Bắc Giang là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Giang, nằm ở phía Tây của tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 50 km về phía Đông Bắc. Nơi đây là trung tâm kinh tế – văn hóa – chính trị của tỉnh Bắc Giang. Để biết thêm thông tin, mời các bạn tham khảo bài viết: Bản đồ và các xã phường thuộc TP Bắc Giang (Bắc Giang) dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang:
2. TP Bắc Giang (Bắc Giang) có bao nhiêu xã phường?
Thành phố Bắc Giang có 16 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 10 phường, 6 xã.
STT | Danh sách các xã phường thuộc TP Bắc Giang |
1 | Phường Thọ Xương |
2 | Phường Trần Nguyên Hãn |
3 | Phường Ngô Quyền |
4 | Phường Hoàng Văn Thụ |
5 | Phường Trần Phú |
6 | Phường Mỹ Độ |
7 | Phường Lê Lợi |
8 | Xã Song Mai |
9 | Phường Xương Giang |
10 | Phường Đa Mai |
11 | Phường Dĩnh Kế |
12 | Xã Dĩnh Trì |
13 | Xã Tân Mỹ |
14 | Xã Đồng Sơn |
15 | Xã Tân Tiến |
16 | Xã Song Khê |
3. Giới thiệu về TP Bắc Giang (Bắc Giang):
- Lịch sử
Dưới thời Pháp thuộc, ngày 11/7/1888, đơn vị hành chính “Phủ Lạng Thương” ra đời. Ngày 10/10/1895, tỉnh Bắc Giang được thành lập, Phủ Lạng Thương trở thành tỉnh lỵ tỉnh Bắc Giang. Từ một căn cứ quân sự, Phủ Lạng Thương đã trở thành một đô thị với nhiều phố lớn, nhà ga, bến cảng, khách sạn, bưu điện, câu lạc bộ, trường học, công viên, sân vận động,… Trong Cách mạng tháng 8/1945, Phủ Lạng Thương là một trong những địa phương sớm khởi nghĩa và giành chính quyền (ngày 17/8/1945). Từ năm 1959, thị xã Phủ Lạng Thương đổi tên là thị xã Bắc Giang.
Từ năm 1963, tỉnh Hà Bắc được thành lập trên cơ sở hợp nhất 02 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, thị xã Bắc Giang tiếp tục là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh.
Trong kháng chiến chống Mỹ, thị xã Bắc Giang là nơi diễn ra nhiều trận đánh trả máy bay Mỹ oanh liệt, bảo vệ thị xã, bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Nơi đây có nhiều phong trào hoạt động của các tổ chức đoàn thể nhân dân, tiêu biểu là hội Mẹ chiến sỹ xã Đa Mai với phong trào vá áo bộ đội đã đi vào lịch sử với bài ca “Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa” còn vang mãi, nhiều con em thị xã Bắc Giang đã hy sinh anh dũng trên các chiến trường và ngay trên mảnh đất quê hương, góp phần cùng cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ năm 1997, sau khi chia tách tỉnh Hà Bắc thành 2 tỉnh (Bắc Giang và Bắc Ninh), thị xã Bắc Giang vẫn là tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Giang. Cùng với những thành tựu chung của cả nước và tỉnh trong thời kỳ đổi mới, thị xã Bắc Giang đã có những bước phát triển nhanh về mọi mặt, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật của tỉnh và là một trong những trung tâm chuyên ngành cấp vùng.
Tháng 12 năm 2003, thị xã Bắc Giang đã được công nhận là đô thị loại III và tháng 6 năm 2005 Chính phủ có Nghị định thành lập thành phố Bắc Giang thuộc tỉnh Bắc Giang; năm 2010 được mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập 05 xã của 02 huyện Yên Dũng và Lạng Giang về thành phố, mở ra điều kiện mới cho phát triển và nâng cấp đô thị. Trong những gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Bắc Giang đã chủ động vượt qua khó khăn, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Ghi nhận những thành quả to lớn đã đạt được, cán bộ và nhân dân thành phố đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ tặng thưởng như: Anh hùng lực lượng vũ trang (năm 1999); Huân chương lao động hạng Nhì (năm 2005), hạng Nhất (năm 2009); Huân chương lao động hạng Ba trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (năm 2010); Bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 2000, năm 2011 và nhiều cờ thi đua, bằng khen của các Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh,… Đặc biệt, năm 2014, thành phố Bắc Giang đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Độc lập hạng Ba”, Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận thành phố Bắc Giang là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bắc Giang; được Hiệp hội các đô thị Việt Nam công nhận là 1 trong 18/gần 800 đô thị cả nước xanh, sạch, đẹp.
- Vị trí địa lý
Bắc Giang là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Giang, nằm ở phía Tây của tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 50 km về phía Đông Bắc. Nơi đây là trung tâm kinh tế – văn hóa – chính trị của tỉnh Bắc Giang, có tọa độ 21009′ – 21015′ vĩ độ Bắc và 106007′ – 106020′ kinh độ Đông.
+ Phía Đông thành phố Bắc Giang giáp huyện Lạng Giang.
+ Phía Tây thành phố Bắc Giang giáp huyện Việt Yên.
+ Phía Nam thành phố Bắc Giang giáp huyện Yên Dũng.
+ Phía Bắc thành phố Bắc Giang giáp huyện Tân Yên.
- Diện tích và dân số
Thành phố Bắc Giang có diện tích 66,77 km², dân số năm 2019 là 174.229 người, trong đó khu vực thành thị là 109.367 người (62,8%) và khu vực nông thôn là 64.862 người (37,2%). Mật độ dân số là 2.609 người/km², là đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số cao nhất tỉnh Bắc Giang.
- Giao thông
Thành phố Bắc Giang có vị trí thuận lợi về giao thông, là một trong những trung tâm lớn của vùng về công nghiệp đạm – hóa chất, công nghiệp may mặc, đồng thời là trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc cho miền Bắc, cũng như là nơi tập kết các sản phẩm nội địa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Với vị trí thuận lợi về giao thông, cách thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, ở vị trí trung lộ trên tuyến giao thông huyết mạch chiến lược (gồm đường bộ, đường sắt liên vận quốc tế) nối Thủ đô Hà Nội với thành phố Lạng Sơn và cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng. Được xác định là vị trí đầu mối giao thông cấp liên vùng quan trọng: Nằm cận kề vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có hệ thống đường bộ gồm các quốc lộ 1A cũ và mới, 31, 37, tỉnh lộ 398, 293,…; các tuyến đường sắt: Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Kép – Hạ Long, Hà Nội – Kép – Thái Nguyên chạy qua. Có tuyến đường sông nối thành phố với các trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch lớn như Phả Lại, Côn Sơn – Kiếp Bạc, Yên Tử, Hải Phòng. Tiếp cận thuận lợi với cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cảng nội địa Gia Lâm, cảng nước sâu Cái Lân, cảng Hải Phòng và các cửa khẩu quốc tế trên biên giới Lạng Sơn.
- Khí hậu
Đến với thành phố Bắc Giang (đô thị nằm trong khối địa hình chung, đa dạng, vừa có núi cao, vừa có vùng trung du xen kẽ đồng bằng của tỉnh Bắc Giang) là đến với một đô thị yên bình, phát triển theo định hướng “ Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”,… Với khí hậu đặc trưng chịu ảnh hưởng của gió mùa, một năm có hai mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 4 – 10, mùa khô từ tháng 11- 3; Nhiệt độ trung bình năm dao động từ 23,20C – 23,80C; Độ ẩm trung bình từ 83 – 84%; Tổng lượng mưa trung bình hằng năm khoảng 1.400 – 1.730mm nên thành phố Bắc Giang có nhiều thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội trước mắt cũng như lâu dài.
- Du lịch
Đến năm 2016, thành phố có trên 100 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có những khách sạn đạt tiêu chuẩn 2, 4 sao như: Mường Thanh, Bắc Giang, Hữu Nghị (Minh Trung), Lam Sơn, Hoà Bình, Hoàng Gia,… Hiện nay, thành phố có 02 điểm du lịch tự nhiên, sinh thái và 43 di tích lịch sử (14 di tích cấp quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh) đang được khai thác, tiêu biểu như: Di tích Chùa Kế, nghè Cả (phường Dĩnh Kế); đình Thành, chùa Thành (phường Xương Giang), chùa Vẽ (phường Thọ Xương),… và 62 lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: Lễ hội chiến thắng Xương Giang; chùa Hồng Phúc (phường Trần Nguyên Hãn); chùa Dền (phường Lê Lợi); Đình Vĩnh Ninh (phường Hoàng Văn Thụ),… Đến với Bắc Giang – thành phố bên bờ sông Thương – quý khách không chỉ được thưởng thức những món ăn dân dã là đặc sản nổi tiếng của Bắc Giang được khách du lịch gần xa biết đến như: Chè kho Mỹ Độ, Bún Đa Mai, Bánh đa Kế, Mỳ Kế,… mà còn được tham quan di tích lịch sử Thành Xương Giang, trận chiến Xương Giang diễn ra cách đây gần 600 năm nhưng âm hưởng của chiến thắng vẫn vang vọng và sẽ ngân xa suốt chiều dài của lịch sử dân tộc.
THAM KHẢO THÊM: