Thành phố Phủ Lý nằm trên quốc lộ 1A, bên 2 bờ sông Đáy, Phủ Lý cách Hà Nội 60 km về phía Nam, thành phố Nam Định 30 km về phía Tây Bắc và thành phố Ninh Bình 33 km về phía Bắc. Để biết thêm thông tin về thành phố Phủ Lý, mời các bạn tham khảo bài viết: Bản đồ, các xã phường thuộc thành phố Phủ Lý (Hà Nam) dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam:
2. Thành phố Phủ Lý (Hà Nam) có bao nhiêu xã, phường?
Thành phố Phủ Lý có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 11 phường.
STT | Danh sách các xã phường thuộc thành phố Phủ Lý |
1 | Phường Quang Trung |
2 | Phường Lương Khánh Thiện |
3 | Phường Lê Hồng Phong |
4 | Phường Minh Khai |
5 | Phường Hai Bà Trưng |
6 | Phường Trần Hưng Đạo |
7 | Phường Lam Hạ |
8 | Xã Phù Vân |
9 | Phường Liêm Chính |
10 | Xã Liêm Chung |
11 | Phường Thanh Châu |
12 | Phường Châu Sơn |
13 | Xã Tiên Tân |
14 | Xã Tiên Hiệp |
15 | Xã Tiên Hải |
16 | Xã Kim Bình |
17 | Xã Liêm Tuyền |
18 | Xã Liêm Tiết |
19 | Phường Thanh Tuyền |
20 | Xã Đinh Xá |
21 | Xã Trịnh Xá |
3. Giới thiệu về thành phố Phủ Lý (Hà Nam):
- Lịch sử
Dưới thời Lê vào khoảng năm 1624, Thượng thư Nguyễn Khải đã cho chuyển thủ phủ Trấn Sơn Nam từ thôn Tường Lân (xã Trác Văn), huyện Duy Tiên đến đóng ở thôn Châu Cầu thuộc tổng Phù Đạm, huyện Kim Bảng, phủ Lỵ Nhân, trấn Sơn Nam Thượng. Đến năm 1832, vua Minh Mạng quyết định bỏ đơn vị trấn thành lập đơn vị hành chính tỉnh, phủ Lỵ Nhân được đổi là phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nội.
Trước năm 1934, Phủ Lý là thị trấn nằm trong huyện Thanh Liêm. Năm 1934, thị xã Phủ Lý được thành lập, bao gồm 4 phố: Châu Cầu, Quy Lưu, Tân Khai, Bảo Thôn. Đến năm 1965, tỉnh Hà Nam sáp nhập với tỉnh Nam Định thành tỉnh Nam Hà, thị xã Phủ Lý đổi tên thành thị xã Hà Nam thuộc tỉnh Nam Hà. Cuối năm 1975, tỉnh Nam Hà lại sáp nhập với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh.
Ngày 27 tháng 4 năm 1977, thị xã Hà Nam sáp nhập với hai huyện Kim Bảng và Thanh Liêm thành huyện Kim Thanh, Hà Nam trở thành thị trấn huyện lỵ huyện Kim Thanh.
Ngày 9 tháng 4 năm 1981, thị xã Hà Nam được tái lập, gồm 4 phường: Hai Bà Trưng, Lương Khánh Thiện, Minh Khai, Trần Hưng Đạo (được thành lập trên cơ sở giải thể thị trấn Hà Nam cũ).
Ngày 17 tháng 12 năm 1982, sáp nhập hai xã Thanh Châu và Liêm Chính thuộc huyện Thanh Liêm vào thị xã Hà Nam.
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, thị xã Hà Nam thuộc tỉnh Nam Hà vừa tái lập.
Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội ban hành nghị quyết chia lại tỉnh Nam Hà thành hai tỉnh Nam Định và Hà Nam, thị xã trở lại là tỉnh lỵ tỉnh Hà Nam và được đổi lại tên cũ là thị xã Phủ Lý.
Ngày 25 tháng 9 năm 2000, Chính phủ ban hành Nghị định 53/2000/NĐ-CP. Theo đó:
+ Chuyển hai xã Phù Vân, Châu Sơn thuộc huyện Kim Bảng; xã Liêm Chung thuộc huyện Thanh Liêm và xã Lam Hạ thuộc huyện Duy Tiên về thị xã Phủ Lý quản lý
+ Thành lập phường Lê Hồng Phong trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Châu Sơn.
+ Thành lập phường Quang Trung trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của các phường Lương Khánh Thiện, Minh Khai và xã Lam Hạ.
+ Điều chỉnh địa giới hành chính các phường Hai Bà Trưng, Lương Khánh Thiện, Minh Khai, Trần Hưng Đạo và các xã Liêm Chính, Phù Vân, Thanh Châu.
+ Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thị xã Phủ Lý có 3.424,87 ha diện tích tự nhiên và 70.495 người với 12 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 6 phường và 6 xã.
Năm 2006, thị xã Phủ Lý được công nhận là đô thị loại III.
Ngày 9 tháng 6 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định 72/2008/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Phủ Lý thuộc tỉnh Hà Nam trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Phủ Lý.
Đến cuối năm 2012, thành phố Phủ Lý có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 6 phường: Hai Bà Trưng, Lê Hồng Phong, Lương Khánh Thiện, Minh Khai, Quang Trung, Trần Hưng Đạo và 6 xã: Châu Sơn, Lam Hạ, Liêm Chính, Liêm Chung, Phù Vân, Thanh Châu.
Ngày 23 tháng 7 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết 89/NQ-CP. Theo đó:
+ Chuyển ba xã Tiên Tân, Tiên Hiệp, Tiên Hải thuộc huyện Duy Tiên; hai xã Đinh Xá, Trịnh Xá thuộc huyện Bình Lục; ba xã Liêm Tuyền, Liêm Tiết, Thanh Tuyền thuộc huyện Thanh Liêm; xã Kim Bình và một phần xã Thanh Sơn thuộc huyện Kim Bảng về thành phố Phủ Lý quản lý
+ Điều chỉnh phần diện tích và dân số của xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng vào phường Lê Hồng Phong
+ Thành lập 5 phường: Châu Sơn, Lam Hạ, Liêm Chính, Thanh Châu và Thanh Tuyền trên cơ sở 5 xã có tên tương ứng.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Phủ Lý có 8.787,30 ha diện tích tự nhiên và 136.654 người với 21 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 11 phường và 10 xã.
Ngày 4 tháng 12 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1678/QĐ-TTg công nhận thành phố Phủ Lý là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Nam.
- Vị trí địa lý
Thành phố Phủ Lý nằm trên quốc lộ 1A, bên 2 bờ sông Đáy, Phủ Lý cách Hà Nội 60 km về phía Nam, thành phố Nam Định 30 km về phía Tây Bắc và thành phố Ninh Bình 33 km về phía Bắc. Phủ Lý nằm trên Quốc lộ 1A có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua, là nơi gặp gỡ của ba con sông: Sông Đáy, Sông Châu Giang và Sông Nhuệ tiện về giao thông thủy bộ.
Địa giới hành chính thành phố Phủ Lý:
+ Phía Đông giáp huyện Bình Lục.
+ Phía Tây giáp huyện Kim Bảng.
+ Phía Nam giáp huyện Thanh Liêm.
+ Phía Bắc giáp huyện Duy Tiên.
- Diện tích và dân số
Thành phố Phủ Lý có diện tích là 87,64 km², dân số vào năm 2019 là 158.212 người, mật độ dân số đạt 1.805 người/km².
- Giao thông
Phủ Lý có cả 3 loại hình giao thông là đường bộ, đường thủy, đường sắt, được phân bố tương đối hợp lý hình thành mang lưới giao thông khá đồng bộ.
Quốc lộ 1A là tuyến đường đối ngoại quan trọng nhất của thành phố Phủ Lý, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và giao lưu trao đổi hàng hóa. Hiện tuyến đường này đã được nâng cấp thành đường đô thị 4 làn xe, nền đường rộng 20m, mặt đường rộng 19,5m.
Quốc lộ 21A là tuyến giao thông huyết mạch của thành phố nối liền các xã ở vùng hữu sông Đáy và tỉnh Hòa Bình.
Quốc lộ 21B kết nối với trung tâm thành phố Nam Định, chiều dài 3,2m với 6 làn xe, bề rộng nền 60-70m, đi qua các xã Liêm Tiết, Đinh Xá, Liêm Tuyền.
Hệ thống đường tỉnh trên thành phố Phủ Lý gồm:
+ Đường tỉnh ĐT 491 có bề rộng mặt đường 8m, nền đường 9m, chất lượng tốt.
+ Đường tỉnh ĐT 494 có bề rộng mặt đường 15m, bề rộng nền đường 27m. Tuyến đường này đóng vai trò quan trọng trong phát triển không gian thành phố.
+ Đường tỉnh ĐT 494B có bề rộng mặt đường 8m, nền đường 9m. ĐT 494B cùng với ĐT 949 tạo thành vành đai phía Tây thành phố, kết nối khu vực phía Tây với quốc lộ 1A và quốc lộ 21.
Thành phố Phủ Lý có bến xe trung tâm tỉnh đang hoạt động với diện tích 15.437m2, lưu lượng 165 xe/ngày đảm bảo nhu cầu vận tải và kết nối giữa các huyện với trung tâm tỉnh cũng như với các tỉnh, thành lân cận. Đường sát Bắc – Nam chạy qua địa bàn thành phố Phủ Lý thuộc tuyến đường sắt Thống Nhất. Ngoài ra, Phủ Lý cũng có đường sắt chuyên dùng đi vào mỏ đá Kiện Khê.
Phủ Lý còn có 177,5km đường giao thông xã, phường. Trong đó, đường liên xã dài 35,5km đã được rải nhựa và bê tông hóa.
Bên cạnh giao thông đường bộ thì các hoạt động về giao thông đường thủy trên sông Châu Giang, sông Nhuệ, sông Đáy và 2 tuyến đường sắt chạy qua đã tham gia tích cực vào quá trình lưu thông cũng như vận chuyển hàng hóa trong và ngoài thành phố.
- Kinh tế
Thành phố Phủ Lý được xác định là trung tâm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và trung tâm thương mại, dịch vụ của tỉnh.
Về công nghiệp, thành phố có khu công nghiệp Châu Sơn, 1 phần của khu công nghiệp Thanh Liêm và 3 cụm tiểu thủ công nghiệp Nam Châu Sơn, Tiên Tân, Kim Bình. Nền sản xuất nông nghiệp ở Phủ Lý theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái và bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế trang trại và mô hình sản xuất VAC. Các loại hình dịch vụ như tài chính tín dụng, vận tải, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, cấp thoát nước, điện, vệ sinh môi trường,… phát triển cả về số lượng và chất lượng. Toàn thành phố có 1 trung tâm thương mại lớn và 3 phường được quy hoạch phường thương mại dịch vụ, 8 chợ phường nội thị.
- Kết cấu hạ tầng
Thành phố đã chủ động và tập trung trong việc xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng. Đầu tư xây dựng cơ bản tăng bình quân 30%/năm. Đặc biệt chủ trương huy động vốn và nguồn lực trong nhân dân để xây dựng đường giao thông, thoát nước, trường học, trạm xá, điểm sinh hoạt văn hoá công cộng,… đã có hiệu quả rõ rệt. Ước huy động đóng góp của nhân dân trong 5 năm gần đây đạt 35 – 40 tỷ đồng.
Toàn bộ hệ thống đường nội thị của thành phố đều đã được đổ bê tông hoặc thảm nhựa. Đất giao thông chiếm 21% so với đất xây dựng đô thị; đạt 23m2/người. Mật độ đường chính đạt 4,5 km/km2. Các hệ thống thoát nước chính đã được đầu tư cơ bản. Trường học, trạm xá, điểm sinh hoạt công cộng được đầu tư kiên cố. Nhìn chung cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và phát triển đô thị.
Một số dự án lớn góp phần xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị như: Dự án sân vận động trung tâm, hành lang Quốc lộ 1A và Đông, Tây sông Đáy, dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, dự án nâng cấp hè đường, điện chiếu sáng và cây xanh trong khu đô thị cũ, dự án kè hồ Chùa Bầu, dự án cải tạo hệ thống cáp quang, cải tạo hệ thống lưới điện,… đã và đang được thực hiện theo quy hoạch đầu tư, làm chuyển biến bộ mặt đô thị, khang trang hiện đại hơn, trật tự đô thị có những bước chuyển biến tích cự.
- Y tế
Phủ Lý là trung tâm y tế của tỉnh Hà Nam, quy tụ nhiều bệnh biện, phòng khám: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bệnh viện Phong – Da liễu, Bệnh viện Lao Phổi, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Đa khoa thành phố, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam.
Tháng 10/2018, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã chính thức khánh thành. Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường bệnh, được tổ chức như một bệnh viện đa khoa của tỉnh, còn cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức cũng có quy mô 1.000 giường bệnh.
THAM KHẢO THÊM: