Huyện Gò Dầu là một huyện nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Tây Ninh, Việt Nam. Đây là một địa phương phát triển năng động với vị trí chiến lược trên hành lang kinh tế TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Campuchia. Bài viết dưới đây về Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Gò Dầu (Tây Ninh) sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về huyện.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Gò Dầu (Tây Ninh):
2. Có bao nhiêu xã, phường thuộc huyện Gò Dầu (Tây Ninh)?
Huyện Gò Dầu có 9 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 1 thị trấn, 8 xã.
Số thứ tự | Danh sách xã, phường |
1 | Thị trấn Gò Dầu (huyện lỵ) |
2 | Xã Bàu Đồn |
3 | Xã Cẩm Giang |
4 | Xã Hiệp Thạnh |
5 | Xã Phước Đông |
6 | Xã Phước Thạnh |
7 | Xã Phước Trạch |
8 | Xã Thạnh Đức |
9 | Xã Thanh Phước |
3. Vị trí địa lý của huyện Gò Dầu (Tây Ninh):
Huyện Gò Dầu nằm ở phía Nam tỉnh Tây Ninh, có địa giới hành chính như sau:
-
Phía Đông và phía nam tiếp giáp với thị xã Trảng Bàng
-
Phía Tây tiếp giáp với huyện Bến Cầu
-
Phía Bắc tiếp giáp với huyện Dương Minh Châu
-
Phía Tây Bắc tiếp giáp với thị xã Hòa Thành và huyện Châu Thành
4. Diện tích, dân số của huyện Gò Dầu (Tây Ninh):
Huyện Gò Dầu có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 260 km² và dân số khoảng 152.757 người (2019), trong đó thành thị có 23.970 người (16%), nông thôn có 128.787 người (84%). Mật độ dân số đạt khoảng 588 người/km².
Mật độ dân số cao nhất tại khu vực thị trấn và các xã ven các khu công nghiệp.
Dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ lớn do sự phát triển công nghiệp. Dân tộc phần lớn là người Kinh, cùng một số ít các dân tộc thiểu số khác. Dân cư ở các khu vực như Phước Đông và Thanh Phước chủ yếu làm việc trong các khu công nghiệp lớn (đặc biệt là KCN Phước Đông – Bời Lời). Người dân tại các xã khác thường làm nông nghiệp hoặc kinh doanh nhỏ lẻ.
Nhiều lao động từ các khu vực khác đến làm việc tại các khu công nghiệp lớn, đặc biệt là lao động từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ.
5. Điều kiện tự nhiên của huyện Gò Dầu (Tây Ninh):
Đặc điểm địa hình:
Nhìn tổng quát, địa hình toàn huyện có hướng nghiêng từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Độ cao trung bình so với mực nước biển trung bình từ 5 đến 10 mét. Vùng gò cao ở khu vực Đông Bắc và thấp dần xuống hướng Tây Nam. Nơi thấp nhất là vùng trũng sông Vàm Cỏ Đông với độ cao chỉ 1 – 5m so với mực nước biển, được phân chia thành các dạng:
Dạng địa hình gò đồi: Dạng gò đồi chiếm gần 2/3 diện tích, thích hợp với các loại cây công nghiệp ngắn ngày, độ dốc 2 – 80. Dạng địa hình này có ở các xã Phước Đông, Bàu Đồn, Thạnh Đức.
Dạng địa hình đồng bằng: Chiếm hơn 1/3 diện tích nằm ven sông Vàm Cỏ Đông và các con rạch, đất phù sa màu mỡ, thích hợp với cây lúa, bao gồm các thềm sông có độ cao từ 5 – 10 m. Địa hình này phân bổ dọc Vàm Cỏ Đông, tập trung ở các xã Thạnh Đức, Phước Trạch, Thanh Phước.
Thống kê diện tích đất theo độ dốc địa hình cho thấy, địa hình có độ dốc thấp hơn 3⁰ (cấp l), rất thuận lợi cho sử dụng đất và sản xuất nông nghiệp chiếm tới 65,48 % diện tích tự nhiên toàn huyện; độ dốc 3 – 8⁰ (cấp II), thuận lợi cho sử dụng đất và sản xuất nông nghiệp chiếm tới 34,52 %.
Nhìn chung, huyện Gò Dầu có nhiều thuận lợi để bố trí các công trình hạ tầng cơ sở, các công trình công nghiệp và các công trình dân dụng, dân sinh khác.
Khí hậu:
Khí hậu mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa, được chia ra làm hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Khí hậu trên địa bàn huyện tương đối ôn hòa cùng với chế độ bức xạ dồi dào, nhiệt độ cao và ổn định, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đa dạng, đặc biệt là các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mặt khác, huyện Gò Dầu ít chịu ảnh hưởng của gió bão và những yếu tố bất lợi khác.
Chế độ bức xạ: Tổng lượng bức xạ dồi dào, trung bình trên 13,6 kcal/cm²/năm và phân bố không đều trong năm. Thời gian có bức xạ cao nhất vào tháng 3 trong năm (16 kcal/cm²/năm) và thấp nhất vào tháng 9 (09 kcal/cm²/năm). Chế độ bức xạ cao và ổn định là một yếu tố khí hậu thuận lợi để phát triển nông nghiệp có năng suất sinh học cao.
Chế độ nhiệt: Có chế độ nhiệt cao và ổn định. Nhiệt độ trung bình 26 – 27⁰C. Chênh lệch nhiệt độ trung bình các tháng trong năm từ 3 – 4⁰C giữa các tháng nóng nhất (tháng 4) và lạnh nhất (tháng 11 đến tháng 1 năm sau), nhưng lại có biên độ nhiệt ngày đêm lại khá cao (từ 8 – 10⁰C vào các tháng mùa khô). Chế độ nhiệt cao, ổn định và biên độ nhiệt lớn là yếu tố thích hợp để phát triển các loại cây công nghiệp và cây có quả như điều, tiêu, cao su,…
Chế độ nắng: Số giờ nắng khá cao, dao động trung bình từ 2.700 – 2.800 giờ/năm. Vào mùa khô, số giờ nắng cao hơn, trung bình 8 – 9 giờ/ngày. Vào mùa mưa, số giờ nắng trung bình từ 6 – 7 giờ nắng/ngày.
Chế độ gió: Có hai loại gió thịnh hành ở huyện Gò Dầu nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng là gió Đông Nam thổi vào mùa khô và gió Tây Nam thổi vào mùa mưa, phù hợp với chế độ trong khu vực. Chế độ gió mùa khô có hướng Bắc – Đông Bắc. Chế độ gió mùa mưa thổi theo hướng Tây – Tây Nam. Tốc độ gió trung bình năm 1,06 m/giây.
Chế độ mưa: Lượng mưa khá lớn, trung bình 1.900 – 2.300 mm, phân bố không đều trong năm. Vào mùa mưa, có tới 110 – 130 ngày có mưa, chiếm khoảng 85 – 90 % tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô lượng mưa thấp nhất vào tháng 1, 2. Chế độ mưa không đều là một trở ngại lớn cho sản xuất và đời sống.
Chế độ ẩm: Độ ẩm không khí tương đối cao, trung bình từ 82 – 83 %, cực đại có thể lên tới 86 – 87 %. Mùa mưa, độ ẩm không khí thường cao hơn mùa khô từ 10 – 20 %.
Bên cạnh những thuận lợi, một số hạn chế chủ yếu của khí hậu ở đây là sự biến động và phân hoá rõ rệt của các yếu tố theo mùa. Sự tương phản giữa mùa khô và mùa mưa, về chế độ mưa, chế độ gió và chế độ ẩm ít nhiều gây cản trở cho phát triển sản xuất và đời sống. Lượng mưa lớn và tập trung mùa mưa xảy ra quá trình xói mòn, rửa trôi mạnh.
Hệ thống thủy văn:
Sông Vàm Cỏ Đông là sông chính chảy qua huyện Gò Dầu, bắt nguồn từ Campuchia, chảy qua địa phận huyện ở khu vực phía Tây giáp huyện Bến Cầu. Đoạn sông chảy qua huyện
dài gần 37 km qua các xã Cẩm Giang, Thạnh Đức, Phước Trạch, Hiệp Thạnh, thị trấn và Thanh Phước. Nước sông Vàm Cỏ Đông chịu ảnh hưởng của thuỷ triều biển Đông, ảnh hưởng mặn đến Gò Dầu (xã Thanh Phước), độ mặn 4 g/lít. Độ mặn này nằm trong giới hạn chịu mặn của cây lúa nước, vì vậy ít ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh trưởng của cây lúa nước. Các lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, rạch Bàu Nâu, rạch Đá Hàng, rạch Nho, suối Cá Nần, suối Bà Tươi,… nhỏ hẹp, vừa là đường thuỷ nối sông lớn với nhiều vùng đất, vừa làm ranh giới tự nhiên cho một số xã trong huyện.
Sông Vàm Cỏ Đông và các chỉ lưu thường xuyên có nước chảy đều đặn, vừa đảm bảo cho thuyền ghe lưu thông được quanh năm, vừa là môi trường tốt cho các loài thuỷ hải sản sinh sống và phát triển. Hệ số uốn khúc 1,78, độ dốc lòng sông 0,4 %, nơi sâu nhất 16 m, nông nhất 8 m, nơi rộng nhất 350 m, hẹp nhất 120 m, lưu lượng nước trung bình khoảng 91,2 m³/s. Đặc trưng chủ yếu của hệ thống sông Vàm Cỏ Đông là thời gian tập trung cường suất lũ chậm, lưu vực tương đối bằng phẳng.
Rạch Cẩm Giang bắt nguồn từ huyện Dương Minh Châu, chảy qua xã Cẩm Giang, đổ ra sông Vàm Cỏ Đông.
Rạch Đá Hàng, rạch Nho chảy theo hướng Đông Tây, qua các xã Bàu Đồn, Phước Đông, Thạnh Đức, Phước Thạnh, thị trấn rồi đổ ra sông Vàm Cỏ Đông.
Ngoài ra, Gò Dầu còn có hệ thống kênh mương khá hoàn chỉnh gồm: kênh TN.1, N.14, N.16, N.18 thuộc hệ thống kênh Đông của công trình thủy lợi lòng hồ Dầu Tiếng, tạo ra một mạng lưới thuỷ văn phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn, có chức năng quan trọng trong điều hoà sinh thái, khai thác thuỷ lợi và thuỷ sản phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là những nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho các vùng dân cư của các xã trên địa bàn toàn huyện.
Nhìn chung, hệ thống sông, kênh, rạch của huyện thuận lợi cho việc phát triển hệ thống giao thông đường thuỷ, thủy lợi và phát triển kinh tế xã hội.
THAM KHẢO THÊM: