Huyện Tủa Chùa thành lập ngày 18/10/1955 (theo Nghị định số 606/TTg, ngày 18/10/1955 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập châu Tủa Chùa nay là Huyện Tủa Chùa) với diện tích tự nhiên là 49.120ha, gồm 8 xã với hơn 1 vạn người gồm 3 dân tộc sinh sống. Bài viết dưới đây cung cấp: Bản đồ và các xã phường thuộc huyện Tủa Chùa (Điện Biên).
Mục lục bài viết
- 1 1. Bản đồ hành chính huyện Tủa Chùa (Điện Biên):
- 2 2. Huyện Tủa Chùa (Điện Biên) có bao nhiêu xã phường ?
- 3 3. Vì trí địa lý huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên:
- 4 4. Lịch sử hình thành và phát triển huyện Tủa Chùa (Điện Biên):
- 5 5. Phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc tại huyện Tủa Chùa (Điện Biên):
- 6 6. Tiềm năng thế mạnh của huyện Tủa Chùa (Điện Biên):
1. Bản đồ hành chính huyện Tủa Chùa (Điện Biên):
2. Huyện Tủa Chùa (Điện Biên) có bao nhiêu xã phường ?
STT | Danh sách các xã phường thuộc huyện Tủa Chùa (Điện Biên) |
1 | Thị trấn Tủa Chùa |
2 | Xã Huổi Só |
3 | Xã Xín Chải |
4 | Xã Tả Sìn Thàng |
5 | Xã Lao Xả Phình |
6 | Xã Tả Phìn |
7 | Xã Tủa Thàng |
8 | Xã Trung Thu |
9 | Xã Sính Phình |
10 | Xã Sáng Nhè |
11 | Xã Mường Đun |
12 | Xã Mường Báng |
3. Vì trí địa lý huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên:
Huyện Tủa Chùa nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 118 km, có vị trí địa lý:
-
Phía Đông giáp huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La;
-
Phía Tây giáp huyện Mường Chà;
-
Phía Nam giáp huyện Tuần Giáo;
-
Phía Bắc giáp huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Địa hình huyện chủ yếu là núi thấp với các đỉnh Na Tung cao 1.585 m ở phía Đông Nam, Phình Ho cao 1.585 m ở phía Tây Bắc và cao nguyên Sín Chải dạng cao nguyên đá vôi. Có sông Đà chảy qua ranh giới phía Đông và phía Bắc của huyện, sông Nậm Mức chảy qua ranh giới phía Tây của huyện để nối vào sông Đà tại phía Tây Bắc huyện này trong địa giới xã Lao Xả Phình.
4. Lịch sử hình thành và phát triển huyện Tủa Chùa (Điện Biên):
Địa bàn huyện Tủa Chùa vốn là đất Mường Báng xưa. Ngày 18 tháng 10 năm 1955, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 606/NĐ-TTg về việc thành lập châu Tủa Chùa (nay là huyện Tủa Chùa) trên cơ sở 49.120 ha diện tích tự nhiên, gồm 8 xã: Tà Phình (tức Tả Phìn), Lao Sà Phình (Lao Xả Phình), Sìn Phình (Sính Phình), Sin Chai (Sín Chải), Ta Sin Thang (Tả Sìn Thàng), Trung Thu, Quyết Tiến, Cộng Hòa; với hơn 10.000 người của châu Mường Lay.
Ngày 15 tháng 12 năm 1977, 3 xã: Mường Báng, Mường Đun, Xá Nhè được chuyển từ huyện Tuần Giáo về huyện Tủa Chùa quản lý. Đồng thời, sáp nhập xóm Phảng Củ và xóm Háng Chưa của xã Xá Nhè vào xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo.
Ngày 2 tháng 1 năm 1989, chia xã Mường Báng thành 2 đơn vị hành chính: Xã Mường Báng và thị trấn Tủa Chùa.
Ngày 26 tháng 12 năm 2003, tỉnh Lai Châu được tách thành tỉnh Lai Châu mới và Điện Biên, huyện Tủa Chùa thuộc tỉnh Điện Biên.
Ngày 1 tháng 1 năm 2020, mở rộng thị trấn Tủa Chùa trên cơ sở sáp nhập một phần diện tích và dân số của xã Mường Báng. Huyện Tủa Chùa có 1 thị trấn và 11 xã như hiện nay.
5. Phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc tại huyện Tủa Chùa (Điện Biên):
- Loại hình di sản Ngữ văn truyền miệng: Tập trung ở nhóm văn cúng, lời khấn, lời hát giao duyên tỏ tình. Hiện trạng được bảo lưu khá nguyên vẹn, dưới nhiều dạng thức, đặc biệt ở dân tộc Dao. Nhưng nhóm truyện ngụ ngôn, truyện thơ, truyện cười, tục ngữ ngạn ngữ, câu đố, ca dao thì ít được lưu truyền dưới dạng văn tự, mà chủ yếu được truyền miệng qua các thế hệ người.
- Loại hình Diễn xướng dân gian: Các di sản này là những nghi lễ, nghi thức cúng tế, làm lý, lễ tục và sinh hoạt tín ngưỡng. Quy mô tương đối lớn có các bước theo trình tự, phạm vi trong một họ, một bản có khi là một gia đình, hầu như dân tộc nào cũng có. Tuy nhiên cũng có những Diễn xướng đã bị mai một, thậm chí là mất hẳn, hoặc từng phần, từng bước bị pha tạp như hạn khuống, xên khửn xưa ở người Thái, quá tăng, lập tịch ở người Dao.
- Nhóm di sản âm nhạc truyền thống: Tương đối phong phú, có nhiều làn điệu dân ca đặc trưng cho từng dân tộc được bảo lưu tốt như Hát gọi bạn ở người Mông, Hát đón xuân về, hát mừng hoa ban nở ở người Thái. Đặc biệt là làn điệu hát giao duyên, hát đối đến nay vẫn được lưu truyền khá nguyên vẹn.
- Nhạc cụ dân gian: Khèn, sáo dọc, sáo ngang, đàn môi, nhị của dân tộc Mông, pí pặp, pí đôi, đàn tính của dân tộc Thái, Khèn đồng của người Hoa, Chuông của người Dao được bảo lưu và giữ gìn tốt, có nhiều nghệ nhân có khả năng trình diễn và truyền dạy giỏi.
- Múa dân gian dân tộc: Ở người Mông, người Thái, người Khơ Mú còn khá nguyên vẹn, có chỉnh lý nâng cao, cả phần âm nhạc và vũ hình.
- Trò chơi dân gian và thể thao truyền thống: Đã có dấu hiệu mai một như tó má háp, tó má lẹ ở người Thái, tầu tí ở người Mông.
- Loại hình lối sống, nếp sống: Chủ yếu là các luật tục và các chuẩn mực nghi lễ ứng xử trong gia đình, một vài luật tục còn nặng nề lạc hậu như Cưới, Tang rườm rà nhiều bước song đến nay đã được kết hợp với các chuẩn mực quy định mới tiến bộ dần.
- Loại hình Lễ hội truyền thống – Lễ hội dân gian: Thực ra loại hình di sản này của các dân tộc trên địa bàn Tủa Chùa không hoàn toàn rõ nét mà chỉ dừng lại ở cấp độ Diễn xướng trong đời sống tín ngưỡng, chỉ thể hiện các nghi lễ nghi thức là chính, tính chất hội ít sâu đậm, phân hội không rõ ràng, phạm vi ảnh hưởng hẹp.
- Nghề thủ công truyền thống: Chủ yếu là rèn đúc nông cụ cầm tay, vật gia dụng giản đơn, mà đầu ra cho sản phẩm là tự tiêu dùng là chính. Cũng có những nghệ nhân làm nghề chạm khắc đồng, bạc làm đồ trang sức, dệt vải thổ cẩm nhỏ lẻ không hình thành Tổ nghề, làng nghề. Lực lượng nghệ nhân, người am hiểu của loại hình di sản này khá phổ biến trong dân cư.
- Tri thức văn hoá dân gian đặc trưng: Món ăn, đồ uống như: Gà nàng rế khúa, máu của, rúa lề, rau câu khúa, chếu pao cừ của người Mông; nhắm pho, nó pửng, khẩu lam, chẩm chéo của người Thái; nắng sẳng mẻng, aạp, alẳm, đu huấy, blàu tiu của người Dao. Là những di sản còn lưu truyền gần như nguyên vẹn. Cách chế biến đơn giản, kết hợp nhiều loại gia vị là những cây thuốc quý hiếm trên rừng, được hoà quyện với những nét văn hoá về phong tục tập quán rất riêng của từng dân tộc, làm cho nhóm di sản này được người dân trân trọng và gìn giữ phổ biến.
- Ẩm thực dân gian, Trang phục truyền thống, trang sức và kiến trúc: Vô cùng phong phú và đa dạng, có thể nói mỗi người phụ nữ dân tộc ở Tủa Chùa là một nghệ nhân, chính họ đã và đang tham gia gìn giữ và lưu truyền các di sản phi vật thể trong nhân dân được tiếp nối qua từng thế hệ người.
6. Tiềm năng thế mạnh của huyện Tủa Chùa (Điện Biên):
Tủa Chùa là huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên, cách trung tâm tỉnh 126 km với nhiều dân tộc cùng sinh sống đặc biệt là dân tộc Mông là nơi tập trung người Mông đông nhất của tỉnh. Với bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc lâu đời các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, phong phú tạo nên những dấu ấn riêng để phát triển tiềm năng kinh tế du lịch. Với dòng sông Đà chảy qua một đầu có thể tạo thành du lịch đường thủy nối giữa Mường Lay và Tủa Chùa, một đầu sang khu vực Pa Uôn huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) nối liền với lòng hồ thủy điện Sơn La. Hoạt động du lịch sinh thái giữa rừng thông Trung Thu gắn với với các hang động Khó Chua La, hang động Xá Nhè xã Xá Nhè là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, Thành Vàng Lồng, bãi đá cổ Tả Phình. Đây là những yếu tố góp phần phát triển văn hóa du lịch trải nghiệm cộng đồng.
Ngoài ra huyện Tủa Chùa có thế mạnh về phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và thủy sản tiêu biểu là đặc sản gà xương đen, dê Tủa Chùa. Các làng nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm xã Sính Phình, thủ công mỹ nghệ xã Mường Báng, Xá Nhè.
Các chợ phiên xã Xá Nhè và Tả Sìn Thàng, chợ không chỉ mua bán, trao đổi những sản vật, mà còn là nơi để gặp bạn, tâm tình. Ngoài các mặt hàng nông sản, thực phẩm của địa phương, mật ong rừng là thứ quà không thể thiếu để mua biếu người thân, bạn bè.Tất cả tạo nên nét đẹp riêng biệt của người dân vùng cao Tủa Chùa.
Đặc biệt là thế mạnh trồng và chế biến chè Shan tuyết ở độ cao hàng chục mét, rừng chè cổ thụ có tới gần 4.000 cây, đường kính lớn, có những cây hai người ôm không xuể tập trung nhiều ở Sín Chải và Tả Sìn Thàng. Được tích tụ từ sương núi, chè ở đây rất được nước, uống có vị ngọt hậu, đặc biệt không bị can thiệp bởi bất cứ hoá chất hay cách làm chè công nghiệp thường thấy ngày nay.
Tủa Chùa được biết đến với rượu Mông pê có màu vàng như mật ong, có hương vị đặc trưng của ngô được trồng trên đá hòa trộn với mùi hương của cây lá, núi rừng. Để có được thứ rượu thơm ngon này là cả một quy trình công phu, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, ngô, men, dụng cụ nấu, cộng với kinh nghiệm gia truyền được nấu từ những hạt ngô nếp đầu mùa, hạt đều tăm tắp tạo nên một hương vị đặc biệt.
THAM KHẢO THÊM: