Huyện Sơn Tây là một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh. Đây là một trong những huyện vùng cao với địa hình chủ yếu là đồi núi, có khí hậu mát mẻ và thiên nhiên hoang sơ. Bài viết dưới đây về Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin khái quát về huyện Sơn Tây.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi):
2. Có bao nhiêu xã phường thuộc huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi)?
Huyện Sơn Tây có 9 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 9 xã.
Số thứ tự | Danh sách xã, phường |
1 | Sơn Dung (huyện lỵ) |
2 | Sơn Bua |
3 | Sơn Lập |
4 | Sơn Liên |
5 | Sơn Long |
6 | Sơn Màu |
7 | Sơn Mùa |
8 | Sơn Tân |
9 | Sơn Tinh |
3. Thông tin chung huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi):
Huyện Sơn Tây nằm về phía Tây tỉnh Quảng Ngãi.
Huyện Sơn Tây nằm từ 14⁰ – 14’ đến 14⁰ – 46′ độ vĩ Bắc, từ 108⁰ – 22′ đến 108⁰ – 24′ độ kinh Đông, có độ cao từ 400m đến 1.900m so với mặt nước biển.
* Vị trí địa lý:
-
Phía Đông, Đông Nam tiếp giáp huyện Sơn Hà
-
Phía Tây Nam tiếp giáp huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum
-
Phía Tây Bắc tiếp giáp huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
-
Phía Bắc tiếp giáp huyện Trà Bồng
* Diện tích, dân số:
Huyện Sơn Tây có tổng diện tích đất tự nhiên 382,21 km², dân số năm 2019 là 21.174 người, mật độ dân số đạt 55 người/km².
* Lịch sử hình thành:
Theo các sách sử đã viết thì vùng đất huyện Sơn Tây từ đầu thế kỷ XV nằm trong địa phận Cổ Luỹ động, thuộc lãnh thổ quốc gia Đại Ngu dưới triều Nhà Hồ.
Sau nhiều thế kỷ biến đổi, năm 1832 (niên hiệu Minh Mạng thứ 13), Cổ Luỹ động trở thành tỉnh Quảng Nghĩa, về sau gọi là tỉnh Quảng Ngãi. Tỉnh Quảng Ngãi gồm 6 phủ, huyện trung châu và bốn nguồn thượng du, trong đó có nguồn Cù Bà sau được đổi tên thành nguồn Thanh Cù, có đặt thủ sở cách huyện Bình Sơn 23 dặm về phía Tây. Năm 1899 (niên hiệu Thành Thái thứ 11), nguồn Thanh Cù đổi thành tổng Ca Dong nằm trong châu Sơn Hà. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Ca Dong.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng đổi các phủ, huyện, châu thành đơn vị huyện thuộc tỉnh; ghép nhiều làng, sách, nóc nhỏ thành đơn vị xã thuộc huyện, bỏ cấp tổng. Châu Sơn Hà đổi thành huyện Sơn Hà. Các làng thuộc tổng Ca Dong được ghép lại thành một xã là xã Sơn Tinh trực thuộc huyện Sơn Hà.
Năm 1952, Uỷ ban kháng chiến hành chính Miền Nam Trung Bộ chuẩn y đề nghị của huyện Sơn Hà và tỉnh Quảng Ngãi, chia xã Sơn Tinh thành 2 xã: phía bắc sông Rin gọi là xã Sơn Liên, phía nam sông Rinh gọi là xã Sơn Tinh. Đến cuối năm 1952, xã Sơn Liên chia thành 3 xã: Sơn Mùa, Sơn Bao, Sơn Liên; xã Sơn Tinh chia thành 4 xã: Sơn Tinh, Sơn Dung, Sơn Màu và Sơn Long. Cũng trong năm này tỉnh Kon Tum giao xã Sơn Bua cho huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.
Trong thời kỳ chống Mỹ, thực hiện chủ trương của liên khu uỷ Khu V “Xây dựng căn cứ địa miền núi” phục vụ kháng chiến, ngày 20/7/1957, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi quyết định tách 8 xã vùng cao Sơn Hà (Sơn Liên, Sơn Bua, Sơn Mùa, Sơn Bao, Sơn Tinh, Sơn Dung, Sơn Màu, Sơn Long) thành lập Khu 7, một đơn vị hành chính tương đương cấp huyện.
Năm 1959, tỉnh Kon Tum tiếp tục giao làng Dũi, làng Tinh, Làng Xăng, làng B´reo, làng Dật, làng Lũ, làng Rễ, làng Gĩô, làng Trăng cho khu 7 lập thành xã Sơn Tân. Giữa năm 1959, tỉnh Kon Tum giao cho tỉnh Quảng Ngãi 6 làng của huyện Kon Plông, tỉnh Quảng Ngãi đem 6 làng này nhập với 3 làng của xã Sơn Màu và 1 làng của xã Sơn Kỳ hình thành xã Sơn Lập thuộc Khu 7.
Đến năm 1965, Khu 7 chính thức được gọi là huyện Sơn Tây.
Năm 1970, huyện Sơn Tây cùng các xã phía tây và phía đông Trà Bồng (trừ các xã Trà Xuân, Trà Phú, Trà Hoà) lập thành khu Sơn Trà trực thuộc khu V.
Đến cuối năm 1972, khu Sơn Trà giải thể, huyện Sơn Tây trở về đơn vị hành chính cấp huyện như trước.
Từ năm 1976, huyện Sơn Tây hợp nhất với huyện Sơn Hà thành một huyện, mang tên huyện Sơn Hà. Sau đó 10 xã trên địa bàn huyện Sơn Tây cũ hợp nhất thành 4 xã: Sơn Mùa, Sơn Tinh, Sơn Tân và Sơn Dung.
Ngày 6 tháng 8 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 83/NĐ-CP chia huyện Sơn Hà thành hai huyện Sơn Hà và Sơn Tây.
Sau khi tái lập, huyện Sơn Tây có 41.893 ha diện tích tự nhiên và 13.315 người với 4 xã: Sơn Tân, Sơn Mùa, Sơn Dung và Sơn Tinh. Huyện lỵ của huyện đặt tại xã Sơn Dung.
Ngày 23 tháng 6 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/1999/NĐ-CP. Theo đó, chia xã Sơn Mùa thành hai xã Sơn Mùa và Sơn Bua, chia xã Sơn Tinh thành hai xã Sơn Tinh và Sơn Lập.
Từ năm 2005, trung tâm huyện lỵ mới của huyện đang được xây dựng tại xã Sơn Mùa.
Ngày 23 tháng 12 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định 10/NĐ-CP. Theo đó, chia xã Sơn Dung thành hai xã Sơn Dung và Sơn Long, chia xã Sơn Mùa thành hai xã Sơn Mùa và Sơn Liên, chia xã Sơn Tân thành hai xã Sơn Tân và Sơn Màu.
Huyện Sơn Tây có 9 xã trực thuộc như hiện nay.
4. Điều kiện tự nhiên của huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi):
* Khí hậu:
Về khí hậu, Sơn Tây nằm trong vùng gió mùa á nhiệt đới, có 2 mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 01 đến tháng 8. Mùa mưa từ cuối tháng 8 đến tháng 12, sớm hơn hai, ba tháng so với đồng bằng.
Lượng mưa trung bình hằng năm là 2.700mm. Nhiệt độ thường thấp hơn 1 – 2⁰C so với đồng bằng, trung bình hằng năm là 23,5⁰C, cao nhất là 36,2⁰C (vào tháng 4,5,6 ), thấp nhất là 14 – 15⁰C (vào các tháng 11, 12). Độ ẩm trung bình hàng năm từ 88 – 99%.
Nói chung, khí hậu Sơn Tây rất thích hợp cho sức khỏe con người, thích hợp cho nhiều loại cây, vật nuôi phát triển. Nhưng cũng có những năm Sơn Tây phải chịu những đợt hạn hán, lụt bão khắc nghiệt, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
* Địa hình:
Địa hình Sơn Tây gắn liền với bắc Kon Tum, là một khối đá biến chất rất cổ, có nhiều mạch granit cắt ngang. Các khối đá tạo nên những ngọn núi khá cao như Hoăn Plây 1.900m (ở Sơn Tân, Sơn Tinh), núi Wang Rét 1.794m, núi Gò Tăng 1.608m (ở Sơn Mùa), núi Hà Neng 1.483m(ở Sơn Dung Sơn Tây), núi Ain 1.477m (ở Sơn Mùa giáp với Nam Trà My), núi Và Rẫy 10437m, núi Adin 1.406 (ở Sơn Tỉnh, sơn Dung) và hàng chục ngọn núi khác cao từ 11500m đến trên 1.000m.
Các khối núi granit này tuy không bị ảnh hưởng của đợt vận động địa chất ở đại tân sinh, nhưng bị nhiều nứt gãy, làm bazan trào ra bao phủ một số vùng. Rừng núi Sơn Tây lại nối liền với dãy Ngọc An, Ngọc Linh ở bắc Kon Tum, tạo thành thế liên hoàn hiểm trở nên có vị trí chiến lược quan trọng về mặt Quốc phòng.
* Hệ sinh thái:
Rừng núi Sơn Tây có nhiều loại gỗ quý như Lim, Sến, Sơn, Chò, Hương, Gõ,… có nhiều loại thú quý như hổ, gấu, sơn dương, trăn, dộc, khỉ,… trước đây có cả Voi. Có nhiều dược liệu, lâm đặc sản quý như mật ong, trầm hương, trầm kỳ,…
Sơn Mùa có mỏ đá vôi có thể sử dụng làm nguyên liệu xây dựng. Vùng ngã ba Đắc Tà Meo – Ra Manh – sông rinh ở thôn 2 xã Sơn Mùa, giáp giới xã Đắc Rin, xã Đắc – Nân (huyện Kon Plông) có suối nước nóng từ 50⁰C đến 70⁰C, có tác dụng chữa bệnh tốt.
Đất đồi, rừng và triền núi Sơn Tây thích hợp cho phát triển nhiều loại cây công nghiệp như cau, quế, song, mây,… Đây còn là địa bàn tốt để phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, heo, gà,…
* Sông ngòi:
Sơn Tây có 2 con sông lớn bắt nguồn từ Kon Tum: Sông Rinh (Đắc Krin) và sông Xà Lò (Đắc XêLo).
Sông Rinh chảy qua Sơn Dung, Sơn Mùa và Sơn Tân, có hai 2 phụ lưu ở phía Bắc: Suối nước Bua và suối nước Lác cùng 4 phụ lưu ở phía Nam: Sông Ra Manh, suối Ra Pân, suối Huy Măng và suối nước Màu.
Sông Xà Lò cùng với nước Xà Ruông bắt nguồn từ núi Adin ở Sơn Tỉnh đổ dọc xuống địa
giới Đông Nam Sơn Tây, chảy xuống huyện Sơn Hà, sông Rinh và sông Xà Lò góp phần tạo nên đầu nguồn của sông Trà Khúc – con sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi.
Sông suối Sơn Tây thường cắt sâu vào lớp đất bazan vụn bỡ, luồn qua các khe núi tạo nên những bờ dốc đứng và mực nước thấp hàng chục mét so với những vùng đất tương đối bằng trong huyện. Thời gian có nước lớn chỉ một vài tháng (tháng 10,11), còn các tháng khác nước cạn đến tận đáy.
Ở sông, suối Sơn Tây có loại cá niêng rất ngon. Một số nơi có vàng sa khoáng. Nhiều đoạn có độ dốc cao, nước chảy mạnh nên có điều kiện tận dụng nguồn nước để làm thuỷ lợi, thuỷ điện. Về mùa mưa lũ, nước chảy xiết thường gây xói mòn, sạt lở đôi bờ.
* Du lịch:
Từ địa thế tự nhiên, rừng núi và sông suối Sơn Tây có nhiều tài nguyên quý giá, nhưng vì là vùng đất hiểm trở, dân cư thưa thớt nên chưa khai thác được nhiều. Ở Sơn Tây có nhiều cảnh đẹp làm nao lòng người. Đó là những thác nước trắng xoá, sáng chiều in đậm bảy sắc cầu vồng, những dòng suối trong veo lượn lờ cá lội, soi bóng những ngôi nhà sàn rộn tiếng cồng chiêng. Suối nước nóng Tà Meo bốc hơi nghi ngút sẵn sàng mời đón du khách tham quan.
Tiêu biểu nhất là thắng cảnh suối Huy Măng chảy giữa hai ngọn núi Kylin và Yoc – Ra – Lung ở Sơn Dung. Suối và thác nước trải dài hàng ngàn mét, len lỏi qua những khối đá muôn hình muôn vẻ, khi thì êm ả lững lờ, lúc thì tuôn trào dữ đội trông rất ngoạn mục.
Đến đây, du khách có thể leo núi, tắm nước suối mát rượi, thưởng thức nhiều loại trái cây chín mọng, chiêm ngưỡng những loài phong lan thắm sắc, ngát hương.
Suối Huy Măng không chỉ là một thắng cảnh mà còn là nơi ghi lại bao sự tích anh hùng của nhân dân Sơn Tây.
5. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi):
Về quy hoạch sử dụng đất đến 2030:
Ngày 10/09/2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Quyết định Số 822/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện Sơn Tây.
Theo quyết định, nội dung quy hoạch sử dụng đất đến 2030 gồm: Diện tích, cơ cấu các loại đất huyện Sơn Tây được xác định với tổng diện tích tự nhiên: 38.563,68 ha. Trong đó:
-
Nhóm đất nông nghiệp: 36.005,99 ha. (chiếm 93,37% tổng diện tích tự nhiên), giảm 492,31 ha so với hiện trạng
-
Nhóm đất phi nông nghiệp: 2.524,31 ha, chiếm 6,54% diện tích tự nhiên, tăng 503,22 ha so với diện tích năm 2020
-
Nhóm đất chưa sử dụng: 33,38 ha, chiếm 0,09% diện tích tự nhiên, giảm 10,91 ha so với năm 2020.
Diện tích chuyển mục đích sử dụng đất trong kỳ quy hoạch của huyện Sơn Tây, bao gồm:
-
Đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp: 564,87 ha
-
Đất phi nông nghiệp không phải đất ở chuyển sang đất ở: 1.88 ha
-
Diện tích đưa đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng cho các mục đích:
-
Đất nông nghiệp: 0 ha
- Đất phi nông nghiệp: 7.14 ha
Vị trí, diện tích các khu vực đất phải chuyển mục đích sử dụng đất được xác định theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, tỷ lệ 1/10.000, Báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021, huyện Sơn Tây.
THAM KHẢO THÊM: