Nam Trực là một huyện thuộc tỉnh Nam Định, Việt Nam nằm ở phía Đông của tỉnh Nam Định, có sông Hồng và sông Đào chảy qua. Thị trấn Nam Giang là trung tâm chính trị kinh tế văn hóa của huyện, cách thành phố Nam Định 10 km, cách Hà Nội 110 km. Bài viết dưới đây cung cấp: Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Nam Trực (Nam Định).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Nam Trực (Nam Định):
2. Huyện Nam Trực (Nam Định) có bao nhiêu xã phường?
Huyện Nam Trực có 20 đơn vị hành chính cấp phường, xã. Bao gồm 1 thị trấn và 19 xã.
STT | Danh sách các xã phường thuộc huyện Nam Trực (Nam Định) |
1 | Thị trấn Nam Giang |
2 | Xã Nam Mỹ |
3 | Xã Điền Xá |
4 | Xã Nghĩa An |
5 | Xã Nam Thắng |
6 | Xã Nam Toàn |
7 | Xã Hồng Quang |
8 | Xã Tân Thịnh |
9 | Xã Nam Cường |
10 | Xã Nam Hồng |
11 | Xã Nam Hùng |
12 | Xã Nam Hoa |
13 | Xã Nam Dương |
14 | Xã Nam Thanh |
15 | Xã Nam Lợi |
16 | Xã Bình Minh |
17 | Xã Đồng Sơn |
18 | Xã Nam Tiến |
19 | Xã Nam Hải |
20 | Xã Nam Thái |
3. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên huyện Nam Trực:
Vị trí địa lý: Huyện Nam Trực nằm ở phía Đông của tỉnh Nam Định, cách thành phố Nam Định khoảng 10 km về phía Đông, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 110 km, có vị trí địa lý:
- Phía Đông giáp huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình;
- Phía Tây giáp huyện Nghĩa Hưng và huyện Vụ Bản;
- Phía Nam giáp huyện Trực Ninh;
- Phía Bắc giáp thành phố Nam Định.
Điều kiện tự nhiên: Diện tích đất tự nhiên của huyện là 16.171 ha, chiếm 9,79% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, gồm: Đất nông nghiệp 11.579 ha, chiếm 71,61%; đất phi nông nghiệp 4.522 ha, chiếm 27,96% và đất chưa sử dụng 70 ha, chiếm 0,43%.
Địa hình Nam Trực rất thuận lợi cho sự phát triển của ngành nông nghiệp. Phía bắc và phía Nam là vùng trũng, thuận lợi cho việc trồng lúa nước, vùng giữa huyện từ tây sang đông, dọc theo con đường Vàng thuận lợi cho việc phát triển các loại hoa màu và cây công nghiệp. Vùng đồng bãi chạy dọc theo đê sông Đào dài 15 km phía Tây huyện và theo đê sông Hồng 14 km phía Đông huyện thuận lợi cho việc phát triển rau màu và nghề trồng dâu nuôi tằm. Chạy dọc từ bắc xuống nam là sông Châu Thành cùng với các nhánh sông khác, thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển giao thông đường thủy; sông Hồng, sông Đào là nguồn cung cấp nước chính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn huyện.
Từ Bắc xuống Nam huyện có có Quốc lộ 21 dài 13 km ở phía Đông và tỉnh lộ 490C (đường 55 cũ) dài 15,8 km ở phía Tây; từ đông sang tây có 3 tuyến đường giao thông chạy song song từ đường 21 sang đường 490C gồm các tuyến đường: Đường Vàng, đường Trắng, đường Đen, tạo nên hệ thống giao thông thủy bộ liên hoàn rất thuận lợi cho giao lưu và phát triển kinh tế.
Thủy văn: Nam Trực được bao quanh bởi các con sông:
- Phía Đông là sông Hồng, kéo dài từ xã Nam Mỹ đến Nam Thanh, phía bên kia là huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
- Phía Tây là sông Nam Định, kéo dài từ xã Nghĩa An đến xã Đồng Sơn, phía bên kia là huyện Vụ Bản.
- Phía Đông Nam là sông Lữ, kéo dài từ xã Nam Thanh, đến xã Nam Hải.
- Phía Nam là sông Rõng, kéo dài từ cống Ghềnh, xã Nam Hải, đến thôn Trung Thái, xã Nam Thái.
- Chạy dọc giữa huyện là sông Châu Thành dài khoảng 16,5km từ cống Ngô Xá, Nam Mỹ đến cống Ghềnh, Nam Hải.
Khí hậu: Khí hậu huyện Nam Trực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều.
4. Lịch sử hình thành và phát triển huyện Nam Trực:
Thời kỳ trước năm 1945: Thời Bắc thuộc, Nam Trực thuộc huyện Tây Chân, là yết hầu của phủ Thiên Trường. Thời Trần, Nam Trực là vọng gác phía nam của Nam Định. Thời thuộc Minh, là phủ Phụng Hoá. Thời Lê Trung Hưng, do kiêng huý chúa Tây Vương Trịnh Tạc, Tây Chân được đổi thành Nam Chân. Thời Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 14 (năm 1833), Nam Chân được chia thành hai huyện Nam Chân và Chân Ninh, sau đổi thành Nam Trực và Trực Ninh.
Thời kỳ sau năm 1945:
Sau năm 1954, huyện Nam Trực có 32 xã: Bắc Sơn, Nam An, Nam Bình, Nam Chấn, Nam Cường, Nam Điền, Nam Đồng, Nam Dương, Nam Giang, Nam Hải, Nam Hoa, Nam Hồng, Nam Hùng, Nam Lợi, Nam Long, Nam Minh, Nam Mỹ, Nam Nghĩa, Nam Ninh, Nam Phong, Nam Phúc, Nam Quan, Nam Quang, Nam Tân, Nam Thắng, Nam Thịnh, Nam Tiến, Nam Toàn, Nam Trung, Nam Vân, Nam Xá, Thái Sơn.
Ngày 26 tháng 3 năm 1968, hai huyện Nam Trực và Trực Ninh sáp nhập thành huyện Nam Ninh.
Ngày 21 tháng 8 năm 1971, hợp nhất xã Nam Đồng và xã Bắc Sơn thành một xã lấy tên là xã Đồng Sơn.
Ngày 23 tháng 2 năm 1974, sáp nhập thôn Ngưu Trì của xã Nam Hùng vào xã Nam Cường, sáp nhập hai thôn Thọ Trung và Điện An của xã Nam Minh vào xã Nam Hùng, sáp nhập ba thôn Đầm, Vượt, Vọc của xã Nam Bình vào xã Nam Dương, sáp nhập hai thôn Hiệp Luật, Cổ Lung của xã Nam Dương vào xã Nam Bình.
Ngày 23 tháng 2 năm 1977, hợp nhất xã Nam Bình và xã Nam Minh thành một xã lấy tên là xã Bình Minh; cắt thôn Nam Sơn của xã Thái Sơn vào xã Nam Phúc lấy tên xã mới là xã Nam Thái; hợp nhất xã Nam Lợi và xã Nam Quan thành một xã lấy tên là xã Nam Lợi.
Ngày 1 tháng 2 năm 1978, hợp nhất xã Nam Hồng và xã Nam Trung thành một xã lấy tên là xã Nam Hồng; hợp nhất xã Nam Long và xã Nam Ninh thành một xã lấy tên là xã Nam Thanh.
Ngày 27 tháng 3 năm 1978, hợp nhất xã Nam Điền và xã Nam Xá thành một xã lấy tên là xã Điền Xá; hợp nhất xã Nam Chấn và xã Nam Quang thành một xã lấy tên là xã Hồng Quang; hợp nhất xã Nam Tân và xã Nam Thịnh thành một xã lấy tên là xã Tân Thịnh; hợp nhất xã Nam An và xã Nam Nghĩa thành một xã lấy tên là xã Nghĩa An.
Ngày 2 tháng 1 năm 1997, 2 xã Nam Phong và Nam Vân được sáp nhập về thành phố Nam Định.
Ngày 26 tháng 2 năm 1997, thực hiện Nghị định 19/NĐ-CP của Chính phủ, huyện Nam Ninh lại chia thành 2 huyện Nam Trực và Trực Ninh sau 29 năm hợp nhất.
Huyện Nam Trực gồm 20 xã: Bình Minh, Điền Xá, Đồng Sơn, Hồng Quang, Nam Cường, Nam Dương, Nam Giang, Nam Hải, Nam Hoa, Nam Hồng, Nam Hùng, Nam Lợi, Nam Mỹ, Nam Thái, Nam Thắng, Nam Thanh, Nam Tiến, Nam Toàn, Nghĩa An, Tân Thịnh.
Ngày 14 tháng 11 năm 2003, chuyển xã Nam Giang thành thị trấn Nam Giang, thị trấn huyện lỵ huyện Nam Trực.
Huyện Nam Trực có 1 thị trấn và 19 xã như hiện nay.
5. Tình hình phát triển kinh tế huyện Nam Trực:
Nông nghiệp nay vẫn là ngành nghề chính của nhân dân nơi đây. Công nghiệp chưa phát triển, chỉ giới hạn trong một số ngành thủ công nghiệp truyền thống tuy nhiên rất manh mún. Trước thời “đổi mới”, xã Nam Giang tổ chức sản xuất tổng hợp các mặt hàng phụ tùng xe đạp, vật dụng trong nhà bếp, dụng cụ cho nông nghiệp, các sản phẩm từ lò rèn trong một “Hợp tác xã” của 4 hợp tác xã thành viên là “Hợp tác xã Tiền Tiến”. Làng Vân Chàng thuộc xã Nam Giang là một làng nghề truyền thống thợ rèn và có nguồn gốc ông tổ nghề Rèn ở Núi Tiên (rú Tiên).
Từ 2005, xã Nam Giang đã nâng cấp lên thành thị trấn Nam Giang. Tiểu công nghiệp các ngành kim loại phát triển trở thành một địa phương có cơ sở hạn tầng hoàn bị để sản xuất mọi mặt hàng, như kéo, dao, đồ dùng gia dụng, linh kiện xe đạp, xe máy, xe ô tô, các thành phẩm, bán thành phẩm từ lò đúc gang, thép, kim loại màu, và các nhà máy cán thép, kim loại. Thương hiệu từ xưa đã đi vào lòng dân tộc của xã Vân Chàng: Tràng đục chữ “C”, kéo “Sinh Tài”,… Sau này có vành xe đạp “Tiền Tiến”,…
Thời kỳ 2010-2013 nền kinh tế của huyện Nam Trực có bước tăng trưởng khá và luôn giữ ở mức ổn định, cơ cấu kinh tế đang được tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 11-12%/năm. Cơ cấu kinh tế như sau: Nông nghiệp – thủy sản chiếm 21,5 %; Công nghiệp – xây dựng chiếm 56,4% và Ngành dịch vụ chiếm 22,1%.
Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn huyện năm 2017 là 2192,2 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2016, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước 385,1 tỷ đồng, khu vực ngoài Nhà nước 1404,7 tỷ đồng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 402,3 tỷ đồng. Các nguồn lực được huy động để phục vụ cho xây dựng nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của huyện, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Toàn huyện có 384 cơ sở (33 doanh nghiệp, 351 cơ sở cá thể) với 3036 lao động hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2017 là 1323,1 tỷ đồng, tăng 16,3% so với năm 2016.
Làng nghề: Làng Báo Đáp – Hồng Quang – Nam Trực nổi tiếng cả nước với nghề làm đèn ông sao và hoa giấy. Nghề làm Nón lá ở xóm Rục Kiều thôn Cổ Gia – Nam Hùng – Nam Trực. Làng Dệt vải ở thôn Liên Tỉnh – Nam Hồng – Nam Trực,…
THAM KHẢO THÊM: