Nhờ vào các đặc điểm địa lý, khí hậu và tài nguyên phong phú, huyện Lâm Thao có tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng và bền vững, đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương. Dưới đây là bài viết về chủ đề: Bản đồ và các xã phường thuộc huyện Lâm Thao (Phú Thọ), mời bạn đọc theo dõi.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính của huyện Lâm Thao (Phú Thọ):
Trên đây là bản đồ hành chính cũ của huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ.
Hiện nay các đơn vị hành chính đã thay đổi như sau: Sáp nhập 3 xã Hợp Hải, Kinh Kệ, Sơn Dương thành xã Phùng Nguyên.
2. Huyện Lâm Thao (Phú Thọ) có bao nhiêu xã, phường?
Huyện Lâm Thao có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuôc, bao gồm 2 thị trấn và 10 xã:
STT | Các xã phường thuộc huyện Lâm Thao (Phú Thọ) |
1 | Lâm Thao (huyện lỵ) |
2 | Hùng Sơn |
3 | Bản Nguyên |
4 | Cao Xá |
5 | Phùng Nguyên |
6 | Sơn Vi |
7 | Thạch Sơn |
8 | Tiên Kiên |
9 | Tứ Xã |
10 | Vĩnh Lại |
11 | Xuân Huy |
12 | Xuân Lũng |
3. Đặc trưng địa lý của huyện Lâm Thao (Phú Thọ):
- Vị trí địa lý
Huyện Lâm Thao thuộc tỉnh Phú Thọ nằm ở tọa độ địa lý từ 21°15’ đến 21°24’ độ vĩ Bắc và từ 105°14’ đến 105°21’ độ kinh Đông với diện tích tự nhiên là 9.769,11 ha. Huyện tiếp giáp với các địa phương như sau:
+ Phía Bắc: Giáp huyện Phù Ninh và thành phố Việt Trì.
+ Phía Đông: Giáp thành phố Việt Trì.
+ Phía Nam: Giáp huyện Tam Nông và huyện Ba Vì thuộc thành phố Hà Nội.
+ Phía Tây: Giáp thị xã Phú Thọ và huyện Tam Nông.
- Địa hình
+ Lâm Thao có địa hình đa dạng, đặc trưng của vùng bán sơn địa với đồi núi và đồng ruộng ở phía Bắc, cùng các cánh đồng rộng và bằng phẳng ở phía Nam. Địa hình của huyện thấp, độ cao trung bình từ 30 đến 40 m so với mực nước biển, dốc từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Độ dốc chủ yếu dưới 30°, phân bố ở tất cả các xã và thị trấn, tập trung nhiều ở các xã Cao Xá, Tứ Xã, Vĩnh Lại, Tiên Kiên, Sơn Vi.
+ Địa hình đa dạng này thuận lợi cho việc sử dụng đất vào sản xuất nông lâm nghiệp, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi và phát triển tiểu thủ công nghiệp.
- Khí hậu
Lâm Thao nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, có hai mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Các đặc điểm khí hậu chính của huyện như sau:
+ Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23°C với nhiệt độ trung bình tháng cao nhất là 29°C và thấp nhất là 14°C.
+ Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.720 mm, tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm khoảng 85% tổng lượng mưa cả năm.
+ Độ ẩm không khí trung bình khoảng 85%, tuy nhiên trong mùa khô độ ẩm giảm mạnh xuống còn khoảng 77%.
+ Hướng gió chủ đạo mùa hè là hướng Đông và Đông Nam, mùa đông là hướng Đông Bắc với tốc độ gió trung bình 1,6 m/s.
+ Lốc xoáy xuất hiện 2-3 lần mỗi năm thường kèm theo mưa lớn gây thiệt hại.
Khí hậu này thích hợp cho việc trồng các loại cây ngắn ngày, rau màu, cây ăn quả nhiệt đới nhưng cũng đòi hỏi phải có các biện pháp phòng chống ngập úng và hạn hán.
- Thủy văn
Chế độ thủy văn của huyện phụ thuộc chủ yếu vào sông Hồng. Mực nước sông ngòi tăng cao từ tháng 4 khi lượng mưa bắt đầu tăng, đạt đỉnh vào tháng 7 và 8, sau đó giảm dần vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm sau. Mùa lũ thường từ tháng 6 đến tháng 9 với lượng nước chiếm khoảng 75-85% tổng lượng dòng chảy hàng năm. Lượng nước trong mùa khô chỉ chiếm 20-25% tổng lượng dòng chảy, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp do thiếu nước.
- Tài nguyên đất
Đất đai ở Lâm Thao được chia thành hai nhóm chính: Đất đồng bằng và đất đồi gò.
+ Nhóm đất đồng bằng chiếm 93,06% diện tích điều tra, hình thành từ phù sa cũ của sông Hồng và các quá trình gây hóa, gồm 5 loại đất chính:
Đất cát chua: Diện tích 996 ha, phân bố ở Cao Xá, Vĩnh Lại, Xuân Huy có độ phì trung bình, hiện được sử dụng cho 2 vụ lúa và 1 vụ màu.
Đất phù sa trung tính ít chua: Diện tích 3.703 ha, phân bố ở Thạch Sơn, Bản Nguyên, Tứ Xã, Vĩnh Lại, có độ phì cao, phù hợp trồng lúa, ngô, đậu đỗ, khoai lang, khoai tây, rau màu.
Đất phù sa chua: Diện tích 1.569 ha, phân bố ở Thạch Sơn, Sơn Vi, Cao Xá cần được cải tạo để khử chua, thâm canh hiệu quả.
Đất có tầng sét loang lổ: Diện tích 248 ha, phân bố chủ yếu ở các xã ven sông Hồng độ phì thấp, thích hợp trồng lúa, ngô với chế độ bón phân hợp lý.
Đất thung lũng xen giữa đồi núi: Diện tích 642 ha, phân bố chủ yếu tại xã Xuân Lũng, Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn.
+ Nhóm đất đồi gò (đất địa thành): Diện tích 534 ha, chiếm 6,94% diện tích điều tra, phân bố chủ yếu ở các xã Đông Bắc của huyện như Tiên Kiên, Xuân Lũng, thị trấn Hùng Sơn. Đất này có độ phì thấp, phù hợp trồng sắn, ngô, bạch đàn, keo và cần các biện pháp bảo vệ chống thoái hóa.
- Tài nguyên nước
Tài nguyên nước của huyện Lâm Thao được cung cấp bởi ba nguồn chính: Nước mặt, nước ngầm và nước mưa.
+ Nước mặt: Được cung cấp từ sông Hồng và các sông, ngòi, ao, hồ, đầm lớn nhỏ phân bố khắp các xã trong huyện. Sông Hồng chảy qua 8 xã, thị trấn, cung cấp lượng nước lớn cho sản xuất và sinh hoạt.
+ Nước ngầm: Được khai thác từ giếng khoan, giếng đào để cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp. Nước ngầm ở Lâm Thao dễ khai thác và chất lượng tốt, tuy nhiên cần được bảo vệ trước ô nhiễm công nghiệp.
+ Nước mưa: Lượng mưa trung bình hàng năm 1.720 mm, là nguồn cung cấp quan trọng cho sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp.
- Tài nguyên rừng
Diện tích rừng của huyện khoảng trên 200 ha, chiếm 4% diện tích đất tự nhiên, chủ yếu là rừng sản xuất. Rừng của huyện đang dần phục hồi, đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái, giữ nước và hạn chế xói mòn. Sản xuất lâm nghiệp phát triển, giúp cải thiện kinh tế đồi rừng và kinh tế trang trại.
- Tài nguyên khoáng sản
Lâm Thao có trữ lượng khoáng sản nhỏ với một số loại chính như cao lanh, nước khoáng, cát sông Hồng, và sét làm vật liệu xây dựng. Các khoáng sản này chủ yếu phục vụ sản xuất tại chỗ cho nhu cầu xây dựng địa phương như sản xuất gạch nung, cát, đất phục vụ san nền và đắp nền công trình.
4. Tình hình phát triển của huyện Lâm Thao (Phú Thọ):
Năm 2022, huyện đã có nhiều bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế – xã hội nhờ vào sự chỉ đạo, điều hành kịp thời và đồng bộ của các cấp, các ngành. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của huyện đạt hơn 2.700 tỷ đồng, trong khi thu ngân sách Nhà nước đạt 300.750 triệu đồng. Giá trị sản phẩm bình quân trên mỗi hecta đất canh tác và nuôi trồng thủy sản cũng đạt mức cao, hơn 165 triệu đồng. Đặc biệt, huyện đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, ưu tiên cho lĩnh vực thương mại và dịch vụ.
Ngoài ra, huyện đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn thất thu ngân sách. Các biện pháp bao gồm tăng cường tuyên truyền về chính sách thuế, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế và mở rộng dịch vụ nộp thuế điện tử. Huyện cũng chú trọng kiểm tra việc kê khai thuế đúng hạn, xử lý các khoản nợ đọng thuế và thu hồi nợ thuế. Đặc biệt, việc khai thác nguồn thu từ tiền sử dụng đất được đảm bảo tiến độ.
Huyện cũng đã đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu. Việc phân bổ vốn được rà soát thường xuyên để phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án, đảm bảo không kéo dài và dàn trải. Quản lý chặt chẽ các khoản chi thường xuyên đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định. Năm 2022, huyện tiếp tục triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn.
Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, huyện đã có nhiều đổi mới và đạt được hiệu quả cao trong các hoạt động thông tin và tuyên truyền. Hệ thống truyền thanh thông minh và trang thông tin điện tử đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng tại 12/12 xã và thị trấn. Trang thông tin điện tử của huyện cũng đã được nâng cấp thành cổng thông tin điện tử và hoạt động hiệu quả.
Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao cũng được đẩy mạnh. Công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm đặc biệt với việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Huyện đã trở thành đơn vị đầu tiên trong tỉnh xây dựng thí điểm 6 mô hình lớp học thông minh với tổng số tiền đầu tư hơn 4 tỷ đồng.
THAM KHẢO THÊM: