Thanh Thủy không chỉ là một huyện nông thôn với đa số dân cư sinh sống bằng nghề nông, mà còn là một điểm đến du lịch với tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Bài viết dưới đây: Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin chung, khái quát về huyện.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Thanh Thủy (Phú Thọ):
2. Huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) có bao nhiêu xã, phường?
Huyện Thanh Thủy có 11 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 1 thị trấn, 10 xã.
STT | Danh sách xã, phường huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) |
1 | Thị trấn Thanh Thủy (huyện lỵ) |
2 | Xã Bảo Yên |
3 | Xã Đào Xá |
4 | Xã Đoan Hạ |
5 | Xã Đồng Trung |
6 | Xã Hoàng Xá |
7 | Xã Sơn Thủy |
8 | Xã Tân Phương |
9 | Xã Thạch Đồng |
10 | Xã Tu Vũ |
11 | Xã Xuân Lộc |
Đơn vị hành chính cũ hiện không còn tồn tại là:
-
Xã Đồng Luận
-
Xã Phượng Mao
-
Xã Trung Nghĩa
-
Xã Trung Thịnh
-
Xã Yến Mao
3. Thông tin chung về huyện Thanh Thủy (Phú Thọ):
Vị trí địa lý:
Thanh Thủy là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, được thành lập từ năm 1833, huyện này có diện tích tự nhiên là 120,97 km² và dân số khoảng 84.622 người với đa số là người Kinh cùng với các dân tộc khác.
Huyện có vị trí địa lý như sau:
-
Phía Đông giáp huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội).
-
Phía Tây giáp huyện Thanh Sơn.
-
Phía Nam giáp huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình).
-
Phía Bắc giáp huyện Tam Nông.
Tài nguyên, khoáng sản:
Thanh Thủy là vùng đất dốc, nguồn tài nguyên khoáng sản khá như: Than bùn, than nâu ở Phượng Mao, Tu Vũ, Trung Nghĩa; mỏ sắt ở Đào Xá; Caolin, penspat ở Tân Phương, thị trấn Thanh Thủy, Sơn Thủy, Hoàng Xá; nước khoáng nóng ở thị trấn Thanh Thủy; đất sét ở Yến Mao.
Qua khảo sát, nghiên cứu của các nhà khoa học đã đánh giá khu nước khoáng nóng Thanh Thủy là một trong 7 mỏ nước khoáng có chứa hàm lượng nguyên tố vi lượng cao và có khả năng chữa một số bệnh. Các yếu tố này là tiền đề để huyện phát triển.
Giao thông:
Thanh Thủy không có đường sắt, Quốc lộ đi qua nhưng có hệ thống đường giao thông liên tỉnh, huyện, xã rất thuận lợi với tổng chiều dài trên 650 km. Ngoài tuyến Tỉnh lộ 316 (Trung Hà – Bến Ngọc), Tỉnh lộ 317 (Trung Hà – Hòa Bình), đường liên huyện Thanh Thủy – Thanh Sơn – Tam Nông, trên địa bàn huyện còn có hàng chục con đường liên xã, liên thôn như Tu Vũ – Yên Lãng (Thanh Sơn), Đồng Luận – Tu Vũ, Đồng Luận – Hoàng Xá- Thắng Sơn (Thanh Sơn), Trung Nghĩa – Cầu Mè (Thanh Sơn), Sơn Thủy – Cự Đồng (Thanh Sơn), Thạch Đồng – Đào Xá – Xuân Lộc – Thượng Nông (Tam Nông), Đào Xá – Dị Nậu (Tam Nông), thị trấn Thanh Thủy – Bảo Yên,…
Những con đường này là huyết mạch giao thông trong việc giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa các địa phương trong và ngoài huyện rất thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, ổn định an ninh – quốc phòng.
Tiềm năng phát triển:
- Về di tích lịch sử văn hóa:
Thanh Thủy có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời xen lẫn các truyền thuyết của dân tộc thể hiện qua các di tích lịch sử văn hóa còn lại đến ngày nay. Trong đó nổi bật là các di tích Đền Lăng Sương ở Trung Nghĩa (di tích cấp Quốc gia), Đền Và ở Yến Mao, Tượng đài chiến thắng Tu Vũ, đình Đào Xá và đền Tam Công ở Đào Xá,… gắn liền với đó là các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và tính nhân văn sâu sắc.
Về phát triển một số ngành công nghiệp, du lịch và dịch vụ: Như chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh.
Trong quá khứ, Thanh Thủy từng là một phần của đạo Lâm Tây thời Lý – Trần và đã trải qua nhiều biến đổi trong suốt lịch sử dài hơn một thiên niên kỷ. Địa danh này cũng ghi dấu ấn quan trọng trong các giai đoạn lịch sử của Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến cho đến thời hiện đại. Ngoài ra, Thanh Thủy còn là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa như đền Lăng Sương, đình làng Đào Xá, Tượng đài chiến thắng, phản ánh quá trình phát triển và bảo tồn văn hóa của người dân nơi đây.
- Về đặc điểm địa hình và giao thông:
Huyện đã có định hướng và quy hoạch các khu công nghiệp vùng thượng và hạ huyện đó là cụm công nghiệp thị trấn Thanh Thủy – Hoàng Xá – Trung Thịnh – Yến Mao và tham gia trực tiếp vào khu công nghiệp Trung Hà.
Các ngành du lịch hệ thống hồ, đập như: Hồ Phượng Mao, Hồ Suối Rồng (Sơn Thủy), đầm Bạch Thủy (Đồng Luận, Trung Thịnh),… Khu nước khoáng nóng, hệ thống di tích lịch sử (Lăng Sương, Đào Xá), Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Thanh Lâm Resort, Vườn Vua.
Với các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của các khu di tích đình, đền, chùa vốn có, Thanh Thủy còn có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch tâm linh. Là tâm điểm nối liền giữa khu du lịch và di tích lịch sử Đền Thượng (Ba Vì), K9 (Ba Vì – Hà Tây), khu di tích Đền Hùng, các địa danh Lăng Sương (Trung Nghĩa), Tượng đài chiến thắng Tu Vũ, Trung tâm nghỉ dưỡng nước khoáng nóng, Nhà bia tưởng niệm Bác Hồ về thăm và phát động trồng cây tại Đào Xá, đình Đào Xá,… là những điểm đến trong tua du lịch tâm linh Ba Vì – Thanh Thuỷ – Đền Hùng của khách thập phương.
4. Lịch sử hình thành huyện Thanh Thủy (Phú Thọ):
Thời Lý – Trần, địa bàn hai huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy ngày nay cùng thuộc đạo Lâm Tây.
Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ toàn quốc, đổi gọi là huyện Thanh Nguyên thuộc phủ Gia Hưng, tỉnh Hưng Hóa.
Năm Minh Mạng thứ 14 (1833) tách huyện Thanh Xuyên làm 2 huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy. Tên huyện Thanh Thủy có từ đó. Lúc này huyện Thanh Thủy có 2 tổng: Yên Lãng và Cự Thắng, 2 tổng này ngày nay nằm trong địa giới huyện Thanh Sơn.
Ngày 9 tháng 6 năm 1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách phần đất thuộc huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, trên tả ngạn sông Đà, gồm 30 làng thuộc 4 tổng, sáp nhập vào tỉnh Hưng Hóa. Phần đất này này nằm trong địa giới huyện Thanh Thủy.
Ngày 8 tháng 9 năm 1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Hưng Hóa mới, huyện Thanh Thủy thuộc tỉnh Hưng Hóa mới, bỏ tổng Cự Thắng, đồng tháp sáp nhập thêm tổng Tinh Nhuệ (trước năm 1890 thuộc huyện Bất Bạt) của huyện Thanh Sơn.
Như vậy, huyện Thanh Thủy ngày nay khác với huyện Thanh Thủy trước năm 1890, phần lớn đất đai huyện Thanh Thủy ngày nay thuộc huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây trước kia.
Ngày 5 tháng 5 năm 1903, tỉnh Hưng Hóa đổi tên thành tỉnh Phú Thọ (theo tên của thị xã Phú Thọ nơi đặt tỉnh lỵ), huyện Thanh Thủy thuộc tỉnh Phú Thọ.
Sau năm 1945, thống nhất gọi các phủ, châu, huyện là huyện, bỏ cấp tổng và tiến hành hợp nhất các làng nhỏ thành xã, huyện Thanh Thủy khi đó gồm 15 xã: Bảo Yên, Đào Xá, Đoan Hạ, Đồng Luận, Hoàng Xá, La Phù, Phượng Mao, Sơn Thủy, Tân Phương, Thạch Đồng, Trung Nghĩa, Trung Thịnh, Tu Vũ, Xuân Lộc, Yến Mao.
Năm 1947, huyện Thanh Thủy cùng 4 huyện hữu ngạn sông Thao khác của tỉnh Phú Thọ sáp nhập vào khu 14.
Đến tháng 2 năm 1948, khu 14 hợp nhất với khu 10 thành liên khu 10, huyện Thanh Thủy lại trở về tỉnh Phú Thọ.
Ngày 26 tháng 1 năm 1968, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH hợp nhất hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú. Huyện Thanh Thủy chuyển sang thuộc tỉnh Vĩnh Phú.
Ngày 5 tháng 7 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 178-CP ngày 5 tháng 7 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ, huyện Thanh Thủy hợp nhất với huyện Tam Nông thành huyện Tam Thanh.
Tháng 4 năm 1997, huyện Tam Thanh lại được tách trở lại thành hai huyện Tam Nông và Thanh Thủy. Huyện Thanh Thủy có 15 xã: Bảo Yên,.Đào Xá, Đoan Hạ, Đồng Luận, Hoàng Xá, La Phù, Phượng Mao, Sơn Thủy, Tân Phương, Thạch Đồng, Trung Nghĩa, Trung Thịnh, Tu Vũ, Xuân Lộc, Yến Mao.
Ngày 25 tháng 10 năm 2010, thành lập thị trấn Thanh Thủy, huyện lỵ huyện Thanh Thủy trên cơ sở giải thể xã La Phù.
Ngày 17 tháng 12 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 828/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Phú Thọ (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020). Theo đó:
-
Sáp nhập 3 xã Trung Thịnh, Đồng Luận, Trung Nghĩa thành xã Đồng Trung
-
Sáp nhập 2 xã Phượng Mao, Yến Mao vào xã Tu Vũ
Huyện Thanh Thủy có 1 thị trấn và 10 xã như hiện nay.
THAM KHẢO THÊM: