Huyện Yên Phong nằm ở phía Tây của tỉnh Bắc Ninh, huyện lỵ của huyện là thị trấn Chờ, nằm cách thành phố Bắc Ninh khoảng 15km về phía Tây, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 29km về phía Tây Nam. Để biết thêm thông tin về huyện Yên Phong, mời bạn đọc theo dõi bài viết: Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Yên Phong (Bắc Ninh).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh:
2. Huyện Yên Phong (Bắc Ninh) có bao nhiêu xã phường?
Huyện Yên Phong có 14 đơn vị hành chính cấp xã phường trực thuộc, bao gồm 1 thị trấn và 13 xã. Danh sách cụ thể được liệt kê tại bảng dưới đây:
STT | Danh sách thị trấn, xã thuộc huyện Yên Phong |
1 | Thị trấn Chợ (huyện lỵ) |
2 | Xã Dũng Liệt |
3 | Xã Đông Phong |
4 | Xã Đông Thọ |
5 | Xã Đồng Tiến |
6 | Xã Hóa Tiến |
7 | Xã Long Châu |
8 | Xã Tam Đa |
9 | Xã Tam Giang |
10 | Xã Thụy Hòa |
11 | Xã Trung Nghĩa |
12 | Xã Văn Môn |
13 | Xã Yên Phụ |
14 | Xã Yên trung |
3. Vài nét giới thiệu huyện Yên Phong (Bắc Ninh):
3.1. Lịch sử hình thành:
Năm 1076, nhà Lý cho xây dựng đại bản doanh và doanh trại tại xã Yên Phụ và phòng tuyến sông Như Nguyệt ở bờ Nam sông Như Nguyệt, tức sông Cầu ngày nay, trên địa bàn các xã Tam Giang, Đông Tiến, Yên Trung, Dũng Liệt, Tam Đa, Vạn An, Hòa Long. Nay vẫn còn nhiều di tích của phòng tuyến này được xếp hạng di tích quốc gia. Năm 1077, quân Tống sang xâm lược Đại Việt bị chặn đứng và sau đó bị đánh bại tại đây. Theo bản đồ Hồng Đức (cuối thế kỷ XV), huyện Yên Phong có 53 xã. Đầu đời Nguyễn (Thế kỷ XIX), huyện có 6 tổng với 71 xã, thôn, phường, trang, vạn:
- Tổng Hương La có 10 xã, thôn, phường: Hương La, Như Nguyệt, Bằng Lâm, Xuân Lôi, thôn Thượng thuộc Yên Phụ, thôn Hậu thuộc Yên Phụ, Đào Xá, Yên Vĩ, Yên Tân, phường Thủy Cơ Hương La.
- Tổng Nội Trà có 11 xã, thôn: Tiên Trà, thôn Phú Mẫn thuộc xã Nội Trà, thôn Ngô Xá thuộc xã Nội Trà, thôn Nghiêm Xá thuộc xã Nội Trà, Ngân Cầu, Trác Bút, Vòng Nguyệt, thôn Nguyệt Cầu thuộc xã Vọng Nguyệt, Đông Xuyên, Đông Lâu.
- Tổng Dũng Liệt có 12 xã, thôn: Chính Trung thuộc xã Dũng Liệt, thôn Dinh Thượng thuộc xã Dũng Liệt, thôn Lương Lân thuộc xã Dũng Liệt, thôn Xuân Hoạch thuộc xã Dũng Liệt (phiêu tán năm 1807, phục hồi năm 1808), Yên Lãng, Hộ Trung, Chân Hộ, Phù Yên, Trần Xá, Phù Cầm, Lương Cầm, thôn Vọng Đông thuộc xã Dũng Liệt.
- Tổng Mẫn Xá có 12 xã thôn: Mẫn Xá thuộc xã Mẫn Xá, Mẫn Xá gồm có 2 thôn (thôn Đại Chu và Chi Long), thôn Ngô Xá thuộc xã Mẫn Xá, Tiên Sơn, Đông Yên, Tam Tảo, Giới Tế, Vĩnh Phục, Tiêu Sơn Thượng, Hồi Quan, Đông Phù, Ân Phú.
- Tổng Nguyễn Xá có 10 xã, vạn: Nguyễn Xá (năm 1807 phiêu bạt, năm 1808 phục hồi), Lạc Nhuế, Đông Cảo (năm 1836 đổi là Đông Tảo), Đông Xá, Bằng Lục, Diêm Xuyên, Phấn Động, Đại Lâm, Thụ Triền, vạn Đài Bàng.
- Tổng Châm Khê có 16 xã, thôn, sở, vạn: Châm Khê, Ngô Khê, Khúc Toại, Đặng Xá, Quả Cảm, Đẩu Hàn, Xuân Ái, Hữu Đào, Viêm Xá, thôn Hạ Đông thuộc sở Đại Cảo, Vạn Phúc, thôn Trung Đông thuộc sở Đại Cảo, thôn Thượng Đồng thuộc sở Đại Cảo, trang Vi Hồng, vạn Yên Ninh.
Thời Tự Đức thì huyện có 6 tổng với 69 xã, thôn, trang, vạn. Thời kỳ Gia Long (1802- 1818) thì các đơn vị hành chính được chia làm 6 tổng, 71 xã, thôn, phường, trang, vạn, sở. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 thì các đơn vị hành chính trực thuộc của huyện được chia làm hai cấp: Cấp tổng và cấp xã. Từ tháng 8 năm 1945, dưới chính thể mới thì các đơn vị hành chính trung gian là cấp tổng đã được bãi bỏ, dưới thôn không còn trang, vạn, sở. Huyện Yên Phong khi đó có 30 xã. Năm 1971, sau vài lần sáp nhập và chia tách huyện Yên Phong có 18 xã: Đông Phong, Đông Thọ, Đông Tiến, Dũng Liệt, Hàm Sơn, Hòa Long, Hòa Tiến, Khúc Xuyên, Long Châu, Phong Khê, Tam Đa, Tam Giang, Thụy Hòa, Trung Nghĩa, Vạn An, Văn Môn, Yên Phụ, Yên Trung. Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tỉnh Bắc Ninh được tái lập từ tỉnh Hà Bắc, huyện Yên Phong trở lại thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ngày 9 tháng 1 năm 1998, Nghị định 89 của Thủ tướng Chính phủ thành lập thị trấn Chờ và 13 xã: Đông Phong, Đông Thọ, Đông Tiến, Dũng Liệt, Hòa Tiến, Long Châu, Tam Đa, Tam Giang, Thụy Hòa, Trung Nghĩa, Văn Môn, Yên Phụ, Yên Trung được giữ ổn định đến tận ngày nay. Ngày 23 tháng 12 năm 2022, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1336/QĐ-BXD về việc công nhận đô thị Chờ mở rộng (bao gồm thị trấn Chờ và toàn bộ 13 xã thuộc huyện Yên Phong) là đô thị loại IV trực thuộc tỉnh Bắc Ninh.
3.2. Vị trí địa lý:
Huyện Yên Phong là một huyện đồng bằng, nằm ở phía Tây của tỉnh Bắc Ninh, huyện lỵ của huyện là thị trấn Chờ, thuộc vùng Châu thổ sông Hồng, có vị trí địa lý:
- Phía Đông giáp thành phố Bắc Ninh và thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
- Phía Tây lấy Sông Cà Lồ làm giới hạn, Yên Phong giáp huyện Đông Anh và huyện Sóc Sơn thuộc thành phố Hà Nội.
- Phía Nam giáp thành phố Từ Sơn và huyện Tiên Du.
- Phía Bắc lấy sông Cầu làm giới hạn, Yên Phong giáp huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Tọa độ địa lý của huyện Yên Phong nằm trong khoảng vĩ độ 21 độ 8 phút 45 giây đến 21 độ 14 phút 30 giây độ vĩ Bắc và khoảng độ từ 105 độ 54phút 30 giây đến 106 độ 4 phút 15 giây độ kinh Đông. Trung tâm huyện Yên Phong (thị trấn Chờ) cách tỉnh lỵ Bắc Ninh 15 km về phía Đông, cách Thủ đô Hà Nội 29 km về phía Tây Nam, cách quốc lộ 1A 8km về phía Nam, có quốc lộ 18 chạy qua cách sân bay quốc tế Nội Bài 15 km về phía Tây, cách cảng Hải Phòng 115 km về phía Nam, quốc lộ 18 nối khu chế xuất Đông Anh và sân bay quốc tế Nội Bài và Khu công nghiệp, du lịch của Quảng Ninh chạy qua Yên Phong từ Tây sang Đông.
Tuyến quốc lộ 3B Hà Nội – Thái Nguyên, cùng với đường 295 và đường 286 mạng lưới giao thông đường bộ của Yên Phong có nhiều điều kiện thuận lợi trong giao lưu và hội nhập quốc tế, kinh tế, văn hóa, xã hội với các vùng trong và ngoài tỉnh. Phía Bắc có sông Cầu, thượng lưu thông đến Thái Nguyên, hạ lưu thông đến Hải Dương, Hải phòng tạo nên tiềm lực phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ.
3.3. Điều kiện tự nhiên:
- Đất đai:
Đất đai huyện Yên Phong được hình thành do quá trình bồi tụ phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, trực tiếp là 3 con sông: Sông Cầu, Sông Cà Lô, Sông Ngũ Huyện Khê, phần còn lại được hình thành tại chỗ do sự phong hóa trực tiếp từ đá mẹ. Yên Phong có 3 nhóm đất chủ yếu: Đất phù sa, đất bạc màu, đất đồi núi vàng.
- Khí hậu, thủy văn:
Các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm không khí, gió bão, lượng mưa, sự bốc hơi nước và số giờ nắng trong năm của huyện Yên Phong nằm trong vùng khí hậu sông Hồng, có tính nhiệt đới, chia hai mùa nóng lạnh rõ rệt.
+ Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình cả năm của huyện Yên Phong là 23,4 độ C. Nhiệt độ trung bình mùa nóng là từ 24 độ – 29 độ. Nhiệt độ trung bình mùa lạnh từ 16 – 21 độ.
+ Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí trung bình trong năm 83%. Độ ẩm không khí cao nhất trong tháng 4 là 89%, thấp nhất là tháng 12 là 77%.
+ Gió bão: Mỗi năm có hai mùa rõ rệt. Mùa lạnh từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau có gió mùa Đông Bắc thường mang theo giá rét và sương muối. Tốc độ gió trung bình là 10m/s. Mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10 có gió Đông Nam, thường mang theo mưa, nên gọi là mùa mưa. Tốc độ gió trung bình từ 20 – 25 m/s. Hàng năm có bão ảnh hưởng đến Yên Phong nhưng ảnh hưởng không lớn.
+ Lượng mưa: Mỗi năm có lượng mưa trung bình từ 1512 mm. Tháng có mưa nhiều nhất trong năm là tháng 7 (348,3mm). Tháng có lượng mưa thấp nhất là tháng 12 (28.1mm). Lượng nước bốc hơi trung bình hàng năm ở Yên Phong là 950 mm.
THAM KHẢO THÊM: