Huyện Gia Lộc không chỉ giữ vững vai trò là một trung tâm nông nghiệp của tỉnh mà còn là điểm sáng trong chuyển đổi số, dẫn đầu tỉnh Hải Dương với nhiều tiêu chí đứng thứ nhất trong việc áp dụng công nghệ thông tin. Bài viết dưới đây với chủ đề: Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Gia Lộc (Hải Dương) sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin khái quát về huyện.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Gia Lộc (Hải Dương):
2. Huyện Gia Lộc (Hải Dương) có bao nhiêu xã, phường?
Huyện Gia Lộc có 18 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 1 thị trấn, 17 xã.
STT | Danh sách xã, phường thuộc huyện Gia Lộc (Hải Dương) |
1 | Thị trấn Gia Lộc (huyện lỵ) |
2 | Xã Đoàn Thượng |
3 | Xã Đồng Quang |
4 | Xã Đức Xương |
5 | Xã Gia Khánh |
6 | Xã Gia Lương |
7 | Xã Gia Tân |
8 | Xã Hoàng Diệu |
9 | Xã Hồng Hưng |
10 | Xã Lê Lợi |
11 | Xã Nhật Tân |
12 | Xã Phạm Trấn |
13 | Xã Quang Minh |
14 | Xã Tân Tiến |
15 | Xã Thống Kênh |
16 | Xã Thống Nhất |
17 | Xã Toàn Thắng |
18 | Xã Yết Kiêu |
Đơn vị hành chính cũ hiện không còn tồn tại là:
-
Xã Gia Hoà
-
Xã Phương Hưng
-
Xã Trùng Khánh
3. Giới thiệu khái quát về huyện Gia Lộc (Hải Dương):
Vị trí địa lý:
Gia Lộc là huyện cửa ngõ phía Tây Nam của thành phố Hải Dương. Trung tâm huyện lỵ cách thành phố Hải Dương 10km.
Huyện có vị trí địa lý như sau:
-
Phía Bắc giáp thành phố Hải Dương.
-
Phía Đông giáp huyện Tứ Kỳ.
-
Phía Nam giáp huyện Ninh Giang, Thanh Miện.
-
Phía Tây giáp huyện Bình Giang, Thanh Miện.
Chiều dài của huyện là 15km, chiều ngang ở phía Bắc rộng 10km. Diện tích tự nhiên toàn huyện là 122,15km2, dân số tính đến tháng 4 năm 2006 có 152.989 người.
Địa hình:
Địa hình Gia Lộc là đồng bằng, đất nông nghiệp chiếm 67% diện tích. Về giao thông, đường 17 chạy qua địa phận huyện và đường thủy trên sông Thái Bình. Đây cũng là địa phương có đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi qua.
Đất đai:
Đất đai Gia Lộc có gốc tích sa bồi, do sông Hồng và sông Thái Bình bồi tụ tạo nên. Cốt đất cao, đất đai chủ yếu là đất thịt nhẹ, đất cát pha rất thuận lợi cho việc cấy lúa, gieo trồng rau màu và chăn nuôi. Do đất đai, khí hậu thuận lợi nên tổ tiên của người dân Gia Lộc về đây khai phá biến vùng đất hoang sơ thành ruộng đồng xây dựng nên xóm làng.
Khí hậu:
Gia Lộc nằm ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, khí hậu mang tính chất nhiệt đới, gió mùa, có 2 mùa tương đối rõ rệt: Mùa nóng và mùa lạnh. Mùa nóng bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa lạnh bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23⁰C, lượng mưa trung bình năm từ 1.400-1.600mm. Trước đây, do điều kiện thuỷ lợi chưa phát triển, phần lớn diện tích đất chỉ cấy lúa được một vụ, những năm thời tiết mưa thuận gió hoà, có một số nơi cấy được hai vụ nhưng rất vất vả phải tát nước 2-3 bậc.
Giao thông:
Gia Lộc có nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua. Đường 17A chạy từ Lục Ngạn (Bắc Giang) qua huyện Chí Linh, Nam Sách, thành phố Hải Dương, huyện Gia Lộc về tới thị trấn Ninh Giang. Đoạn qua huyện Gia Lộc dài khoảng 14km (chạy qua các xã Thạch Khôi, Gia Xuyên, Gia Tân, Thị trấn Gia Lộc, xã Hoàng Diêu, Hồng Hưng). Đường 38 (trong kháng chiến chống Pháp là đường 192) được bắt đầu từ ngã 3 thị trấn Gia Lộc đi qua thị trấn Thanh Miện sang tỉnh Hưng Yên, tỉnh Thái Bình. Đoạn qua Gia Lộc dài 11km (chạy qua thị trấn Gia Lộc, các xã Phương Hưng, Toàn Thắng, Đoàn Thượng, Đồng Quang, Đức Xương, Quang Minh). Đường 20 đi từ Kẻ Sặt huyện Bình Giang, qua Thanh Miện tới Ninh Giang, đoạn qua 3 xã Nhật Tân, Quang Minh, Đức Xương dài 8km. Đường 62 m nối quốc lộ 5A đến ngã ba Gia Lộc.
Ngoài ba con đường chính nói trên, Gia Lộc còn một số con đường khác như 39C, 39D, 191D,… và nhiều đường giao thông liên xã, liên thôn nay được mở rộng nâng cấp, đường nhựa, bê tông thuận tiện cho giao lưu hàng hoá và đi lại.
Về đường sông: Gia Lộc có nhiều sông chảy qua. Phía Bắc huyện có sông Kẻ Sặt là đường phân định địa giới tự nhiên giữa Gia Lộc và thành phố Hải Dương, phía Tây và Tây Nam có sông Đĩnh Đào bắt nguồn từ cống Bá Thuỷ chạy từ Tây Bắc xuống Tây Nam và Nam rồi đổ ra sông Thái Bình dài 37km, đoạn chảy qua Gia Lộc dài khoảng 27km. Sông Đồng Tràng bắt nguồn từ sông Cống Câu chảy ra Cống Cầu Xe (Tứ Kỳ). Hệ thống đường sông ở huyện Gia Lộc tương đối lớn, tàu thuyền hàng trăm tấn có thể đi lại dễ dàng. Bên cạnh những con sông lớn, Gia Lộc còn có nhiều sông ngòi, mương lạch nhỏ thuận tiện cho việc tưới, tiêu, canh tác và sinh hoạt của nhân dân.
4. Lịch sử hình thành huyện Gia Lộc (Hải Dương):
Căn cứ vào tài liệu khảo cổ học về mộ thuyền Đông Quan (Tân Hưng) và mộ quách gỗ (Gia Lương) cùng với các loại văn bia, thần phả, tộc phả,… chứng tỏ rằng: Cách đây khoảng 2.000 năm, Gia Lộc đã là nơi cư trú của người Việt.
Huyện Gia Lộc Thời Lý – Trần gọi là Trường Tân (Tràng Tân) thuộc phủ Hạ Hồng, rồi phủ Tân An, đến đời Lê lệ vào phủ Hạ Hồng, thời Gia Long thứ 8 (1809) có tên gọi là huyện Gia Lộc, thuộc phủ Ninh Giang sau đó là huyện Gia Lộc thuộc tỉnh Hải Dương. Toàn huyện lúc này có 9 tổng là: Thạch Khôi, Hội Xuyên, Bao Trung, Lạc Thị, Đoàn Bái, Phương Duy, Thị Đức, Hậu Bổng và Đoàn Lâm gồm 78 xã, thôn.
Sau cách mạng tháng Tám 1945, cấp tổng bị xoá bỏ hình thành cấp xã, mỗi xã bao gồm một số thôn. Gia Lộc có thêm xã Hoàng Diệu và thôn Lũy Dương, Xuân Dương (Xã Gia Lương) do huyện Tứ Kỳ chuyển sang, toàn huyện lúc này có 38 xã gồm 121 thôn.
Trong kháng chiến chống Pháp số xã thôn đều chỉnh lại có 21 xã gồm 114 thôn.
Năm 1956 bốn xã lớn được chia thành 8 xã nhỏ:
- Xã Nghĩa Hưng chia thành Nghĩa Hưng và Phương Hưng.
- Xã Quốc Tuấn chia thành Gia Khánh và Gia Lương.
- Xã Kiên Trung chia thành Gia Tân và Gia Xuyên.
- Xã Yết Kiêu chia thành Yết Kiêu và Gia Hoà.
Toàn huyện lúc này có 25 xã, gồm 126 thôn. Ngày 28-6-1994, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam ra Nghị định số 56/CP về việc thành lập thị trấn Gia Lộc trên cơ sở diện tích, dân số xã Nghĩa Hưng và thôn Phương Điếm (xã Phương Hưng). Như vậy từ năm 1994 đến nay, huyện Gia Lộc có 24 xã, một thị trấn gồm 129 thôn.
Huyện lỵ Gia Lộc xưa đóng ở làng Lạc Thị (xã Lê Lợi), sau chuyển về đóng ở làng Hội Xuyên (xã Nghĩa Hưng).
Ngày 26/1/1968, Uỷ Ban thường vụ Quốc Hội ra Nghị quyết số 504/NQ-TVQH về việc hợp nhất hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên lấy tên là tỉnh Hải Hưng, huyện Gia Lộc thuộc tỉnh Hải Hưng.
Ngày 24/2/1979, Thường trực Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 70/CP về việc hợp nhất hai huyện Gia Lộc và Tứ Kỳ lấy tên là huyện Tứ Lộc, huyện ly được đặt tại lỵ sở Gia Lộc (thuộc địa bàn 2 xã Nghĩa Hưng và Phương Hưng cũ).
Ngày 27/1/1996, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Nghị định số 05/CP về việc tách huyện Tứ Lộc để tái lập hai huyện cũ Gia Lộc và Tứ Kỳ. Ngày 1/3/1996, hai huyện bắt đầu làm việc theo đơn vị hành chính như trước khi hợp nhất. Trụ sở huyện Gia Lộc giữ nguyên vị trí cũ, nay là thị trấn Gia Lộc.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá IX (kỳ họp thứ 10), tháng 11-1996, tỉnh Hải Hưng chia tách để tái lập hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, huyện Gia Lộc thuộc tỉnh Hải Dương.
Ngày 19 tháng 3 năm 2008, các xã Tân Hưng, Thạch Khôi được sáp nhập vào thành phố Hải Dương.
Ngày 16 tháng 10 năm 2019, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2019), theo đó:
-
Chuyển hai xã Gia Xuyên và Liên Hồng về thành phố Hải Dương quản lý.
-
Sáp nhập xã Phương Hưng vào thị trấn Gia Lộc.
-
Sáp nhập các xã Gia Hòa và Trùng Khánh vào xã Yết Kiêu.
Sau khi sắp xếp và điều chỉnh địa giới, huyện Gia Lộc có 1 thị trấn và 17 xã như hiện nay.
THAM KHẢO THÊM: