Huyện Ân Thi nằm ở phía Đông của tỉnh Hưng Yên, cách thành phố Hưng Yên khoảng 22 km về phía Đông, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 48 km. Huyện Ân Thi có diện tích là 129,98 km2, dân số năm 2020 là 135.075 người, mật độ dân số đạt 1.039 người/km2. Mời các bạn tham khảo bài viết: Bản đồ và các xã phường thuộc huyện Ân Thi (Hưng Yên).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên:
2. Huyện Ân Thi (Hưng Yên) có bao nhiêu xã phường?
Huyện Ân Thi có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 1 thị trấn và 20 xã. Danh sách cụ thể được liệt kê tại bảng dưới đây:
STT | Danh sách các thị trấn, xã thuộc huyện Ân Thi |
1 | Thị trấn Ân Thi (huyện lỵ) |
2 | Xã Bắc Sơn |
3 | Xã Bãi Sậy |
4 | Xã Cẩm Ninh |
5 | Xã Đa Lộc |
6 | Xã Đặng Lễ |
7 | Xã Đào Dương |
8 | Xã Hạ Lễ |
9 | Xã Hồ Tùng Mậu |
10 | Xã Hoàng Hoa Thám |
11 | Xã Hồng Quang |
12 | Xã Hồng Vân |
13 | Xã Nguyễn Trãi |
14 | Xã Phù Ủng |
15 | Xã Quảng Lãng |
16 | Xã Quang Vinh |
17 | Xã Tân Phúc |
18 | Xã Tiền Phong |
19 | Xã Vân Du |
20 | Xã Văn Nhuệ |
21 | Xã Xuân Trúc |
3. Tìm hiểu huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên:
3.1. Vị trí địa lý:
Huyện Ân Thi có diện tích là 129,98 km2. Huyện Ân Thi nằm ở phía Đông của tỉnh Hưng Yên, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, cách thành phố Hưng Yên khoảng 22 km về phía Đông, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 48 km, có vị trí địa lý:
- Phía Đông giáp huyện Bình Giang và huyện Thanh Miện thuộc tỉnh Hải Dương.
- Phía Tây giáp huyện Kim Động và huyện Khoái Châu.
- Phía Nam giáp huyện Tiên Lữ và huyện Phù Cừ.
- Phía Bắc giáp thị xã Mỹ Hào và huyện Yên Mỹ với ranh giới tự nhiên là sông Bắc Hưng Hải.
3.2. Địa hình, địa mạo:
Huyện Ân Thi nằm ở vùng thấp của tỉnh, địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, độ dốc 14 cm/km. Địa hình của huyện nhìn chung bằng phẳng, không có đồi núi, cao độ trung bình của huyện Ân Thi là 2,8 m – 3m. Tuy nhiên, độ cao thấp của đất xen kẽ nhau, không đồng đều, gây khó khăn cho công tác thủy lợi và tưới tiêu. Thổ nhưỡng đất tốt do được bồi đắp phù sa bởi hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Theo số liệu điều tra nông hóa thổ nhưỡng năm 1993 của Sở địa chính Hải Hưng cho thấy đất đai của huyện Ân Thi gồm 02 loại:
+ Loại 1 chủ yếu là đất phù sa không được bồi màu nâu tươi, trung tính, ít chua, không glay hoặc glay yếu; loại đất này có độ phì cao, giàu các chất đạm lân, tương đối nhiều mùn, thích hợp trồng lúa, các loại hoa màu, cây công nghiệp như: Mía, đay, dâu, lạc,… đây là vùng trồng lúa tốt nhất tỉnh.
+ Loại thứ 2 là đất phù sa không được bồi, màu nâu tươi, glay trung bình hoặc mặn, ít chua, nằm chủ yếu ở vùng trũng của huyện, loại đất này thiếu không khí, quá trình hóa sét mạnh, có ảnh hưởng xấu đến cây trồng, phải cày sâu bón phân nhiều khi trồng lúa.
Với địa hình như vậy rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt trong năm 2023 huyện Ân Thi đã tiến hành dồn ô, đổi thửa để tạo nên những thửa đất lớn dễ dàng áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
3.3. Khí hậu và thời tiết:
- Thời tiết:
Huyện Ân Thi nói riêng và tỉnh Hưng Yên nói chung nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ và chịu ảnh hưởng của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết trong năm được phân làm 4 mùa rõ rệt:
+ Mùa hạ: Nóng ẩm, mưa nhiều được kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8, hướng gió chủ đạo là gió Đông Nam
+ Mùa đông: Lạnh, khô hanh, gió chủ đạo là gió Đông Bắc, thường kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau
+ Hai mùa chuyển tiếp là mùa Xuân và mùa Thu, khí hậu mát mẻ
- Nhiệt độ:
Nhiệt độ trung bình trong năm của huyện Ân Thi là 23,3 độ C.
- Nắng:
Số giờ nắng trung bình trong năm khoảng 1.600 – 1.700 giờ. Các tháng có nắng nhiều là tháng 5, tháng 6, tháng 7, bình quân từ 7 – 10 giờ nắng/ngày. Tháng có ít nắng nhất là tháng 12, trung bình có 1,6 giờ/ngày.
- Chế độ mưa:
Lượng mưa trung bình là 1.400 – 1.700 mm. Tuy nhiên, lượng mưa phân bố và tập trung theo mùa, taajo trung tới 80 – 85% vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) dưới hình thức mưa giông (nhất là vào tháng 6, tháng 7); mùa mưa lạnh từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau có mưa phùn, trồng được nhiều cây ngắn ngày. Do đó, vụ Đông cũng trở thành vụ chính. Mùa hè thường có mưa to, bão lớn, gây úng lụt cục bộ làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện. Mùa đông thời tiết hanh khô kéo dài, lượng mưa ít, nước ở các ao, hồ, sông cạn không đủ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nguồn nước cho sinh hoạt cũng bị hạn chế.
- Gió bão:
Hàng năm, vào các tháng 5, 6, 7 thường xuất hiện các đợt gió Tây khô, nóng; mùa đông có gió mùa Đông Bắc giá, lạnh. Mùa mưa kèm theo bão, gây ngập úng, các hiện tượng thời tiết như dông, bão, gió bấc (gió từ hướng Bắc),… gây trở ngại đáng kể cho sản xuất, đòi hỏi phải có các giải pháp phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sử dụng hợp lý quỹ đất để phòng tránh thiên tai.
- Độ ẩm không khí:
Trung bình ở mức 85%, tháng cao nhất là 92%, tháng thấp nhất là 74%. Tháng có độ ẩm thấp nhất là tháng 3, độ ẩm trung bình là 88,4%; tháng khô nhất là tháng 11 với độ ẩm trung bình là 74%.
=> Nhìn chung, huyện Ân Thi nằm trong vùng khí hậu đặc thù, phân dị rõ rệt trên toàn huyện và theo các mùa, tạo điều kiện cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi phát triển. Song khí hậu có phần khắc nghiệt, thời gian gần đây biến đổi khí hậu càng ngày càng rõ rệt và diễn biến phức tạp với những biểu hiện thất thường, gió bão gây trở ngại không nhỏ cho sự phát triển chung, nhất là nông nghiệp.
3.4. Thủy văn – Địa chất:
- Thủy văn:
Chế độ thủy văn của huyện Ân Thi phụ thuộc vào chính lưu lượng dòng chảy của hệ thống sông ngòi và mương nội đồng. Sông ngòi phân bố trên địa bàn huyện gồm có: Sông Kim Sơn, sông Cửu An, sông Nhuệ Giang, sông Điện Biên, sông Quảng Lãng, sông Tây Kẻ Sặt. Hệ thống sông ngòi dày đặc, kết hợp hệ thống mương máng nội đồng phân bố hợp lý là điều kiện để nhân dân trong huyện luôn chủ động cung cấp nước tưới cho cây trồng vào mùa khô hạn và tiêu ứng nước kịp thời trong mùa mưa lũ.
- Địa chất:
Đây là khu vực được bồi đắp bởi phù sa sông Hồng và sông Thái Bình với cường độ chịu nén dao động từ 1 – 1,3 kg/cm2. Khu vực có gia tốc nền 0,1127 thuộc vùng động đất cấp VII (theo thang MSK – 64, TCXDVN 375:2006).
3.5. Thực trạng phát triển kinh tế:
- Tăng trưởng kinh tế:
Kinh tế huyện Ân Thi tiếp tục tăng trưởng khá và ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 14,92%/năm, trong đó:
+ Khu vực Nông nghiệp – Thủy sản tăng khoảng 2,58%
+ Khu vực Công nghiệp – Xây dựng tăng khá cao, khoảng 25%
+ Khu vực Thương mại – Dịch vụ tăng khoảng 15%
Giá trị sản xuất (Theo giá hiện hành) năm 2020 của huyện Ân Thi đạt 7.794.400 triệu đồng. Tổng thu ngân sách đạt 259.937 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 huyện Ân Thi ước đạt 50,05 triệu đồng/năm, thấp hơn so với mức bình quân chung toàn tỉnh Hưng Yên (74,57 triệu đồng/năm) và bình quân chung cả nước (64,4 triệu đồng/năm).
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
Trong những năm gần đây, huyện Ân Thi tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, tập trung phát triển công nghiệp, làng nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, vật nuôi nên tốc độ phát triển kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế của huyện Ân Thi qua các năm:
+ Năm 2015: Ngành nông nghiệp đạt 32,15%; công nghiệp – xây dựng đạt 33,82%; thương mại – dịch vụ đạt 34,03%.
+ Năm 2020: Ngành nông nghiệp đạt 28%; công nghiệp – xây dựng đạt 46%; thương mại – dịch vụ đạt 26%.
Như vậy, cơ cấu kinh tế của huyện Ân Thi trong những năm qua có bước chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng. Đến năm 2020, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp (giảm 4,15%); tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng (12,18%); dịch vụ – thương mại (giảm 8,03%).
THAM KHẢO THÊM: