Châu Phú là huyện có vị trí thuận lợi, cách thành phố Long Xuyên 35 km về phía Bắc và cách thành phố Châu Đốc 20 km về phía Nam. Hiện nay, có dự thảo của Nhà nước sẽ tiến hành nâng huyện Châu Phú lên thành thị xã Châu Phú trước năm 2030. Để tìm hiểu thêm về huyện Châu Phú, mời bạn đọc tham khảo bài viết Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Châu Phú (An Giang).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Châu Phú (An Giang):
2. Danh sách xã, phường huyện Châu Phú (An Giang):
Huyện Châu Phú có 13 đơn vị hành chính cấp phường xã, bao gồm 2 thị trấn và 11 xã. Danh sách cụ thể được liệt kê tại bảng dưới đây:
STT | Danh sách xã phường thuộc huyện Châu Phú |
1 | Thị trấn Cái Dầu (huyện lị) |
2 | Thị trấn Vĩnh Thạnh |
3 | Xã Bình Chánh |
4 | Xã Bình Long |
5 | Xã Bình Mỹ |
6 | Xã Bình Phú |
7 | Xã Bình Thủy |
8 | Xã Đào Hữu Cảnh |
9 | Xã Khánh Hòa |
10 | Xã Mỹ Đức |
11 | Xã Mỹ Phú |
12 | Xã Ô Long Vỹ |
13 | Xã Thạnh Mỹ Tây |
3. Giới thiệu huyện Châu Phú (An Giang):
3.1. Vị trí địa lý:
Huyện Châu Phú nằm ở khu vực trung tâm của tỉnh An Giang, có vị trí địa lý:
- Phía đông giáp huyện Phú Tân và huyện Chợ Mới
- Phía tây giáp thị xã Tịnh Biên
- Phía nam giáp huyện Châu Thành
- Phía bắc giáp thành phố Châu Đốc.
Huyện lỵ của huyện là thị trấn Cái Dầu, cách thành phố Long Xuyên 33 km về phía bắc và cách thành phố Châu Đốc 22 km về phía nam. Huyện có diện tích tự nhiên 425,7 km², trên địa bàn huyện có nhiều kinh rạch dẫn nước vào đồng như: rạch Thầy Phó, rạch Hóa Cù, kinh xáng Cây Dương (Bình Mỹ), rạch Phù Dật, rạch Voi (Cái Dầu), kinh xáng Vịnh Tre (Vĩnh Thạnh Trung), kinh Cần Thảo, kinh Đào (Mỹ Đức)…
3.2. Kinh tế:
Giai đoạn từ năm 2000 đến nay, hầu hết nông dân đã đưa các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa trong nông nghiệp được sử dụng triệt để như: máy cày, máy xới, máy suốt, xe vận chuyển, lò sấy lúa và hiện tại cơ giới hóa công nghệ cao được ứng dụng trong nông nghiệp như: máy gặt đập liên hợp, máy bay sạ giống, phun thuốc và bón phân.
Đến cuối năm 2023, tổng giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 9.016 tỷ đồng; sản lượng lương thực đạt 570 ngàn tấn; giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt 216 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người 70 triệu đồng/năm; hệ thống giao thông đường, cầu, cống xây dựng hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu đi lại thông suốt; mạng lưới chợ phủ khắp địa bàn, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa; cơ sở giáo dục từ trường mẫu giáo đến trường trung học phổ thông được xây dựng mới đạt tiêu chí giáo dục; cơ sở khám, điều trị bệnh được xây dựng đạt tiêu chuẩn y tế phủ khắp địa bàn; trụ sở làm việc từ huyện đến cơ sở được xây dựng mới khang trang với trang thiết bị vi tính hiện đại, phục vụ tốt cho Nhân dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đạt 0,5%, giải quyết việc làm cho 4.326 người, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,9%, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 93%, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 94%; duy trì được 2 thị trấn văn minh, 7 xã nông thôn mới và 01 xã nông thôn mới nâng cao.
Những kết quả đạt được nêu trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh. Đồng thời Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận ủng hộ của Nhân dân, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã phát huy nội lực, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hoàn thành thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ huyện.
3.3. Văn hóa:
Trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đảng bộ, Nhân dân Châu Phú đã đấu tranh quyết liệt với kẻ thù; trong hòa bình Đảng bộ, Nhân dân Châu Phú quyết tâm xây dựng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đã và đang chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng vùng đất Châu Phú ngày càng giàu đẹp văn minh, rất xứng đáng được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Châu Phú vào ngày 28/5/2010 và phong tặng cho 4 xã danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”: xã Mỹ Đức (ngày 29/01/1996), xã Khánh Hòa (ngày 28/5/2010), xã Thạnh Mỹ Tây (ngày 28/5/2010) và xã Bình Mỹ (ngày 28/5/2010); truy tặng, phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng cho 44 bà mẹ; phong tặng, truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho 3 đồng chí Trương Khánh Châu – Trung tướng, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng không quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng giám đốc Trung tâm khoa học kỹ thuật công nghệ quân sự Bộ Quốc phòng; đồng chí Đào Hữu Cảnh – nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện; đồng chí Lê Văn Cường – nguyên Chỉ Huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện.
Tự hào với những thành tích nói trên cho chúng ta thấy Châu Phú là một vùng đất thiêng, đã hun đúc tạo nên những con người anh hùng từ thời khai hoang mở đất, từ trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc và cho đến ngày nay trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phát triển quê hương. Qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hiện tại và tương lai nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tuyệt đối tin tưởng vào đường lối của Đảng, chấp hành pháp luật Nhà nước, tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Châu Phú ngày càng giàu đẹp, văn minh, thịnh vượng.
Hiện tại, Châu Phú có 50 cơ sở thờ tự. Trong đó, có 10 ngôi chùa, như: Long Khánh, Châu Khánh, Phật Ân, Đức Lâm, Long Thới, Phước Ân, Phú Đà Châu, Bình Phước, Kỳ Lâm và Tịnh xá An lạc; có 07 ngôi đình thần bao gồm: đình Mỹ Đức, Khánh Hòa, Bình Long, Bình Mỹ, Bình Thủy, Vĩnh Thạnh Trung và đình Bình An – Thạnh Lợi. Ngoài ra, còn có đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành, Cốc Đạo Cậy, Nhà thờ Cái Dầu, Thánh thất Cao Đài, Thánh đường Hồi Giáo, chùa Phật giáo Hòa Hảo, chùa Tứ ân Hiếu Nghĩa và nhiều Dinh, Miếu. Hầu hết các di tích lịch sử Đình, Đền, Dinh, Miếu trên địa bàn huyện Châu Phú thờ nhân thần vì nơi đây là vùng đất gắn liền với các sự kiện lịch sử – văn hóa một thời đi khai hoang mở cõi và chống giặc ngoại xâm. Các di tích ở Châu Phú là biểu tượng cho cộng đồng làng xã Việt Nam, ẩn chứa trong đó những cốt cách, phẩm chất tâm hồn của người dân đất Việt.
Từ lâu trong tâm thức của người dân Châu Phú các di tích lịch sử – văn hoá chính là một phần tâm hồn, nét đẹp văn hoá đặc sắc của quê hương. Do vậy, nơi đây đã lưu giữ được nhiều di tích lịch sử cách mạng, văn hoá, kiến trúc. Trong đó, có 2 cơ sở được Nhà nước công nhận di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cấp quốc gia là: Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành và đình Bình Mỹ; có 5 cơ sở được công nhận di tích lịch sử cách mạng, văn hóa cấp tỉnh là: Cốc Đạo Cậy, chùa Long Khánh, đình Mỹ Đức, đình Bình Long và đình Bình Thủy. Những cơ sở văn hóa tâm linh đó đã hun đúc tinh thần dân tộc Việt Nam cho cư dân Châu Phú, truyền thống yêu nước nồng nàn, đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, qua hơn bốn nghìn năm dâng hiến. “Đình và Chùa” để tụ họp sau mùa vụ, ngày lễ, ngày tết, ngày hội dần dần hình thành nếp sống văn hóa tâm linh, đời sống văn hóa tinh thần mỗi khi tiếng chuông chùa vang lên ngân nga mỗi lúc chiều tà làm cho họ vơi nỗi cực khổ, mong được bình yên, an lạc và ngôi đình là nơi tôn thờ thành hoàng bổn cảnh, che chở, phù hộ cho họ được an cư, lạc nghiệp.
THAM KHẢO THÊM: