Chi Lăng là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, nằm ở độ cao trung bình so với mặt nước biển khoảng 240m, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 36km về phía Tây Nam theo Quốc lộ 1A. Để hiểu rõ hơn về huyện Chi Lăng, mời các bạn theo dõi bài viết: Bản đồ và các xã phường thuộc huyện Chi Lăng (Lạng Sơn).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn:
Huyện Chi Lăng là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, nằm ở độ cao trung bình so với mặt nước biển khoảng 240 m. Tọa độ địa lý 21 độ 32 phút – 21 độ 48 phút vĩ độ Bắc và 106 độ 25 phút – 106 độ 50 phút kinh độ Đông. Huyện Chi Lăng nằm ở phía nam tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố Hà Nội 106 km, cách thành phố Lạng Sơn 35 km, có địa giới hành chính:
- Phía Đông giáp huyện Lộc Bình.
- Phía Bắc giáp các huyện Cao Lộc, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn.
- Phía Tây giáp huyện Văn Quan. Phía Tây Nam giáp huyện Hữu Lũng.
- Phía Nam giáp với huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
2. Huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) có bao nhiêu xã phường?
Huyện Chi Lăng có 20 xã, thị trấn đó là các xã: Bắc Thủy, Bằng Hữu, Bằng Mạc, Chi Lăng, Chiến Thắng, Gia Lộc, Hòa Bình, Hữu Kiên, Lâm Sơn, Liên Sơn, Mai Sao, Nhân Lý, Quan Sơn, Thượng Cường, Vân An, Vạn Linh, Vân Thủy, Y Tịch và hai thị trấn: thị trấn Đồng Mỏ và thị trấn Chi Lăng. Trung tâm hành chính huyện đặt tại thị trấn Đồng Mỏ. Danh sách các xã, phường được liệt kê tại bảng sau:
STT | Danh sách xã, thị trấn thuộc huyện Chi Lăng |
1 | Bắc Thủy |
2 | Bằng Hữu |
3 | Bằng Mạc |
4 | Chi Lăng |
5 | Chiến Thắng |
6 | Gia Lộc |
7 | Hòa Bình |
8 | Hữu Kiên |
9 | Lâm Sơn |
10 | Liên Sơn |
11 | Mai Sao |
12 | Nhân Lý, |
13 | Quan Sơn |
14 | Thượng Cường |
15 | Vân An |
16 | Vạn Linh |
17 | Vân Thủy |
18 | Y Tịch |
19 | Thị trấn Chi Lăng |
20 | Thị trấn Đồng Mỏ |
3. Giới thiệu về huyện Chi Lăng (Lạng Sơn):
3.1. Địa hình – Dân số:
- Địa hình:
Địa hình Chi Lăng khá phức tạp, trong đó núi đá và rừng chiếm khoảng 83,3% diện tích. Huyện Chi Lăng là một huyện miền núi, có ải Chi Lăng nổi tiếng. Địa hình Chi Lăng bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, sông suối, địa hình dốc dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam, độ dốc khá lớn, đặc biệt là các xã nằm ven khối núi Hữu Kiên. Nơi cao nhất nằm ở phía Đông của huyện cũng là ranh giới giữa huyện Lộc Bình – tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Giang với đỉnh núi cao nhất là 975m, nơi thấp nhất ở phía Nam huyện với độ cao là 35m ở thị trấn Chi Lăng. Địa hình Chi Lăng có thể chia làm ba vùng khác nhau:
+ Vùng thứ nhất là vùng địa mạo cacxto với những dãy đá vôi thuộc các xã phía Tây của huyện;
+ Vùng thứ hai là vùng đại mạo thung lũng thềm đất thấp bao gồm các xã, thị trấn chạy dọc Quốc lộ 1;
+ Vùng thứ ba là vùng địa mạo xa phiến, núi cao trung bình sắp xếp thành dải, thuộc các xã Đông Bắc, vùng này đồi núi cao, độ cao trung bình từ 300m đến 400m.
Huyện Chi Lăng có con sông chính là thượng nguồn Sông Thượng. Sông Thượng bắt nguồn từ vùng núi cao Na Phia Phước cao 600m, thuộc xã Bắc Thủy địa đầu phía Đông Bắc huyện Chi Lăng. Sông chảy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam xuống huyện Hữu Lũng để hợp với sông Trung. Chi Lăng nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa tiểu vùng khí hậu ẩm và mưa nhiều ở phía Tây, tiểu vùng lạnh và mưa ít ở phía Đông, chịu ảnh hưởng của khí hậu vùng núi phía Bắc. Nhiệt độ trung bình năm 22,7 độ C, lượng mưa trung bình năm là 1.379 mm.
- Dân số:
Huyện Chi Lăng có diện tích 707.45 km2. Năm 2019, dân số trung bình của Chi Lăng là 75.063 người, chiếm 9,6% dân số cả tỉnh, mật độ dân số trung bình là 106 người/km2, cao hơn mức trung bình của tỉnh, với nhiều dân tộc khác nhau sinh sống. Đến năm 2013, dân số trung bình của huyện Chi Lăng là 76.574 người, mật độ dân số trung bình là 109 người/km2. Gần 74% dân số sống ở nông thôn và sản xuất nông nghiệp, dân số thành thị khoảng 26%.
3.2. Kinh tế:
- Sản xuất nông – lâm nghiệp:
Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng vụ, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 10.478,37 ha. Trong đó, diện tích cây lúa cả năm khoảng 3898,04 ha, bằng 98,20%; năng suất ước đạt 41,13 tạ/ha; sản lượng ước đạt 16.034,52 tấn. Diện tích gieo trồng ngô mỗi năm ước tính 2.744,12 ha; năng suất ước đạt 50,69 tạ/ha, sản lượng sơ bộ ước đạt mỗi năm 14.333,40 tấn. Diện tích cây thuốc lá vụ Đông Xuân trồng khoảng 926,59 ha; năng suất thu hoạch ước đạt 20,5 tạ/ha; sản lượng thu hoạch 1.899,11 tấn. Cung ứng kịp thời giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho sản xuất. Công tác kiểm tra chất lượng giống, cây trồng, vật tư, phân bón đảm bảo có địa chỉ xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt phục vụ nhân dân sản xuất được tăng cường. Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đang chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung sang chăn nuôi tập trung nhằm kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tổng số đàn trâu hiện có ước tính là 9.179 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước tính 412,30 tấn. Tổng đàn bò ước đạt là 4.636 con, sản lượng thỉ ước tính 136,5 tấn. Tổng đàn lợn của toàn huyện ước tính là 16.789 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước tính 2.322,74 tấn.
Để đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu lâm sinh, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ trồng rừng. Chỉ đạo đổi mới công tác tổ chức, cách thức triển khai thực hiện ra quân đầu xuân tại 20/20 xã, thị trấn tạo hiệu quả, tạo khí thế thi đua sôi nổi ngay từ đầu năm. Công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy rừng được đẩy mạnh.
- Phát triển công nghiệp, cơ hội đầu tư:
Huyện Chi Lăng thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế và các doanh nghiệp phát triển. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển. Ưu tiên phát triển một số sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của địa phương: Vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản.
Ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, nhất là trong kĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch vào phục vụ sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, giá trị và chất lượng sản phẩm. Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã gây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chú trọng phát triển kinh tế tập thể, triển khai hiệu quả Luật hợp tác xã năm 2023.
- Phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ:
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hàng nông sản, tổ chức họp báo, tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng, quảng bá thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Chi Lăng và các sản phẩm nông sản trên nền tảng thương mại điện tử. Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế và doanh nghiệp phát triển. Thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Tăng cường công tác quản lý các điểm di tích tín ngưỡng. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 51 – NQ/TU, ngày 6/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử Chi Lăng giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển du lịch năm 2024 (có thêm Đền thờ Chi Lăng). Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Huyện Chi Lăng hy vọng với những nỗ lực của chính quyền và Nhân dân trong huyện, các sản phẩm du lịch văn hóa của Chi Lăng sẽ tạo được sức hút lớn với du khách và thực sự trở thành một hướng phát triển kinh tế mới của địa phương.
THAM KHẢO THÊM: