Huyện Tiên Du là một huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh. Huyện nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng của miền Bắc Việt Nam. Xin mời các bạn đọc cùng tìm hiểu các thông tin khái quát về huyện Tiên Du thông qua bài viết sau đây với chủ đề: Bản đồ và các xã phường thuộc huyện Tiên Du (Bắc Ninh).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Tiên Du (Bắc Ninh):
2. Huyện Tiên Du (Bắc Ninh) có bao nhiêu xã, phường?
Huyện Tiên Du có 14 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 1 thị trấn, 13 xã.
STT | Danh sách xã, phường thuộc huyện Tiên Du (Bắc Ninh) |
1 | Thị trấn Lim (huyện lỵ) |
2 | Xã Cảnh Hưng |
3 | Xã Đại Đồng |
4 | Xã Hiên Vân |
5 | Xã Hoàn Sơn |
6 | Xã Lạc Vệ |
7 | Xã Liên Bão |
8 | Xã Minh Đạo |
9 | Xã Nội Duệ |
10 | Xã Phật Tích |
11 | Xã Phú Lâm |
12 | Xã Tân Chi |
13 | Xã Tri Phương |
14 | Xã Việt Đoàn |
3. Vị trí địa lý của huyện Tiên Du (Bắc Ninh):
Tiên Du là một huyện trực thuộc tỉnh Bắc Ninh, nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam. Trung tâm huyện cách thành phố Bắc Ninh khoảng 5 km, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 25 km. Địa giới hành chính của huyện như sau:
-
Phía Đông của huyện Tiên Du tiếp giáp thị xã Quế Võ.
-
Phía Tây của huyện Tiên Du tiếp giáp thành phố Từ Sơn.
-
Phía Nam của huyện Tiên Du tiếp giáp thị xã Thuận Thành và huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
-
Phía Bắc của huyện Tiên Du tiếp giáp thành phố Bắc Ninh và huyện Yên Phong.
Tiên Du là một huyện đồng bằng, đất đai màu mỡ, hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh thuận lợi cho việc phát triển thâm canh lúa chất lượng cao. Là huyện có truyền thống cách mạng và văn hóa lâu đời với nhiều di tích lịch sử văn hóa như chùa Hồng Vân, chùa Bách Môn, chùa Phật Tích,…
Tiên Du còn là huyện có các làng nghề truyền thống như: Nghề xây dựng ở Nội Duệ, nghề dệt lụa ở thị trấn Lim, nghề làm giấy ở Phú Lâm,…
Với vị trí địa lý như vậy, Tiên Du có đủ điều kiện để phát huy tiềm năng đất đai cũng như các nguồn lực khác, tạo điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội, hòa nhập với nền kinh tế thị trường, phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ.
Diện tích và dân số:
Huyện Tiên Du có tổng diện tích đất tự nhiên 95,6 km², dân số là 184.186 người (theo thống kê dân số năm 2020) trong đó thành thị có 13.447 người và nông thôn có 170.739 người, chủ yếu là dân tộc Kinh sinh sống. Mật độ dân số của huyện đạt khoảng 1.927 người/km².
4. Điều kiện tự nhiên của huyện Tiên Du (Bắc Ninh):
Địa hinh:
Do nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng nên địa hình Tiên Du tương đối bằng phẳng. Hầu hết diện tích trong huyện đều có độ dốc nhỏ hơn 30 (trừ một số đồi núi thấp như: Đồi Lim, núi Vân Khám, núi Chè, núi Phật Tích, núi Bát Vạn, núi Đông Sơn,… có độ cao từ 20 – 120m, chiếm diện tích nhỏ so với tổng diện tích đất tự nhiên).
Địa hình vùng đồng bằng có xu thế nghiêng ra biển theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Độ cao trung bình 2,5 – 6,0m so với mặt nước biển.
Nhìn chung, địa hình của huyện thuận lợi cho phát triển mạng lưới giao thông, thủy lợi, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới khu dân cư, các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kiến thiết đồng ruộng tạo ra những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát triển rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày.
Địa chất:
Đặc điểm địa chất huyện Tiên Du tương đối đồng nhất do nằm gọn trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nên Tiên Du mang những nét đặc trưng của cấu trúc địa chất sụt trũng sông Hồng. Mặt khác, do nằm trong miền kiến tạo Đông Bắc nên có những nét mang tính chất của vùng Đông Bắc, bề dày trầm tích đệ tứ chịu ảnh hưởng rõ rệt của cấu trúc mỏng, càng xuống phía Nam cấu trúc địa chất càng dầy hơn phía Bắc.
Khí hậu, thủy văn:
Tiên Du nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm mưa nhiều, chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa. Thời tiết trong năm chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa và mùa khô.
Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa biến động thất thường qua các năm, lượng mưa/tháng từ 125,2mm (tháng 10) đến 283,3mm (tháng 8) và thường phân bố không đồng đều trong năm, vào mùa mưa lượng mưa chiếm khoảng 84,64% tổng lượng mưa cả năm.
Hàng năm có 2 mùa gió chính: Gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam, gió mùa Đông Bắc từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, gió mùa Đông Nam từ tháng 4 đến tháng 9 mang theo hơi ẩm mưa rào.
Số giờ nắng trung bình các tháng/năm khoảng 139,32 giờ, số giờ nắng tháng thấp nhất khoảng 46,9 giờ (tháng 2), số giờ nắng cao nhất khoảng 202,8 giờ (tháng 7). Tổng số giờ nắng trong năm khoảng 1.671,9 giờ. Nhiệt độ trung bình tháng dao động từ 23,4⁰C – 29,9⁰C, nhiệt độ phân bố theo mùa, mùa nắng nhiệt độ trung bình >23⁰C, mùa lạnh nhiệt độ trung bình <20⁰C.
Độ ẩm không khí trung bình/năm khoảng 84%, trong đó tháng có độ ẩm không khí lớn nhất khoảng 88% (tháng 3), tháng có độ ẩm không khí thấp nhất khoảng 70% (tháng 12).
Nhìn chung, Tiên Du có điều kiện khí hậu thuận lợi thích hợp với nhiều loại cây trồng, cho phát triển nền nông nghiệp đa dạng và phong phú. Mùa đông có thể trồng nhiều cây hoa màu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên cũng cần phải chú ý đến các hiện tượng bất lợi như nắng, nóng, lạnh, khô hạn và lượng mưa phân bố không đều giữa các mùa,… để có kế hoạch chỉ đạo sản xuất cho hợp lý. Yếu tố hạn chế nhất đối với sử dụng đất là do mưa lớn tập trung theo mùa thường làm ngập úng các khu vực thấp trũng gây khó khăn cho việc thâm canh tăng vụ và mở rộng diện tích.
Tài nguyên đất:
Đất đai huyện Tiên Du bao gồm các loại đất chính được mô tả như sau:
-
Đất phù sa được bồi hàng năm của hệ thống sông Hồng:
Có diện tích 330,46 ha chiếm 3,45% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố dọc theo sông Đuống, tập trung tại các xã Cảnh Hưng, Minh Đạo, Tân Chi. Đất được hình thành bởi phù sa của sông Đuống. Tính chất của đất phù sa là được bồi thường xuyên vào những mùa mưa lũ (tháng 7, tháng 8), thành phần cơ giới nhẹ, tầng đất khá dày, khả năng giữ nước, giữ chất dinh dưỡng thấp. Tuy nhiên, do được bồi đắp phù sa hàng năm nên đất vẫn có độ phì khá. Loại đất này thích hợp với việc trồng các loại hoa màu lương thực như: Lúa, ngô, khoai, mía, rau đậu các loại.
- Đất phù sa không được bồi của hệ thống sông Hồng:
Có diện tích 609,63 ha, chiếm 6,37% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã: Đại Đồng, Tri Phương, Minh Đạo, Tân Chỉ. Đất được hình thành ở địa hình cao hơn so với đất phù sa được bồi hàng năm, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến thịt trung bình, ít chua, nghèo lân tổng số và lân dễ tiêu, kali tổng số và kali dễ tiêu khá cao, các chất dinh dưỡng khác trung bình. Đây là loại đất có khả năng thâm canh, tăng vụ mở rộng diện tích cây vụ đông.
- Đất phù sa gley của hệ thống sông Hồng:
Diện tích 3.331,94 ha, chiếm 34,82% tổng diện tích đất tự nhiên. Loại đất này chiếm diện tích lớn nhất, phân bố hầu hết ở các xã trong huyện, tập trung thành những cánh đồng lớn. Đất được hình thành ở địa hình vàn, vàn thấp trong điều kiện ngập nước, gley yếu đến trung bình. Đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, đất chua, hàm lượng mùn và đạm khá, lân dễ tiêu nghèo. Đây là loại đất đang trồng 2 vụ lúa có năng suất cao, ổn định, cần có biện pháp cải tạo mở rộng diện tích cây vụ đông.
- Đất phù sa gley của hệ thống sông Hồng:
Diện tích 686,54 ha chiếm 7,17% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã: Hoàn Sơn, Liên Bão, Phú Lâm, Việt Đoàn, Lạc Vệ. Đất thường hình thành ở địa hình cao hơn các loại phù sa khác. Do các chất kiềm và kiềm thổ bị rửa trôi, sắt nhôm tích tụ tạo nên các tầng loang lổ đỏ vàng. Đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nhẹ, phản ứng đất chua vừa. Có thể thâm canh tăng vụ trên loại đất này nếu được tưới tiêu chủ động.
- Đất phù sa gley của hệ thống sông Thái Bình:
Diện tích 762,07 ha chiếm 7,96% tổng diện tích đất tự nhiên, được phân bố tập trung chủ yếu ở xã Phú Lâm. Giống như đất phù sa gley của hệ thống sông Hồng, loại đất này thường ở địa hình thấp. Hiện tại trên loại đất này đang trồng lúa nước 2 vụ ổn định, muốn tăng năng suất cần phải tăng cường bón vôi, lân để cải tạo đất.
- Đất phù sa có tầng loang lổ của hệ thống sông Thái Bình:
Diện tích 321,61 ha chiếm 3,36% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố tập trung chủ yếu ở xã Phú Lâm. Giống như đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng của hệ thống sông hồng, loại đất này thường ở địa hình cao, nhưng quá trình tích tụ sắt nhôm mạnh hơn nên đất có phản ứng chua hơn. Nếu được tưới tiêu chủ động có thể thâm canh tăng vụ trên loại đất này.
- Đất phù sa úng nước:
Diện tích 354,02 ha chiếm 3,70% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã: Phú Lâm, Phật Tích, Nội Duệ. Loại đất này ở địa hình thấp nhất (trũng) thường bị úng nước sau khi mưa. Vì vậy cần phải củng cố hệ thống tiêu nước để trồng ổn định 2 vụ lúa. Những nơi khó tiêu nước nên chuyển sang 1 vụ lúa + 1 vụ cá.
- Đất xám bạc màu trên phù sa cổ:
Diện tích 572,40 ha chiếm 5,98% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố chủ yếu ở xã Hoàn Sơn. Đặc điểm chính của loại đất này (đặc biệt ở lớp mặt) là thành phần cơ giới thô, nghèo sét, màu sắc lớp đất mặt thường có màu xám – trắng. Quá trình rửa trôi theo chiều sâu là nguyên nhân chính tạo nên tầng tích tụ sét. Loại đất này có một số ưu điểm như: khả năng thoát nước nhanh, dễ làm đất, thích hợp với nhiều cây có củ và cây ưa cơ giới nhẹ, có độ phì nhiêu thấp, cần có biện pháp cải tạo nâng cao độ phì nhiêu cho đất, đặc biệt là bón phân chuồng để cải tạo kết cấu đất.
- Đất vàng nhạt trên đá cát:
Diện tích 287,09 ha chiếm 3% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã: Hoàn Sơn, Phật Tích, Hiên Vân và Thị trấn Lim. Đây là loại đất được hình thành tại chỗ trên những đồi núi độc lập giữa đồng bằng, đất thường có thành phần cơ giới nhẹ, tầng mỏng, lẫn nhiều đá, phản ứng chua. Nên trồng rừng phủ xanh những nơi còn trống trọc để cải thiện môi trường đất.
- Đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ:
Diện tích 126,18 ha chiếm 1,32% tổng diện tích đất tự nhiên. Khác với loại đất xám bạc màu trên phù sa cổ, đất dốc thường được bồi tụ các sản phẩm từ trên xuống, lớp đất mặt thường có màu xám thẫm, thành phần cơ giới nặng. Tuy nhiên, do quá trình canh tác lúa nước lâu đời, tình trạng ngập nước thường xuyên dẫn tới môi trường bị yếm khí, hình thành tầng đất có màu xám xanh (gley). Để đạt năng suất cao cần cải tạo đất bằng cách cày ải để cải tạo môi trường đất.
THAM KHẢO THÊM: