Huyện Đam Rông là một huyện nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. Đây là huyện vùng sâu, vùng xa và có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhưng sở hữu nhiều tiềm năng phát triển về nông nghiệp và du lịch sinh thái. Xin mời các bạn đọc cùng có thời gian theo dõi bài viết sau về Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Đam Rông (Lâm Đồng).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Đam Rông (Lâm Đồng):
2. Có bao nhiêu xã, phường thuộc huyện Đam Rông (Lâm Đồng)?
Huyện Đam Rông có tất cả 8 xã.
Số thứ tự | Danh sách xã, phường |
1 | Rô Men (huyện lỵ) |
2 | Đạ K’ Nàng |
3 | Đạ Long |
4 | Đạ M’ Rong |
5 | Đạ Rsal |
6 | Đạ Tông |
7 | Liêng Srônh |
8 | Phi Liêng |
3. Giới thiệu khái quát về huyện Đam Rông (Lâm Đồng):
Đam Rông là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam, nằm trên cao nguyên Lâm Viên.
Vị trí địa lý:
-
Phía Đông và Đông Nam giáp huyện Lạc Dương
-
Phía Tây Nam giáp huyện Lâm Hà
-
Phía Tây giáp huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông
-
Phía Bắc và Tây Bắc giáp các huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk
-
Phía Đông Bắc giáp huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk với ranh giới là sông Đạ M’rông (nhánh đầu nguồn của dòng sông Ea Krông Nô)
Diện tích, dân số:
Huyện Đam Rông có tổng diện tích đất tự nhiên là 873,7 km². Dân số vào năm 2019 đạt 54.217 người. Mật độ dân số khoảng 62 người/km².
Lịch sử hình thành:
Ngày 17 tháng 11 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 189/2004/NĐ-CP về việc thành lập huyện Đam Rông trên cơ sở tách 5 xã: Liêng S’Rônh, Đạ Rsal, Phi Liêng, Đạ K’Nàng, Rô Men thuộc huyện Lâm Hà và 3 xã: Đạ M’Rông, Đạ Tông, Đạ Long thuộc huyện Lạc Dương.
Sau khi thành lập, huyện có 89.220 ha diện tích tự nhiên và 30.633 người với 8 xã trực thuộc. Huyện lỵ đặt tại xã Rô Men.
Tiềm năng du lịch:
Đam Rông nằm hướng Tây Bắc tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt 100 km theo hướng quốc lộ 27 đi Đắk Lắk, là huyện nghèo, mới thành lập từ năm 2004 nhưng đã được chính phủ quan tâm đầu tư. Diện mạo huyện đang ngày càng đổi mới, đường giao thông đã được đầu tư thông thoáng nhưng tiềm năng du lịch vẫn còn bỏ ngõ chưa được khai thác hết với nhiều thắng cảnh như:
-
Rừng sinh thái Bằng Lăng: Thôn 1, xã Rô Men.
-
Suối nước mát: Thôn 2, xã Rô Men.
-
Suối nước nóng: Xã Đạ Long.
-
Thác Tình Tang: Thôn Chiêng Cao Cil Múp, xã Đạ Tông.
-
Thác Bảy Tầng: Xã Phi Liêng.
4. Điều kiện tự nhiên của huyện Đam Rông (Lâm Đồng):
Đặc điểm địa hình:
Địa hình của huyện Đam Rông có hướng thấp từ phía Nam và Tây Nam xuống phía Bắc và Đông Bắc, chủ yếu là núi cao đồi thấp và thung lũng, có thể phân thành 03 dạng địa hình:
Địa hình núi cao: Diện tích khoảng 63.400 ha, chiếm 73.4 % diện tích toàn huyện, phân bổ theo hình cánh cung từ phía Nam kéo sang Đông Bắc và Tây Bắc, độ cao phổ biến từ 1000 – 1300m.
Địa hình đồi thấp: Diện tích 18.000 ha, chiếm 20.8 % diện tích toàn huyện, phân bố tập trung ở khu vực giữa và phía Bắc của huyện, độ cao trung bình từ 600 – 700 m.
Địa hình thung lũng: Diện tích 5.000 ha, chiếm 5.8 % diện tích toàn huyện, phân bố tập trung ở khu vực phía Đông Bắc.
Đặc điểm khí hậu:
Thời tiết ở huyện Đam Rông mang đặc trưng của vùng chuyển tiếp từ khí hậu nhiệt đới vùng núi cao mát lạnh quanh năm xuống vùng khí hậu nhiệt đới núi thấp nằm sâu trong nội địa, phân hóa khá rõ thành 2 tiểu vùng:
Tiểu vùng phía Nam: Khí hậu mát và ôn hòa quanh năm, nhiệt độ trung bình từ 20.5⁰C – 21.5⁰C, thích hợp với cây trồng xứ lạnh như cà phê, chè.
Tiểu vùng phía Bắc: Nhiệt độ trung bình khoảng 22⁰C -23°C, thích hợp với các loại cây trồng nhiệt đới.
5. Quy hoạch huyện Đam Rông (Lâm Đồng):
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định số 1929 phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông đến năm 2040. Theo đó, có những nội dung mới đáng chú ý để phát triển địa phương ở vùng cửa ngõ phía Bắc của tỉnh trong tương lai.
Theo quyết định trên, phạm vi lập quy hoạch toàn bộ ranh giới huyện Đam Rông bao gồm 8 xã (Đạ K’nàng, Phi Liêng, Liêng S’rônh, Đạ Rsal, Rô Men, Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long) với tổng diện tích 57.287 ha. Dự báo quy mô dân số đến năm 2025 đạt khoảng 59.400 người, trong đó dân số đô thị khoảng 13.600 người, dân số nông thôn khoảng 45.800 người và đến năm 2040 đạt khoảng 77.100 người.
Đam Rông là vùng cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Lâm Đồng. Việc quy hoạch, xây dựng vùng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả sức lan tỏa của Quốc lộ 27 và các đường tỉnh 722, 722B, 722C, 724, 726, cao tốc CT.26 (Liên Khương – Buôn Ma Thuột), phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cánh nông, du lịch thể thao, thuộc tuyến du lịch phía Tây thành phố Đà Lạt, vùng kinh tế động lực, vùng đệm giữa tiểu vùng và tiểu vùng III của tỉnh Lâm Đồng, tiếp giáp giữa thành phố Đà Lạt với tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Vùng nông nghiệp với định hướng phát triển cây lương thực, dâu tằm, cây ăn quả, cây nông nghiệp, cây dược liệu, bò thịt cao sản, chăn nuôi heo công nghệ cao; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thông minh, chất lượng cao. Phát triển công nghiệp tiêu thụ, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản, công nghiệp khai thác, khoáng sản vật liệu xây dựng.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông nhằm mục tiêu phát triển vùng: Đến năm 2040, ngành nông – lâm – thủy chiếm 34,0%, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 21,2% và dịch vụ chiếm 44,8%. Về đô thị hóa, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 22,9% (gồm 2 đô thị loại V) và đến năm 2040, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40,1% (gồm 3 đô thị loại V).
Về định hướng phát triển không gian vùng huyện Đam Rông được phân thành 3 tiểu vùng: Tiểu vùng I gồm đô thị Bằng Lăng Rô Men), Đạ Rsal và Liêng S’rônh có diện tích 45.037 ha. Đây là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, đô thị – dịch vụ – tiểu thủ công nghiệp – du lịch gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, thông minh; phát triển kinh tế động lực của huyện. Tiểu vùng II gồm xã Đạ K’nàng và Phi Liêng có diện tích khoảng 17.255 ha, trung tâm tiểu vùng là xã Phi Liêng. Tiểu vùng III gồm các xã: Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long có diện tích khoảng 24.965 ha.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông theo định hướng hệ thống các đô thị gồm: Đô thị trung tâm Bằng Lăng (Rô Men), Đô thị Đạ Rsal và Đô thị hỗn hợp (xã Phi Liêng).
Về định hướng phát triển dân cư nông thôn từ nay đến năm 2040, huyện Đam Rông tiếp tục đầu tư nâng cấp, chỉnh sang các điểm dân cư hiện trạng trên địa bàn các xã; chỉnh trang và bổ sung các điểm dân cư theo chương trình sắp xếp, ổn định dân di cư tự do, phát triển mới 5 điểm dân cư nông thôn tại các xã Đạ Tông, Đạ Long, Phi Liêng, Đạ K’nàng, Liêng S’rônh.
Định hướng công nghiệp: Phát triển công nghiệp nhẹ, ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp với công nghệ tiên tiến, chuyên ngành, sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị hàng hóa dựa vào tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ (như: Lúa, rau, củ quả, cà phê, cây ăn trái, dâu tằm, sản phẩm từ lâm nghiệp…), giao thông kết nối liên vùng (như: Tuyến cao tốc Liên Khương – Buôn Ma Thuột, Quốc lộ 27, tỉnh lộ 722, 722B, 722C, 724, 726) và ngành nghề truyền thống. Định hướng phát triển cụm công nghiệp quy mô khoảng 31 ha tại xã Liêng S’rônh.
Trong định hướng phát triển du lịch, huyện quan tâm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, phục hồi sức khỏe, du lịch canh nông, du lịch văn hóa cộng đồng gắn với du lịch vùng cảnh quan sông Krông Nô; các khu, điểm du lịch gắn với hệ sinh thái cảnh quan rừng, hệ thống hồ (như: hồ Đạ Chao, hồ Đắk Mê, hồ Đạ Nòng, hồ Phi Liêng, hồ Lăng Tô Đạ K’nàng,…), hệ thống thác (Bảy Tầng, Tiêng nàng,…), hệ thống suối nước nóng (Đạ Long, Đạ Tông) và các ngành nghề truyền thống.
Về định hướng xây dựng phát triển hạ tầng xã hội và dịch vụ, huyện sẽ nâng cấp, mở rộng các cơ sở giáo dục, y tế; đầu tư các công trình văn hóa – thể dục, thể thao quy mô cấp vùng tại Bằng Lăng, phát triển mạng lưới văn hóa – thể dục, thể thao tại khu đô thị Đạ Rsal và các xã; nâng cấp chợ Đạ Rsal thành chợ đầu mối của huyện, giai đoạn 2021 – 2025 đầu tư mới 1 trung tâm thương mại hạng 2 (tại trung tâm Bằng Lăng), đồng thời xây dựng 8 trung tâm hỗ trợ dịch vụ phát triển kinh tế nông thôn ở 8 xã.
Riêng về định hướng phát triển hệ thống kỹ thuật, có đường cao tốc Liên Khương – Buôn Ma Thuột (CT 26); QL 27, theo tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III miền núi; Đường tỉnh ĐT.722, ĐT.722B, ĐT 722C, ĐT 726, ĐT 724 theo tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV và cấp III miền núi; Đường huyện ĐH 43 (xã Liêng S’rônh), ĐH45 (từ xã Rô Men đi Đạ Rsal), ĐH 46 (xã Phi Liêng), ĐH 47 (xã Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long), tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.
Đường kết nối sản xuất du lịch được quy hoạch tuyến kết nối từ xã Đạ Long đi hồ thủy điện Krông Nô 3, đường kết nối du lịch từ trung tâm đi hồ Bóp La – thác Bảy Tầng (xã Phi Liêng); Nút cao tốc Liên Khương – Buôn Ma Thuột được kết nối với đường kết nối khu đô thị hỗn hợp (xã Phi Liêng), kết nối với tỉnh lộ 722B (phía Đông đô thị Bằng Lăng), kết nối với tỉnh lộ 722C (phía đông đô thị Đạ RSal).
Theo Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông, toàn huyện sẽ được quy hoạch ba bến xe, theo đó đến năm 2040, bến xe tại trung tâm đô thị Bằng Lăng sẽ đạt tiêu chuẩn bến xe loại II; tại đô thị Đạ Rsal, sau năm 2040 khi đô thị Đạ Rsal đạt tiêu chí đô thị loại IV, sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn bến xe loại II và tại xã Đạ Long (đến năm 2040) đạt tiêu chuẩn bến xe loại VI.
THAM KHẢO THÊM: