Quận Lê Chân là một quận nội thành của thành phố Hải Phòng, nằm ở vị trí chiến lược với các quận lân cận và có lịch sử phát triển đáng tự hào. Bài viết dưới đây: Bản đồ và các xã phường thuộc quận Lê Chân (Hải Phòng) sẽ cung cấp cho các bạn đọc những thông tin khái quát về quận.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính quận Lê Chân (Hải Phòng):
2. Quận Lê Chân (Hải Phòng) có bao nhiêu xã, phường?
Quận Lê Chân có tất cả 15 phường.
STT | Danh sách xã, phường thuộc quận Lê Chân (Hải Phòng |
1 | An Biên |
2 | An Dương |
3 | Cát Dài |
4 | Đông Hải |
5 | Dư Hàng |
6 | Dư Hàng Kênh |
7 | Hàng Kênh |
8 | Hồ Nam |
9 | Kênh Dương |
10 | Lam Sơn |
11 | Nghĩa Xá |
12 | Niệm Nghĩa |
13 | Trại Cau |
14 | Trần Nguyên Hãn |
15 | Vĩnh Niệm |
3. Giới thiệu chung về quận Lê Chân (Hải Phòng):
Quận Lê Chân là một quận nằm ở trung tâm thành phố Hải Phòng, Việt Nam, có vị trí địa lý quan trọng khi tiếp giáp với quận Ngô Quyền ở phía Đông, huyện An Dương và quận Kiến An ở phía Tây, quận Dương Kinh ở phía Nam và quận Hồng Bàng ở phía Bắc.
Được thành lập vào năm 1961 từ khu phố cũ Dư Hàng và một số tiểu khu khác, quận Lê Chân đã phát triển mạnh mẽ qua các năm, hiện nay bao gồm 15 phường. Quận có diện tích khoảng 11,9 km² và dân số vào năm 2019 là 219.762 người, mật độ dân số cao, đạt 18.467 người/km².
Quận nằm trong khu vực cấu trúc địa chất, địa tầng của thành phố Hải Phòng, nền đất yếu tác động không nhỏ đến công trình xây dựng và nguồn nước ngầm. Khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa, một năm được chia thành bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Lượng mưa trung bình năm từ 1.600 – 1.800 mm. Nhiệt độ trung bình tháng từ 20 – 23°C. Độ ẩm trung bình năm từ 80 – 85%.
Vị trí địa lý thuận lợi cùng với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông khá hoàn thiện tạo điều kiện cho quận dễ dàng trao đổi, giao lưu kinh tế – văn hóa – xã hội với các địa phương trong và ngoài thành phố, trên cơ sở đó, từng bước khai thác phát huy những thế mạnh tiềm năng sẵn có và các nguồn lực khác để vươn lên thành một địa phương giàu mạnh, văn minh và hiện đại.
Về giáo dục, quận Lê Chân có nhiều trường Đại học và Cao đẳng, bao gồm Đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học Dân lập Hải Phòng, Đại học Quản lý và Công Nghệ Hải Phòng, Cao đẳng Y tế Hải Phòng và Cao đẳng nghề Công nghệ, Kinh tế và Thủy sản, làm cho quận trở thành một điểm sáng về giáo dục trong khu vực.
Trong lĩnh vực y tế, quận có nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng, Bệnh viện Quốc tế Vinmec và Bệnh viện Quốc tế Green, đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho cư dân.
Quận Lê Chân chú trọng vào việc quản lý đô thị và môi trường với các hoạt động như ra quân lập lại trật tự đường hè và vệ sinh môi trường. Ngoài ra, quận cũng thực hiện nhiều chương trình như tập luyện môn bơi để phòng chống đuối nước và mô hình “Khu nhà trọ văn minh an toàn phòng cháy chữa cháy”, thể hiện sự quan tâm đến an toàn vcũng như sức khỏe cộng đồng.
4. Lịch sử hình thành quận Lê Chân (Hải Phòng):
Những năm đầu Công nguyên, cô gái trẻ Lê Chân người làng An Biên (tên cổ là làng Vẻn, nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng.Ninh), không chịu làm tì thiếp cho một viên quan đô hộ tham tàn, bạo ngược đã cùng một số bạn bè thân tín trốn đi, nuôi chí lớn và tìm cách trả thù nhà. Bà đến vùng bãi bồi ven biển, có sông ngòi, rừng rậm và quyết định ở lại với vùng đất này. Bà chiêu mộ trai tráng ra sức khai khẩn, chỉ vài năm đã lập thành làng, lấy tên làng An Biên của quê hương cũ đặt cho làng mới, tên nôm là làng “Vẻn”, với nghĩa “ven, rìa”.
An Biên được coi là làng lớn và là một trong những làng gốc ở Hải Phòng, phía Bắc giáp sông Cấm và làng Thượng Lý (nay là phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng), phía Nam giáp làng Dư Hàng Kênh (nay là phường Dư Hàng Kênh), phía Đông giáp làng Gia Viên (nay là phường Gia Viên, quận Ngô Quyền), phía Tây Nam giáp sông Tam Bạc và làng An Dương. Do vậy, trong lịch sử, những trai tráng dũng cảm được lựa chọn lập thành một đội quân vừa khai hoang lấn biển, tăng gia sản xuất, vừa luyện tập, bảo vệ làng xóm, chống lại bọn quan quân đô hộ và các thế lực khác.
Năm 1901, theo cách phân chia hành chính của thực dân Pháp, địa bàn quận Lê Chân ngày nay là địa bàn Đệ nhị hộ và phần lớn Đệ nhất hộ, đến trước năm 1945, tương ứng với Đệ nhị hộ và Đệ ngũ hộ.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, nội thành Hải Phòng chia thành 13 khu theo thứ tự từ 1 – 13 (tùy theo địa dư). Địa bàn Lê Chân có: Khu 5 (từ khu Lán Bè, Tam Kỳ dọc theo sông Lấp đến đường Cát Cụt, khu 6 (từ Cát Cụt đến Mê Linh, dọc theo Cầu Đất đến đường Trại Cau, chợ Con), khu 8 (chợ Cột Đèn đến An Dương, cầu Niệm vùng giáp Hàng Kênh, Dư Hàng), khu 9 (Trại Cau – Hàng Kênh, Đình Đông giáp Lạch Tray, Cầu Rào)
Sau ngày giải phóng thành phố Hải Phòng, năm 1955, địa bàn quận Lê Chân tương ứng với địa bàn 3 khu gồm: Một phần khu Hàng Kênh, Dư Hàng, một phần khu Cầu Đất. Khu là đơn vị hành chính cấp cơ sở, dưới khu có các tiểu khu.
Ngày 05/7/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 92-CP phân chia lại các khu phố thuộc nội thành Hải Phòng thành 3 khu phố mới là: Lê Chân, Ngô Quyền, Hồng Bàng. Khu phố Lê Chân gồm 56 tiểu khu:
-
Các tiểu khu: Trần Phú A, Trần Phú B, Trần Phú C, 5 tổ dân phố của tiểu khu Trần Phú II và các tiểu khu Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trương Hán Siêu, Mê Linh, Lê Chân, Trí Tri, Đông An, Cát Dài A, Cát Dài B, Cát Dài C, Cát Cụt, Đặng Kim Nở B, Nguyễn Văn Tố và Hàng Gà thuộc khu phố Cầu Đất cũ.
-
Các tiểu khu: Ngô Quyền, Thống Nhất, Đông Hải, Cánh Gà, Chợ Hàng, 36B, Nhà Thờ, Tap-pi, Văn Minh, 163, Vinh Quang, Hòa Bình, Chợ Con, Thắng Lợi và Từ Vũ thuộc khu phố Hàng Kênh cũ.
Ngày 27/10/1962, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa II thông qua Nghị quyết về việc hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An thành thành phố Hải Phòng.
Trước yêu cầu của tổ chức sản xuất, chiến đấu, phòng không thời chiến, Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố quyết định rút gọn số lượng tiểu khu, tháng 4/1965, khu phố Lê Chân được tổ chức lại gồm 28 tiểu khu: Niệm Nghĩa, Tân Lập, An Dương, Tiến Bộ, Công Nhân, Lán Bè, Hàm Tử, Trần Phú, Đặng Kim Nở, Cát Dài, Nguyễn Văn Tố, Mê Linh, An Biên, Hai Bà Trưng, Lê Chân, Thắng Lợi, Hồ Nam, Chùa Hàng, Cộng Hòa, Lao Động, Tô Hiệu, Chợ Hàng, Đông Hải, Đình Kênh, Vinh Quang, Chợ Con, Ngô Quyền và Hàng Kênh.
Ngày 03/01/1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 03-CP “về việc thống nhất tên gọi các đơn vị hành chính ở nội thành, nội thị”. Khu phố Lê Chân đổi thành quận Lê Chân, các tiểu khu được sáp nhập để thành lập các phường.
Ngày 25/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 89-HĐBT “về việc phân vạch địa giới một số phường thuộc thành phố Hải Phòng”. Theo đó, chia các phường An Dương, Lam Sơn thuộc quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng thành 3 phường lấy tên là phường An Dương, phường Lam Sơn và phường Trần Nguyên Hãn.
Ngày 20/12/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 106/2002/NĐ-CP “về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập quận Hải An và các phường trực thuộc, mở rộng và thành lập phường thuộc quận Lê Chân và đổi tên huyện An Hải thành huyện An Dương thuộc thành phố Hải Phòng”. Sáp nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã Vĩnh Niệm và Dư Hàng Kênh thuộc huyện An Hải vào quận Lê Chân và thành lập phường Vĩnh Niệm và Dư Hàng Kênh. Quận Lê Chân có 1.231,02 ha diện tích tự nhiên và 179.168 nhân khẩu; có 14 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các phường: An Biên, An Dương, Cát Dài, Dư Hàng, Đông Hải, Hàng Kênh, Hồ Nam, Lam Sơn, Mê Linh, Niệm Nghĩa, Trại Cau, Trần Nguyên Hãn, Vĩnh Niệm và Dư Hàng Kênh
Ngày 10/01/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2004/NĐ-CP “về việc thành lập phường thuộc quận Lê Chân, xã thuộc các huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng”. Thành lập phường Nghĩa Xá thuộc quận Lê Chân trên cơ sở 64 ha diện tích tự nhiên và 13.779 nhân khẩu của phường Niệm Nghĩa, sáp nhập 2 phường Mê Linh và An Biên thành phường An Biên thuộc quận Lê Chân.
Thực hiện Nghị định số 54/2007/NĐ-CP ngày 05/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ, phường Dư Hàng Kênh được chia tách thành 2 phường: Dư Hàng Kênh và Kênh Dương. Quận Lê Chân có 15 phường: An Biên, An Dương, Cát Dài, Đông Hải, Dư Hàng, Dư Hàng Kênh, Hàng Kênh, Hồ Nam, Kênh Dương, Lam Sơn, Niệm Nghĩa, Nghĩa Xá, Trại Cau, Trần Nguyên Hãn và Vĩnh Niệm.
THAM KHẢO THÊM: