Ayun Pa là một thị xã của tỉnh Gia Lai.Thị xã có diện tích 1.727,5 ha diện tích tự nhiên. Ayun Pa có các tên cũ là Cheo Reo, Phú Bổn, Hậu Bổn, vốn là một thị trấn nằm ở ngã ba sông Ba, chi lưu của nó là sông Ayun. Để tìm hiểu thêm về thị xã Ayun Pa, mời bạn đọc theo dõi bài viết Bản đồ, các xã phường thuộc thị xã Ayun Pa (Gia Lai).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính thị xã Ayun Pa (Gia Lai):
2. Danh sách các xã, phường thuộc thị xã Ayun Pa (Gia Lai):
Thị xã Ayun Pa có 8 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 4 phường và 4 xã. Danh sách cụ thể được liệt kê tại bảng dưới đây:
STT | Danh sách xã phường thuộc thị xã Ayun Pa |
1 | Phường Cheo Reo |
2 | Phường Đoàn Kết |
3 | Phường Hòa Bình |
4 | Phường Sông Bờ |
5 | Xã Chư Băh |
6 | Xã la R’Bol |
7 | Xã la R’tô |
8 | Xã Ia Sao |
3. Giới thiệu thị xã Ayun Pa (Gia Lai):
3.1. Vị trí địa lý:
Ayun Pa là một thị xã thuộc tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên, Việt Nam. Thị xã Ayun Pa là cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai, có đường giao thông kết nối thuận lợi với các tỉnh duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương phát triển các loại sản phẩm. hình thức dịch vụ.
Vị trí địa lý:
- Phía Đông thị xã Ayun Pa giáp với các huyện Ia Pa và Krông Pa.
- Phía Tây thị xã Ayun Pa giáp huyện Phú Thiện
- Phía Nam Thị xã Ayun Pa giáp huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk
- Phía Bắc thị xã Ayun Pa giáp với huyện Phú Thiện và Ia Pa.
3.2. Lịch sử thành lập:
Ayun Pa là một thị xã của tỉnh Gia Lai.Thị xã được thành lập trên cơ sở toàn bộ 1.727,5 ha diện tích tự nhiên và 21.613 nhân khẩu của thị trấn Ayun Pa; 3.100 ha diện tích tự nhiên và 2.900 nhân khẩu của xã Ia RTô; 15.537 ha diện tích tự nhiên và 6.962 nhân khẩu của xã Ia Rbol; 8.336 ha diện tích tự nhiên và 3.583 nhân khẩu của xã Ia Sao. Ayun Pa có các tên cũ là Cheo Reo, Phú Bổn, Hậu Bổn, vốn là một thị trấn nằm ở ngã ba sông Ba và một chi lưu của nó là sông Ayun, cách Plei Ku 96 km, cách Tuy Hòa 130 km theo đường bộ.
Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 10-8-1947, tại buôn Ma Hing (xã Đất Bằng), Chi bộ Đảng ở Cheo Reo được thành lập do đồng chí Ksor Ní làm Bí thư. Tháng 8-1948, đại diện Chính phủ Trung ương tại miền Nam Trung Bộ ra Nghị định số 203/CP sáp nhập huyện Cheo Reo vào tỉnh Đak Lak. Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, ngày 10-8-1948, Tỉnh ủy Đak Lak quyết định thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban cán sự Đảng huyện Cheo Reo gồm 3 người, do đồng chí Ksor Ní làm Bí thư. Đây là mốc son lịch sử đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Cheo Reo-Ayun Pa.
Dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa, Ayun Pa là quận lị của quận Cheo Reo, tỉnh Pleiku. Từ năm 1962, khi thành lập tỉnh Phú Bổn, thì Cheo Reo trở thành tỉnh lị tỉnh này với tên gọi mới là Hậu Bổn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, quân và dân Ayun Pa đã kiên cường, không ngại khó khăn, hy sinh, góp phần cùng với Tây Nguyên và cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Với chiến thắng đường 7-Sông Bờ tháng 3-1975, quân và dân Ayun Pa đã phối hợp với bộ đội chủ lực đập tan cuộc rút chạy chiến lược của Quân đoàn 2 ngụy, dẫn đến thất bại hoàn toàn của Mỹ-ngụy tại chiến trường Tây Nguyên, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Sau bao năm đấu tranh gian khổ và hy sinh, ngày 19-3-1975, Ayun Pa được giải phóng.
Sau khi nước nhà thống nhất (năm 1975), Ayun Pa là thị trấn, huyện lị của huyện Ayun Pa. Thị trấn Ayun Pa được thành lập theo Quyết định số 77-CP ngày 2-3-1979 của Hội đồng Chính phủ, với địa giới như sau: phía bắc giáp suối Ea Hiao, phía đông giáp sông Ba và sông Ayun, phía tây giáp nông trường Bông, phía nam giáp suối Ea Rơbol.
Ayun Pa trở thành thị xã theo Nghị định 50/2007/NĐ-CP ngày 30-03-2007 của Chính phủ trên cơ sở một phần diện tích và dân số của huyện Ayun Pa. Huyện Phú Thiện được thành lập trên cơ sở phần còn lại của huyện này. Trong quá trình xây dựng và phát triển, qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, trải qua 19 kỳ đại hội, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Đảng bộ thị xã đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, không ngừng đổi mới, tập trung lãnh đạo xây dựng chính quyền cách mạng và hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình chính trị góp phần đưa địa phương vững bước đi lên.
3.3. Kinh tế:
Theo đó, kinh tế thị xã tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất quý I (theo giá so sánh năm 2010) là 1.280 tỷ đồng, đạt 28,1% kế hoạch, tăng 8,87% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nông-lâm-thủy sản tăng 6,46%, công nghiệp-xây dựng tăng 8,44%, thương mại-dịch vụ tăng 10,41%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính 670 tỷ đồng, đạt 28,39% kế hoạch và tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, hiện nay, sản xuất nông-lâm nghiệp trên địa bàn thị xã phát triển ổn định, tương đối toàn diện và chuyển dịch theo hướng sản xuất nông nghiệp chất lượng, trình độ cao.
Cũng trong quý I, tình hình sản xuất của các nhà máy, doanh nghiệp được duy trì ổn định, ước thực hiện trên 750 tỷ đồng, đạt 30,08% kế hoạch và tăng 4,91% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản lượng một số sản phẩm chủ yếu như: đường tinh, điện sản xuất, nước sinh hoạt, gạch nung, chế biến hạt điều… tăng khá so với cùng kỳ năm 2023.
Để tạo sức bật thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, thị xã đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển bền vững. Cụm Công nghiệp Ia Sao hiện có 3 dự án đầu tư hoạt động với tổng vốn gần 60 tỷ đồng trên tổng diện tích 5,39 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 51,43% gồm: Dự án trạm trộn bê tông nhựa nóng của Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ Gia Lai có công suất 104 tấn/giờ trên diện tích 1,16 ha, tổng vốn đầu tư 8 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động; Dự án đầu tư xưởng sản xuất phân hữu cơ vi sinh của Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công-Chi nhánh Gia Lai có công suất 9.000 tấn/năm trên diện tích 3,19 ha, tổng vốn đầu tư 37,08 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động; Dự án sơ chế nguyên liệu thuốc lá và sản xuất vỏ cây thuốc lá của Công ty TNHH một thành viên Minh Khang Cao Nguyên có công suất 1.000 tấn nguyên liệu/năm trên diện tích 1,04 ha, tổng vốn đầu tư 14 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 80 lao động.
Hiện nay, 2 dự án đang đề xuất xin chủ trương đầu tư gồm: Dự án xây dựng nhà máy viên nén và dăm gỗ với công suất dự kiến 30.000 tấn sản phẩm/năm trên diện tích 1,04 ha, tổng kinh phí đầu tư 30 tỷ đồng; Dự án xây dựng nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu với công suất dự kiến 22.000 tấn rau quả/năm trên diện tích 0,77 ha, tổng kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngân sách từ tỉnh dành cho thị xã Ayun Pa năm 2025 ước tính gần 65,8 tỷ đồng. Trong số này, gần 63,9 tỷ đồng được cân đối theo tiêu chí tỉnh, chủ yếu phân bổ cho chương trình kiên cố hóa hạ tầng giao thông và kênh mương (63,675 tỷ đồng), cùng 208 triệu đồng hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài ra, hơn 1,87 tỷ đồng từ nguồn tiền sử dụng đất của tỉnh sẽ được đầu tư vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong kế hoạch đầu tư, việc cải thiện hạ tầng nông thôn, đặc biệt là hệ thống giao thông, được xác định là ưu tiên hàng đầu. Các tuyến đường liên thôn được kiên cố hóa sẽ giúp người dân tại những khu vực như buôn Rưng Ma Đoan (xã Ia Rbol) thuận lợi hơn trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế địa phương. Kế hoạch đầu tư công năm 2025 không chỉ hướng đến việc phát triển hạ tầng mà còn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn. HĐND thị xã Ayun Pa sẽ giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, đảm bảo nguồn vốn đầu tư công được sử dụng một cách hiệu quả và đạt được các mục tiêu đã đề ra.
THAM KHẢO THÊM: