Huyện Khoái Châu là một huyện thuộc tỉnh Hưng Yên, nằm ở phía Tây của tỉnh, giáp với các huyện Yên Mỹ, Ân Thi, Kim Động và một số huyện của thành phố Hà Nội như Thường Tín và Phú Xuyên. Xin mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết sau với chủ đề: Bản đồ và các xã phường thuộc Khoái Châu (Hưng Yên) để có những hiểu biết khái quát về huyện Khoái Châu.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Khoái Châu (Hưng Yên):
2. Huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có bao nhiêu xã, phường?
Huyện Khoái Châu có 25 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 1 thị trấn, 24 xã.
STT | Danh sách xã, phường thuộc huyện Khoái Châu |
1 | Thị trấn Khoái Châu (huyện lỵ) |
2 | Xã An Vĩ |
3 | Xã Bình Kiều |
4 | Xã Bình Minh |
5 | Xã Chí Tân |
6 | Xã Dạ Trạch |
7 | Xã Đại Hưng |
8 | Xã Đại Tập |
9 | Xã Dân Tiến |
10 | Xã Đông Kết |
11 | Xã Đông Ninh |
12 | Xã Đông Tảo |
13 | Xã Đồng Tiến |
14 | Xã Hàm Tử |
15 | Xã Hồng Tiến |
16 | Xã Liên Khê |
17 | Xã Nhuế Dương |
18 | Xã Ông Đình |
19 | Xã Phùng Hưng |
20 | Xã Tân Châu |
21 | Xã Tân Dân |
22 | Xã Thành Công |
23 | Xã Thuần Hưng |
24 | Xã Tứ Dân |
25 | Xã Việt Hòa |
3. Giới thiệu khái quát về huyện Khoái Châu (Hưng Yên):
Vị trí địa lý:
Huyện Khoái Châu tọa lạc tại vùng Đồng bằng sông Hồng của Việt Nam, nằm ở phía Tây tỉnh Hưng Yên, ven bờ tả ngạn sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội – Hưng Yên – Hải Phòng – Quảng Ninh). Trung tâm huyện lỵ cách Hà Nội hơn 40 km và cách Thành phố Hưng Yên (về phía Bắc) khoảng 30 km. Tọa độ địa lý nằm trong khoảng từ 20⁰45’ đến 20⁰55’ vĩ độ Bắc và từ 105⁰53′ đến 106⁰03’ kinh độ Đông. Được giới hạn bởi:
-
Phía Đông giáp ranh với các huyện Yên Mỹ và Ân Thi.
-
Phía Tây giáp với huyện Thường Tín và huyện Phú Xuyên của thành phố Hà Nội, sông Hồng tạo thành ranh giới tự nhiên.
-
Phía Nam giáp với huyện Kim Động.
-
Phía Bắc giáp với huyện Văn Giang.
Trên địa bàn huyện có trục Quốc lộ 39A và đường Dân Tiến – Hà Nội chạy qua. Vị trí địa lý của Khoái Châu đã tạo nhiều lợi thế về giao lưu kinh tế – văn hóa – xã hội với các địa bàn trong tỉnh, với thủ đô Hà Nội và cả nước, có nhiều cơ hội thu hút đầu tư để phát triển các ngành kinh tế – xã hội, thực hiện nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Địa hình:
Địa hình Khoái Châu khá phức tạp với các vùng cao thấp xen kẽ, bao gồm cả vùng ngoài bãi và nội đồng, có hướng dốc từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Sông Bần là một trong những dòng sông quan trọng chảy qua huyện – cùng với đầm Dạ Trạch là một phần của sông Hồng trước kia. Địa hình trên địa bàn chia thành 2 vùng như sau:
-
Vùng trong đê:
Diện tích 9.853,12 ha, địa hình bằng phẳng có độ cao từ 2 – 4,5m so với mặt nước biển.
Khu vực có độ cao tuyệt đối trên + 4m so với mặt nước biển tập trung ở các xã ven đê sông Hồng và phía bắc của huyện.
-
Vùng ngoài đê:
Diện tích 3.238,43 ha, gồm các xã Tân Châu, Đông Ninh, Đại Tập và một phần diện tích ngoài đê của các xã Bình Minh, Dạ Trạch, Hàm Tử, Tứ Dân, Đông Kết, Liên Khê, Chí Tân, Nhuế Dương. Địa hình phức tạp hơn vùng trong đê, nhiều gò cao, thùng sâu xen kẽ những bãi cao, thấp không đồng đều, bề mặt lượn sóng dải giáp đê chính đất trũng, nhiều đoạn là nơi chứa nước mặt của khu vực, điều kiện địa hình đã ảnh hưởng nhất định tới khả năng khai thác diện tích đất chưa sử dụng.
Ngoài ra, bề mặt đất đai của Khoái Châu còn bị chia cắt bởi 20km đê chính ngăn lũ sông Hồng, đê bao ngoài bãi sông và các thùng đào, thùng đấu xen kẽ do quá trình lấy đất đắp đê, làm giao thông, thuỷ lợi, sản xuất gạch ngói.
Nhìn chung, địa hình tương đối đa dạng như vậy của huyện là điều kiện thuận lợi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Khí hậu:
Huyện Khoái Châu có khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt: Mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, đặc trưng bởi thời tiết nóng ẩm và lượng mưa cao, trong khi mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau thường lạnh hơn, khí hậu khô ráo vào đầu mùa và ẩm ướt, mưa phùn vào cuối mùa. Độ ẩm không khí trung bình năm là 85%, tháng cao nhất là 92%, tháng thấp nhất là 74%, tháng có độ ẩm thấp nhất là tháng 3, độ ẩm trung bình là 88,4%, tháng khô nhất là tháng 11, độ ẩm trung bình là 74%. Nhiệt độ trung bình hàng năm ở Khoái Châu khoảng 23 – 24°C với mức nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 38 – 39°C vào mùa hè và thấp nhất không dưới 5°C vào mùa đông.
Lượng mưa hàng năm dao động từ 1800mm đến 2500mm, phân bố không đều qua các tháng, tháng 5 có lượng mưa từ 90-150mm, tháng 6 và 7 khoảng 300mm, tháng 8 từ 280 – 330mm.
Lượng mưa tập trung và phân bố theo mùa. Mùa hè thường có mưa to, bão lớn, gây úng lụt, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện. Mùa đông, lượng mưa ít, nước ở các ao hồ cạn, không đủ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt cũng bị hạn chế.
Tổng số giờ nắng trung bình năm là 1750 giờ. Số ngày nắng trong tháng là 24 ngày. Số giờ nắng trung bình của mùa hè từ 6 đến 7 giờ trong ngày, mùa đông từ 3 đến 4 giờ trong ngày.
Như vậy, Khoái Châu có khí hậu đặc trưng là nóng ẩm, mưa nhiều vào mùa hè; lạnh, khô, hanh vào mùa đông. Khí hậu này thích hợp với nhiều loại cây trồng, tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp, phát triển đa dạng và phong phú về sản phẩm. Tuy nhiên, huyện cũng cần có các biện pháp để phòng chống bão lũ cũng như hạn hán làm ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, có như vậy sản xuất nông nghiệp mới đạt được hiệu quả cao.
Khoái Châu chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính là: Gió Đông Bắc thổi vào mùa lạnh và gió Đông Nam thổi vào mùa hè. Vào các tháng 6, tháng 7 có xuất hiện đợt gió khô nóng, mùa đông từ tháng 12 đến tháng 2 có những đợt rét đậm kéo dài. Hằng năm, Khoái Châu còn bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của 3 đến 4 trận bão với sức gió và lượng mưa lớn, gây thiệt hại cho sản xuất, tài sản, làm ảnh hưởng đến đời sống dân cư trong huyện.
Thủy văn:
Thủy văn chịu ảnh hưởng và phụ thuộc vào chế độ, lưu lượng dòng chảy thượng nguồn sông Hồng (chạy dọc từ Bắc xuống Nam với chiều dài 23 km, là nguồn cung cấp và tiêu thoát nước cho địa bàn huyện cùng các khu vực nằm ven sông), mạng lưới sông ngòi chằng chịt gồm sông Cửu Yên, sông Điện Biên, sông Kim Ngưu, sông Từ Hồ, sông Đồng Quê.
Bởi có hệ thống sông ngòi cũng như nằm trong hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải, hệ thống thủy lợi của huyện Khoái Châu đảm bảo tương đối chủ động, cung cấp nước trong mùa khô hạn và tiêu úng trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, địa hình thấp, mùa mưa tập trung gặp nước sông Hồng dâng cao nên khả năng tiêu nước còn hạn chế, úng lụt cục bộ kéo dài, cần có biện pháp chủ động trong giai đoạn tới.
Diện tích và dân số:
Dân số vào năm 2020 là 189.070 người với mật độ dân số đạt 1.445 người/km².
Kinh tế:
Tổng diện tích tự nhiên 13.091,63ha chiếm 34,65%, đất đai màu mỡ, người nông dân năng động, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi.
Với đặc điểm là huyện thuần nông, nông nghiệp là chủ đạo, sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, huyện luôn dẫn đầu tỉnh về năng suất, sản lượng, chất lượng lúa gạo, hoa màu, cây ăn quả hàng năm và là một trong những địa phương cung cấp nguồn nông sản, hàng hóa lớn cho thủ đô Hà Nội.
Cùng với phát triển của nông nghiệp, Khoái Châu là huyện có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh, điển hình là các xã phía Bắc huyện như: Bình Minh, Đông Tảo, Dạ Trạch, Ông Đình, Tân Dân, An Vi, Tứ Dân và một số xã ngoại bối như: Tân Châu, Đông Ninh,… ở những xã còn lại vẫn đang tiếp tục chuyển đổi.
Phía Đông ưu tiên phát triển tạo thành các khu công nghiệp: Tân Dân, Hồng Tiến, Đồng Tiến, Dân Tiến,…
Phía Nam ưu tiên phát triển tạo thành các khu công nghiệp: Thuần Hưng, Thành Công,….
THAM KHẢO THÊM: