Huyện Đắk Mil là một trong những địa phương giàu tiềm năng và bản sắc của tỉnh Đắk Nông, Tây Nguyên. Không chỉ nổi bật với khí hậu mát mẻ, đất đỏ bazan trù phú, mà Đắk Mil còn là mảnh đất giao thoa văn hóa - nơi hội tụ của nhiều dân tộc cùng chung sống hòa thuận. Xin mời bạn đọc theo dõi bài viết sau về Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Đắk Mil (Đắk Nông).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Đắk Mil (Đắk Nông):
2. Có bao nhiêu xã phường thuộc huyện Đắk Mil (Đắk Nông)?
Huyện Đắk Mil có 10 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 1 thị trấn, 9 xã.
Số thứ tự | Danh sách xã, phường |
---|---|
1 | Thị trấn Đắk Mil (huyện lỵ) |
2 | Xã Đắk Gằn |
3 | Xã Đắk Lao |
4 | Xã Đắk N’Drót |
5 | Xã Đắk R’La |
6 | Xã Đắk Sắk |
7 | Xã Đức Mạnh |
8 | Xã Đức Minh |
9 | Xã Long Sơn |
10 | Xã Thuận An |
3. Thông tin khái quát về huyện Đắk Mil (Đắk Nông):
* Vị trí địa lý:
Huyện Đắk Mil nằm ở phía Bắc tỉnh Đắk Nông, có vị trí địa lý như sau:
-
Phía Đông tiếp giáp với huyện Krông Nô
-
Phía Tây tiếp giáp với Campuchia
-
Phía Nam tiếp giáp với huyện Đắk Song
-
Phía Bắc tiếp giáp với huyện Cư Jút
* Diện tích, dân số:
Huyện Đắk Mil có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 679,02 km² và dân số khoảng 100.702 người (2020), mật độ dân số đạt khoảng 148 người/km².
* Địa hình:
Địa hình huyện Đắk Mil khá đa dạng với sự phân hóa rõ rệt giữa các khu vực.
Phía bắc của huyện Đắk Mil là các đồi núi đồ sộ, phủ đầy rừng cây gỗ quý. Các sông suối chảy qua khu vực này tạo thành những thác nước và hồ nước đẹp mắt. Đồng bằng nằm ở phía Nam huyện, có đất đai phù sa màu mỡ, thích hợp cho các hoạt động nông nghiệp và chăn nuôi.
Với địa hình đa dạng như vậy, huyện Đắk Mil có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là du lịch khám phá thiên nhiên và văn hóa địa phương.
* Kinh tế:
Nền kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp, sản phẩm chính là cà phê, cao su và lúa mì. Bên cạnh đó, huyện Đắk Mil cũng có một số ngành công nghiệp như chế biến gỗ, sản xuất bao bì, sản xuất vật liệu xây dựng và dịch vụ du lịch.
Tuy nhiên, kinh tế của huyện Đắk Mil vẫn đang gặp nhiều khó khăn, do địa hình hiểm trở, vùng đất nông nghiệp chưa được phát triển đầy đủ và hạ tầng kinh tế còn hạn chế. Nhiều hộ dân ở huyện Đắk Mil vẫn đang phải đối mặt với khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống hàng ngày. Chính quyền địa phương đang nỗ lực để nâng cao nền kinh tế của huyện Đắk Mil thông qua các chương trình phát triển nông thôn, hỗ trợ các doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch.
* Giao thông:
Về giao thông, qua địa bàn huyện có đường Quốc lộ 14, Quốc lộ 14C, Tỉnh lộ 683 là các trung giao thông xương sống kết nối liên vùng thúc đẩy giao thương. Đắk Mil cũng là huyện có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia.
Quốc lộ 14 dài 980 km, là con đường giao thông huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với nhau và nối Tây Nguyên với Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Qua 8 tỉnh, QL14 đã đi qua gần như hết tất cả các tỉnh thuộc Tây Nguyên (với 4 tỉnh), trừ Lâm Đồng.
* Tiềm năng phát triển du lịch:
Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên phong phú, di sản địa chất quý giá và nền văn hóa đa dạng, Đắk Mil không chỉ là điểm dừng chân trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông mà còn hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Đắk Mil – vùng đất phía Bắc tỉnh Đắk Nông không chỉ nổi tiếng với cà phê thơm ngon mà còn sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Đắk Mil có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nền văn hóa đa dạng.
Hồ Tây Đắk Mil là một điểm nhấn quan trọng với mặt nước trong xanh, bao quanh là những rặng cây xanh mát, tạo nên không gian thư giãn lý tưởng. Đây là địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các hoạt động thể thao dưới nước.
Hiện huyện có 4 điểm du lịch homestay, điểm du lịch sinh thái Đắk Ken (xã Đắk Lao) do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành khai thác, mang lại nhiều lựa chọn nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên.
Là một trong các huyện, thành phố thuộc Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông, Đắk Mil sở hữu nhiều danh thắng, di sản địa chất có giá trị nghiên cứu khoa học và du lịch.
Toàn huyện có 7 điểm dừng chân thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, gồm:
-
Vườn xoài Đắk Mil (điểm số 19)
-
Điểm dừng chân quan sát bề mặt san bằng tại cây xăng Phúc Lâm xã Đắk Gằn huyện Đắk Mil (điểm số 20)
-
Rừng cao su (điểm số 21) xã Đắk R’la: điểm dừng chân Đồi Chiến thắng 722
-
Xã Đắk Sắk (điểm số 23)
-
Điểm dừng chân tại hoa viên Hồ Tây thị trấn Đắk Mil (điểm số 24)
-
Điểm dừng chân Nhà Ngục Đắk Mil xã Đắk Lao (điểm số 25)
-
Núi lửa Nâm Gle, xã Thuận An (điểm số 26)
Những điểm di sản này không chỉ là nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử – địa chất của vùng đất mà còn tạo nên những cung đường khám phá độc đáo, giúp du khách có trải nghiệm vừa khám phá thiên nhiên, vừa tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương.
* Lịch sử hình thành:
Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, địa bàn huyện Đắk Mil hiện nay thuộc quận Đức Lập, tỉnh Quảng Đức.
Sau năm 1975, khi tỉnh Quảng Đức bị giải thể và địa bàn sáp nhập vào tỉnh Đắk Lắk, thì lúc này, chính quyền chuyển đổi quận Đức Lập thành huyện Đắk Mil, gồm 6 xã: Đắk Gằn, Đắk Lao, Đức Mạnh, Đức Minh, Nam Nung và Thuận An.
Ngày 20 tháng 4 năm 1978, thành lập xã Nam Đà ở vùng kinh tế mới.
Ngày 17 tháng 1 năm 1984, Hội đồng bộ trưởng ban hành Quyết định 13-HĐBT. Theo đó:
-
Chia xã Đức Minh thành 3 xã: Đức Minh, Đắk Sắk và Đắk Môl
-
Chia xã Nam Nung thành 2 xã: Nam Nung và Đắk Rồ
Ngày 9 tháng 11 năm 1987, tách 3 xã: Đắk Rồ, Nam Đà và Nam Nung để thành lập huyện Krông Nô.
Ngày 19 tháng 9 năm 1989, thành lập thị trấn Đắk Mil và xã Thuận Hạnh.
Ngày 19 tháng 6 năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 227-HĐBT. Theo đó, điều chỉnh 35.100 ha diện tích tự nhiên (toàn bộ là đất lâm nghiệp) của xã Đắk Lao về huyện Cư Jút mới thành lập.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Đắk Mil còn lại 105.600 ha diện tích tự nhiên và 38.000 người với 9 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Đắk Mil (huyện lỵ) và 8 xã: Đắk Gằn, Đắk Lao, Đắk Môl, Đắk Sắk, Đức Minh, Đức Mạnh, Thuận An, Thuận Hạnh.
Ngày 24 tháng 3 năm 1998, Chính phủ ban hành Nghị định 18/1998/NĐ-CP. Theo đó:
-
Thành lập xã Đắk Song trên cơ sở 11.745 ha diện tích tự nhiên và 2.936 người của xã Thuận Hạnh
-
Thành lập xã Đắk R’la trên cơ sở 10.204 ha diện tích tự nhiên và 4.143 người của xã Đắk Gằn
Ngày 21 tháng 6 năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2001/NĐ-CP. Theo đó, điều chỉnh toàn bộ diện tích và dân số của 3 xã: Đắk Môl, Đắk Song và Thuận Hạnh về huyện Đắk Song mới thành lập.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Đắk Mil còn lại 68.352 ha diện tích tự nhiên và 64.560 người với 8 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Đắk Mil và 7 xã: Đắk Gằn, Đắk Lao, Đắk R’la, Đắk Sắk, Đức Mạnh, Đức Minh, Thuận An.
Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia tách tỉnh Đắk Lắk thành 2 tỉnh: Đắk Lắk và Đắk Nông, huyện Đắk Mil thuộc tỉnh Đắk Nông.
Ngày 6 tháng 6 năm 2005, thành lập xã Đắk N’Drót trên cơ sở 3.320 ha diện tích tự nhiên và 234 người của xã Đức Mạnh, 1.428 ha diện tích tự nhiên và 3.207 người của xã Đắk R’La.
Ngày 22 tháng 11 năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 142/2006/NĐ-CP. Theo đó:
-
Thành lập xã Long Sơn trên cơ sở điều chỉnh 3.058 ha diện tích tự nhiên và 2.198 người của xã Đắk Sắk
-
Điều chỉnh 229 ha diện tích tự nhiên và 801 nhân khẩu của xã Đức Minh về xã Đắk Sắk quản lý
Huyện Đắk Mil có 68.270 ha diện tích tự nhiên và 80.683 nhân khẩu với 10 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm thị trấn Đắk Mil và 9 xã: Đắk Sắk, Đức Minh, Long Sơn, Đắk Lao, Đắk R’La, Đức Mạnh, Đắk N’Drót, Đắk Gằn, Thuận An.
Ngày 25 tháng 12 năm 2014, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 1534/QĐ-BXD về việc công nhận thị trấn Đắk Mil là đô thị loại IV.
Ngày 1 tháng 2 năm 2021, điều chỉnh một phần diện tích của xã Đắk R’la về xã Cư Knia, huyện Cư Jút quản lý.
4. Quy hoạch sử dụng đất đến 2030 của huyện Đắk Mil (Đắk Nông):
Ngày 09/12/2022, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 2072/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, huyện Đắk Mil.
Theo quyết định, chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Đắk Mil được xác định với các loại đất như sau:
-
Diện tích đất nông nghiệp: 62.142,56 ha
-
Diện tích đất phi nông nghiệp: 5.738,97 ha
-
Đất chưa sử dụng: 20,16 ha
Diện tích các loại đất cần chuyển mục đích trong kỳ quy hoạch 2021- 2030:
-
Đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp: 2.137,34 ha
-
Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp: 1.288,81 ha
-
Đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở: 9,16 ha
Vị trí và diện tích các khu vực chuyển mục đích sử dụng và đưa vào sử dụng được xác định theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến 2030, báo cáo thuyết minh quy hoạch sử dụng đất đến 2030, huyện Đắk Mil.
Ngoài ra, trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông có một phần diện tích được quy hoạch thị trấn Đắk Mil đến 2030.
Thị trấn Đắk Mil là một trong 10 đơn vị hành chính trực thuộc huyện Đắk Mil. Do đó, quy hoạch giao thông, sử dụng đất thị trấn Đắk Mil cũng được xác định theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Đắk Mil.
Phương án quy hoạch sử dụng đất huyện Đắk Mil được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện giao đất, cho thuê đất và đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.
THAM KHẢO THÊM: