Huyện Cẩm Giàng nằm ở phía Tây của tỉnh Hải Dương, nằm cách thành phố Hải Dương khoảng 7 km, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 48 km. Để hiểu rõ hơn về huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, mời các bạn cùng theo dõi bài viết chi tiết dưới đây: Bản đồ và các xã phường thuộc Cẩm Giàng (Hải Dương).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Cẩm Giàng (Hải Dương):
Đây là bản đồ hành chính cũ của huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).
Ngày 16 tháng 10 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2019). Theo đó:
- Hợp nhất xã Kim Giang và thị trấn Cẩm Giàng thành thị trấn Cẩm Giang.
- Hợp nhất hai xã Cẩm Định và Cẩm Sơn thành xã Định Sơn.
Sau khi sắp xếp, huyện Cẩm Giàng có 2 thị trấn và 15 xã như hiện nay.
2. Huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) có bao nhiêu xã phường:
Huyện Cẩm Giàng có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Lai Cách (huyện lỵ), Cẩm Giang và 15 xã
STT | Danh sách các xã phường thuộc Cẩm Giàng (Hải Dương) |
1 | Thị trấn Cẩm Giang |
2 | Thị trấn Lai Cách |
3 | Xã Cẩm Hưng |
4 | Xã Cẩm Hoàng |
5 | Xã Cẩm Văn |
6 | Xã Ngọc Liên |
7 | Xã Thạch Lỗi |
8 | Xã Cẩm Vũ |
9 | Xã Đức Chính |
10 | Xã Định Sơn |
11 | Xã Lương Điền |
12 | Xã Cao An |
13 | Xã Tân Trường |
14 | Xã Cẩm Phúc |
15 | Xã Cẩm Điền |
16 | Xã Cẩm Đông |
17 | Xã Cẩm Đoà |
3. Vị trí địa lý huyện Cẩm Giàng:
Huyện Cẩm Giàng nằm ở phía Tây của tỉnh Hải Dương, nằm cách thành phố Hải Dương khoảng 7 km, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 48 km, có vị trí địa lý:
- Phía Đông giáp thành phố Hải Dương và huyện Nam Sách;
- Phía Tây giáp thị xã Mỹ Hào và huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên và thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh;
- Phía Nam giáp huyện Bình Giang và huyện Gia Lộc;
- Phía Bắc giáp huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Huyện có diện tích 10.934,3 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 67,4%, đất chuyên dùng 20%, đất ở 6,9% và đất chưa sử dụng 5,7%. Dân số toàn huyện hơn 12 vạn người, trong đó người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 50%.
4. Lịch sử hình thành và phát triển huyện Cẩm Giàng:
Cẩm Giàng là một trong những huyện lâu đời nhất của tỉnh Hải Dương. Ban đầu tên của huyện vốn là Cẩm Giang, sau lại kiêng húy của Uy Nam vương Trịnh Giang nên đọc chệch âm là Cẩm Giàng.
Năm 1968, tỉnh Hải Dương sáp nhập với tỉnh Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng, huyện Cẩm Giàng thuộc tỉnh Hải Hưng.
Ngày 11 tháng 3 năm 1974, giải thể xã Cẩm Sơn cũ (nằm ngoài đê sông Thái Bình), địa bàn sáp nhập vào xã Thái Tân (huyện Nam Sách) và hai xã Đức Chính, Cẩm Vân (huyện Cẩm Giàng); thành lập xã Cẩm Sơn mới (nằm trong đê) trên cơ sở một phần diện tích và dân số của các xã Cẩm Hoàng, Cẩm Định, Kim Giang, Tân Trường, Thạch Lỗi.
Ngày 11 tháng 3 năm 1977, huyện Cẩm Giàng sáp nhập với huyện Bình Giang thành huyện Cẩm Bình.
Ngày 6 tháng 11 năm 1996, huyện Cẩm Bình thuộc tỉnh Hải Dương vừa được tái lập.
Ngày 17 tháng 2 năm 1997, huyện Cẩm Giàng được tái lập từ huyện Cẩm Bình cũ. Khi mới tách ra, huyện Cẩm Giàng có thị trấn Cẩm Giàng và 18 xã: Cẩm Điền, Cẩm Định, Cẩm Đoài, Cẩm Đông, Cẩm Hoàng, Cẩm Hưng, Cẩm Phúc, Cẩm Sơn, Cẩm Văn, Cẩm Vũ, Cao An, Đức Chính, Kim Giang, Lai Cách, Lương Điền, Ngọc Liên, Tân Trường, Thạch Lỗi. Tuy nhiên, thị trấn Cẩm Giàng không phải là huyện lỵ huyện Cẩm Giàng, các cơ quan hành chính huyện đóng tại xã Lai Cách.
Ngày 24 tháng 9 năm 1998, thành lập thị trấn Lai Cách – thị trấn huyện lị huyện Cẩm Giàng – trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Lai Cách.
Ngày 16 tháng 10 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2019). Theo đó:
- Hợp nhất xã Kim Giang và thị trấn Cẩm Giàng thành thị trấn Cẩm Giang.
- Hợp nhất hai xã Cẩm Định và Cẩm Sơn thành xã Định Sơn.
Sau khi sắp xếp, huyện Cẩm Giàng có 2 thị trấn và 15 xã như hiện nay.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân Cẩm Giàng đã có nhiều đóng góp và hy sinh to lớn cho cách mạng, giải phóng dân tộc. Ghi nhận những thành tích đó, Cẩm Giàng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng gần 8.000 Huân, Huy chương các loại cho các tập thể và cá nhân trong huyện. Toàn huyện có 89 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 01 Anh hùng lao động và 01 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 01 tập thể Anh hùng lao động và 6 đơn vị, tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Bao gồm: xã Cẩm Điền, Tân Trường, Đức Chính, Cẩm Sơn, Cẩm Đông và Thị trấn Lai Cách). Đảng bộ và nhân dân huyện nhà vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
5. Tình hình phát triển kinh tế huyện Cẩm Giàng (Hải Dương):
Với 7.364,58 ha đất nông nghiệp, bình quân khoảng 618 m2/người, trong đó có hơn 6000 ha đất canh tác, đặc biệt có 240 ha chạy dọc theo sông Thái Bình của 2 xã Đức Chính, Cẩm Văn, thường xuyên được bồi đắp phù sa tạo nên vùng chuyên canh rau màu của huyện. Trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng và tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn với 3 đề án: “Quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất cây hàng hoá giá trị kinh tế cao”; “Quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản tập trung”; “Quy hoạch nông thôn mới, đầu tư xây dựng công trình phúc lợi thiết yếu ở cơ sở” đạt kết quả khá rõ nét. Thực hiện tốt công tác quản lý đê điều, phòng chống lụt, bão, úng.
Về trồng trọt, toàn huyện đã tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất lúa lai, lúa chất lượng gạo cao đi đôi với việc bố trí mùa vụ hợp lý, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Các khâu trong sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hoá đạt 78,5%. Nhờ đó, năng suất lúa bình quân đạt 127,2 tạ/năm, Cẩm Giàng là huyện nhiều năm liền đứng trong tốp đầu của tỉnh về năng suất lúa; sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 453kg/năm; giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp bình quân đạt 74,9 triệu đồng, trong đó gần 20,6% diện tích đất nông nghiệp đạt giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng/ha, điển hình như các xã: Cẩm Văn, Đức Chính, Cẩm Đoài, Tân Trường, Cẩm Hưng.
Về chăn nuôi, thuỷ sản, giá trị sản xuất tăng bình quân 7,8%/năm, nhân rộng mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp; tích cực chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây, thả cá với diện tích gần 1.300 ha. Tổng sản lượng thực phẩm đạt kết quả cao với hơn 15.500 tấn, trong đó sản lượng thịt hơi các loại gần 9.000 tấn, sản lượng cá hơn 6.500 tấn, bình quân đầu người đạt 121,6kg/năm.
Trong lĩnh vực CN-TTCN và TM- DV, những năm gần đây, Cẩm Giàng có tốc độ phát triển vượt bậc cả về quy mô, chủng loại, sản phẩm và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu nền kinh tế. Trên địa bàn huyện đã có 02 cụm công nghiệp, 05 khu công nghiệp và 02 cụm công nghiệp làng nghề với tổng số 340 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, trong đó đã có 204 doanh nghiệp đi vào hoạt động thu hút trên 20.000 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng trưởng với tốc độ khá, bình quân 19,7%/năm, trong đó công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương tăng 18,45%/năm.
Lĩnh vực thương mại- dịch vụ đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và đời sống của nhân dân; công tác quản lý thị trường chống buôn bán hàng lậu và gian lận thương mại được quan tâm thực hiện thường xuyên. Giá trị sản xuất dịch vụ tăng bình quân 15,1%/năm, tổng mức lưu chuyển hàng hoá tăng bình quân 20,17%/năm. Các hoạt động vận tải, kho bãi, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng phát triển mạnh: giá trị sản xuất ngành vận tải tăng bình quân 14,7%/năm, doanh thu bưu chính viễn thông tăng 7,6%/năm, tổng nguồn vốn tín dụng huy động tăng 22,4%/năm, doanh thu phí bảo hiểm tăng 54,6%/năm.
Thu ngân sách Nhà nước năm 2005 đạt 17,4 tỉ đồng thì đến năm 2010 đã lên tới 75 tỉ đồng, tăng 31%/năm so với kế hoạch Tỉnh giao. Chi ngân sách đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng luật. Trong 5 năm qua, tỉ lệ chi cho đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước là 193 tỉ đồng, chiếm 26,3% tổng chi ngân sách. Thực hiện việc kiểm soát chi ngân sách theo đúng quy định của Nhà nước.
Các hoạt động tín dụng, ngân hàng được mở rộng và đa dạng hoá, cơ bản đáp ứng nhu cầu về vốn cho đầu tư phát triển góp phần giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo. Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 7.653 tỉ đồng, trong đó: vốn đầu tư từ Nhà nước 255 tỉ đồng, đạt 3,33%; vốn nhân dân tư đầu tư 550 tỉ đồng, đạt 7,2%; vốn đầu tư khu vực các doanh nghiệp là 6.848 tỉ đồng đạt 89,5%.
THAM KHẢO THÊM: