Từ lâu ngày lễ Vu Lan đã trở thành một ngày lễ quan trọng với hàng triệu người con đất Việt. Cho dù ở bất cứ nơi đâu những cứ đến ngày lễ Vu Lan, mọi cảm xúc lại đưa ta trở lại với vòng tay của cha mẹ. Để hiểu rõ hơn về ngày lễ này, mời các bạn tham khảo bài viết Bài viết về ngày Vu Lan báo hiếu ý nghĩa và cảm động dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Bài viết về ngày Vu Lan báo hiếu ý nghĩa và cảm động:
Lễ hội Vu lan xuất phát từ sự tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn. Theo kinh Vu Lan Bồn, Lễ Vu Lan phát xuất từ thời Đức Phật; Ngài đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục Kiền Liên – một trong 10 vị đệ tử xuất chúng của Đức Phật.
Đối với Phật giáo, trong dịp lễ Vu lan, phật tử thường cầu siêu cho người đã khuất, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng… Ngày nay, Đại lễ Vu Lan đã được hiểu với ý nghĩa rộng hơn: Kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người tri ân, đền ơn bốn nguồn ân đức, đó là: Tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành; thầy cô giáo những người dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho con người; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho toàn đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người.
Cha Mẹ là đại dương vô tận
Con chỉ là con sóng nhỏ lăn tăn
Mẹ sống cả bạc đầu dang đôi cánh
Lúc giông về Cha ấp ủ cho con .
Người ta thường nói trong cuộc sống không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn Cha Mẹ và không bất hạnh nào lớn hơn của kẻ mồ côi. Điều này dành cho những ai mồ côi Cha Mẹ từ thuở nhỏ đã trải qua mới thấy thấm thía, không có Mẹ bên cạnh ai lo bú mớm tắm rửa ẵm bồng chăm sóc chúng ta? Không có Cha bên cạnh ai lo tảo tần làm việc kiếm tiền nuôi nấng dạy dỗ chúng ta?
Cha giành hết mọi đắng cay
Cho con vị ngọt những ngày ấu thơ
Mẹ giành đỉnh núi mây mờ
Cho con đường rộng bây giờ con đi .
Lúc còn nhỏ chúng ta cần Cha Mẹ mỗi phút mỗi giây ngay lúc khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau. Khi lớn lên chúng ta ra xã hội chạy đua theo đời mê say sự nghiệp bận lo lắng cho hạnh phúc lứa đôi hay bận lo chăm sóc con cái của riêng mình quên bẵng đi Cha Mẹ vì bận rộn nên chúng ta không cảm nhận rõ sự cần thiết của Cha Mẹ bên cạnh chúng ta chỉ khi nào gặp cảnh ngộ không may, làm ăn thất bại, vợ chồng bỏ nhau, con cái hư hỏng khi tám ngọn gió đời quật chúng ta nghiệt ngã, vùi dập chúng ta đến mất niềm tin ở những người xung quanh. Lúc đó chúng ta mới chợt tỉnh ra rằng mình còn Cha Mẹ nhưng Cha Mẹ là chiếc nôi ấm áp cho chúng ta quay về nương tựa Cha Mẹ đón nhận chúng ta vô điều kiện dù chúng ta thành công hay thất bại hạnh phúc hay đau khổ. Ân sủng thiêng liêng ấy là tình cảm cho đi bao la bất tận mà ta có thể tìm được nơi đâu ngoài Cha Mẹ của chúng ta!
2. Bài viết về ngày Vu Lan báo hiếu ý nghĩa và cảm động hay nhất:
Cha mẹ là người đã đem chúng ta đến cuộc đời và dành cả cuộc đời để chăm sóc, dạy dỗ, và ủng hộ chúng ta. Cha mẹ luôn mong cho con cái mình có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc, hy sinh vô điều kiện để dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Dù có khó khăn hay thăng trầm trong cuộc sống, cha mẹ luôn là nguồn động viên vô giá đối với con cái.
Ngày lễ Vu Lan chính là là dịp để chúng ta nhìn lại những lúc đã làm tổn thương, gây khó khăn, hoặc chưa đủ thấu hiểu cha mẹ. Đây là cơ hội để chúng ta có thể hiện lòng biết ơn và tình yêu sâu sắc hơn đến cha mẹ.
“Vu lan về con cài lên ngực
Bông hồng vàng báo hiếu mẹ cha
Tháng bảy mưa ngâu hay nước mắt nhạt nhòa
Của những đứa con nhớ về cha mẹ
Một nén hương thơm nồng nàn lặng lẽ
Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương
Dù bao năm dù có hóa vô thường
Công sinh dưỡng vẫn là công ơn lớn nhất
Cả cuộc đời mẹ cha tất bật
Cho chúng con lẽ sống tình yêu
Đại dương bao la đâu đã là nhiều
Với chúng con mẹ cha là tất cả
Có đôi lúc
Mải mê quay với dòng đời ồn ã
Những đô hội thị thành
Những phương trời xa lạ
Chợt giật mình tỉnh giấc nhớ mẹ cha”
Bố mẹ kính yêu của con!
Trong văn hóa Phật giáo ở Việt Nam, hoa hồng thường được sử dụng làm biểu tượng của lòng biết ơn, sự tri ân và tôn kính đối với cha mẹ. Đặc biệt, vào ngày Vu Lan, những ai còn có cha mẹ thường đeo một đóa hoa hồng đỏ thắm trên ngực, trong khi những người đã mất cha mẹ sẽ đeo hoa màu trắng. Đây là cách thể hiện lòng nhớ nhung và tình cảm sâu đậm mà con cái dành cho cha mẹ của mình.
Ngày lễ Vu Lan chính là ngày mà Phật tử trên khắp mọi miền Tổ quốc, ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới bày tỏ tấm lòng hiếu đạo với ông bà, tổ tiên, cha mẹ. Dù là một đứa trẻ nhỏ tuổi hay một người đã khôn lớn, trưởng thành thì cũng phải luôn ghi nhớ công ơn dưỡng dục to lớn của cha mẹ. Đây là truyền thống đạo hiếu được lưu truyền từ ngàn đời nay, từ thế hệ này đến thế hệ khác và là nét đẹp trong văn hóa dân tộc. Đặc biệt, trong những năm tháng gần đây, đạo Phật được phát triển thì tinh thần ngày Vu Lan cũng được lan tỏa mạnh mẽ.
Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tiên tổ. Tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.
Lễ Vu Lan chính là dịp để con cháu trong gia đình thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo, đền đáp lại công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà và thể hiện lòng thành với tổ tiên. Đây là ngày lễ đặc biệt, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Báo hiếu ở đây là đối với cha mẹ, người đã sinh và nuôi dưỡng chúng ta không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác. Tín ngưỡng Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng báo luân hồi. Điều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng vòng báo hiếu ra tất cả chúng sinh. “Phổ độ chúng sinh”, “cứu nhân độ thế”, “xá tội vong nhân”.
Lễ Vu Lan cũng kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người đền ơn 4 nguồn ân đức gồm tri ân, đền ơn cha mẹ đã sinh thành; tri ân những người thầy cô đã dạy dỗ, truyền đạt kiến thức; tri ân các bậc tiền bối đã hi sinh xây dựng đất nước mang lại cuộc sống ấm no, chủ quyền cho dân tộc và cuối cùng là tri ân chính đồng loại. Bông hồng cài trên ngực áo vào ngày lễ Vu Lan thể hiện những tình cảm tốt đẹp, thiêng liêng, cao quý nhất, khiến cho mỗi người may mắn còn cha mẹ sẽ càng thêm yêu mến, kính trọng cha mẹ mình.
3. Bài viết về ngày Vu Lan báo hiếu ý nghĩa và cảm động ấn tượng:
Nhân ngày lễ Vu Lan, nhiều người trong chúng ta thường có những cảm xúc đặc biệt và ý nghĩa về cha mẹ. Đây là dịp để tưởng nhớ và tri ân đến công ơn sinh thành, dưỡng dục và bảo ban của cha mẹ đã vất vả hy sinh 1 đời cho con cái.
“Hạnh phúc khi được cài bông hồng đỏ thắm”
Trong tim mỗi người, mẹ luôn là hình ảnh cao đẹp nhất. Mẹ là quê hương, là bóng mát, là hi sinh, là chở che, mẹ là tất cả, suốt cuộc đời chỉ sống vì con. Những tháng ngày mang nặng đẻ đau, trải qua biết bao nhọc nhằn vất vả chưa một lần kể than. Mẹ – Người phụ nữ mạnh mẽ nhất của cuộc đời con, phong ba bão táp ngoài kia sao có thể làm Người gục ngã. Người có thể làm tất cả mọi thứ chỉ mong cho con có được cuộc sống ấm êm và nụ cười hạnh phúc.
Lúc nhỏ sống trong vòng tay chở che của cha mẹ con nào biết trân quý, cứ nghĩ rằng đó là bổn phận, là trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ mà quên đi ơn nghĩa sâu dày. Đến khi trưởng thành, con mãi chạy theo những thú vui ngoài kia, con ích kỷ chỉ biết sống cho bản thân mình mà quên đi cha mẹ đã già yếu. Những lúc con bướng bỉnh, không ngoan thì cha mẹ cũng chỉ mỉm cười, nhưng mấy ai biết phía sau nụ cười ấy là những giọt nước mắt xót xa. Mẹ cùng con bước qua bao vui buồn của cuộc sống, cha dìu con qua những khó khăn của cuộc đời. Mẹ xót xa mỗi khi con mình vấp ngã, cha mừng khi thấy con mình đã vững bước trên đường đời lắm phong ba.
Trong mắt mẹ cha, con mãi là đứa bé ngây ngô như những ngày thơ dại, dù rằng con có là ai, trưởng thành đến đâu đi chăng nữa thì với mẹ con vẫn mãi là như thế, vẫn luôn cần sự che chở bảo bọc của gia đình. Người ta vẫn hay nói: “Trái tim người mẹ là vực sâu muôn trượng mà ở đáy ta sẽ tìm được lòng yêu thương và sự tha thứ vô bờ”, thế đấy, cả đời cha mẹ chỉ biết sống vì con cái. Hãy yêu thương họ khi họ vẫn còn đang hiện hữu vì khi mất đi rồi ta biết tìm kiếm nơi đâu. Có thể mua được tất cả nhưng hỡi ơi, sao có thể mua được tấm lòng mẹ cha.
Hạnh phúc cho những ai đang còn cha còn mẹ, còn được cài lên ngực áo mình hoa hồng đỏ thắm. Mỗi chúng ta hãy làm tròn bổn phận chữ hiếu của đạo làm con, để mai kia cha mẹ đi rồi cũng không phải hối tiếc muộn màng.
THAM KHẢO THÊM: