Na Hang (viết chính xác là Nà Hang - với ý nghĩa là ruộng cuối hoặc ruộng dưới thung lũng) là một huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, cách thành phố Tuyên Quang khoảng 110 km. Để biết thêm thông tin về huyện Na Hang, mời các bạn tham khảo bài viết: Bản đồ và các xã phường thuộc Na Hang (Tuyên Quang) dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang:
2. Na Hang (Tuyên Quang) có bao nhiêu xã, phường?
Hiện nay huyện Na Hang có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Na Hang (huyện lỵ) và 11 xã: Côn Lôn, Đà Vị, Hồng Thái, Khâu Tinh, Năng Khả, Sinh Long, Sơn Phú, Thanh Tương, Thượng Giáp, Thượng Nông, Yên Hoa.
STT | Danh sách các xã phường thuộc Na Hang |
1 | Thị trấn Na Hang |
2 | Xã Sinh Long |
3 | Xã Thượng Giáp |
4 | Xã Thượng Nông |
5 | Xã Côn Lôn |
6 | Xã Yên Hoa |
7 | Xã Hồng Thái |
8 | Xã Đà Vị |
9 | Xã Khau Tinh |
10 | Xã Sơn Phú |
11 | Xã Năng Khả |
12 | Xã Thanh Tương |
3. Giới thiệu về Na Hang (Tuyên Quang):
- Lịch sử
Đất huyện Nà Hang vốn thuộc châu Chiêm Hóa. Theo Đại Nam nhất thống chí và các sách địa lý học lịch sử khác: Các đời Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009), Lý (1010-1225), Trần (1225-1400) là châu Vị Long. Thời thuộc Minh (1414-1427) là huyện Đại Man (một trong 9 huyện thuộc phủ Tuyên Hóa). Từ thời Lê đến đầu thời Nguyễn, châu Đại Man thuộc phủ Yên Bình, trấn (xứ) Tuyên Quang. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) đổi gọi châu Đại Man là châu Chiêm Hóa, đặt thuộc phủ Yên Ninh (sau đổi là phủ Tương Yên).
Sau năm 1945, huyện Na Hang có 21 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 21 xã: Côn Lôn, Đà Vị, Đức Xuân, Hoa Thành, Hồng Thái, Khuôn Hà, Lăng Can, Năng Khả, Phúc Yên, Sinh Long, Sơn Phú, Thanh Tương, Thượng Giáp, Thượng Lâm, Thượng Nông, Thượng Yên, Thúy Loa, Trùng Khánh, Trung Thượng, Vĩnh Yên và Yên Viễn.
Ngày 22 tháng 5 năm 1969, Bộ Nội vụ ban hành quyết định số 269-NV.Theo đó:
+ Hợp nhất 2 xã: Lăng Can và Thượng Yên thành xã Lăng Can.
+ Hợp nhất 2 xã: Đà Vị và Trung Thượng thành xã Đà Vị.
+ Hợp nhất 2 xã: Yên Viễn và Hoa Thành thành xã Yên Hoa.
Ngày 27 tháng 12 năm 1975, sau khi tỉnh Tuyên Quang sáp nhập với tỉnh Hà Giang thành tỉnh Hà Tuyên, thì huyện Na Hang thuộc tỉnh Hà Tuyên.
Ngày 13 tháng 2 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 28-HĐBT. Theo đó:
+ Chia xã Lăng Can thành 2 xã: Lăng Can và Xuân Lập.
+ Chia xã Côn Lôn thành 2 xã: Côn Lôn và Khâu Tinh.
+ Sáp nhập xóm Bắc Vãng của xã Côn Lôn vào xã Trùng Khánh.
+ Sáp nhập xốm Bản Lãm của xã Đà Vị vào xã Khâu Tinh.
Thành lập thị trấn Na Hang-thị trấn huyện lỵ của huyện Na Hang trên cơ sở 68,8 ha đất với 87 nhân khẩu của xã Thanh Tương; 675,2 ha đất với 840 nhân khẩu của xã Năng Khả và 925 ha đất với 3.650 nhân khẩu của xã Vĩnh Yên, thị trấn Na Hang có 1.668,8 hécta đất với 4.577 nhân khẩu.
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, sau khi tỉnh Tuyên Quang được tái lập từ tỉnh Hà Tuyên thì huyện Na Hang thuộc tỉnh Tuyên Quang.
Ngày 15 tháng 7 năm 1999, chia xã Đức Xuân thành 2 xã: Xuân Tân và Xuân Tiến.
Do đặc điểm của địa hình, sự phân bố dân cư và yêu cầu phát triển chung, huyện dần dần hình thành 3 khu vực. Trước năm 2005, Khu A nằm ở phía Nam huyện, gồm các xã: Vĩnh Yên, Thanh Tương, Sơn Phú, Năng Khả, Trùng Khánh và thị trấn Nà Hang (trung tâm là thị trấn Nà Hang), về địa hình so với Khu B và khu C có thuận lợi hơn về giao thông. Khu B nằm ở phía bắc huyện, gồm các xã: Lăng Can, Khuôn Hà, Phúc Yên, Thượng Lâm, Xuân Lập, Xuân Tân, Xuân Tiến, Thuý Loa, địa hình có nhiều núi đá cao. Khu C nằm ở phía đông bắc của huyện, gồm các xã: Đà Vị, Hồng Thái, Yên Hoa, Côn Lôn, Khau Tinh, Thượng Nông, Thượng Giáp, Sinh Long (trung tâm là Yên Hoa), địa hình chủ yếu là núi cao. Do sự hình thành lòng hồ thủy điện Nà Hang và huyện mới Lâm Bình, địa hình Nà Hang chỉ còn lại Khu A (trừ hai xã Vĩnh Yên, Trùng Khánh) và Khu C. Ngày 25 tháng 1 năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2006/NĐ-CP. Theo đó:
Giải thể 5 xã: Thúy Loa, Xuân Tân, Xuân Tiến, Trùng Khánh và Vĩnh Yên (do nằm trong lòng hồ của Thủy điện Tuyên Quang).
Như vậy, tính đến cuối năm 2010, thì huyện Na Hang có 147.166 ha diện tích tự nhiên và 54.742 nhân khẩu với 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Na Hang và 16 xã: Côn Lôn, Đà Vị, Hồng Thái, Khâu Tinh, Khuôn Hà, Lăng Can, Năng Khả, Phúc Yên, Sinh Long, Sơn Phú, Thanh Tương, Thượng Giáp, Thượng Lâm, Thượng Nông, Xuân Lập, Yên Hoa.
Ngày 28 tháng 1 năm 2011, điều chỉnh 60.128,24 ha diện tích tự nhiên và 18.159 nhân khẩu thuộc 5 xã của huyện Na Hang (bao gồm toàn bộ 7.343,48 ha diện tích tự nhiên và 4.797 nhân khẩu của xã Lăng Can, 12.977,80 ha diện tích tự nhiên và 5.129 nhân khẩu của xã Thượng Lâm, 14.554,99 ha diện tích tự nhiên và 3.553 nhân khẩu của xã Khuôn Hà, 17.694,85 ha diện tích tự nhiên và 2.771 nhân khẩu của xã Phúc Yên, 7.557,12 ha diện tích tự nhiên và 1.909 nhân khẩu của xã Xuân Lập) để thành lập huyện Lâm Bình.
Như vậy, đến thời điểm này, thì huyện Na Hang còn lại 86.549,69 ha diện tích tự nhiên và 41.868 nhân khẩu với 12 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 1 thị trấn và 11 xã như hiện nay.
- Vị trí địa lý
Na Hang (viết chính xác là Nà Hang – với ý nghĩa là ruộng cuối hoặc ruộng dưới thung lũng) là một huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, cách thành phố Tuyên Quang khoảng 110 km.
+ Phía Đông của huyện Na Hang tiếp giáp huyện Chợ Đồn, huyện Ba Bể và huyện Pác Nặm thuộc tỉnh Bắc Kạn.
+ Phía Tây của huyện Na Hang tiếp giáp huyện Lâm Bình.
+ Phía Nam của huyện Na Hang tiếp giáp huyện Chiêm Hóa.
+ Phía Bắc của huyện Na Hang tiếp giáp huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang và huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.
- Diện tích và dân số
Huyện Na Hang có tổng diện tích đất tự nhiên là 865,50 km², dân số đạt 43.964 người. Mật độ dân số khoảng 51 người/km².
- Địa hình
Địa hình Nà Hang khá hiểm trở, có nhiều núi đá vôi, tập trung ở phía Nam và phía Bắc, thấp dần từ Bắc xuống Nam, bị chia cắt rất lớn, nhiều vùng gần như biệt lập, sự gắn kết giữa các vùng dân cư, các điểm kinh tế – xã hội hết sức hạn chế. Nằm trên vòng cung sông Gâm, Na Hang có nhiều dãy núi lớn, núi đất và núi đá xen kẽ lẫn nhau tạo thành nhiều thung lũng lớn, nhỏ. Huyện có nhiều đỉnh núi cao trên 1.000m, tập trung chủ yếu ở các xã Khâu Tinh, Sinh Long, Côn Lôn, Đà Vị, Sơn Phú, Hồng Thái – đây cũng là những nơi có địa hình hiểm trở, bị chia cắt mạnh, giao thông hết sức khó khăn, độ che phủ của rừng còn khá lớn, đó cũng là vùng giàu tài nguyên nhất của huyện. Rừng Na Hang có nhiều loại gỗ, dược thảo và muông thú quý, hiếm. Đó là thế mạnh kinh tế cơ bản của huyện. Nằm ở thượng nguồn sông Gâm, rừng Na Hang có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ nguồn nước, hạn chế tác dụng của lũ, lụt đối với vùng hạ lưu.
Na Hang có hai con sông là sông Gâm và sông Năng. Sông Gâm chảy qua địa phận Lâm Bình, Nà Hang, với chiều dài 53 km, từ Bắc xuống Nam qua các xã Phú Yên, Khuôn Hà, Thượng Lâm (huyện Lâm Bình) và xã Năng Khả, Khâu Tinh, thị trấn Na Hang, Thanh Tương sau đó chảy qua Chiêm Hoá rồi hợp lưu với sông Lô. Đây là đường thuỷ duy nhất nối Na Hang với tỉnh lỵ Tuyên Quang. Sông Năng bắt nguồn từ tỉnh Cao Bằng chảy qua Chợ Rã, cửa hồ Ba Bể chảy xuống thác Đầu Đẳng (tỉnh Bắc Kạn) vào địa phận xã Đà Vị (huyện Na Hang) theo hướng Đông – Tây qua địa phận các xã Đà Vị, Khau Tinh, Sơn Phú, thị trấn Na Hang với chiều dài 25 km, hợp lưu với sông Gâm tại chân núi Pác Tạ cách thượng lưu đập thuỷ điện 2 km. Từ năm 2002, khi công trình thuỷ điện Tuyên Quang được xây dựng, ngoài khúc sông chảy qua địa phận thị trấn Na Hang và xã Thanh Tương, những khúc chảy qua địa phận các xã còn lại nay trở thành lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang. Ngoài sông Gâm và sông Năng, huyện còn có suối lớn là Bắc Vãng (Nặm Vang) và hàng chục suối nhỏ khác.
THAM KHẢO THÊM: