Huyện Phù Cừ nằm ở phía Đông của tỉnh Hưng Yên, nằm trong đồng bằng sông Hồng, cách thành phố Hưng Yên khoảng 18 km về phía Đông, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 70 km. Huyện Phù Cừ có diện tích 94,64 km², dân số năm 2020 là 80.329 người, mật độ dân số đạt 849 người/km². Sau đây là bài viết về: Bản đồ, các xã phường huyện Phù Cừ (Hưng Yên), mời các bạn cùng theo dõi!
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Phù Cừ (Hưng Yên):
2. Các xã phường thuộc huyện Phù Cừ (Hưng Yên):
Huyện Phù Cừ có 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Trần Cao (huyện lỵ) và 13 xã
STT | Danh sách xã, phường huyện Phù Cừ (Hưng Yên) |
1 | Đình Cao |
2 | Đoàn Đào |
3 | Minh Hoàng |
4 | Minh Tân |
5 | Minh Tiến |
6 | Nguyên Hòa |
7 | Nhật Quang |
8 | Phan Sào Nam |
9 | Quang Hưng |
10 | Tam Đa |
11 | Tiên Tiến |
12 | Tống Phan |
13 | Tống Trân |
14 | Trần cao |
3. Giới thiệu huyện Phù Cừ (Hưng Yên):
Vị trí
Huyện Phù Cừ nằm ở phía Đông của tỉnh Hưng Yên, nằm trong đồng bằng sông Hồng. Phù Cừ cách thành phố Hưng Yên khoảng 18 km về phía Đông, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 70 km, có vị trí địa lý:
- Phía Đông và phía Bắc giáp huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
- Phía Tây giáp huyện Ân Thi và huyện Tiên Lữ.
- Phía Nam giáp huyện Quỳnh Phụ và huyện Hưng Hà thuộc tỉnh Thái Bình.
Sông Luộc là ranh giới giữa huyện với tỉnh Thái Bình và sông Cửu An là ranh giới giữa huyện với tỉnh Hải Dương. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có sông Nghĩa Lý chảy qua.
Diện tích, dân số
Huyện Phù Cừ có diện tích 94,64 km², dân số năm 2020 là 80.329 người, mật độ dân số đạt 849 người/km².
Kinh tế – Xã hội
Trong tổng số 14 xã và thị trấn toàn huyện thì tiềm lực kinh tế mạnh nhất phải kể đến đó là thị trấn Trần Cao. Các xã còn lại có nền kinh tế khác nhau, top trên là Minh Tân, Đình Cao, Đoàn Đào, Quang Hưng, các xã còn lại tương đồng nhau.
Kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, về mặt công nghiệp có một số dự án quan trọng là Công ty may Phố Cao, CCN làng nghề Đình Cao và một số nhà máy tại xã Đoàn Đào, Quang Hưng, Minh Tân, Nhật Quang, Tam Đa. Kinh tế trang trại các xã: Nhật Quang, Tam Đa, Minh Tân, Quang Hưng. Tương lai KCN Quán Đỏ (giáp gianh hai huyện Phù Cừ – Tiên Lữ) sẽ tạo sức bật và sự đột phá cho kinh tế huyện thuần nông và trở thành huyện công nghiệp.
Huyện có tài nguyên than nâu với trữ lượng khá lớn. Huyện có cây ăn quả đặc sản nhãn, vải, chủ yếu ở xã Minh Tiến và Tam Đa có giá trị kinh tế cao, là thị trường phát triển kinh tế và xuất khẩu tiềm năng.
Lao động
Toàn huyện có khoảng 43.477 người trong độ tuổi lao động, có hơn 1200 người đi XKLD tại nước ngoài mỗi năm đem lại trên 400 tỷ kiều hối, nhiều nhất là các xã Minh Tân và Nhật Quang. Đây là nguồn ngoại tệ quan trọng giúp thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn các xã trong huyện.
Lịch sử phát triển
Tên gọi của huyện Phù Cừ có nhiều lần thay đổi. Theo tư liệu lịch sử và một số thư tịch cổ khác cho biết mảnh đất thuộc huyện Phù Cừ ngày nay có lịch sử định cư khá sớm. Đầu công nguyên, mảnh đất này thuộc huyện Cửu Diên, quận Giao Chỉ. Thời Tiền Lê đổi đạo thành lộ, dưới lộ là phủ, dưới phủ là hương, địa bàn của huyện thuộc Khoái Lộ. Sau đó lại đổi lộ thành châu nên vẫn thuộc Khoái Châu. Vào năm Nhâm Tý (1252) cả nước có 12 phủ, dưới phủ là huyện, vùng đất Phù Cừ hiện nay là huyện Phù Dung thuộc phủ Khoái Châu. Khi nhà Mạc lên ngôi, kiêng tên húy của Mạc Thái Tổ (tức Mạc Đăng Dung) nên đổi tên thành huyện Phù Hoa. Đến thời Lê Trung Hưng lấy lại tên cũ là Phù Dung. Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) Lê Hiển Tông đổi đạo thành trấn (có thượng trấn và hạ trấn) huyện Phù Dung thuộc phủ Khoái Châu của Sơn Nam thượng trấn.
Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), tỉnh Hưng Yên được thành lập gồm có phủ Khoái Châu và phủ Tiên Hưng. Từ đó huyện Phù Dung là một trong tám huyện của tỉnh Hưng Yên. Đến năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) huyện Phù Dung đổi tên là huyện Phù Cừ. Năm Tự Đức thứ 4 (1858), huyện Phù Cừ được chuyển về phủ Tiên Hưng cùng tỉnh. Năm Thành Thái thứ 6 (1894) chuyển hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ về phủ Khoái Châu, phủ Tiên Hưng còn lại hai huyện Duyên Hà và Hưng Nhân nhập vào tỉnh Thái Bình.
Đến tháng 3 năm 1946, các xã mới được thành lập trên cơ sở các làng. Huyện Phù Cừ gồm 15 xã: Ái Quốc, Bội Châu, Chí Minh, Duyên Hà, Kim Anh, Minh Hoàng, Minh Tân, Ngọc Thụ, Nguyên Hòa, Nhật Quang, Quang Hưng, Quang Trung, Quyết Tiến, Tống Trân, Trần Cao.
Năm 1947, địa giới hành chính các xã có sự thay đổi như sau:
- Đổi tên xã Ái Quốc thành xã Phan Sào Nam.
- Hợp nhất hai xã Ngọc Thụ và Bội Châu thành xã Trường Chinh.
- Sáp nhập xã Duyên Hà vào xã Chí Minh.
- Hợp nhất hai xã Quang Trung và Kim Anh thành xã Tiên Tiến.
Năm 1957, chia xã Nguyên Hòa thành hai xã Nguyên Hòa và Hạnh Phúc, chia xã Tiên Tiến thành hai xã Tiên Tiến và Minh Tiến. Về sau, một số xã lại được đổi tên: Xã Trường Chinh đổi thành xã Đoàn Đào, xã Chí Minh đổi thành xã Đình Cao, xã Quyết Tiến đổi thành xã Tống Phan, xã Hạnh Phúc đổi thành xã Tam Đa.
Ngày 26 tháng 1 năm 1968, tỉnh Hưng Yên hợp nhất với tỉnh Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, huyện Phù Cừ thuộc tỉnh Hải Hưng. Ngày 11 tháng 3 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 58-CP. Theo đó hợp nhất hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ thành huyện Phù Tiên. Ngày 6 tháng 11 năm 1996, huyện Phù Tiên thuộc tỉnh Hưng Yên vừa tái lập. Ngày 24 tháng 2 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định 17-CP. Theo đó, chia lại huyện Phù Tiên thành hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ.
Sau khi tái lập, huyện Phù Cừ có 14 xã: Đình Cao, Đoàn Đào, Minh Hoàng, Minh Tân, Minh Tiến, Nguyên Hòa, Nhật Quang, Phan Sào Nam, Quang Hưng, Tam Đa, Tiên Tiến, Tống Phan, Tống Trân, Trần Cao. Ngày 22 tháng 9 năm 2000, thành lập thị trấn Trần Cao, thị trấn huyện lỵ huyện Phù Cừ trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Trần Cao.
Huyện Phù Cừ có 1 thị trấn và 13 xã như hiện nay.
Giao thông
Trên địa bàn huyện Phù Cừ có 2 tuyến quốc lộ (QL38B và QL38B mới) kết hợp với các tỉnh lộ tạo thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh:
- Quốc lộ 38B: Từ Ninh Bình – Hà Nam – thành phố Hưng Yên – thị trấn Trần Cao – Thanh Miện (Hải Dương).
- Quốc lộ 38C Từ chân cầu Mai Động bắc qua sông Hồng tại Kim Động đến thị trấn Trần Cao chiều dài 21.3km cấp III đồng bằng 2~4 làn xe.
- Quốc lộ 39B (nâng cấp từ TL386 chiều dài 25km tiêu chuẩn cấp II đồng bằng 4 làn xe).
- TL. 386 chạy dọc huyện qua tỉnh Thái Bình là huyết mạch giao thông nối Thái Bình và Ân Thi đi Hà Nội. Dự kiến sau khi hoàn tất việc xây dựng cầu La Tiến (nối Hưng Yên – Thái Bình) thì sẽ nâng cấp tỉnh lộ 386 thành quốc lộ (lộ trình bến xe La Tiến – Nhật Quang – Trần Cao – Minh Tân – Đa Lộc- thị trấn Ân Thi).
- QL 38B mới : Điểm đầu Chu Mạnh Trinh (TP Hưng Yên) – Điểm cuối Cầu Dao – Nhật Quang – nối QL37 Hải Dương đi QL 38B, QL 39A, cầu Yên Lệnh (thành phố Hưng Yên).
- Tỉnh lộ 378: Đường đê tả sông Luộc từ Tam Đa qua các xã Nguyên Hòa, Tống Trân đi cống Xuân Quan, huyện Văn Giang.
- Cầu La Tiến nối Hưng Yên và Thái Bình.
- Cầu Võng Phan trên địa phận xã Tống Trân nối trục Tân Phúc-Võng Phan đi TP Thái Bình.
- Cầu Hải Hưng nối xã Minh Tân Huyện Phù Cừ với xã Đoàn Kết huyện Thanh Miện, điểm đầu đường trục Đông -Tây tỉnh Hải Dương, dự kiến 2026 hoàn thành.
- Cầu Nhật Quang vượt sông Cửu An tại vị trí chợ Nhật cũ nối sang Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, dự kiến 35 tỷ, bề mặt 7m HL93.
- Đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (nút giao Tân Phúc – Ân Thi) với vành đai 5 tại địa phận huyện Quỳnh Phụ.
- Đường Trục 60M Tân Phúc – Võng Phan sẽ trở thành trục đô thị công nghiệp mạnh của vùng phía nam Tỉnh, dự kiến 30/09/2025 sẽ hoàn thành.
- Bến xe La Tiến nâng cấp thành bến xe cấp tỉnh.
- Hệ thống đường huyện: DH 64, DH 80, DH 81, DH 82, DH 83, DH 85 ,DH 87, DH88 và đường liên xã kết nối hoàn chỉnh và đang đầu tư nâng cấp.
THAM KHẢO THÊM: