Huyện Tam Đảo nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Vĩnh Phúc. Huyện cách thủ đô Hà Nội 60 km, sân bay quốc tế Nội Bài 40 km, có tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua, có điều kiện nối các tuyến du lịch với các tỉnh: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai. Để biết thêm thông tin, mời bạn tham khảo bài viết: Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc:
2. Huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có bao nhiêu xã, phường?
Huyện Tam Đảo có 9 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 3 thị trấn và 6 xã.
STT | Danh sách các xã phường thuộc huyện Tam Đảo |
1 | Thị trấn Tam Đảo |
2 | Thị trấn Hợp Châu |
3 | Xã Đạo Trù |
4 | Xã Yên Dương |
5 | Xã Bồ Lý |
6 | Thị trấn Đại Đình |
7 | Xã Tam Quan |
8 | Xã Hồ Sơn |
9 | Xã Minh Quang |
3. Giới thiệu về huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc):
- Lịch sử
Huyện Tam Đảo cũ được thành lập theo Quyết định số 178-CP ngày 5 tháng 7 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất huyện Lập Thạch với huyện Tam Dương. Riêng 2 xã Định Trung và Khai Quang của huyện Tam Dương sáp nhập vào thị xã Vĩnh Yên.
Ngày 26 tháng 2 năm 1979, tái lập huyện Lập Thạch; đồng thời tiếp nhận 14 xã, 1 thị trấn (vốn thuộc huyện Bình Xuyên cũ) của huyện Mê Linh cắt sang.
Khi đó huyện Tam Đảo trực thuộc tỉnh Vĩnh Phú, gồm thị trấn nông trường Tam Đảo và 31 xã: An Hòa, Bá Hiến, Đại Đình, Đạo Đức, Đạo Tú, Đồng Tĩnh, Duy Phiên, Gia Khánh, Hồ Sơn, Hoàng Đan, Hoàng Hoa, Hoàng Lâu, Hợp Châu, Hợp Hòa, Hợp Thịnh, Hướng Đạo, Hương Sơn, Kim Long, Minh Quang, Phú Xuân, Quất Lưu, Sơn Lôi, Tam Canh, Tam Hợp, Tam Quan, Tân Phong, Thanh Lãng, Thanh Vân, Thiện Kế, Trung Mỹ và Vân Hội.
Ngày 4 tháng 8 năm 1992, giải thể thị trấn nông trường Tam Đảo, địa bàn nhập vào các xã Trung Mỹ, Minh Quang.
Ngày 23 tháng 11 năm 1995, giải thể xã Tam Canh để thành lập thị trấn Hương Canh, thành lập thị trấn Tam Dương trên cơ sở một phần diện tích và dân số của các xã Hợp Thịnh và Vân Hội.
Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập từ tỉnh Vĩnh Phú cũ, huyện Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Đến cuối năm 1997, huyện Tam Đảo có 2 thị trấn: Hương Canh, Tam Dương và 30 xã: An Hòa, Bá Hiến, Đại Đình, Đạo Đức, Đạo Tú, Đồng Tĩnh, Duy Phiên, Gia Khánh, Hồ Sơn, Hoàng Đan, Hoàng Hoa, Hoàng Lâu, Hợp Châu, Hợp Hòa, Hợp Thịnh, Hướng Đạo, Hương Sơn, Kim Long, Minh Quang, Phú Xuân, Quất Lưu, Sơn Lôi, Tam Hợp, Tam Quan, Tân Phong, Thanh Lãng, Thanh Vân, Thiện Kế, Trung Mỹ, Vân Hội.
Ngày 9 tháng 6 năm 1998, huyện Tam Đảo tách trở lại thành 2 huyện Tam Dương và Bình Xuyên. Như vậy đến thời điểm này, huyện Tam Đảo cũ không còn tồn tại.
Huyện Tam Đảo mới thành lập theo Nghị định số 153/2003/NĐ-CP ngày 9 tháng 12 năm 2003 của chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở tách 3 xã: Yên Dương, Đạo Trù, Bồ Lý của huyện Lập Thạch; 4 xã: Đại Đình, Tam Quan, Hồ Sơn, Hợp Châu của huyện Tam Dương; xã Minh Quang của huyện Bình Xuyên và thị trấn Tam Đảo của thị xã Vĩnh Yên.
Sau khi thành lập, huyện có 1 thị trấn và 8 xã trực thuộc. Huyện lỵ đặt tại xã Hợp Châu.
Ngày 1 tháng 2 năm 2020, chuyển 2 xã Hợp Châu và Đại Đình thành 2 thị trấn có tên tương ứng.
Từ đó, huyện Tam Đảo có 3 thị trấn và 6 xã như hiện nay.
- Vị trí địa lý
Huyện Tam Đảo nằm ờ phía Đông Bắc của tỉnh Vĩnh Phúc. Huyện cách thủ đô Hà Nội 60 km, sân bay quốc tế Nội Bài 40 km, có tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai chạy qua, có điều kiện nối các tuyến du lịch với các tỉnh Hà Nội, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ và Lào Cai,… có điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch đến với Tam Đảo.
+ Phía Đông tiếp giáp huyện Bình Xuyên.
+ Phía Tây tiếp giáp huyện Lập Thạch với ranh giới là sông Phó Đáy.
+ Phía Nam tiếp giáp huyện Tam Dương.
+ Phía Bắc tiếp giáp huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
- Diện tích và dân số
Huyện Tam Đảo có tổng diện tích đất tự nhiên là 235,7 km², trong đó có hơn 120 km² là thuộc vườn quốc gia Tam Đảo.
Dân số vào năm 2019 đạt 83.931 người. Mật độ dân số khoảng 355 người/km², trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 41,9%. So với các huyện, thành phố khác trong tỉnh Vĩnh Phúc, Tam Đảo là một trong các huyện có mật độ dân số thấp. Mật độ dân số không đều giữa các xã trong huyện, tập trung cao ở các xã vùng thấp và thưa thớt tại vùng thị trấn Tam Đảo, các thôn, xóm vùng ven núi của các xã vùng đồng bằng.
- Điều kiện tự nhiên
Tam Đảo có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch như: Rừng nguyên sinh, hồ, đập, hệ thống suối, thác nước, hang, động và núi cao với những thắng cảnh nổi tiếng như đỉnh Rùng Rình, rừng Ma, ao Dứa, Thác Bạc, núi Trường Sinh, suối Bát Nhã, suối Giải Oan; Vườn Quốc gia Tam Đảo; Sân golf Tam Đảo đã và đang thu hút hàng triệu lượt khách đến thăm quan hàng năm.
- Văn hóa
Tam Đảo có hệ thống di sản văn hóa vật thể, hệ thống di tích thờ Thần, thờ Phật phong phú và đa dạng, phân bổ ở hầu khắp các địa phương. Một số di tích nổi tiếng như: Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, Đền Chân Suối, Đền Bà Chúa Thượng Ngàn, Đền thờ Đức Thánh Trần, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Đại Bảo tháp Tây Thiên,… tạo nên quần thể kiến trúc tôn giáo và tâm linh huyền ảo trong dãy núi Tam Đảo hùng vĩ.
Có nhiều lễ hội được tổ chức hàng năm gắn với các di tích lịch sử văn hóa, thu hút một lượng lớn khách du lịch hành hương về với Tam Đảo. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn lưu giữ được các giá trị văn hóa phi vật thể như các làn điệu dân ca Soọng cô, các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc như: Lễ cấp sắc, hát trầu văn, trang phục truyền thống, các loại bánh và món ăn ẩm thực đặc trưng của đồng bào các dân tộc trong huyện,…
- Du lịch
Những năm qua du lịch của huyện có bước phát triển khá, hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện tăng trưởng ổn định và đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, cơ cấu kinh tế đang dần chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành du lịch dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, kết cấu hạ tầng được đầu tư có hiệu quả, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị – trật tự, an toàn xã hội, được củng cố và giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày được nâng cao. Công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng được quan tâm. Lĩnh vực giáo dục đào tạo, dân số, việc làm và giảm nghèo, y tế và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được cải thiện, các hoạt động văn hóa xã hội đạt được kết quả tốt. Toàn huyện có 104 khách sạn, nhà nghỉ và 01 khu Resort với 1800 phòng, hàng năm đón 1.700.000 lượt khách. Kết quả qúy I/2017, đã đón trên 1.310.000 lượt du khách đến thăm quan, hành hương vãn cảnh, bằng 103% so với cùng kỳ, trong đó thị trấn Tam Đảo đón khoảng 60.000 lượt khách tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016; Khu danh thắng tây Thiên số lượng khách đón trên 1.250.000 lượt.
Năm 2017, một số công trình dự án đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp gồm dự án Khu du lịch Tam Đảo 2, các hạng mục công trình của Trung tâm Văn hóa Lễ hội Tây Thiên, Trung tâm Công viên của khu du lịch Tam Đảo 1; mở rộng tuyến đường từ km13 lên km 24 thị trấn Tam Đảo và nhiều công trình dự án quan trọng khác khi hoàn thành sẽ cung cấp thêm các sảm phẩm du lịch làm phong phú thêm cho bức tranh du lịch của huyện Tam Đảo.
THAM KHẢO THÊM: