Sơn La là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Sơn La nằm ở tọa độ 21°15'B - 21°31'B và 103°45'Đ - 104°0'Đ, cách Hà Nội khoảng 320 km về phía Tây Bắc. Trên địa bàn thành phố có Quốc lộ 6 đi qua. Mời bạn đọc tìm hiểu kĩ hơn qua bài viết: Bản đồ và các xã phường thuộc thành phố Sơn La (Sơn La) mà chúng tôi đã biên soạn.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính thành phố Sơn La (Sơn La):
2. Thành phố Sơn La (Sơn La) có bao nhiêu xã phường?
Thành phố Sơn La có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 7 phường và 5 xã
STT | Danh sách các xã phường thuộc thành phố Sơn La (Sơn La) |
1 | Phường Chiềng An |
2 | Phường Chiềng Cơi |
3 | Phường Chiềng Lề |
4 | Phường Chiềng Sinh |
5 | Phường Quyết Tâm |
6 | Phường Quyết Thắng |
7 | Phường Tô Hiệu |
8 | Xã Chiềng Cọ |
9 | Xã Chiềng Đen |
10 | Xã Chiềng Ngần |
11 | Xã Chiềng Xôm |
12 | Xã Hua La. |
3. Vị trí địa lý thành phố Sơn La (Sơn La):
Thành phố Sơn La nằm ở tọa độ 21°15’B – 21°31’B và 103°45’Đ – 104°0’Đ, cách Hà Nội khoảng 320 km về phía Tây Bắc, có vị trí địa lý:
- Phía Tây và phía bắc giáp huyện Thuận Châu;
- Phía Đông giáp huyện Mường La;
- Phía Nam giáp huyện Mai Sơn.
Thành phố Sơn La có diện tích là 323.51 km² và dân số năm 2018 là 128.470 người. Trên địa bàn thành phố có Quốc lộ 6 đi qua. Ngoài ra còn có dự án Đường cao tốc Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên đi qua rìa phía Tây Nam thành phố đang được triển khai đầu tư xây dựng.
4. Địa hình, khí hậu và chế độ thủy văn thành phố Sơn La:
Địa hình: Thành phố Sơn La nằm trong vùng karst hóa mạnh, địa hình chia cắt phức tạp, núi đá cao xen lẫn đồi, thung lũng, lòng chảo. Diện tích đất canh tác nhỏ hẹp, thế đất dốc dưới 250 chiếm tỷ lệ thấp. Một số khu vực có các phiêng bãi tương đối bằng phẳng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, tập trung ở các xã Chiềng Ngần, Chiềng Đen, Chiềng Xôm và phường Chiềng Sinh. Độ cao bình quân từ 700 – 800 m so với mực nước biển.
Khí hậu:
- Khí hậu thành phố chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều; mùa đông khô lạnh, ít mưa.
- Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9. Lượng mưa tập trung nhiều nhất vào tháng 7, 8, 9. Do địa hình nghiêng dốc, nên vào các tháng này thường có lũ lụt, đất bị rửa trôi mạnh, bạc màu nhanh.
- Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau cộng với gió Tây khô nóng gây thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế đặc biệt sản xuất nông – lâm nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
- Nhiệt độ không khí: Trung bình 22 °C, cao nhất 37 °C, thấp nhất 2 °C.
- Độ ẩm không khí: Trung bình: 81%, thấp nhất: 25%.
- Nắng: Tổng số giờ nắng là 1885 giờ.
- Lượng bốc hơi bình quân 800 mm/năm.
- Mưa: Lượng mưa bình quân: 1.299 mm/năm, số ngày mưa: 137 ngày.
- Gió thịnh hành theo 2 hướng gió chính: Gió mùa Đông Bắc từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, gió Tây Nam từ tháng 3 đến tháng 9. Từ tháng 3 đến tháng 4 còn chịu ảnh hưởng của gió Tây (nóng và khô). Một số khu vực của thành phố còn bị ảnh hưởng của sương muối từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau.
Thuỷ văn:
- Do địa hình phức tạp chia cắt mạnh tạo cho thành phố có một hệ thống suối, khe khá phong phú, song phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở vùng thấp. Trên địa bàn thành phố có suối Nậm La, chiều dài 25 km, ngoài ra còn nhiều suối nhỏ nằm rải rác ở các xã Hua La, Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng Xôm. Lưu lượng dòng chảy biến động theo mùa, mực nước thường thấp hơn so với bề mặt canh tác gây nhiều khó khăn cho sản xuất. Dòng chảy của các suối này là nguồn cung cấp nước chủ yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong vùng.
- Ngoài ra thành phố cũng có hệ thống các công trình thủy lợi dày đặc: 5 đập xây, đập bê tông, 06 phai rọ thép xếp đá học loại vừa và nhỏ, 15 phai tạm, 06 trạm thủy nông và 48 hồ chứa các loại. Công trình thủy lợi Bản Mòng do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đang được xây dựng có hồ chứa gần 8 triệu m3 nước ở vùng thượng nguồn suối Nậm La. Do cơ chế kiến tạo địa chất và thủy văn đặc biệt nằm trong vùng đá vôi, quá trình karst diễn ra mạnh tạo nhiều hang ngầm và đây cũng là do ảnh hưởng nhiều đến chế độ thủy văn của thành phố.
5. Tài nguyên thiên nhiên thành phố Sơn La:
- Tài nguyên đất: Hầu hết các loại đất ở thành phố có độ dày tầng đất từ trung bình đến khá, có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, tỷ lệ mùn và các chất dinh dưỡng từ trung bình đến khá, độ chua trung bình, nghèo bazơ trao đổi, đất thiếu lân, kali và các chất dễ tiêu. Tuy nhiên là địa bàn thuộc khu vực cao nguyên Sơn La – Nà Sản là nơi phân bố các loại đất có độ phì cao, tầng đất dầy mang lại ưu thế để canh tác một loại cây có giá trị kinh tế mang lại hiệu quả năng suất cao.
- Tài nguyên rừng: Diện tích đất lâm nghiệp của thành phố là 9.882,60 ha, chiếm 30,55% diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích rừng sản xuất là 2.169,02 ha, diện tích rừng phòng hộ là 7.672,81 ha, diện tích rừng đặc dụng là 40,77 ha. Trước đây, trên địa bàn thành phố, diện tích đất rừng còn nhiều, rừng có thảm thực vật phong phú với nhiều loài thực vật quý, hiếm như Đinh, Sến, Lát Hoa,… trong vùng cũng có nhiều loài động vật là các loài thú, chim, bò sát,… có giá trị đặc trưng vùng. Tuy nhiên những năm trở lại đây quá trình khai thác không hợp lý, diện tích đất rừng bị suy giảm mạnh, nhiều loại gỗ quý hiếm, thảo dược và động vật đã biến mất; mật độ che phủ rừng không cao, thảm thực vật tự nhiên còn lại thưa thớt. Để tăng độ che phủ rừng cũng như tăng cường môi trường, vấn đề trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng, bảo vệ rừng thời gian qua đã được các cấp chính quyền quan tâm, triển khai thực hiện nhiều diện tích rừng đã và đang được các tổ chức, cá nhân khoanh nuôi bảo vệ, phát triển.
- Tài nguyên khoáng sản: Thành phố có địa hình đồi núi bị chia cắt bởi các khe suối, cấu trúc địa chất phức tạp, khoáng sản ở đây đã được điều tra nghiên cứu trên nhiều vùng với các mức độ khác nhau nhưng chưa đầy đủ. Trong những năm tới cần có các nghiên cứu, thăm dò cụ thể hơn về nguồn tài nguyên này để có kế hoạch đầu tư và khai thác hiệu quả. Hiện tại trên địa bàn thành phố có một số mỏ như: Vàng gốc bản Cằm xã Hua La; sét xi măng ở phường Chiềng Sinh, trữ lượng 110.000 ngàn tấn; sét gạch ngói Bản Dửn, xã Chiềng Ngần; đá vôi xi măng Chiềng Sinh; đá vôi bản Hôm, xã Chiềng Cọ.
6. Lịch sử hình thành thành phố Sơn La:
Thị xã Sơn La được thành lập ngày 26 tháng 10 năm 1961 theo Quyết định số 171-CP của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở thị trấn Chiềng Lề, xã Chiềng Cơi, bản Hò Hẹo và bản Lầu của xã Chiềng An thuộc châu Mường La, khi đó trực thuộc khu tự trị Thái – Mèo.
Ngày 27 tháng 10 năm 1962, Quốc hội khóa II ban hành nghị quyết tái lập tỉnh Sơn La trực thuộc Khu tự trị Tây Bắc, thị xã Sơn La trở thành tỉnh lỵ tỉnh Sơn La.
Sau năm 1975, thị xã Sơn La có 2 phường: Chiềng Lề, Quyết Thắng và xã Chiềng Cơi.
Ngày 13 tháng 3 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 105-CP chuyển 7 xã: Chiềng An, Chiềng Xôm, Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Sinh, Chiềng Ngần và Hua La của huyện Mường La về thị xã Sơn La quản lý.
Ngày 16 tháng 5 năm 1998, Chính phủ ban hành Nghị định 31/1998/NĐ-CP. Theo đó: Thành lập phường Tô Hiệu trên cơ sở 179 ha diện tích tự nhiên và 7.060 nhân khẩu của phường Chiềng Lề và thành lập phường Quyết Tâm trên cơ sở 215 ha diện tích tự nhiên và 5.063 nhân khẩu của phường Quyết Thắng.
Ngày 6 tháng 10 năm 2005, Bộ Xây dựng ban hành quyết định công nhận thị xã Sơn La là đô thị loại III.
Ngày 23 tháng 3 năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 29/2006/NĐ-CP thành lập các phường Chiềng Sinh và Chiềng An trên cơ sở các xã có tên tương ứng.
Ngày 3 tháng 9 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định 98/2008/NĐ-CP thành lập thành phố Sơn La trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Sơn La.
Ngày 7 tháng 1 năm 2010, Chính phủ ban hành
Ngày 26 tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 466/QĐ-TTg công nhận thành phố Sơn La là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sơn La.
THAM KHẢO THÊM: