Gia Bình không chỉ là một huyện có bề dày lịch sử và văn hóa mà còn là một huyện đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với những bước tiến vững chắc trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và công nghệ thông tin. Bạn đọc cùng có thời gian theo dõi bài viết sau với chủ đề Bản đồ và các xã phường thuộc huyện Gia Bình (Bắc Ninh).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Gia Bình (Bắc Ninh):
2. Huyện Gia Bình (Bắc Ninh) có bao nhiêu xã, phường?
Huyện Gia Bình có 14 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 1 thị trấn, 13 xã.
STT | Danh sách xã, phường thuộc huyện Gia Bình (Bắc Ninh) |
1 | Thị trấn Gia Bình (huyện lỵ) |
2 | Xã Bình Dương |
3 | Xã Cao Đức |
4 | Xã Đại Bái |
5 | Xã Đại Lai |
6 | Xã Đông Cứu |
7 | Xã Giang Sơn |
8 | Xã Lãng Ngâm |
9 | Xã Nhân Thắng |
10 | Xã Quỳnh Phú |
11 | Xã Song Giang |
12 | Xã Thái Bảo |
13 | Xã Vạn Ninh |
14 | Xã Xuân Lai |
3. Thông tin chung về huyện Gia Bình (Bắc Ninh):
Huyện Gia Bình là một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bắc Ninh, nằm ở vùng Đồng bằng sông Hồng của Việt Nam. Huyện có vị trí địa lý như sau:
-
Phía Bắc giáp huyện Quế Võ.
-
Phía Đông giáp thành phố Chí Linh của tỉnh Hải Dương.
-
Phía Nam giáp huyện Lương Tài.
-
Phía Tây giáp thị xã Thuận Thành.
Huyện lỵ là thị trấn Gia Bình nằm cách thành phố Bắc Ninh khoảng 25 km và cách trung tâm thủ đô Hà Nội 35 km. Gia Bình có diện tích 107,6 km² và dân số vào năm 2020 là 105.015 người với mật độ dân số là 976 người/km².
Huyện có một khu công nghiệp nhỏ và chủ yếu là nông nghiệp, phản ánh bản chất truyền thống của khu vực này. Cầu Bình Than nối huyện với quốc lộ 18, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển đến các tỉnh thành lân cận như Hà Nội và Hải Dương. Gia Bình cũng là vùng đất cổ có lịch sử lâu đời với những di chỉ cư trú và mộ táng từ thời văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 4000 năm.
4. Lịch sử hình thành và phát triển huyện Gia Bình (Bắc Ninh):
Gia Bình là vùng đất cổ phù sa màu mỡ bên sông Đuống nên từ ngàn xưa đã có cư dân Việt cổ về đây sinh cơ lập nghiệp và để lại dấu ấn là những khu cư trú mộ táng, địa danh, di tích và tín ngưỡng. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở xã Lãng Ngâm có di chỉ cư trú và mộ táng với những di vật bằng đồng như rìu, búa, giáo, mác thuộc văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 4000 năm).
Thời Hùng Vương – An Dương Vương, vùng đất Gia Bình thuộc bộ Vũ Ninh và để lại dấu ấn đậm nét ở ngôi đền thờ Cao Lỗ Vương (xã Cao Đức). Theo thần tích cho biết ông là tướng tài giúp An Dương Vương xây dựng quốc gia Âu Lạc, xây thành Cổ Loa, có công chế tạo “nỏ thần” đánh giặc giữ nước.
Thời chống Bắc thuộc, vùng đất này thuộc hai huyện An Bình và Nam Định. Đời Lý Trần thuộc huyện An Định lộ Bắc Giang. Thời Lê sơ, huyện An Định được đổi là Gia Định, thuộc phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Thời Nguyễn, vua Minh Mệnh năm thứ nhất (1820) huyện đổi tên là Gia Bình. Xưa kia, ly sở của huyện Gia Bình ở xã Bảo Khám. Năm 1820 được chuyển về xã Đông Bình. Năm 1888 chuyển đến xã Nhân Hữu. Năm 1841 chuyển về xã Khoái Khê. Năm 1920 chuyển về núi Nghĩa Thắng thuộc dãy Thiên Thai, xã Đông Cứu ngày nay.
Theo sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi viết thời Lê (năm 1435): Huyện Gia Bình khi ấy có 86 xã và 1 sở. Đến thời Hồng Đức còn 67 xã. Đến đầu thời Nguyễn có 8 tổng, 68 xã. Vào triều vua Đồng Khánh còn 7 tổng, 60 xã. Sau đấy, tổng Đại Lai chia thành 2 tổng (Đại Lai và Nhân Hữu) thì lại có 8 tổng, 60 xã. Đến năm 1877, tổng Tam Á và 2 xã (Đông Côi, Trương Xá) lại nhập vào tổng Đông Hồ của huyện Thuận Thành.
Trước Cách mạng tháng Tám (1945), huyện Gia Bình có 8 tổng với 66 xã.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước ta tổ chức lại đơn vị hành chính cơ sở xoá bỏ cấp tổng, phủ, các làng xã nhỏ được sát nhập lại, huyện Gia Bình còn 14 xã là: Đại Bái, Đại Lai, Đông Cứu, Lãng Ngâm, Bình Dương, Nhân Thắng, Quỳnh Phú, Giang Sơn, Song Giang, Thái Bảo, Cao Đức, Vạn Ninh, Xuân Lai, An Bình. Đến năm 1980 xã An Bình gồm các thôn (Bình Ngô, Nghi Khúc, Thường Vũ, Yên Ngô) được tách về huyện Thuận Thành.
Trong kháng chiến chống Pháp, để phù hợp với tình hình kháng chiến, tháng 8/1950, huyện Gia Bình và Lương Tài sát nhập làm một lấy tên là huyện Gia Lương, thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1962 tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang hợp nhất thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Hà Bắc, khi ấy Gia Bình thuộc tỉnh Hà Bắc.
Năm 1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập, đến năm 1999 Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 68/1999/NĐ-CP ngày 9/8/1999 huyện Gia Lương tái lập thành 2 huyện Gia Bình và Lương Tài. Huyện Gia Bình chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới từ ngày 1 tháng 9 năm 1999. Đến tháng 8/2002 tại Nghị định số 37/2002/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ thị trấn Gia Bình được thành lập là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện Gia Bình.
5. Các địa điểm du lịch Gia Bình (Bắc Ninh):
Các làng nghề truyền thống:
Gia Bình là nơi lưu giữ nhiều làng nghề truyền thống với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc. Những làng nghề này không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn tìm hiểu về nét văn hóa độc đáo của Việt Nam.
-
Làng đúc đồng Đại Bái: Tọa lạc tại Gia Bình, Bắc Ninh, địa điểm du lịch này từ lâu đã nổi tiếng với nghề đúc đồng. Đại Bái trải qua bao thăng trầm của nghề luyện đồng qua nhiều thế kỷ nhưng ngày nay làng nghề đang phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng.
-
Làng tranh tre hun khói ở Xuân Lai, Gia Bình: Làng nghề truyền thống ở Bắc Ninh này đã bảo tồn và phát triển các nghề thủ công bằng tre, nứa truyền thống để cho ra đời những sản phẩm độc đáo phục vụ cuộc sống đời thường. Để đa dạng hóa sản phẩm, những người thợ ở đây đã sáng tạo, tìm tòi khám phá tre, nứa hun khói, tạo ra những bức tranh, sản phẩm nghệ thuật độc đáo.
Đình Yên Việt:
Đình Yên Việt tọa lạc tại xã Đông Cứu là một biểu tượng của văn hóa và lịch sử Việt Nam. Ngôi đình vừa là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc từ thời kỳ Lê – Nguyễn vừa là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống qua các cổ vật quý báu như thần phả, sắc phong, văn tế và bia đá. Đình Yên Việt được biết đến với quần thể di tích cổ kính, thâm nghiêm, phản ánh bề dày lịch sử của một làng cổ Việt Nam. Nổi bật trong số đó là ngôi đình làng, nơi thờ phụng một danh tướng của Hai Bà Trưng có công đánh giặc Đông Hán và Thái sư Lê Văn Thịnh, người có nhiều công lao với vương triều Lý. Kiến trúc của đình Yên Việt phản ánh phong cách điêu khắc nghệ thuật tinh xảo, các bức chạm khắc rồng tiên và hoa lá cách điệu, mang đậm nét đặc trưng của thời kỳ Lê Trung Hưng.
Khu di tích Lệ Chi Viên:
Khu di tích Lệ Chi Viên tại thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ghi dấu ấn của thời gian với những công trình kiến trúc cổ kính từ thời Lý, Trần, đến hậu Lê và cũng là chứng nhân của những biến cố lịch sử quan trọng. Khu di tích này từng là hành cung của các triều đại phong kiến, nơi nghỉ chân của nhà vua và các quan lại khi tuần du xứ Kinh Bắc và vùng Đông Bắc. Đặc biệt, Lệ Chi Viên còn gắn liền với vụ án oan nghiệt mà đại công thần Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc vào năm 1442. Ngày nay, khu di tích không chỉ là điểm đến của những người yêu thích lịch sử, mà còn là nơi để người dân tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Nguyễn Trãi đối với đất nước.
THAM KHẢO THÊM: