Thành phố Nam Định là một trong những thành phố được Pháp lập ra đầu tiên ở Liên bang Đông Dương. Nằm ở phía Nam và là thành phố trung tâm tiểu vùng nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định đã sớm trở thành một trung tâm văn hoá, chính trị và tôn giáo ngay từ những thời kỳ đầu thế kỷ XIII. Bài viết dưới đây cung cấp: Bản đồ và các xã phường thuộc TP Nam Định (Nam Định).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính TP Nam Định (Nam Định):
2. TP Nam Định (Nam Định) có bao nhiêu xã phường?
Thành phố Nam Định có 25 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 22 phường và 03 xã.
STT | Danh sách các xã phường thuộc TP Nam Định (Nam Định) |
1 | Phường Hạ Long |
2 | Phường Trần Tế Xương |
3 | Phường Vị Hoàng |
4 | Phường Vị Xuyên |
5 | Phường Quang Trung |
6 | Phường Cửa Bắc |
7 | Phường Nguyễn Du |
8 | Phường Bà Triệu |
9 | Phường Trường Thi |
10 | Phường Phan Đình Phùng |
11 | Phường Ngô Quyền |
12 | Phường Trần Hưng Đạo |
13 | Phường Trần Đăng Ninh |
14 | Phường Năng Tĩnh |
15 | Phường Văn Miếu |
16 | Phường Trần Quang Khải |
17 | Phường Thống Nhất |
18 | Phường Lộc Hạ |
19 | Phường Lộc Vượng |
20 | Phường Cửa Nam |
21 | Phường Lộc Hòa |
22 | Xã Nam Phong |
23 | Phường Mỹ Xá |
24 | Xã Lộc An |
25 | Xã Nam Vân |
3. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của TP Nam Định (Nam Định):
Thành phố Nam Định nằm ở phía Bắc tỉnh Nam Định, có vị trí địa lý:
- Phía Đông giáp huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
- Phía Tây và phía bắc giáp huyện Mỹ Lộc.
- Phía Nam giáp huyện Vụ Bản và huyện Nam Trực.
Thành phố Nam Định cách trung tâm thủ đô Hà Nội 80 km về phía Đông Nam, cách thành phố Thái Bình 16 km về phía Tây, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 90 km về phía Tây Nam, cách thành phố Ninh Bình 28 km về phía Đông Bắc.
Địa hình: Thành phố Nam Định tương đối bằng phẳng, trên địa bàn thành phố không có ngọn núi nào. Thành phố có hai con sông lớn chảy qua là sông Hồng và sông Nam Định. Trong đó sông Nam Định (sông Đào) nối từ sông Hồng chảy qua giữa lòng thành phố đến sông Đáy làm cho thành phố là một trong những nút giao thông quan trọng về đường thủy cũng như có vị trí quan trọng trong việc phát triển thành phố trong tương lai.
Khí hậu: Thành phố Nam Định mang tính chất khí hậu cận nhiệt đới ấm ẩm điển hình, có tháng lạnh dưới 18°C (Vào tháng 1 năm 1955 nhiệt độ thành phố xuống mức 3°C). Nhiệt độ cao kỷ lục của thành phố đạt được vào tháng 6/2016 với mức nhiệt trong lều khí tượng đạt 40,2°C. Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Nam Định, lại nằm ở vị trí xa biển, so với các huyện Hải Hậu, Xuân trường, Nghĩa Hưng, nhiệt độ trong mùa đông của thành phố thấp hơn đôi chút vì chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn của áp cao lạnh siberia. Thời tiết của thành phố Nam Định là sự giao thoa giữa Hải Phòng với Hà Nội. Mùa lạnh thời tiết thường ấm hơn Hải Phòng và lạnh hơn Hà Nội, mùa hè nóng hơn Hải Phòng và mát hơn Hà Nội.
4. Lịch sử hình thành và phát triển của TP Nam Định:
- Thời kỳ trước năm 1945
+ Nam Định là thành phố lâu đời có lịch sử lâu đời. Ngay từ thời Nhà Trần đã xây dựng Nam Định thành phủ Thiên Trường dọc bờ hữu sông Hồng, có 7 phường phố.
+ Năm 1262, Trần Thánh Tông đổi hương Tức Mặc (quê gốc của nhà Trần) thành phủ Thiên Trường, sau đó phủ được nâng thành lộ. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), nhà Lê gọi là thừa tuyên Thiên Trường.
+ Năm 1469 dưới thời vua Lê Thánh Tông, lần đầu tiên có bản đồ Đại Việt, Thiên Trường được đổi làm thừa tuyên Sơn Nam.
+ Năm 1741, Thiên Trường là một phủ lộ thuộc Sơn Nam Hạ, bao gồm 4 huyện Nam Chân (Nam Trực), Giao Thủy, Mỹ Lộc, Thượng Nguyên.
+ Năm 1831, là một phủ thuộc tỉnh Nam Định. Ngày nay là các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh, Mỹ Lộc đều thuộc tỉnh Nam Định.
+ Dưới thời Nguyễn, Nam Định là một thành phố lớn cùng với Hà Nội và Huế. Thời đó Nam Định còn có trường thi Hương, thi Hội, có cả Văn Miếu như Hà Nội. Nam Định được công nhận là thành phố dưới thời Pháp thuộc ngày 17 tháng 10 năm 1921, hiện đã tròn 100 năm, sớm hơn cả Vinh, Mỹ Tho, Quy Nhơn, Cần Thơ, hay thậm chí là Huế (1929). Về quy mô dân số nội thành so với các thành phố ở miền Bắc chỉ đứng sau Hà Nội và Hải Phòng (đã có hơn 400.000 dân, mật độ dân số đạt 17.221 người/km² vào năm 2011).
+ Từng có liên hiệp nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương nên Nam Định còn được gọi là “Thành phố Dệt”. Đây là thành phố có nhiều tên gọi chính và văn học: Thiên Trường, Vị Hoàng, Sơn Nam Hạ, Thành Nam, Non Côi sông Vị, thành phố Hoa Gạo, thành phố Dệt, thành phố lụa và thép (theo cách gọi của các nhà văn Ba Lan thời kỳ chiến tranh Việt Nam), thành phố bên sông Đào, Nam Định,…
+ Nam Định là một trong số ít thành phố ở miền Bắc còn giữ lại được ít nhiều nét kiến trúc thời Pháp thuộc, có quán hoa, nhà Kèn, nhà thờ Lớn, các khu phố cổ từ thế kỷ XVIII-XIX, trong khi các tỉnh lỵ khác hầu hết được xây dựng và quy hoạch mới lại sau chiến tranh.
+ Thành phố cũng từng có một cộng đồng Hoa kiều khá đông đảo vào giữa thế kỷ XIX chủ yếu đến từ tỉnh Phúc Kiến, đến nay con cháu họ vẫn sinh sống ở khu vực phố cổ: Hoàng Văn Thụ (Phố Khách), Lê Hồng Phong (Cửa Đông), Hai Bà Trưng (Hàng Màn, Hàng Rượu), Hàng Sắt, Bến Ngự, Bắc Ninh, Hàng Cau, Hàng Đồng, Hàng Đường,…
- Thời kỳ sau năm 1945
+ Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định trong Sắc lệnh số 77 ngày 21 tháng 12 năm 1945, Nam Định là thành phố đặt dưới quyền cấp kỳ (Bắc Bộ). Từ năm 1945 đến năm 1956, Nam Định là thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Ngày 3 tháng 9 năm 1957, sáp nhập thành phố Nam Định vào tỉnh Nam Định, là tỉnh lỵ tỉnh Nam Định.
+ Ngày 8 tháng 8 năm 1964, sáp nhập 5 xã: Lộc An, Lộc Hạ, Lộc Hòa, Lộc Vượng và Mỹ Xá về huyện Mỹ Lộc quản lý.
+ Ngày 21 tháng 4 năm 1965, sau khi 2 tỉnh: Hà Nam và Nam Định được sáp nhập thành tỉnh Nam Hà thì thành phố Nam Định trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Nam Hà.
+ Ngày 13 tháng 6 năm 1967, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 76-CP. Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định.
+ Năm 1975, hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình sáp nhập thành tỉnh Hà Nam Ninh, thành phố Nam Định là tỉnh lỵ tỉnh Hà Nam Ninh, gồm 10 phường: Cửa Bắc, Năng Tĩnh, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng, Quang Trung, Trần Đăng Ninh, Trần Hưng Đạo, Trần Tế Xương, Trường Thi, Vị Xuyên và 15 xã: Lộc An, Lộc Hạ, Lộc Hòa, Lộc Vượng, Mỹ Hòa, Mỹ Hưng, Mỹ Phúc, Mỹ Tân, Mỹ Thắng, Mỹ Thành, Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận, Mỹ Tiến, Mỹ Trung, Mỹ Xá.
- Thời kỳ sau năm 1975
+ Ngày 27 tháng 4 năm 1977, sáp nhập 9 xã: Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận, Mỹ Tiến, Mỹ Thành, Mỹ Hà, Mỹ Thắng, Mỹ Phúc, Mỹ Hưng, Mỹ Trung vào huyện Bình Lục.
+ Ngày 12 tháng 1 năm 1984, sáp nhập 2 xã Mỹ Trung và Mỹ Phúc thuộc huyện Bình Lục vào thành phố Nam Định.
+ Ngày 23 tháng 4 năm 1985, chia phường Trường Thi thành 2 phường: Trường Thi và Văn Miếu; chia phường Năng Tĩnh thành 2 phường: Năng Tĩnh và Ngô Quyền; chia phường Cửa Bắc thành 2 phường: Cửa Bắc và Bà Triệu; chia phường Vị Xuyên thành 2 phường: Vị Xuyên và Vị Hoàng; chia phường Trần Tế Xương thành 2 phường: Trần Tế Xương và Hạ Long.
+ Những năm 1991-1996, tỉnh Hà Nam Ninh tách thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình, thành phố Nam Định trở lại là tỉnh lỵ tỉnh Nam Hà.
+ Từ ngày 6 tháng 11 năm 1996, tỉnh Nam Hà tách thành 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam, thành phố Nam Định tiếp tục là tỉnh lỵ tỉnh Nam Định (chuyển 7 xã: Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận, Mỹ Tiến, Mỹ Thành, Mỹ Hưng, Mỹ Hòa, Mỹ Thắng thuộc huyện Bình Lục của tỉnh Hà Nam về thành phố Nam Định quản lý).
+ Ngày 2 tháng 1 năm 1997, sáp nhập 2 xã Nam Phong và Nam Vân của huyện Nam Ninh (nay là 2 huyện Nam Trực và Trực Ninh) vào thành phố Nam Định.
+ Ngày 26 tháng 2 năm 1997, tách 11 xã: Mỹ Trung, Mỹ Hưng, Mỹ Hà, Mỹ Thắng, Mỹ Thịnh, Mỹ Tiến, Mỹ Thuận, Mỹ Thành, Mỹ Tân, Lộc Hòa để tái lập huyện Mỹ Lộc.
+ Ngày 6 tháng 9 năm 1997, chuyển xã Lộc Hòa của huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định.
+ Ngày 29 tháng 9 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại II.
+ Ngày 9 tháng 1 năm 2004, thành lập phường Lộc Vượng trên cơ sở 420,07 ha diện tích tự nhiên và 7.962 nhân khẩu của xã Lộc Vượng; thành lập phường Lộc Hạ trên cơ sở 349,50 ha diện tích tự nhiên và 6.931 nhân khẩu của xã Lộc Hạ; thành lập phường Thống Nhất trên cơ sở 36,53 ha diện tích tự nhiên và 1.200 nhân khẩu còn lại của xã Lộc Vượng; 0,60 ha diện tích tự nhiên và 221 nhân khẩu còn lại của xã Lộc Hạ; 13,70 ha diện tích tự nhiên và 1.464 nhân khẩu của phường Quang Trung; 18 ha diện tích tự nhiên và 4.193 nhân khẩu của phường Vị Hoàng; thành lập phường Cửa Nam trên cơ sở 127,60 ha diện tích tự nhiên và 4.828 nhân khẩu của xã Nam Phong; 50 ha diện tích tự nhiên và 1.300 nhân khẩu của xã Nam Vân; thành lập phường Trần Quang Khải trên cơ sở 90,60 ha diện tích tự nhiên và 8.489 nhân khẩu của phường Năng Tĩnh. Thành phố Nam Định có 20 phường và 5 xã.
+ Ngày 28 tháng 11 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại I thuộc tỉnh Nam Định.
+ Ngày 1 tháng 9 năm 2019, chuyển 2 xã Lộc Hòa và Mỹ Xá thành 2 phường có tên tương ứng. Thành phố Nam Định có 22 phường và 3 xã như hiện nay.
+ Ngày 5 tháng 5 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Nam Định (dự kiến mở rộng địa giới hành chính), tỉnh Nam Định đạt tiêu chí đô thị loại II.
THAM KHẢO THÊM: