Huyện Yên Bình là một huyện thuộc tỉnh Yên Bái, Việt Nam, nằm ở vùng thấp của tỉnh và có vị trí địa lý quan trọng. Xin mời bạn đọc theo dõi bài viết sau với chủ đề: Bản đồ và các xã phường thuộc huyện Yên Bình (Yên Bái) để cùng tìm hiểu khái quát về huyện Yên Bình.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Yên Bình (Yên Bái):
Đây là bản đồ hành chính cũ của huyện Yên Bình (Yên Bái).
Ngày 1 tháng 2 năm 2020, sáp nhập xã Tích Cốc vào xã Cảm Nhân và sáp nhập xã Văn Lãng vào xã Phú Thịnh. Huyện Yên Bình có 2 thị trấn và 22 xã như hiện nay.
2. Huyện Yên Bình (Yên Bái) có bao nhiêu xã, phường?
Huyện Yên Bình có 24 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 2 thị trấn, 22 xã.
STT | Danh sách xã, phường huyện Yên Bình (Yên Bái) |
1 | Thị trấn Yên Bình (huyện lỵ) |
2 | Thị trấn Thác Bà |
3 | Xã Bạch Hà |
4 | Xã Bảo Ái |
5 | Xã Cảm Ân |
6 | Xã Cảm Nhân |
7 | Xã Đại Đồng |
8 | Xã Đại Minh |
9 | Xã Hán Đà |
10 | Xã Mông Sơn |
11 | Xã Mỹ Gia |
12 | Xã Ngọc Chấn |
13 | Xã Phú Thịnh |
14 | Xã Phúc An |
15 | Xã Phúc Ninh |
16 | Xã Tân Hương |
17 | Xã Tân Nguyên |
18 | Xã Thịnh Hưng |
19 | Xã Vĩnh Kiên |
20 | Xã Vũ Linh |
21 | Xã Xuân Lai |
22 | Xã Xuân Long |
23 | Xã Yên Bình |
24 | Xã Yên Thành |
Đơn vị hành chính cũ hiện không còn tồn tại là:
-
Xã Tích Cốc
-
Xã Văn Lãng
3. Giới thiệu chung về huyện Yên Bình (Yên Bái):
Vị trí địa lý:
Yên Bình là huyện miền núi nằm ở phía Đông Nam, tỉnh Yên Bái. Trung tâm huyện cách thành phố Yên Bái 8 km về phía Đông Nam, cách thủ đô Hà Nội 170 km về phía Tây Bắc,
Địa giới hành chính của huyện như sau:
-
Phía Đông Nam giáp huyện Đoan Hùng của tỉnh Phú Thọ.
-
Phía Tây Nam giáp thành phố Yên Bái.
-
Phía Tây Bắc giáp thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên và Huyện Văn Yên.
-
Phía Đông Bắc giáp huyện Hàm Yên của tỉnh Tuyên Quang.
-
Phía Bắc giáp huyện Lục Yên.
Trên địa bàn có tuyến quốc lộ 70 từ Hà Nội đi Yên Bái và đi Lào Cai chạy qua trung tâm và một số xã của huyện. Huyện Yên Bình có tổng diện tích tự nhiên là 77.319,67 ha trong đó diện tích đất nông nghiệp có 57.690,43 ha chiếm 74,61% tổng diện tích tự nhiên.
Là địa phương có nhiều lợi thế so sánh về vị trí địa lý, là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của tỉnh Yên Bái và Lào Cai với Hà nội, là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, thuận lợi quan trọng để phát triển kinh tế dịch vụ. Huyện có nhiều tiềm năng về khoáng sản, có thể phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp: đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng công nghiệp, cây ăn quả có múi, cây lương thực và có nhiều điều kiện tốt để phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thuỷ sản.
Khí hậu:
Yên Bình nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa có nhiệt độ trung bình hàng năm là 22,9⁰C. Lượng mưa bình quân hàng năm là 2.121,2mm, số ngày mưa trung bình là 136 ngày, tập trung từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Độ ẩm trung bình là 37% và không có sương muối. Do đặc điểm là huyện có diện tích mặt nước nhiều (hồ Thác Bà trên 15.000 ha) nên khí hậu vùng này mang tính chất vùng hồ: mùa đông ít lạnh, mùa hè mát mẻ, thuận lợi cho việc phát triển nông, lâm nghiệp, trồng rừng phòng hộ và rừng nguyên liệu; trồng cây công nghiệp chè, cao su, cây ăn quả và là tiềm năng để phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản, phát triển du lịch dịch vụ.
Địa hình:
Địa hình của huyện Yên Bình khá phức tạp, với đặc điểm địa hình chuyển tiếp từ Trung du lên miền núi, địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc được tạo bởi hai dãy núi: Cao Biền nằm phía tả ngạn sông Chảy (phía Đông hồ Thác Bà) và Con Voi nằm phía hữu ngạn sông Chảy (phía Tây hồ Thác Bà).
Đất đai:
Đặc điểm đất đai thổ nhưỡng của Yên Bình là nhiều loại đất, nhóm đất đỏ vàng (Feralit) là nhóm đất chiếm phần lớn diện tích trong huyện (61%) gồm nhiều loại đất có khả năng phát triển cây công nghiệp (chè, cà phê, cao su, cây ăn quả), cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày (mía) và phát triển đồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc.
Nhóm đất dốc tự phân bổ rải rác ở các thung lũng sông suối có khả năng cải tạo thâm canh trồng cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày. Nhóm đất phù sa phân bố dọc hai bên bờ sông Chảy có đặc tính độ phì cao của phù sa đáp ứng được yêu cầu của các loại cây màu và cây lương thực.
Tài nguyên thiên nhiên:
Các tài nguyên thiên nhiên của huyện khá phong phú, ngoài tài nguyên nước và tài nguyên rừng còn kể đến một số khoáng sản: Đá vôi hoa hoá có độ trắng cao, đá vôi vật liệu xây dựng, chì, kẽm, pyrit, cao lanh, fenspat; ngoài ra có đá quý, bán đá quý và các loại cát, quặng vàng, than nâu,… những loại tài nguyên này đều có trữ lượng khá lớn.
4. Lịch sử hình thành về huyện Yên Bình (Yên Bái):
Theo sách Khải Định dư địa chí, huyện Yên Bình ngày nay từ thời Minh được đặt là Châu Thu. Thời Trần là Châu Thu Vật, qua các đời cho đến đầu thời Nguyễn vẫn không đổi. Năm Minh Mệnh thứ ba (1822) đổi là Thu Châu và vẫn đặt là phủ An Bình (Yên Bình hay Phủ Bình). Vào thời Lê, trong giai đoạn lịch sử Nam – Bắc triều và cuộc nội chiến giữa nhà Mạc với nhà Lê (trong khoảng từ năm 1527 đến năm 1672), Châu Thu được đặt dưới quyền cai trị của anh em Vũ Văn Mật, Vũ Văn Uyên.
Cuối thời Lê, Yên Bình không còn giữ được vẻ phồn thịnh như trước nữa. Theo Lê Quý Đôn ghi lại trong Kiến văn tiểu lục thì khi đó châu Thu Vật địa phận nhỏ hẹp, xã thôn nhỏ, nhân dân phần nhiều nghèo túng.
Một thời của châu Thu Vật được ghi đậm nét trong Đại Việt sử ký toàn thư, Kiến văn tiểu lục, Lịch triều hiến chương loại chí, Việt sử thống giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí.
Sang thời Nguyễn, Châu Thu Vật đổi tên gọi là Châu Thu thuộc tỉnh Tuyên Quang. Theo Khải Định dư địa chí, toàn phủ lúc đó có 8 tổng 40 xã như sau:
-
Tổng Ẩm Phúc gồm 4 xã: Ẩm Phúc, Dương Liễu, Kế Khê, Võ Tha.
-
Tổng Cảm Ân gồm 4 xã: Cảm Ân, Đồng Lượng, Bảo Ái, Phụ Thành.
-
Tổng Cảm Nhân gồm 5 xã: Bình Hanh, Cảm Nhân, Mỹ Gia, Tích Cốc, Xuân Lai.
-
Tổng Đại Đồng gồm 7 xã, phường: Đại Đồng, Đại Đồng phường, Điền Loan Hạ, Điền Loan Thượng, Điền Loan Trung, Khuôn Sơn, Vũ Khê.
-
Tổng Đạo Ngạn gồm 4 xã: Diên Gia, Đông Lý, Ký Mã, Đạo Ngạn.
-
Tổng Mông Sơn gồm 5 xã: Lãnh Thủy, Mông Sơn, Vạn Lại, Xuân Lôi, Phúc Lâm.
-
Tổng Ngọc Chấn gồm 6 xã : Bình Mục, Hướng Dương, Ngọc Chấn, Dịch Dương, Thu Vật, Xuân Sinh.
-
Tổng Vĩnh Kiên gồm 5 xã: Bạch Hà, Vĩnh Kiên, Phục Lễ, Vũ Linh, Yên Thịnh.
Dưới thời Pháp thuộc, địa phương có một năm nằm trong chế độ quân quản, khi thì ở quân khu miền Tây (1885 – 1890), lúc thì thuộc đạo quan binh thứ ba Yên Bái (1891 – 1900). Nhìn chung, các đơn vị hành chính cấp tổng và xã không đổi, chỉ có tên Châu Thu đổi là phủ Yên Bình.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cùng với việc đổi phủ thành huyện giải tán cấp tổng. Huyện Yên Bình lúc bấy giờ có 39 xã. Sau khi hòa bình lập lại, do việc thành lập khu tự trị
Đến ngày 16/2/1967, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 51/NV chia xã Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Cảm Nhân thành các xã Bạch Hà, Vĩnh Kiên, Vũ Linh, Tích Cốc, Cảm Nhân. Đồng thời, hai xã Hán Đà, Đại Minh của huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ được bàn giao sang huyện Yên Bình. Ngày 23/2/1977, Bộ trưởng Văn phòng phủ Thủ tướng ra Quyết định 661-VP18 về việc thành lập thị trấn Thác Bà. Năm 1981, huyện ly Yên Bình được chuyển từ thị trấn Thác Bà đến xã Phú Thịnh. Ngày 4/8/2008, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 87/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Trấn Yên để mở rộng thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình, theo đó xã Văn Lãng, huyện Trấn Yên được chuyển về huyện Yên Bình. Năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 871/NQ- UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Yên Bái, huyện Yên Bình thực hiện sáp nhập xã Tích Cốc vào xã Cảm Nhân và sáp nhập xã Văn Lãng vào xã Phú Thịnh. Đến nay, toàn huyện bao gồm 24 đơn vị hành chính như sau:
-
Thị trấn: Yên Bình, Thác Bà
-
Các xã: Xuân Long, Ngọc Chấn, Tân Nguyên, Phúc Ninh, Mỹ Gia, Cảm Nhân, Bảo Ái, Cảm Ân, Xuân Lai, Tân Hương, Mông Sơn, Yên Thành, Đại Đồng, Phúc An, Phú Thịnh, Vũ Linh, Bạch Hà, Thịnh Hưng, Vĩnh Kiên, Yên Bình, Hán Đà, Đại Minh
Toàn huyện có 9 xã giữ được tên cũ, còn lại do việc thực hiện di dân lập xã mới để giải phóng lòng hồ một số địa danh bị hủy bỏ, một số địa danh còn được bảo lưu nhưng vị trí đã bị dịch chuyển, nhiều dấu vết về thành lũy, đền chùa cũng không còn tồn tại trên thực tế.
THAM KHẢO THÊM: