Bài văn tả cảnh đẹp ở quê hương em ngắn gọn và hay nhất

Dàn ý cho bài văn tả cảnh đẹp ở quê hương em ngắn gọn? Tả cánh đồng lúa? Tả con sông quê hương? Tả cảnh hoàng hôn? Tả cảnh hồ nước?

Quê hương nơi chôn rau cắt rôn, nơi ghi dấu bao kỉ niệm của tuổi thơ, chắp cánh ước mơ cho ta khôn lớn. Đây là đề tài lớn, là cảm hứng của bao nhiêu thi sĩ và đây cũng là một trong những dạng bài thường gặp trong đề thi.Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số bài văn tả cảnh đẹp của quê hương.

1. Dàn ý cho bài văn tả cảnh đẹp ở quê hương em ngắn gọn:

1.1. Mở bài: 

Giới thiệu về quê hương, chi tiết về khung cảnh mà em muốn kể.

1.2. Thân bài: 

Tả bao quát:  Những nét khái quát những về cảnh vật mà em hướng tới Tả chi tiết: Đi sâu vào miêu tả chi tiết thời gian, không gian, những yếu tố đặc trưng của cảnh vật đó.

1.3. Kết bài: 

Khái quát lại cảm nghĩ của em về cảnh vật đó.

2. Tả cánh đồng lúa:

Đối với mỗi đứa trẻ chúng em, quê hương chính là nơi gắn bó nhất. Từng con đường, căn nhà hay góc làng đều đầy ắp những kỉ niệm. Nhưng cánh đồng mới là nơi em cảm thấy yêu thích nhất. Những ngày hè được về quê thăm ông bà ngoại. Em thường dậy rất sớm và cùng ông ngoại đi dạo trên con đường ven cánh đồng. Khi ấy, ánh mặt trời của ngày mới chỉ vừa bắt đầu ló rạng nhưng cũng đủ khiến mọi vật dường như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Ánh nắng ấm áp làm tan những giọt sương sớm còn đọng trên những chiếc lá. Những ruộng lúa xanh mướt trải dài mênh mông. Gió từ xa thổi vào khiến cho những hàng lúa đung đưa như nhảy múa trước gió. Từ phía đường làng đi lại, một vài bác nông dân vừa đi vừa trò chuyện thật vui vẻ. Không khí buổi sáng ở cánh đồng thật trong lành mát mẻ làm sao. Vì là mùa hè nên chẳng mất bao lâu sau, nắng đã lên cao bao trùm khắp nơi. Những giọt sương cũng tan dần. Bầu trời trở nên xanh hơn và cao hơn, không có một gợn mây nào cả. Tiếng chim gọi nhau ríu rít nghe thật vui tai. Lúc này, cánh đồng như được bao phủ bởi một màu vàng thật ấm áp của nắng. Và của cả những bông lúa vàng ươm, trĩu nặng nữa. Mùi lúa thơm theo những cơn gió lan tỏa khắp cánh đồng. Em thầm nghĩ rằng vụ mùa này chắc hẳn sẽ lại là một vụ mùa bội thu của các bác nông dân đây. Cũng vào lúc này, các bác nông dân ra đồng làm việc nhiều hơn. Những chú trâu được thả đang thung thăng gặm cỏ ở phía đồi xa. Đàn cò trắng chao lượn vài vòng trên không rồi đáp xuống nghỉ ngơi, hết đàn này đến đàn khác. Mỗi người một công việc của mình, ai cũng thật bận rộn. Một không khí tươi vui hòa quyện tạo ra một bức tranh làng quê thật yên bình và tràn đầy sức sống. Em cùng ông đi dạo thêm một lúc nữa rồi trở về nhà. Bây giờ, có lẽ bà đã chuẩn bị xong bữa sáng cho hai ông cháu rồi. Mỗi lần về thăm quê, em luôn thích thú khi được cùng ông dạo quanh cánh đồng làng. Khi ấy, trong lòng em lại dâng trào một tình yêu tha thiết đối với khung cảnh tuyệt vời ấy.

3. Tả con sông quê hương: 

"Quê mỗi người chỉ một như là chỉ một mẹ thôi, quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người". Câu ca đó cứ âm vang mãi trong lòng em, nhắn gửi em về hình quê hương luôn hiện sâu trong tâm trí. Quê hương em không phải là thành thị, không có những nhà lầu san sát nhau, ô tô đi lại tấp nập trên đường. Quê hương em là một vùng quê nông thôn hết sức yên bình với những giọt mồ hôi tảo tần sớm trưa của người nông dân, với hàng lúa chín thơm ngọt khắp các cánh đồng, với những đám trẻ học sinh nô đùa khắp xóm. Và đặc biệt hơn là dòng sông mát lành của quê hương. Dòng trải dài từ đầu thôn đến sang thôn bên cạnh, là nguồn cung cấp nước dồi dào cho người dân ở thôn em. Dù là dòng sông chung nhưng mọi người rất có ý thức giữ gìn vệ sinh, vì thế nước dòng sông lúc nào cũng trong vắt. Hàng dừa hai bên bờ sông nghiêng mình soi bóng dưới dòng nước như đang làm duyên làm dáng trước vẻ đẹp của mình. Mùa hè, dòng sông một màu xanh ngắt, cái xanh không chút gợi sóng, cái xanh của mùa hè oi ỏ, nóng nực. Vào những hôm đột ngột bị mất điện, cả thôn kéo nhau ra ngồi dưới những rặng dừa hóng gió. Khung cảnh đó, sao lại bình yên đến lạ thường. Đám trẻ con trong xóm vô tư hồn nhiên nô đùa nhau không biết mệt, những người lớn ngồi nói chuyện ríu rít với nhau. Không gian bình yên đến lạ thường ấy lại cho tôi cái cảm giác khoan khoái, muốn được sống mãi trong cái khung cảnh ấy vậy. Vắt ngang qua dòng sông là cây cầu bằng gỗ do dân làng tự làm nên. Cây cầu có lẽ là nét đặc trưng của dòng sông, là con đường đi chính của mọi người trong thôn. Đưa mọi người nông dân ra con đường tắt bí mật của làng. Chúng em cũng từ cây cầu đó, sang bên kia bờ mà phát hiện ra một khu "căn cứ địa bí ẩn" của nhóm trẻ chúng em. Đó là một khu bãi đất trống rất bằng phẳng, rất thích hợp để lũ trẻ như chúng tôi tổ chức tụm năm, tụm bảy lại để chơi các trò chơi dân dã. Khung cảnh dòng sông vẫn in đậm trong tâm trí em, đó sẽ mãi là một miền kí ức tươi đẹp của tuổi thơ, là hành trang để em tiếp tục cất bước.

4. Tả cảnh hoàng hôn: 

Quê hương em là một ngôi làng nhỏ phía dưới chân núi. Nơi đây cuộc sống giản dị, con người chất phác, thật thà. Dù đi xa đến đâu, em vẫn luôn nhớ mãi từng hình ảnh ở quê hương mình. Nhưng nhớ nhất, chính là những buổi hoàng hôn của những ngày mùa đông. Vào những chiều đông lạnh giá, chỉ tầm năm giờ chiều là trời bắt đầu chuyển sắc, hoàng hôn buông dần xuống. Từ trên cao, ông mặt trời từ từ lùi về ngôi nhà nhỏ ở phía cuối chân trời. Bác đi xuống đến đâu, đất trời tối lại đến đó. Thoạt đầu là một sắc đỏ rực bao trùm lên mọi vật, khiến đất trời trở nên nhá nhem. Cũng là màu đỏ như lúc bình minh. Nhưng tông đỏ của buổi hoàng hôn như trầm lặng và nặng nề hơn rất nhiều. Những cơn gió theo đó bỗng chốc thổi nhanh và mạnh hơn, quét từng cơn rét buốt luồn vào da thịt. Trời về tối, nên càng thêm lạnh lẽo. Hàng tre đan thành bụi thành đàn, oằn mình chống lại gió rét. Trên bầu trời vắng tanh, bởi đàn chim đàn vội kéo nhau về tổ trước khi đêm đen sụp xuống. Tiếng dế, tiếng chim im phăng phắc. Cả không gian chỉ còn tiếng xào xạc của lá cây. Trên những con đường xi măng trong làng, các bóng đèn đường vàng cam ấm áp dần bật sáng lên. Lúc này, trời đã gần tối hẳn, chỉ còn thấy những vùng sáng tờ mờ trên nền trời sẫm xịt. Cây cối cũng chỉ còn là những hình khối đen nhẻm mà thôi. Và sương đêm cũng dần dần ướp xuống, rải đều lên mặt đường, lên mái nhà, lên ngọn cây. Những ngôi nhà gạch mái đỏ nhỏ bé, dần sáng đèn và đỏ lửa. Mọi người sung sướng ngồi cạnh nhau, sẻ chia cho nhau những ấm áp. Rủ rỉ cho nhau nghe những chuyện của ngày dài. Bên đống lửa, chú mèo mướp nằm ngủ gà ngủ gật. Góc cạnh đó, con chó mực cũng cuộn mình ngủ say. Ngoài đường, lác đác vài người đi làm về muộn, cúi gằm lao nhanh để mong sớm về nhà. Họ chạy vụt qua, để lại những vệt sáng trong đêm. Và rồi, trời tối hẳn, đất trời lạnh lẽo, yên ắng, chỉ còn tiếng lá rít gào, tiếng lá khô xào xạc. Tất cả mọi người đều đã yên vị trong mái ấm của mình. Thế là trời đã về đêm. Khung cảnh hoàng hôn của làng quê vào những ngày đông, mang đến cho em những cảm giác thật đặc biệt. Là rét, là tối đấy. Nhưng chính nhờ đó, cảm giác hạnh phúc khi được ôm  ấp chú mèo nhỏ, tựa vào lưng cha xem mẹ nấu cơm trong bếp mới càng thêm ấm áp. Những sung sướng mộc mạc, giản dị ấy chỉ có những buổi hoàng hôn mới đem về được.

5. Tả cảnh hồ nước:

"Chiều nay ghé Hồ Gươm

Ngắm Tháp Rùa rêu phủ

Hàng liễu xanh lá rủ

Soi bóng hồ… xôn xao"..

Câu thơ trên cứ âm vang mãi trong lòng em. Nó gợi lên niềm tự hào, yêu thương da diết một vùng đất ngàn năm văn hiến: Thăng Long - Hà Nội. Mảnh đất có bao nhiêu di tích lịch sử, cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Nhưng gần gũi, thân thương với em nhất chính là Hồ Gươm - viên ngọc xanh long lanh giữa lòng thành phố. Hồ Gươm là thắng cảnh nổi tiếng ở nước ta, hồ Gươm trong anh, ảnh đã đẹp, bên ngoài lại càng đẹp hơn. Nằm ngay trung tâm thủ đô, hồ Gươm mang một vẻ đẹp vừa tráng lệ, vừa cổ kính khiến người ta sững sờ. Hồ to, sâu, mặt hồ trong xanh, phẳng lặng như tấm gương khổng lồ phản chiếu cả bầu trời. Hồ Gươm gắn liền với truyền thuyết về cụ Rùa ngậm thanh kiếm của vua Lê Lợi trong lịch sử mà em từng được nghe bố kể, cái tên hồ Hoàn Kiếm cũng xuất phát từ câu chuyện ấy mà có. Xung quanh hồ, cây cối mọc um tùm, đều là những cây cổ thụ, cây hoa được trồng lâu năm. Ấn tượng với em nhất là những hàng liễu, hàng tre xanh mát nghiêng mình, rủ mái tóc xuống mặt nước như những người thiếu nữ đang soi bóng, làm duyên. Mỗi khi có cơn gió nhẹ thoảng qua, những chiếc lá lại lìa cành, chao liệng trong không trung rồi nhẹ rơi xuống mặt hồ như những chiếc thuyền nhỏ. Đi vòng quanh hồ, em được tham quan đền Ngọc Sơn, tháp Rùa, đài Nghiên,.. Cầu Thê Húc cong cong, đỏ rực như con tôm dẫn đường du khách đến với đền Ngọc Sơn cổ kính, uy nghiêm, trước cổng đền là cây đa cổ thụ đã nhiều năm tuổi, xanh mát, tỏa bỏng cả một khoảng đất. Đứng trên cầu Thê Húc, hướng mắt ra, ta có thể nhìn thấy tháp Rùa sừng sững ngay giữa hồ. Có thể nói, nhắc đến hồ Gươm, có lẽ không ai quên được hình ảnh của tháp Rùa, là biểu tượng của cả một quần thể di tích này. Tháp Rùa nằm trên một khoảng đất trống chính giữa hồ, ở những bức tường trắng của tháp, những khóm rêu phong nổi lên khiến tháp mang một vẻ đẹp đầy cổ kính, nghiêm trang. Ngày ngày, mỗi buổi sáng, người dân xung quanh thường ra bờ hồ tập thể dục, đến tối, hồ Gươm lại đông đúc du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, vui chơi, hóng mát. Ngay giữa lòng thủ đô tấp nập, ồn ã ấy lại có một hồ Gươm êm đềm, lặng lẽ ở đó suốt hàng nghìn năm lịch sử. Hồ Gươm không chỉ đẹp với vẻ đẹp vốn có của nó mà còn ẩn hiện trong mình một nét văn hóa, bản sắc dân tộc riêng, một trong những địa danh nổi tiếng nhất của đất nước ta. Đến thăm Hồ Gươm, em hiểu thêm được về lịch sử, về những truyền thuyết của ông cha ta, ngắm nhìn những công trình kiến trúc của dân tộc và tự hào hơn về truyền thống bản sắc của dân tộc Việt Nam ta. Có lẽ cho dù thế nào, hồ Gươm vẫn sẽ mãi là một địa danh nổi tiếng, ở lại trong lòng của mỗi người dân Việt Nam. Sau chuyến đi thăm quan Hồ Gươm, em đã gặt hái được cho mình nhiều điều mới mẻ, bổ ích và em hy vọng mình sẽ có dịp được trở lại hồ Gươm để chìm đắm trong cảnh sắc đẹp đẽ mà tráng lệ ấy.
    5 / 5 ( 1 bình chọn )