Huyện Tân Hiệp nằm ở phía Đông tỉnh Kiên Giang, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Đây là một trong những huyện có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Dưới đây là bài viết về Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). Xin mời bạn đọc theo dõi.
Mục lục bài viết
- 1 1. Bản đồ hành chính huyện Tân Hiệp (Kiên Giang):
- 2 2. Có bao nhiêu xã phường thuộc huyện Tân Hiệp (Kiên Giang)?
- 3 3. Giới thiệu khái quát về huyện Tân Hiệp (Kiên Giang):
- 4 4. Quy hoạch giao thông – Đô thị – Công nghiệp huyện Tân Hiệp (Kiên Giang):
- 5 5. Quy hoạch sử dụng đất đến 2030 của huyện Tân Hiệp (Kiên Giang):
1. Bản đồ hành chính huyện Tân Hiệp (Kiên Giang):
2. Có bao nhiêu xã phường thuộc huyện Tân Hiệp (Kiên Giang)?
Huyện Tân Hiệp có 11 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 1 thị trấn, 10 xã.
Số thứ tự | Danh sách xã, phường |
1 | Thị trấn Tân Hiệp (huyện lỵ) |
2 | Xã Tân An |
3 | Xã Tân Hiệp A |
4 | Xã Tân Hiệp B |
5 | Xã Tân Hòa |
6 | Xã Tân Hội |
7 | Xã Tân Thành |
8 | Xã Thạnh Đông |
9 | Xã Thạnh Đông A |
10 | Xã Thạnh Đông B |
11 | Xã Thạnh Trị |
3. Giới thiệu khái quát về huyện Tân Hiệp (Kiên Giang):
* Vị trí địa lý:
Huyện Tân Hiệp nằm ở phía Đông tỉnh Kiên Giang, có địa giới hành chính như sau:
-
Phía Bắc tiếp giáp với tỉnh An Giang
-
Phía Nam tiếp giáp với huyện Giồng Riềng
-
Phía Đông tiếp giáp với thành phố Cần Thơ
-
Phía Tây tiếp giáp với các huyện Châu Thành, Hòn Đất và thành phố Rạch Giá
* Diện tích, dân số:
Huyện Tân Hiệp có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 422,88 km² và dân số khoảng 125.858 người (2019), trong đó thành thị có 18.102 người (14%), nông thôn có 107.756 người (86%). Mật độ dân số đạt khoảng 298 người/km².
* Lịch sử hình thành:
Trước năm 1975:
Thời Pháp thuộc, ban đầu địa bàn huyện Tân Hiệp ngày nay bao gồm làng Tân Hội, một phần làng Mong Thọ (thuộc quận Châu Thành) và một phần làng Thạnh Hòa (thuộc quận Giồng Riềng) lúc bấy giờ cùng thuộc tỉnh Rạch Giá. Sau này, vào khoảng những năm 20 của thế kỷ XX, thực dân Pháp cho thành lập làng Tân Hiệp thuộc quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá trên cơ sở tách đất từ các làng Tân Hội và Mong Thọ. Về sau, lại lập thêm làng Thạnh Đông trên cơ sở tách đất từ làng Thạnh Hòa.
Khoảng đầu những năm 50 của thế kỷ XX, chính quyền Quốc gia Việt Nam thân Pháp lại cho thành lập quận Tân Hiệp thuộc tỉnh Rạch Giá với các làng trực thuộc: Tân Hiệp, Tân Hội, Thạnh Đông. Tên quận được lấy theo tên làng Tân Hiệp vốn là nơi đặt quận lỵ. Năm 1954, đông đảo đồng bào miền Bắc, phần lớn là theo đạo Công giáo đã di cư vào miền Nam và đến đây lập nghiệp, sinh sống cho đến ngày nay.
Sau năm 1956, các làng gọi làng xã. Năm 1957, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên quận Tân Hiệp cũ thành quận Kiên Tân thuộc tỉnh Kiên Giang. Trong đó, xã Tân Hiệp vẫn là nơi đặt quận lỵ quận Kiên Tân.
Năm 1970, quận Kiên Tân gồm 5 xã: Giục Tượng, Mông Thọ, Tân Hiệp, Tân Hội, Thạnh Đông.
Tuy nhiên, chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ vẫn duy trì tên gọi vùng đất này là huyện Tân Hiệp thuộc tỉnh Rạch Giá như cũ cho đến đầu năm 1976. Huyện Tân Hiệp khi đó chỉ gồm 3 xã: Tân Hiệp, Tân Hội và Thạnh Đông.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn duy trì huyện Tân Hiệp thuộc tỉnh Rạch Giá như cũ cho đến đầu năm 1976.
Từ năm 1976 đến nay:
Từ tháng 2 năm 1976, huyện Tân Hiệp thuộc tỉnh Kiên Giang, ban đầu bao gồm thị trấn Tân Hiệp và 5 xã: Tân Hiệp A, Tân Hiệp B, Tân Hội, Thạnh Đông A, Thạnh Đông B. Huyện lỵ là thị trấn Tân Hiệp, được thành lập do tách đất từ các xã Tân Hiệp và Thạnh Đông trước đó.
Ngày 18 tháng 3 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 23-CP về việc:
-
Thành lập xã Thạnh Trị trên cơ sở 4.117,56 ha diện tích tự nhiên và 10.294 nhân khẩu của xã Thạnh Đông A
-
Thành lập xã Thạnh Đông trên cơ sở 5.438,06 ha diện tích tự nhiên và 15.169 nhân khẩu của xã Thạnh Đông B
Ngày 14 tháng 11 năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2001/NĐ-CP về việc thành lập xã Tân Thành trên cơ sở 3.386,31 ha diện tích tự nhiên và 10.443 nhân khẩu của xã Tân Hội.
Ngày 8 tháng 1 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2004/NĐ-CP về việc thành lập xã Tân An trên cơ sở 3.415,50 ha diện tích tự nhiên và 8.234 nhân khẩu của xã Tân Hiệp A.
Cuối năm 2004, huyện Tân Hiệp có thị trấn Tân Hiệp và 9 xã là: Tân Thành, Tân Hội, Tân An, Tân Hiệp B, Tân Hiệp, Thạnh Đông, Thạnh Đông A, Thạnh Đông B, Thạnh Trị.
Ngày 7 tháng 2 năm 2005, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 15/2005/NĐ-CP về việc điều chỉnh 434,71 ha diện tích tự nhiên và 1.232 nhân khẩu của xã Thạnh Đông và 2.671,19 ha diện tích tự nhiên và 13.233 nhân khẩu của xã Thạnh Đông B về thị trấn Tân Hiệp quản lý.
Ngày 29 tháng 6 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP về việc thành lập xã Tân Hòa trên cơ sở điều chỉnh 3.524,87 ha diện tích tự nhiên và 8.566 nhân khẩu của xã Tân Hiệp B.
Huyện Tân Hiệp có 1 thị trấn và 10 xã trực thuộc.
4. Quy hoạch giao thông – Đô thị – Công nghiệp huyện Tân Hiệp (Kiên Giang):
4.1. Về quy hoạch giao thông:
Quy hoạch giao thông huyện Tân Hiệp nằm trong Quy hoạch giao thông tỉnh Kiên Giang đến 2030, tầm nhìn đến 2050 với các tuyến giao thông huyết mạch chạy qua địa bàn.
Trong thời kỳ quy hoạch 2021 – 2030, huyện Tân Hiệp cũng bố trí quỹ đất để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông trên địa bàn, nhằm nâng cấp và xây mới một số tuyến đường như:
-
Mở rộng tuyến đường kênh Đập Đá (bờ Đông)
-
Mở rộng tuyến đường kênh Xáng Tân Hội (bờ Nam)
-
Mở rộng tuyến đường kênh Cống Xã
-
Mở rộng tuyến đường kênh Chí Thành
-
Đường kênh Đòn Dông (từ kênh Ze-rô đến kênh đầu ngàn)
-
Mở rộng tuyến đường kênh Cái Sắn
-
Mở rộng tuyến Kênh Xáng Rạch Giá – Long Xuyên
-
Mở rộng tuyến đường kênh 300 (ấp Đông Phước – ấp Đông Thành)
-
Mở rộng tuyến đường kênh 3A (bờ Tây)
-
Mở rộng tuyến đường kênh Đòn Dông
-
Mở rộng tuyến đường kênh 11 (bờ Đông)
-
Mở rộng tuyến đường kênh Thạnh Trị
…..
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất của huyện Tân Hiệp cũng đã thể hiện những công trình dự án nói trên.
Ngày 13/4/2022, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 962/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội huyện Tân Hiệp năm 2022.
Theo đó, kế hoạch phát triển kinh tế của huyện Tân Hiệp được tỉnh Kiên Giang phê duyệt gồm các chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế, công nghiệp, thương mại – dịch vụ, du lịch và hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn huyện Tân Hiệp.
4.2. Về quy hoạch đô thị:
Trong kỳ Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, các khu đô thị trên địa bàn huyện Tân Hiệp có diện tích 624,54 ha bao gồm diện tích khu đô thị của thị trấn Tân Hiệp 408,54 ha và dự kiến đến năm 2030, huyện Tân Hiệp sẽ hình thành 2 khu đô thị mới:
-
Đô thị Thạnh Đông A: Là đô thị vệ tinh của đô thị Tân Hiệp. Định hướng đến năm 2025 hình thành đô thị loại V trên cơ sở nâng cấp mở rộng trung tâm xã Thạnh Đông A. Định hướng đô thị phát triển dọc theo tuyến kênh Cái Sắn về phía Tây Nam và Đông Nam. Quy mô xây dựng đô thị định hướng đến năm 2030 là 112 ha, quy mô dân số đến năm 2030 7.000 – 8.000 người.
-
Đô thị Cây Dương: Là trung tâm kinh tế khu vực phía Bắc của huyện. Định hướng đến năm 2025 hình thành đô thị loại V trên cơ sở nâng cấp mở rộng trung tâm xã Tân Thành. Định hướng đô thị phát triển dọc theo tuyến kênh Rạch Giá – Long Xuyên về phía Tây Bắc và Tây Nam. Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2030 là 104 ha, quy mô dân số đến năm 2025 là 6.500 – 8.000 người.
4.3. Về quy hoạch phát triển công nghiệp:
Quy hoạch phát triển công nghiệp huyện Tân Hiệp nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và định hướng phát triển công nghiệp tỉnh Kiên Giang đến 2045, tầm nhìn đến 2050.
Huyện Tân Hiệp phát triển ngành công nghiệp theo hướng phát huy nguồn lực từ nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản và nguồn lao động tại địa phương tập trung vào các ngành cũng như chú trọng thu hút công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất trang phục và ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ưu tiên phát triển công nghiệp theo hướng khai thác tốt tiềm năng lợi thế của huyện, như: cụm công nghiệp chế biến nông thủy sản hướng vào xuất khẩu, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ truyền thống. Chú ý phát triển công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch, mở rộng cơ sở cơ khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Tạo sự liên kết giữa vùng nguyên liệu và các cơ sở sản xuất công nghiệp, kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp với các ngành kinh tế khác. Phát triển công nghiệp gắn liền với xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, các cụm, tuyến công nghiệp chế biến và tuân thủ các chỉ tiêu về tiêu chuẩn môi trường.
Trong kỳ Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, khu phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện Tân Hiệp có diện tích 30,00 ha (quy hoạch Cụm công nghiệp xã Thạnh Trị).
5. Quy hoạch sử dụng đất đến 2030 của huyện Tân Hiệp (Kiên Giang):
Ngày 7/7/2022, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 1708/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022, huyện Tân Hiệp.
Theo quyết định, diện tích và cơ cấu sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch đến 2030 của huyện Tân Hiệp được xác định với tổng diện tích 42.292,49 ha. Trong đó:
-
Đất nông nghiệp: 38.328,10 ha
-
Đất phi nông nghiệp: 3.964,39 ha
-
Đất chưa sử dụng: 0 ha
Diện tích chuyển mục đích sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất đến 2030 huyện Tân Hiệp gồm:
-
Đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp: 643,12 ha
-
Đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở: 20,2 ha
Vị trí, diện tích đất các công trình, dự án thực hiện trong thời kỳ quy hoạch đến 2030 được thể hiện trên Bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2022 huyện Tân Hiệp tỷ lệ 1/25.000; Bản về vị trí, ranh giới, diện tích đất các công trình dự án và Báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022, do Uỷ ban nhân dân huyện Tân Hiệp xác lập.
THAM KHẢO THÊM: