn 155 tỷ đồng, đường nối cầu Hòa Bình đến khu đô thị mới Nam Linh Đàm đã hoàn thành, tuyến nút giao Xa La gần 2km nối từ Nguyễn Xiển đến khu đô thị Xa La đi qua địa bàn các xã Tân Triều, Thanh Liệt,… Thanh Trì cũng đã triển khai đoạn đường giao thông liên xã Tả Thanh Oai – Đại Áng – Liên Ninh với tổng mức đầu tư 461 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng đường Tứ Hiệp nối quốc lộ 1A với Ngọc Hồi – Vũ Lăng; cải tạo đường Nguyễn Bồ lên dốc Đồng Trì,…
Về xe buýt, các tuyến buýt số 6A, 6C, 6E, 8A, 8B, 12, 62, 94, 101, 39, 99, 22B, 37, 106 đi qua địa bàn huyện. Từ Thanh Trì, người dân có thể di chuyển thuận tiện đến các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Yên Bái hoặc xuôi theo quốc lộ 1A đi tới các tỉnh phía Nam.
Trong tương lai, Thanh Trì sẽ có một số tuyến đường sắt đô thị đi qua địa bàn, bao gồm: tuyến số 1 (Ngọc Hồi – Yên Viên), tuyến số 6 (Nội Bài – Ngọc Hồi), tuyến số 7 (Mê Linh – Ngọc Hồi), tuyến số 8 (An Khánh – Dương Xá). Hiện tuyến số 1 đang trong giai đoạn thi công.
5. Lịch sử hình thành huyện Thanh Trì:
Là một vùng đất cổ nằm ở phía nam kinh đô, Thanh Trì có bề dày phát triển và truyền thống văn hóa đặc sắc. Bên cạnh hệ thống văn vật phong phú còn lưu giữ được với 56 cụm di tích và di tích, 2 tượng đài, đài tưởng niệm được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng, văn hoá nghệ thuật, nơi đây còn là quê hương của rất nhiều danh nhân văn hóa đất nước và cũng là nơi nức tiếng với nhiều sản vật nức tiếng xưa nay.
Theo dấu lịch sử, từ xa xưa, vùng đất này có tên là Long Đàm (đầm Rồng). Thế kỷ X, sứ quân Nguyễn Siêu chiếm đóng Tây Phù Liệt, khai khẩn đất hoang tạo nên một thế lực quân sự mạnh và phát triển thành một trong 12 sứ quân. Đến thời thuộc Minh, không muốn dân chúng nhớ lại tên Thăng Long, chính quyền phong kiến phương Bắc đã đổi tên kinh đô nước Việt thành Đông Quan và Long Đàm cũng bị đổi theo thành Thanh Đàm (đầm nước trong) thuộc châu Phúc Yên. Sang thời Lê Thế Tông (1573 – 1591), để kiêng húy tên vua, vùng đất này được đổi tên lần nữa thành Thanh Trì và tên gọi này được sử dụng đến tận ngày nay.
Trước năm 1945, huyện Thanh Trì thuộc Phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông.
Năm 1942, Pháp sáp nhập một phần huyện Thanh Trì của tỉnh Hà Đông vào Hà Nội, thành lập “Đại lý đặc biệt Hà Nội” gồm huyện Hoàn Long và 22 xã thuộc Phủ Hoài Đức, được chia thành 8 tổng, 60 xã.
Thời gian 1949-1954, 2 huyện Thanh Trì và Thanh Oai nằm trong quận Văn Điển của thành phố Hà Nội do chính quyền Quốc gia Việt Nam lập ra. Năm 1956, 2 huyện này được trả về tỉnh Hà Đông và sau đó là tỉnh Hà Tây.
Ngày 20 tháng 4 năm 1961, huyện Thanh Trì được sáp nhập vào Hà Nội (trừ 4 xã: Liên Ninh, Việt Hưng (Ngọc Hồi), Đại Thanh (Tả Thanh Oai), Thanh Hưng (Đại Áng) nhập vào huyện Thường Tín; 4: xã Hữu Hòa, Kiến Hưng, Cự Khê, Mỹ Hưng nhập vào huyện Thanh Oai). Ngày 31 tháng 5 năm 1961, lập huyện Thanh Trì mới trên cơ sở hợp nhất huyện Thanh Trì cũ và quận VII cũ, gồm thị trấn Văn Điển và 21 xã: Đại Kim, Định Công, Đông Mỹ, Duyên Hà, Hoàng Liệt, Hoàng Văn Thụ, Khương Đình, Lĩnh Nam, Ngũ Hiệp, Tam Hiệp, Tân Triều, Thanh Liệt, Thanh Trì, Thịnh Liệt, Trần Phú, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, Vĩnh Tuy, Yên Mỹ, Yên Sở.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, 4 xã: Liên Ninh, Ngọc Hồi, Đại Áng, Tả Thanh Oai của huyện Thường Tín và xã Hữu Hòa của huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Sơn Bìnhsáp nhập vào huyện Thanh Trì. Từ đó, huyện Thanh Trì có thị trấn Văn Điển và 26 xã: Đại Áng, Đại Kim, Định Công, Đông Mỹ, Duyên Hà, Hoàng Liệt, Hoàng Văn Thụ, Hữu Hòa, Khương Đình, Liên Ninh, Lĩnh Nam, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp, Tân Triều, Thanh Liệt, Thanh Trì, Thịnh Liệt, Trần Phú, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, Vĩnh Tuy, Yên Mỹ, Yên Sở.
Ngày 26 tháng 10 năm 1990, chuyển xã Hoàng Văn Thụ về quận Hai Bà Trưng quản lý để thành lập phường Hoàng Văn Thụ, đến năm 2004 thì chuyển sang thuộc quận Hoàng Mai.
Ngày 22 tháng 11 năm 1996, tách xã Khương Đình cùng với một phần của quận Đống Đa (gồm 5 phường: Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Thượng Đình, Kim Giang, Phương Liệt, một phần 2 phường Nguyễn Trãi và Khương Thượng) cùng toàn bộ xã Nhân Chính thuộc huyện Từ Liêm để thành lập quận Thanh Xuân, khi đó diện tích tự nhiên của huyện Thanh Trì là 9.791 ha (97,91 km²), gồm 24 xã: Đại Áng, Đại Kim, Định Công, Đông Mỹ, Duyên Hà, Hoàng Liệt, Hữu Hòa, Liên Ninh, Lĩnh Nam, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp, Tân Triều, Thanh Liệt, Thanh Trì, Thịnh Liệt, Trần Phú, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, Vĩnh Tuy, Yên Mỹ, Yên Sở và 1 thị trấn Văn Điển.
Ngày 6 tháng 11 năm 2003, tách 9 xã: Đại Kim, Định Công, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Yên Sở, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú và 55 ha diện tích tự nhiên của xã Tứ Hiệp cùng với 5 phường của quận Hai Bà Trưng là: Tương Mai, Tân Mai, Mai Động, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ để thành lập quận Hoàng Mai.
Sau khi chia tách, diện tích huyện Thanh Trì chỉ còn 6.317,27 ha với dân số 147.788 người (2003), gồm thị trấn Văn Điển và 15 xã: Đại Áng, Đông Mỹ, Duyên Hà, Hữu Hòa, Liên Ninh, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp, Tân Triều, Thanh Liệt, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, Yên Mỹ; xã Tứ Hiệp thuộc huyện Thanh Trì còn lại 412,20 ha và 9.584 người.
THAM KHẢO THÊM: