Tân Kỳ là một huyện miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 90 km. Huyện có đường Trường Sơn đi ngang qua, đây là huyện được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An. Mời bạn đọc tìm hiểu kĩ hơn qua bài viết: Bản đồ và các xã phường thuộc huyện Tân Kỳ (Nghệ An).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Tân Kỳ (Nghệ An):
2. Huyện Tân Kỳ (Nghệ An) có bao nhiêu xã phường?
Huyện Tân Kỳ có 22 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Tân Kỳ (huyện lỵ) và 21 xã.
STT | Danh sách các xã phường thuộc huyện Tân Kỳ (Nghệ An) |
1 | Thị trấn Tân Kỳ |
2 | Xã Đồng Văn |
3 | Xã Giai Xuân |
4 | Xã Hương Sơn |
5 | Xã Kỳ Sơn |
6 | Xã Kỳ Tân |
7 | Xã Nghĩa Bình |
8 | Xã Nghĩa Đồng |
9 | Xã Nghĩa Dũng |
10 | Xã Nghĩa Hành |
11 | Xã Nghĩa Hoàn |
12 | Xã Nghĩa Hợp |
13 | Xã Nghĩa Phúc |
14 | Xã Nghĩa Thái |
15 | Xã Phú Sơn |
16 | Xã Tân An |
17 | Xã Tân Hợp |
18 | Xã Tân Hương |
19 | Xã Tân Long |
20 | Xã Tân Phú |
21 | Xã Tân Xuân |
22 | Xã Tiên Kỳ |
3. Vị trí địa lý huyện Tân Kỳ (Nghệ An):
Huyện Tân Kỳ có vị trí địa lý:
- Phía Bắc giáp huyện Nghĩa Đàn và huyện Quỳ Hợp.
- Phía Nam và Đông Nam giáp với huyện Đô Lương.
- Phía Tây và Tây Nam giáp huyện Anh Sơn.
- Phía Đông và Đông Bắc giáp huyện Yên Thành và huyện Nghĩa Đàn.
Huyện có diện tích 729,2 km², dân số năm 2019 là 147.257 người, mật độ dân số đạt 202 người/km².
4. Lịch sử hình thành huyện Tân Kỳ (Nghệ An):
Huyện Tân Kỳ được thành lập ngày 19-4-1963 theo Quyết định 52-CP của Chính phủ trên cơ sở tách 10 xã: Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng, Nghĩa Hợp, Nghĩa Dũng, Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn, Giai Xuân, Nghĩa Phúc, Tân Hợp, Tiên Đồng thuộc huyện Nghĩa Đàn và 3 xã: Kỳ Sơn, Phú Sơn, Hương Sơn thuộc huyện Anh Sơn.
Khi mới thành lập, huyện Tân Kỳ có 13 xã: Giai Xuân, Hương Sơn, Kỳ Sơn, Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng, Nghĩa Dũng, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Hợp, Nghĩa Phúc, Nghĩa Thái, Phú Sơn, Tân Hợp, Tiên Đồng.
Ngày 17-4-1965, chia xã Tiên Đồng thành hai xã lấy tên là xã Tiên Kỳ và xã Đồng Văn.
Ngày 15-4-1967, chia xã Nghĩa Thái thành hai xã lấy tên là xã Nghĩa Thái và xã Tân Xuân.
Ngày 24-3-1969, thành lập xã Nghĩa Hành từ một phần các xã Hương Sơn, Kỳ Sơn, Phú Sơn; chia xã Nghĩa Phúc thành hai xã lấy tên là xã Nghĩa Phúc và Tân An; chia xã Nghĩa Hoàn thành hai xã lấy tên là xã Nghĩa Hoàn và Tân Long; chia xã Nghĩa Đồng thành hai xã lấy tên là xã Nghĩa Đồng và xã Tân Phú.
Ngày 1-3-1988, chia xã Kỳ Sơn thành 3 đơn vị hành chính lấy tên là xã Kỳ Sơn, xã Kỳ Tân và thị trấn Tân Kỳ.
Ngày 23-3-2005, thành lập xã Tân Hương trên cơ sở 1.557,50 ha diện tích tự nhiên và 4.219 nhân khẩu của xã Kỳ Sơn, 1.038 ha diện tích tự nhiên và 1.918 nhân khẩu của xã Nghĩa Hành, 532 ha diện tích tự nhiên và 954 nhân khẩu của xã Hương Sơn.
5. Tài nguyên thiên nhiên huyện Tân Kỳ (Nghệ An):
Tài nguyên nước
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có lượng mưa hàng năm bình quân lên tới 2000 – 2200mm nên lượng nước trên bề mặt ở Tân Kỳ khá dồi dào. Sông Con chảy qua địa bàn huyện có chiều dài 65km góp phần không nhỏ trong việc cung cấp điều hòa lượng nước. Đó là chưa kể tổng chiều dài các khe suối đổ nước về sông Con trên địa bàn huyện là khoảng 400km cũng góp một phần quan trọng trong việc duy trì nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất. Trong số hàng chục khe suối lớn nhỏ có 06 con suối nước chảy quanh năm là khe Lòa, khe Lá, khe Sanh, khe Thiềm, khe Thần và khe Cừa. Hiện tại đã có 03 cầu bê tông vĩnh cửu và 03 cầu treo bắc qua dòng sông Con tạo điều kiện cho phát triển mạnh kinh tế, thương mại, dịch vụ.
Để có thể phát triển sản xuất, ổn định đời sống bền vững, lâu dài cho nhân dân, trong suốt thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương cùng nhân dân phát huy tính chủ động, khai thác nguồn nội lực, tranh thủ mọi sự đầu tư giúp đỡ của tỉnh và Trung ương, xây dựng cả một hệ thống hồ đập ở nhiều xã với tổng trữ lượng nước là 47,22 triệu m3. Nhờ hệ thống hồ đập nhân tạo này mà vấn đề nước tưới phục vụ phát triển nông nghiệp trên địa bàn các xã từng bước đi vào thế chủ động. Nguồn nước ngầm ở Tân Kỳ tương đối dồi dào, chỉ trừ hai xã là Tân Hợp và Giai Xuân. Qua khảo sát thực tế, nguồn nước ngầm thấp gây không ít khó khăn trong việc khai thác nguồn nước ngâm phục vụ đời sống dân sinh.
Tài nguyên khoáng sản
Nguồn tài nguyên khoáng sản ở Tân Kỳ tập trung chủ yếu vào một số loại sau đây:
- Đá Vôi: Phân bố chủ yếu ở khu vực Lèn Rỏi, có trữ lượng khoảng 2,8 tỷ tấn. Đá vôi ở Lèn Rỏi có chất lượng tốt để sản xuất xi măng. Trong thời gian qua một số mỏ đá vôi đã được cấp phép để khai thác nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng nhà cửa, cầu cống, đường giao thông,… trên địa bàn huyện. Quy mô của các mỏ đá tương đối nhỏ, sản lượng khai thác hàng năm đủ đáp ứng cho nhu cầu của nhân dân trên địa bàn huyện.
- Mỏ Sét ở Lèn Rỏi: Có trữ lượng khoảng 760 triệu tấn. Loại đất sét này cung cấp cho các nhà máy xi măng để làm chất phụ gia.
- Ngoài ra còn có một số khoáng sản như cát, sỏi dọc sông Con, các khe suối, đá Granít, đá trắng,… ở Đồng Văn, Tiên Kỳ, Tân Hợp, Tân Phú và một số địa phương khác.
Tài nguyên đất
Trên địa bàn huyện Tân Kỳ, có các nhóm đất chính sau đây:
- Nhóm đất phù sa: Đất phù sa được bồi đắp hàng năm có diện tích: 3.084ha, chỉ chiếm 4,23% điện tích đất tự nhiên của huyện. Toàn bộ diện đất đất phù sa phân bố dọc theo đôi bờ tả hữu sông Con, hay nói cách khác, những cánh đồng phù sa này là sản phẩm mà dòng sông Con đem ban tặng cho các thế hệ cư dân ở Tân Kỳ. Đất có độ phì nhiêu cao, được sử dụng từ lâu vào việc trồng mía, lạc, ngô, đậu, rau, bầu bí,… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
- Đất phù sa không được bồi đắp thường xuyên, có độ Glây mạnh, phân bố ở các xã Đồng Văn, Tiên Kỳ, Nghĩa Phúc,… với tổng diện tích là 342ha. Loại đất này thích hợp cho việc trồng lúa và một số loại cây rau màu khác.
- Đất phù sa không được bồi chua, Glây yếu, có diện tích 3.640 ha, chiếm 4,99% diện tích tự nhiên của toàn huyện. Diện tích đất này phân bố chủ yếu ở các xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Phúc, Tân Xuân, Giai Xuân.
- Đất phù sa có nhiều sản phẩm Feralit có diện tích 3,731 ha, chiêm 5,12% diện tích tự nhiên toàn huyện, được phân bố chủ yếu ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện. Loại đất này chủ yếu để trồng lúa và nếu giải quyết tốt nguồn nước tưới có thể trồng từ 2 – 3 vụ trong năm.
- Nhóm đất vàng: Đất nâu vàng phát triển trên nền phù sa cổ, với 1.312 ha, chiếm 1,8% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện. Loại đất này phù hợp cho việc trồng cây ăn quả như cam, dứa, cà phê,…
- Nhóm đất lúa vàng vùng đồi núi:
+ Đất Feralít biến đổi do trồng lúa có diện tích 1.470ha, chiếm 2,02% diện tích tự nhiên, loại đất này chủ yếu là ruộng bậc thang, thường chỉ trồng lúa 1 vụ/năm, cho năng suất không cao.
+ Đất dốc tụ có 75 ha, chiếm 0,1% diện tích tự nhiên của huyện.
- Nhóm đất Feralit đỏ vàng miền núi bao gồm các loại: đất Feralít đỏ vàng trên đá kết, có diện tích 1.242 ha,…. Đất Feralit đỏ vàng trên phiến thạch có: 2.311 ha, chiếm 3,1% diện tích tự nhiên. Đất Feralít đỏ vàng trên đá Mác ma axít có: 6.196ha, chiếm 8,5% diện tích tự nhiên toàn huyện. Đất Feralít phát triển trên nền đá vôi có 8.332 ha, chiếm 11,43% diện tích đất tự nhiên. Nhóm Feralít xói mòn trơ sỏi đá có 1.150ha, chiếm 1,58% đất tự nhiên.
- Nhóm đất đen gồm có các loại: Đất đen trên Tuýp có 1.841 ha, chiếm 1,51% đất tự nhiên. Đất đen trên đá Các bon nát có 1.104 ha, chiếm 1,51% đất tự nhiên toàn huyện. Đất Feralít đỏ vàng ở vùng đồi núi thấp có các loại: Đất Feralít đỏ vàng trên phiến sét có 563ha chiếm 0,77% đất toàn huyện, chủ yếu để phát triển nông nghiệp; đất Feralit đỏ vàng trên đá cát kết có 3.286 ha, chiếm 4,5% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Loại đất này độ mùn thấp chủ yếu để trồng cây gây rừng.
THAM KHẢO THÊM: