Huyện Bình Giang nằm ở phía tây của tỉnh Hải Dương, có quốc lộ 5, quốc lộ 38, quốc lộ 39B chạy qua, cách thành phố Hải Dương 20 km về phía Tây Nam. Có diện tích tự nhiên là 104,7 km², dân số năm 2018 là 145.535 người. Sau đây là bản đồ, các xã phường thuộc huyện Bình Giang ( Hải Dương ), mời các bạn cùng theo dõi!
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Bình Giang (Hải Dương):
2. Các xã phường thuộc Bình Giang (Hải Dương):
STT | Xã, phường thuộc huyện Bình Giang (Hải Dương) |
1 | Bình Minh |
2 | Bình Xuyên |
3 | Cổ Bì |
4 | Hồng Khê |
5 | Hùng Thắng |
6 | Long Xuyên |
7 | Nhân Quyền |
8 | Tân Hồng |
9 | Tân Việt |
10 | Thái Dương |
11 | Thái Học |
12 | Thái Hòa |
13 | Thúc Kháng |
14 | Vĩnh Hồng |
15 | Vĩnh Hưng |
3. Giới thiệu huyện Bình Giang (Hải Dương):
Vị trí
Huyện Bình Giang nằm ở phía tây của tỉnh Hải Dương, có quốc lộ 5, quốc lộ 38, quốc lộ 39B chạy qua, cách thành phố Hải Dương 20 km về phía Tây Nam. Có diện tích tự nhiên là 104,7 km², dân số năm 2018 là 145.535 người, 4,8% dân số theo đạo Thiên Chúa, có vị trí địa lý:
- Phía Đông giáp huyện Gia Lộc.
- Phía Tây giáp thị xã Mỹ Hào và huyện Ân Thi thuộc tỉnh Hưng Yên.
- Phía Nam giáp huyện Thanh Miện.
- Phía Bắc giáp huyện Cẩm Giàng.
Bốn mặt huyện Bình Giang đều có sông: Sông Kẻ Sặt ở phía Bắc, sông Đình Hào ở phía Đông, sông Cửu An ở phía Tây, sông Cầu Lâm, Cầu Cốc ở phía Nam. Trong đó sông Sặt bắt nguồn từ sông Hồng, qua cống Xuân Quan, qua cầu Lực Điền, cầu của đường 39A, nối quốc lộ 5A với thành phố Hưng Yên, tiếp cận với huyện Bình Giang tại vị trí sát làng Tranh Ngoài, xã Thúc Kháng. Đến đây sông có nhánh chạy dọc theo phía Tây huyện gọi là sông Cửu An; một nhánh chạy dọc phía Bắc huyện gọi là sông Kẻ Sặt, thông với sông Thái Bình, qua Âu Thuyền, thành phố Hải Dương. Đây cũng là địa phương có đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi qua.
Bình Giang là vùng đất có từ lâu đời thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, do phù sa của hệ thống sông Thái Bình và sông Hồng bồi đắp. Thời nhà Đường đô hộ nước ta (từ năm 618 – 907), Bình Giang có tên là huyện Đường An (nghĩa là vùng đất bình yên) thuộc Giao Châu – phủ An Nam.
Kinh tế
Nền kinh tế của Bình Giang chủ yếu là nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa. Huyện này là một trong những địa phương sản xuất lúa chính của tỉnh Hải Dương và đóng góp đáng kể cho ngành nông nghiệp của toàn khu vực đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, Bình Giang cũng đang phát triển mạnh các ngành công nghiệp khác như gỗ, giấy và dệt may.
So với các địa phương khác của tỉnh Hải Dương, Bình Giang được đánh giá là mảnh đất có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế – xã hội. Huyện đang đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư, phấn đấu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp hiện đại, trở thành thị xã và đô thị xanh, thông minh, động lực phát triển của tỉnh vào năm 2030.
Bình Giang nằm ở phía Tây Nam TP. Hải Dương, với nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đi qua, là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội. Thời gian qua, mặc dù thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ tận dụng những thế mạnh và có các chính sách, định hướng đúng đắn nên tăng trưởng kinh tế của huyện không ngừng phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, đúng hướng. Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, tốc độ tăng trưởng một số ngành sản xuất chủ yếu đạt 10,6%. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,1%; công nghiệp, xây dựng tăng 12,8%; thương mại, dịch vụ tăng 10,7%/năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp – công nghiệp, xây dựng – dịch vụ chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách vượt cao so với kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 67 triệu đồng, tăng 14,5 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đến nay, toàn huyện có 15/15 xã đã rà soát đáp ứng yêu cầu bộ tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025; 06 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Đặc biệt, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, Bình Giang đã tập trung quy hoạch và xây dựng các cụm công nghiệp (CCN), thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, toàn huyện có 04 CCN đang hoạt động với tổng diện tích 164,86ha, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%; 09 làng nghề truyền thống hoạt động hiệu quả, sản xuất được mở rộng. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, chất lượng hàng hóa, dịch vụ được nâng lên; hệ thống các trung tâm, siêu thị tiện ích, cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống phát triển mạnh. Giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ tăng bình quân 10,7% (mục tiêu tăng 12-13%/năm).
Bình Giang phấn đấu xây dựng huyện phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, đạt đô thị loại IV trước năm 2025, trở thành thị xã trực thuộc tỉnh trước năm 2030. Ngoài ra, theo phương án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bình Giang đến năm 2040, Bình Giang được định hướng phát triển thành đô thị động lực, trở thành cực tăng trưởng quan trọng của tỉnh. Trong đó tập trung phát triển dựa trên hai trụ cột chính là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sinh thái và đô thị dịch vụ phục vụ công nghiệp, đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đồng bộ. Dự kiến tại địa phương sẽ hình thành khu vực phát triển công nghiệp tập trung, quy mô lớn của tỉnh nói riêng và Vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung. Bám sát các định hướng này, huyện đang quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, tăng tốc thực hiện các giải pháp đột phá về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, khu dân cư, khu CCN.
Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án có công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và hạn chế tối đa thành lập mới các cụm công nghiệp nhỏ lẻ. Những thành quả đạt được của Bình Giang hôm nay bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của lãnh đạo tỉnh. Đây cũng là động lực thúc đẩy huyện ngày càng phát triển bền vững. Đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư, huyện sẽ tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số. Tiếp tục đầu tư nâng cấp cải tạo các tuyến đường tỉnh được ủy quyền đầu tư; đẩy mạnh liên kết vùng,…
Giao thông
Huyện Bình Giang nằm trong khu vực có lợi thế về vị trí, giao thông kết nối, là cửa ngõ phía tây của tỉnh, có tuyến quốc lộ 5, quốc lộ 38, đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đi qua. Huyện có dư địa để phát triển, thu hút đầu tư và có tiềm năng phát triển đô thị trong tương lai. Từ năm 2021, huyện Bình Giang đã xây dựng phương án điều chỉnh quy hoạch đô thị theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tổ chức lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan về phương án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Giang đến năm 2040. Việc điều chỉnh quy hoạch chung đô thị sẽ là cơ sở triển khai, thực hiện đầu tư, nâng cấp huyện Bình Giang đạt các tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2025, thành lập thị xã Bình Giang trước năm 2030 theo định hướng phát triển của tỉnh và huyện. Việc tổ chức lập quy hoạch chung đô thị Bình Giang, lập chương trình phát triển đô thị và đề án phân loại nâng cấp huyện Bình Giang lên đô thị loại IV sẽ được đề xuất, thực hiện sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, bảo đảm đầy đủ các điều kiện, thủ tục theo quy định pháp luật hiện hành.
THAM KHẢO THÊM: