Địa hình huyện Phú Tân chủ yếu là đồng bằng ven biển, có độ cao trung bình từ 0,5 đến 2m so với mực nước biển. Huyện Phú Tân có nhiều kênh, rạch, sông, hồ nhỏ tạo thành hệ thống mạng lưới thủy lợi phát triển. Để tìm hiểu thêm về huyện Phú Tân, mời bạn đọc tham khảo bài viết Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Phú Tân (Cà Mau).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Phú Tân (Cà Mau):
2. Danh sách xã phường thuộc huyện Phú Tân (Cà Mau):
Huyện Phú Tân có 9 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 1 thị trấn và 8 xã. Danh sách cụ thể được liệt kê tại bảng dưới đây:
STT | Danh sách xã phường thuộc huyện Phú Tân |
1 | Thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện lị) |
2 | Xã Nguyễn Việt Khái |
3 | Xã Phú Mỹ |
4 | Xã Phú Tân |
5 | Xã Phú Thuận |
6 | Xã Rạch Chèo |
7 | Xã Tân Hải |
8 | Xã Tân Hưng Tây |
9 | Xã Việt Thắng |
3. Giới thiệu huyện Phú Tân (Cà Mau):
3.1. Vị trí địa lý:
Huyện Phú Tân nằm ở phía Tây – Nam tỉnh Cà Mau, có địa giới hành chính:
- Phía đông giáp huyện Cái Nước
- Phía Tây giáp vịnh Thái Lan
- Phía Nam giáp huyện Năm Căn
- PhíaBắc giáp huyện Trần Văn Thời.
Địa hình huyện Phú Tân chủ yếu là đồng bằng ven biển, có độ cao trung bình từ 0,5 đến 2m so với mực nước biển. Đất ở đây thường là đất phù sa mịn, có khả năng sản xuất nông nghiệp cao. Huyện Phú Tân có nhiều kênh, rạch, sông, hồ nhỏ tạo thành hệ thống mạng lưới thủy lợi phát triển. Với mạng lưới hệ thống thủy lợi đồng bộ, tài nguyên nông nghiệp đa dạng, huyện Phú Tân là một trong những vùng sản xuất lúa, rau, củ, quả và chăn nuôi hàng đầu của tỉnh Cà Mau.
3.2. Lịch sử hình thành:
Trước năm 1975, vùng đất huyện Phú Tân ngày nay thuộc quận Cái Nước, tỉnh An Xuyên. Sau năm 1975, Cái Nước là một huyện thuộc tỉnh Minh Hải. Ngày 29 tháng 12 năm 1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 326-CP về việc thành lập huyện Phú Tân trên cơ sở 16 xã, 1 thị trấn huyện lỵ (thị trấn Cái Đôi và 4 xã: Phú Mỹ A, Phú Mỹ B, Tân Hưng Tây, Việt Khái) của huyện Cái Nước.
Ngày 25 tháng 7 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 275-CP về việc:
- Chia xã Tân Hưng Tây thành xã Tân Hưng Tây và xã Tân Hải.
- Chia xã Việt Khái thành 3 xã: Việt Khái, Việt Hùng và Việt Thắng.
- Chia xã Phú Mỹ A thành 3 xã: Phú Mỹ, Phú Thành và Phú Thuận.
- Chia xã Phú Mỹ B thành xã Phú Hòa và xã Phú Hiệp.
- Đổi tên thị trấn Cái Đôi thành thị trấn Phú Tân.
Từ đó, huyện Phú Tân có thị trấn Phú Tân và 10 xã: Phú Hiệp, Phú Hòa, Phú Mỹ, Phú Thành, Phú Thuận, Tân Hải, Tân Hưng Tây, Việt Hùng, Việt Khái, Việt Thắng.
Ngày 28 tháng 3 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 23-HĐBT về việc:
- Chia thị trấn Phú Tân thành thị trấn Phú Tân và xã Tân Phong.
- Chia xã Tân Hải thành xã Tân Hải và xã Tân Nghiệp.
- Chia xã Việt Khái thành 3 xã: Việt Khái, Việt Dũng và Việt Cường.
Huyện Phú Tân có thị trấn Phú Tân và 14 xã: Phú Hiệp, Phú Hòa, Phú Mỹ, Phú Thành, Phú Thuận, Tân Hải, Tân Hưng Tây, Tân Nghiệp, Tân Phong, Việt Cường, Việt Dũng, Việt Hùng, Việt Khái, Việt Thắng.
Ngày 17 tháng 5 năm 1984, Hội Đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 75-HĐBT về việc sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của huyện Phú Tân vào huyện Cái Nước. Đến thời điểm này, huyện Phú Tân không còn tồn tại. Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc chia tỉnh Minh Hải thành tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Huyện Cái Nước thuộc tỉnh Cà Mau. Ngày 17 tháng 11 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2003/NĐ-CP về việc tái lập huyện Phú Tân trên cơ sở 44.595 ha diện tích tự nhiên và 109.642 người của huyện Cái Nước. Huyện Phú Tân có 44.595 ha diện tích tự nhiên và 109.642 nhân khẩu; có 7 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 6 xã: Phú Mỹ, Phú Tân, Tân Hải, Việt Thắng, Tân Hưng Tây, Nguyễn Việt Khái và thị trấn Cái Đôi Vàm.
Ngày 23 tháng 11 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 192/2004/NĐ-CP về việc:
- Thành lập xã Phú Thuận trên cơ sở 3.925 ha diện tích tự nhiên và 11.359 người của xã Phú Mỹ.
- Thành lập xã Rạch Chèo trên cơ sở 4.450 ha diện tích tự nhiên và 9.998 người của xã Tân Hưng Tây.
Ngày 24 tháng 10 năm 2024, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1252/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023–2025 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2024). Theo đó, sáp nhập 1,43 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 578 người của xã Nguyễn Việt Khái vào thị trấn Cái Đôi Vàm.
3.3. Kinh tế:
Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng. Từ cơ cấu ngư – nông – lâm nghiệp chiếm 59,51%, công nghiệp – xây dựng 22,88%, dịch vụ 17,61% vào năm 2004, đến năm 2023 cơ cấu ngư – nông – lâm nghiệp chỉ còn 28,66%, công nghiệp – xây dựng tăng lên 38,39% và dịch vụ tăng lên 32,95%. Các mô hình sản xuất có hiệu quả tiếp tục được phát triển và nhân rộng. Các thành phần kinh tế được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.
Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tập trung đầu tư xây dựng. Tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh; ngân sách huyện, ngân sách xã, thị trấn, cùng với thực hiện xã hội hóa huy động các nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm 2004, Phú Tân là huyện vùng xa, giao thông cách trở, chưa có lộ giao thông về Trung tâm huyện, nay đã có lộ nhựa về đến trung tâm huyện và 9/9 xã, thị trấn; giao thông thuỷ được đầu tư khai thác, vừa phục vụ cho vận tải, vừa phục vụ cho thuỷ lợi. Từ chỗ hầu hết các xã, các khóm, ấp chưa có hệ thống giao thông đường bộ, phần lớn phải lưu thông bằng đường thuỷ, đến nay, 67/67 khóm, ấp đã có đường lộ bê tông đến trụ sở văn hóa ấp. Hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn đến ấp, liên ấp phát triển rộng khắp; các địa phương trong huyện xây dựng hơn 1.130 km đường bê tông và hơn 750 cây cầu giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, mua bán, trao đổi, vận chuyển hàng hóa…và giúp học sinh vùng nông thôn đến trường thuận lợi hơn. tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 100%; số phòng học tăng 1,2 lần; số giáo viên tăng 1,4 lần, bình quân 31,11 học sinh/1 phòng học và 18,5 học sinh/1 giáo viên; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tổng số giường bệnh tăng 3,43 lần; số bác sỹ tăng 3,57 lần.
Ngành Tài chính, Ngân hàng có nhiều cố gắng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt dự toán tỉnh giao. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện 918,071 tỷ đồng, năm 2023 thu ngân sách Nhà nước ước đạt 48,5 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so năm 2004. Hệ thống ngân hàng và quỹ tín dụng huy động tốt các nguồn vốn cho vay đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy Đảng, chính quyền xác định là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục và tập trung cao sự lãnh đạo thực hiện. Năm 2020 Nhân dân và Đảng bộ huyện Phú Tân được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và phần thưởng 10 tỷ đồng từ Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015”. Đến nay huyện có 08/08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% với đạt 112/152 tiêu chí nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 14 tiêu chí; Đảng bộ tiếp tục tăng cường chỉ đạo xây dựng xã Phú Thuận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đến nay đạt 12/19 tiêu chí; thị trấn Cái Đôi Vàm đạt chuẩn đô thị văn minh, đến nay đạt 51/52 nội dung và 8/9 tiêu chí. Đảng bộ và Nhân dân huyện Phú Tân quyết tâm để Phú Tân đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong thời gian gần nhất.
THAM KHẢO THÊM: